Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

BỎ THUỐC LÁ CÓ MUÔN LỢI

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

8748 E. Valley Blvd., Ste H

Rosemead, CA 91770

Tel: (626) 288-3306

 

Nhờ Obamacare, nhiều vị bây giờ mới có bảo hiểm, Medi-Cal. Có vị nói, “Chính phủ Mỹ thực tốt, biết làm gì để trả ơn họ bây giờ?”. Bỏ hút thuốc lá cũng là cách trả ơn chính phủ Mỹ thiết thực, vì tiếp tục hút, rồi đổ bệnh, bao tiền bạc của đất nước này lại phải đổ ra để chữa chạy cho người hút thuốc lá. Tiết kiệm tiền cho đất nước là bổn phận của mỗi người công dân chúng ta (cũng như California đang hạn hán, mỗi người có bổn phận phải tiết kiệm nước dùng).

Hút thuốc lá gây ra đủ thứ bệnh. Bỏ thuốc lá, rất có lợi. Lợi cho thể xác, lợi cho tinh thần (và cả túi tiền chung của gia đình, xã hội nữa).

Bỏ thuốc lá không bao giờ sợ đã quá trễ, còn bỏ làm gì nữa. Bỏ càng sớm lại càng lợi cho sức khỏe và phẩm chất cuộc sống.

Chắc chắn rồi, bỏ thuốc lá khiến chúng ta bớt bệnh tật và sống lâu hơn. Điều này đúng cả với trường hợp bạn đã hút thuốc suốt bao năm tháng, và hút nhiều. Người bỏ thuốc ít bị bệnh tim, tai biến mạch máu não, ung thư, bệnh phổi hơn người tiếp tục hút.

Nếu chúng ta đang bị một bệnh gây do hút thuốc lá, khi chúng ta bỏ thuốc, trong tương lai, dự hậu của bệnh cũng khá hơn. Thí dụ, người hút thuốc lá từng bị chết cơ tim cấp tính (heart attack), nếu bỏ thuốc, sẽ ít chết cơ tim cấp tính lần nữa hoặc mất mạng vì bệnh tim đến 25-50% so với người vẫn hút. Người hút thuốc rủi bị ung thư cũng vậy, bỏ thuốc, ít bị ung thư trở lại, ít xảy ra một bệnh ung thư loại khác nữa, và ít chết vì ung thư hơn.

Ngoài ra, bỏ thuốc, bạn cũng sẽ thấy kết quả tốt liền trước mắt. Cơ thể của bạn nồng nhiệt cám ơn bạn ngay phút bạn bỏ hút, và bắt tay vào việc sửa chữa các hư hoại do thuốc lá. Ngay trong ngày bạn giã từ thuốc lá, nhịp tim và áp huyết của bạn khá hơn, và các chất hóa học độc hại có trong khói thuốc bắt đầu rời cơ thể bạn. Rồi trong vòng vài tuần, sự tuần hoàn của máu trong cơ thể bạn khả quan, bạn không còn ho và khò khè nhiều như trước, đờm cũng thấy ít đi. So với người vẫn tì tì hút, người bỏ thuốc ít bị cảm, cúm, viêm ống phổi (bronchitis), sưng phổi (pneumonia) hơn.

Nếu bạn hút 20 điếu một ngày, và nay quyết chí bỏ hẳn, cơ chế sửa chữa trong cơ thể bạn sẽ xảy ra rất ngoạn mục.

Sau 2 tiếng đồng hồ, chất nicotine, tác nhân tai hại trong khói thuốc, bắt đầu rời cơ thể bạn.

Sau 12 tiếng, chất carbon monoxide, từ khói thuốc thấm vào máu bạn, đã hoàn toàn rời khỏi cơ thể bạn, máu bạn không còn bị chất carbon monoxide ức chế, sẽ mang dưỡng khí (oxygen) đến cho các cơ quan hữu hiệu hơn.

Trong vòng 1 tuần, bạn nếm thức ăn thấy ngon hơn, ngửi hương vị cuộc đời thấy nồng nàn hơn. Hơi thở, tóc, ngón tay, răng bạn sạch sẽ hơn, bớt mùi hôi. Sự tuần hoàn trong cơ thể bạn tiếp tục tiến triển theo chiều hướng tốt. Tất cả chất nicotine đã biến mất trong hệ thống cơ thể bạn, những triệu chứng khó chịu nhất do việc bỏ hút cũng dịu dần.

Trong vòng 1 tháng, niêm mạc lót lòng cơ quan hô hấp của bạn bắt đầu hồi phục và loại bỏ dần các đàm nhớt gây do thuốc lá. Mới đầu bạn sẽ ho ra đàm nhầy; đàm này có nhiệm vụ làm sạch phổi bạn, và giúp chống nhiễm trùng. Sau đó, bạn vui thấy mình ho ít đi. Nghẹt mũi, mệt mỏi, khó thở cũng giảm dần.

Sau 1 năm, nguy cơ chết cơ tim cấp tính và tai biến mạch máu não giảm và rồi giảm xuống thật nhanh trong vòng 2 đến 4 năm sau khi bỏ hút. Nguy cơ bị ung thư phổi cũng giảm, nhưng chậm hơn.

Sau 5 năm, nguy cơ tai biến mạch máu não của bạn xuống bằng với người không bao giờ hút thuốc.

Sau 10 năm, nguy cơ ung thư phổi của bạn chỉ còn bằng một nửa so người người vẫn hút thuốc.  

Sau 15 năm, nguy cơ bị bệnh hẹp tắc các động mạch nuôi tim (coronary artery disease) của bạn xuống ngang bằng với người không hút thuốc lá.

Ngoài ra, vì lý do nào đó, nếu cần được giải phẫu, một cơ thể không có khói thuốc lá sẽ lành nhanh hơn. Tương tự, rủi có bị ung thư, không có khói thuốc lá trong người bạn, bác sĩ dễ chữa bạn hơn, vì cơ thể bạn đáp ứng tốt với các cách chữa trị ung thư.

Sức khỏe tốt hơn là một trong những lý do vững nhất các bác sĩ dùng để khuyên bạn bỏ thuốc lá. Thêm vào đó, khi bạn nhất quyết ngưng hút, bạn cũng có thể thấy trước một cuộc sống nhiều phẩm chất hơn và một lòng tự hào đã bỏ được thuốc lá. Bạn cũng sẽ đỡ tốn tiền mua thuốc lá và tiền trả cho sự chữa trị các bệnh do thuốc lá gây ra.

Bỏ thuốc lá còn giúp môi trường trong gia đình bạn thành trong sạch trở lại, vợ con bạn hết hiểm nguy phải ngửi khói thuốc lá bạn thở ra, đồng thời, bạn làm gương tốt cho con cái, vì các cháu khi lớn lên ít hút thuốc nếu bố mẹ các cháu không hút. Phụ nữ mang thai đến tháng thứ 3 hay thứ 4, nếu nghỉ hút, vẫn còn kịp làm giảm nguy cơ cháu bé trong bụng ra đời thiếu cân.

Nếu nghỉ hút, muôn mối lợi sẽ đến với bạn. Vậy, xin hỏi, bạn còn chờ gì chưa quyết định bỏ thuốc lá?

 

BÍ QUYẾT BỎ THUỐC LÁ

 

Hút thuốc lá, tự tàn phá cơ thể, làm hại cả người chung quanh. Khắp thế giới đang dậy lên phong trào chống thuốc lá. Người hút thuốc nay bị cấm hút nhiều nơi.

Trong hồ sơ điện tử của bác sĩ, chi tiết người bệnh có hút thuốc lá hay không được đặt ở ngay đầu hồ sơ, cùng chỗ với những chi tiết ngày sanh của người bệnh, số điện thoại liên lạc, ngôn ngữ người bệnh thích dùng, …, để bác sĩ lúc mở hồ sơ ra xem luôn thấy ngay, và tiếp tục khuyên người bệnh bỏ thuốc lá mỗi lần họ tới khám.

Bỏ thuốc, sao không dễ?

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”

Cái nhớ thuốc lá chắc không kém cái nhớ thuốc lào, vì thuốc lá nay được xếp hạng ngang với rượu, cocaine, bạch phiến, trong việc gây nghiện ngập (tạo cảm giác sảng khoái, khi không có nó đâm khó chịu, khiến người ta cuống quít đi tìm và dùng nó). Chất nicotine có trong thuốc lá, nếu chích vào máu, gây những tác dụng cho cơ thể ta giống chất cocaine.

Có nhiều yếu tố trong và ngoài cơ thể khiến người ta phì phèo điếu thuốc trên môi, nhận diện được chúng, sẽ giúp ta bỏ thuốc lá dễ hơn.

Một người hút một gói thuốc lá mỗi ngày, mỗi năm, hít nicotine vào phổi khoảng 73.000 lần. Như thế, nicotine vào máu, rồi lên óc 73.000 lần. Mỗi lần lên óc, nicotine bám vào những “chỗ tiếp nhận nicotine” (nicotine receptors) hiện diện ở các dây thần kinh óc. Bám trụ nơi những chỗ tiếp nhận ấy, nicotine kích thích các dây thần kinh óc, làm tiết ra chất catecholamines, tạo cảm giác sảng khoái, bớt căng thẳng, và làm tăng sức chú ý. Khi lượng nicotine trong người xuống thấp, người nghiện thuốc lá thấy bứt rứt, khó chịu, khó tập trung tư tưởng, nên rít thêm hơi nữa, hoặc châm điếu khác.

Chất nicotine còn kích thích, làm tiết chất catecholamines ở khắp cơ thể, khiến các hoạt động của hệ thống thần kinh tự động giao cảm tăng lên. [Trong cơ thể ta có hai hệ thần kinh tự động, “giao cảm” (sympathetic autonomic nervous system) và “đối giao cảm” (parasympathetic autonomic nervous system). Chúng tác động đối nghịch, canh chừng, trung hòa lẫn nhau, giúp cơ thể ta hoạt động bình thường. Chẳng hạn, hệ thần kinh giao cảm làm tim ta đập mạnh, áp huyết tăng cao, mặt tái đi, tay chân run rẩy, ngược lại, hệ thần kinh đối giao cảm làm tim ta đập chậm lại, áp huyết thấp lại bình thường, tay chân bớt run]. Hệ thần kinh giao cảm, khi tăng hoạt động, tạo những cảm giác mạnh. Nên, ngoài các tác dụng trên óc, có thể nicotine gây nghiện một phần qua cơ chế làm tăng sự hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Nhiều người thích những cảm giác mạnh, nhất là khi tim đập nhanh, gây do nicotine.

Thêm vào đấy, những yếu tố bên ngoài cơ thể cũng hỗ trợ việc hút thuốc. Chơi với bạn hút thuốc, khó lòng không hút. Xã hội dễ dãi với việc hút thuốc, người ta hút nhiều, xã hội khó khăn, người ta nhụt bớt. Nhiều người cho rằng, sau bữa cơm, uống ly rượu, hút điếu thuốc, còn gì thú bằng. Có người, sau khi hoàn tất một công việc, tự thưởng mình điếu thuốc. Rồi, với những căng thẳng của cuộc sống, nhiều người không dám đương đầu, khi rít điếu thuốc lá, căng thẳng tạm thời tiêu tan.

Đặc biệt, nơi người đã nghiện, chất nicotine trong thuốc lá có tác dụng điều hòa tình cảm, tăng cường nhận thức và sức chú ý, đồng thời làm dãn nỡ các bắp thịt. Người nghiện thuốc lá bảo rằng hút thuốc lá đã lắm, vì thuốc lá an thần, vừa giảm bớt căng thẳng, vừa làm vơi cơn sầu. Nên người hút thuốc lá có cách để giữ lượng nicotine luôn cao trong cơ thể họ. Vờ hút thuốc lá có đầu lọc hầu tự đánh lừa mình rằng loại thuốc lá này nhẹ, có đầu lọc nên ít hại, nhưng họ sẽ hút nhiều hơn và hít vô phổi sâu hơn.

Một lý do khác khiến người hút thuốc khó giã từ khói thuốc, là vì mỗi khi bỏ hút, lại lên cân mất eo. Thuốc lá có tác dụng làm giảm cân, do làm tăng sự hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, thúc đẩy bộ máy cơ thể chạy nhanh hơn, tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Thêm vào đấy, thuốc lá cũng làm tăng sự biến dưỡng của chất mỡ trong cơ thể, cản không cho lên cân, hoặc khiến ngày càng còm đi.

Nicotine trong khói thuốc gây hiện tượng “quen thuốc” (tolerance) và “nghiện” (dependence). Điếu thuốc đầu ngày tạo tác dụng mạnh nhất, sảng khoái nhất. Trong ngày, cơ thể quen với thuốc, hút miết, cũng không còn đã như điếu đầu ngày. Nghiện là hiện tượng không có không được, nên khi lượng nicotine hơi xuống một chút trong cơ thể, người hút thấy khó chịu, phải hút tiếp, điếu này sang điếu khác. 20% số người mê thuốc lá (cứ 10 người, có 2 người), một ngày kia, nghe lời vợ, bỗng chia tay với thuốc lá cái một, không sao cả. Song, 80% những người hút thuốc còn lại, khi đột ngột bỏ thuốc lá, bị nó hành. Chỉ trong vòng vài giờ, người bỏ hút thấy trong người bứt rứt, khó chịu, căng thẳng, buồn bực, thiếu kiên nhẫn, thèm thuốc lá. Đồng thời, họ thấy mệt mỏi, kém linh hoạt, khó tập trung tư tưởng.

Triệu chứng do bỏ thuốc lá nặng nhẹ tùy người, khó chịu nhất khoảng 48 tiếng sau (2 ngày), rồi giảm dần trong vòng 2 đến 5 tuần lễ. Ăn ngon miệng và lên cân có thể tiếp tục kéo dài đến tuần thứ 10. 2 tuần đầu sau khi bỏ hút là khoảng thời gian quan trọng nhất, dễ làm người ta hút lại nhất, vì những khó chịu của cơ thể do việc bỏ hút gây ra. Bỏ được thuốc lá rồi, việc thèm hút lại có khi kéo dài đến vài tháng. Lúc đó, thèm hút thuốc lá lại thường là do hoàn cảnh bên ngoài, hơn là do những khó chịu của cơ thể. Chẳng hạn, gặp lại những ông bạn quí ganh tỵ thấy mình đã bỏ hút được, bàn nhau rủ đi nhậu, rồi phì phèo thuốc lá trước mặt mình (cũng may, nay thì khó rồi, vì luật Cali cấm hút thuốc lá trong quán ăn). Lúc ấy, thương cho các bạn còn vướng nghiệp thuốc lá, bạn can đảm khuyên mọi người theo gương bạn, cùng bỏ hút.

Bỏ thuốc lá

Khi quyết định bỏ thuốc lá, có hai vấn đề đặt ra: dứt bỏ thói quen và vượt thắng cái ghiền chất nicotine. Một số người tự mình nghỉ hút dễ dàng, đa số cần các giúp đỡ thêm để nghỉ hút.

Bạn dễ bỏ hút hơn nếu bạn dùng các phương cách giúp bỏ hút, đồng thời tìm sự nâng đỡ của người khác. Bây giờ người hút thuốc lá có nhiều lựa chọn, phương tiện giúp bỏ hút hơn trước: nhiều thuốc giúp khuất phục cái ghiền chất nicotine, và cũng nhiều nơi trong cộng đồng, qua điện thoại, trên internet cung ứng những dịch vụ khuyên nhủ, nâng đỡ tinh thần.

Nếu quyết tâm, bạn có thể bỏ hút thuốc lá chứ. Hiện ở Mỹ số người đã bỏ thuốc vượt trội số người còn đang hút. Quan trọng là bạn chọn một ngày nhất định nào đó để vĩnh biệt thuốc lá và sửa soạn cho ngày này. Việc khác là tìm cách giảm thiểu các triệu chứng gây do chất nicotine trong máu bạn giảm xuống khi bạn bỏ hút. Sau đây là vài phương cách những người đã từng bỏ thuốc lá họ thấy rất hữu ích:

Bạn chọn một ngày để nhất định bỏ thuốc. Cố tìm một khoảng thời gian nào bạn nghĩ sẽ không có nhiều căng thẳng trong cuộc sống của bạn.

Bạn nhớ cho mọi người thân biết ngày bạn sẽ nhất quyết bỏ thuốc. Bạn bè và gia đình có thể nhắc nhở, giúp bạn đừng quên ngày này.

Thuốc khi bỏ thuốc, bạn nhắm sẵn những hoạt động sẽ làm bạn thấy vui, khỏe khoắn, năng động, và bạn dự định một chương trình tham dự những hoạt động này ít ra trong vòng vài tuần đầu khi mới bỏ thuốc. Bạn sẽ cần có cái gì làm để tâm trí bạn lãng quên, không nghĩ đến thuốc lá nữa.

Khi bạn cảm thấy thèm châm một điếu thuốc lá, hãy hít thở sâu, mạnh vài cái và uống chút nước. Trong vòng một hai tuần đầu, bạn có thể phải cần đến phương cách này thường.

Bạn xem xét lại những lần bỏ thuốc thành công trước, và nhận diện những yếu tố đã từng giúp bạn thành công.

Bạn lập danh sách các lý do khiến bạn muốn bỏ thuốc (sức khỏe tốt hơn, cả cho toàn gia đình bạn nữa, bạn thấy vui thỏa khi dứt bỏ được con ma thuốc lá, …). Mỗi tối trước khi vào giường, bạn nhẩm nhắc đi nhắc lại một trong các nguyên nhân này 10 lần.

Bạn nhận biết các triệu chứng khó chịu do việc bỏ thuốc chỉ tạm thời và thường kéo dài khoảng 1-2 tuần thôi. Cố gắng đi bạn, thời gian 1-2 tuần này không lâu đâu và rồi bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Bạn biết rằng tuần đầu là tuần lễ khó khăn nhất vì cơ thể bạn còn đang phụ thuộc vào chất nicotine và các triệu chứng khó chịu do việc bỏ thuốc trong thời gian này sẽ mạnh nhất.

Bạn cũng nên biết đa số các trường hợp thèm hút thuốc lại xảy ra trong vòng 3 tháng đầu sau khi bỏ thuốc, nhất là khi có chuyện khiến bạn căng thẳng, hoặc khi bạn gặp gỡ một người quen còn đang hút.

Bạn đừng nản chí nếu chưa thành công khi cố dứt bỏ con ma thuốc lá, còn nhiều cách khác nữa bạn có thể thử.

Nhờ người khác giúp sẽ khiến triển vọng bỏ thuốc của bạn dễ thành công hơn. Hãy nói chuyện với gia đình và bạn bè bạn về ý định bỏ thuốc của bạn (cẩn thận tránh đừng tâm sự với những người còn đang hút mạnh, không có ý định bỏ, sợ họ sẽ xấu tính bàn ra chăng). Nếu có thể, bạn gia nhập một nhóm hỗ trợ việc bỏ thuốc (support group); đa số các nhóm này họ giúp đỡ miễn phí.

Bạn cũng nên hiểu rằng hầu hết những người đã bỏ thuốc thành công không phải ai cũng quyết bỏ một lần là được, thường cũng đã phải từng thử mấy lần. Nếu bạn lỡ châm một điếu thuốc trong lúc đang cố bỏ hút, đừng vội nản lòng, thất vọng, hãy nhanh chóng quyết định bỏ nữa.

Bạn hãy tìm cách thay đổi môi trường chung quanh bạn. Nhiều yếu tố bên ngoài tạo điều kiện cho cơn thèm thuốc của bạn trỗi dậy, nên tránh chúng. Chẳng hạn, đi ăn, bạn chọn tiệm ăn không cho hút thuốc lá, để bạn không bị điếu thuốc lá cám dỗ sau khi ăn.

Bạn tránh môi trường có khói thuốc lá.

Bạn đặt ra một chương trình vận động. Người năng vận động bỏ thuốc lá dễ thành công hơn người không vận động. Vận động cũng giúp bạn tránh lên cân khi bỏ thuốc, đồng thời tăng cường năng lực cho bạn.

Bạn ăn một thực phẩm lành mạnh nhiều rau sống, và uống 8 ly nước mỗi ngày.

Bạn tránh rượu, cà phê và các thức uống có chứa chất cà phê, vì những thức này có thể khiến bạn thèm có lại chất nicotine trong cơ thể.

Chính phủ muốn mọi người chúng ta bỏ thuốc lá; là những công dân tốt, chúng ta hãy làm theo ý chính phủ, vừa lợi cho mình, khỏi hại cho cộng đồng, vừa đỡ tốn tiền của đất nước này phải bỏ ra để chữa những bệnh của chúng ta do thuốc lá gây ra. Hãy trả ơn cho đất nước bao dung này bằng những việc nhỏ trước, như bỏ hút thuốc lá.

Bài sau, chúng ta sẽ bàn đến các thuốc giúp bỏ thuốc lá.

(Viết theo tài liệu “Tips for Quitting” trên website www.patientedu.org của trường Đại Học Y Khoa Harvard.)

 

CÁC THUỐC GIÚP

BỎ THUỐC LÁ

 

Thuốc chứa chất nicotine

Thuốc giúp bỏ thuốc lá chứa chất nicotine dùng dưới các dạng kẹo nhai, ngậm, dán da, xịt vào mũi, hít vào phổi. Dạng kẹo nhai, ngậm, dán da không cần toa bác sĩ, còn hai dạng thuốc xịt vào mũi, hít vào phổi cần toa bác sĩ.

Thuốc chứa chất nicotine tác dụng bằng cách đưa vào máu chất nicotine để giúp người bỏ thuốc bớt các triệu chứng xảy ra do việc bỏ thuốc. Không giống như thuốc lá hút vào, lượng nicotine trong máu lúc cao lúc thấp, thuốc chứa chất nicotine khiến lượng chất nicotine trong máu rất đều, và tất nhiên, dùng thuốc, trong máu người bỏ hút không có các chất độc khác như khi còn đang hút thuốc lá.

Theo thống kê, dùng thuốc chứa chất nicotine, dạng kẹo nhai (gum) hay dán da (patch), người bỏ thuốc tăng triển vọng thành công lên gấp đôi. Với các dạng thuốc nicotine mới hơn (kẹo ngậm, xịt vào mũi, hít vào phổi), người ta chưa rõ chúng có giúp nhiều như kẹo nhai và miếng dán da hay không, nhưng có lẽ chúng cũng hữu hiệu như vậy.

Thuốc chứa chất nicotine có nhiều lượng. Lượng cao nhất dùng khi mới bắt đầu bỏ thuốc, ngay sau điếu thuốc lá cuối cùng, sau đó từ từ giảm xuống các lượng thấp hơn, và thời gian dùng thuốc nên được tiếp tục từ 8 đến 12 tuần. Thuốc cần được dùng đều, không nên chỉ dùng khi bạn cảm thấy thèm hút lại.

Chỉ 1/4 số người dùng thuốc chứa chất nicotine thành công, dứt bỏ được con ma thuốc lá. Vì thuốc chứa chất nicotine chỉ làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu khi bỏ thuốc lá, nhưng không giúp chúng ta dứt bỏ được thói quen cầm điếu thuốc đưa lên môi, và cả những phụ thuộc tinh thần vào thuốc lá bao năm đã thành thói tật. Cơ hội thành công sẽ tăng gấp đôi nếu chúng ta phối hợp thuốc chứa chất nicotine với những bí quyết bỏ thuốc như đã bàn trong bài trước, đặc biệt với những nâng đỡ tinh thần từ bạn bè, gia đình, các nhóm hỗ trợ việc bỏ thuốc (support group).

Hơn một phần ba số người dùng thuốc chứa chất nicotine sau lại đâm ghiền và phụ thuộc vào thuốc, y như ghiền thuốc lá vậy. Dầu sao thì cũng tốt hơn là ghiền thuốc lá, nhưng vẫn có hại nếu người ghiền thuốc chứa chất nicotine mang bệnh tim, hoặc nếu là phụ nữ sau đó mang thai.

Thuốc chứa chất nicotine an toàn cho hầu hết người dùng thuốc. Tuy nhiên phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, và người mang bệnh tim nên thảo luận với bác sĩ xem mình có nên dùng thuốc hay không. Cũng vậy, nếu bạn có đau ngực hoặc gần đây thấy tim đập không đều, tim đập nhanh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Chuyện người muốn cai thuốc lá đang dùng thuốc chứa chất nicotine thỉnh thoảng thấy thèm, châm điếu thuốc đưa lên môi hút lại cũng hay xảy ra. Làm vậy cũng không có gì nguy hiểm lắm, trừ việc làm vậy, bạn có thể trở lại thói quen hút thuốc, và nỗ lực bỏ thuốc lá của bạn trở thành công cốc rất uổng. Tuy nhiên, cả thuốc chứa chất nicotine và thuốc lá hút vào đều chứa chất nicotine, nên nếu bạn làm vậy thường, trong người bạn sẽ có nhiều chất nicotine quá, có thể nguy hiểm cho hệ thống tim mạch của bạn. Vậy, nếu dùng thuốc chứa chất nicotine không thấy có kết quả, bạn vẫn thèm và tiếp tục hút, và tính ra lượng nicotine trong cơ thể bạn do thuốc lá hút vào ngang với lượng nicotine do thuốc chứa chất nicotine cung cấp, bạn nên ngưng thuốc chứa chất nicotine. Chúng ta sẽ kiếm cách khác. Và cũng xin nhắc, ngay khi bạn dùng thuốc chứa chất nicotine để bỏ hút, bạn nên ngưng ngay việc hút thuốc lá.

 

Varenicline

Năm 2006, thuốc Varenicline (Chantix) được Cơ Quan Kiểm Soát Thực và Dược Phẩm (FDA) chấp nhận cho dùng để giúp người muốn cai thuốc lá bỏ hút. Thuốc cần toa bác sĩ.

Thuốc có hai tác dụng. Tác dụng của thuốc hơi giống các tác dụng của chất nicotine, vì thế khi dùng thuốc, người muốn bỏ thuốc lá bớt thèm hút và ít bị các triệu chứng xảy ra do bỏ hút. Mặt khác, nó lại phần nào ngăn chặn tác dụng của nicotine, khiến người hút thuốc lá khi rít khói thuốc vào phổi không còn thấy sảng khoái như trước nữa.

Không nên dùng Varenicline chung với các thuốc chứa chất nicotine.

Thuốc dạng viên ngày uống hai lần sau khi ăn với một ly nước đầy. Tuần đầu có thể bác sĩ sẽ thử dùng thuốc với lượng thấp cho bạn để tránh các tác dụng phụ của thuốc. Sau 1-2 tuần uống thuốc, thuốc đã đều trong máu bạn, đây là thời điểm tốt nhất để bạn ngưng hẳn thuốc lá.

Varenicline có thể giúp bạn cai hẳn thuốc lá sau 12 tuần. Sau đó, bác sĩ sẽ có thể tiếp tục biên toa cho bạn mua và dùng thuốc nếu bạn còn cần đến nó và không có phản ứng phụ khó chịu nào xảy ra cho bạn.

Thuốc có thể khiến bạn buồn nôn, triệu chứng này nhẹ thôi và giảm dần theo thời gian.

Các phản ứng phụ khác: nhức đầu, ói mửa, đầy hơi, khó ngủ, nằm mơ, vị giác đổi khác. Đến nay, các khảo cứu cho thấy dùng về lâu về dài, thuốc không gây phản ứng gì nguy hiểm, tuy vậy, vẫn cần thêm các khảo cứu nữa để xác định điều này. Hiện tại, chưa đủ khảo cứu để xem thuốc Varenicline nếu dùng chung với các thuốc chứa chất nicotine có an toàn không.

 

Bupropion

Bupropion (Wellbutrin SR, Zyban) thuộc nhóm thuốc chống sầu buồn (antidepressants), được FDA chấp nhận cho dùng vào việc giúp cai thuốc lá. Bupropion khiến người bỏ thuốc lá bớt thèm hút lại. Thuốc cần toa bác sĩ.

Thuốc có thể dùng chung với các thuốc chứa chất nicotine.

Sau khi uống Bupropion 1-2 tuần, bạn bắt đầu bỏ hẳn thuốc lá. Bác sĩ tiếp tục dùng thuốc cho bạn tất cả 8-12 tuần. Bạn chớ tự ngưng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc: khó ngủ, cảm thấy căng thẳng, bứt rứt, khô miệng, thay đổi khẩu vị, nhức đầu, tiêu chảy, chóng mặt, da nổi mẩn. Thuốc uống vào có thể nguy hiểm nếu bạn đang mang bệnh kinh giật (seizure disorder). Trước khi uống Bupropion, bạn nhớ cho bác sĩ biết các thuốc bạn đang dùng, kể cả các thuốc chống sầu buồn khác nếu có.

Thuốc không nên dùng cho người có bệnh kinh giật, ăn không ngon, uống rượu nhiều, hoặc có chấn thương đầu.

Nhiều phương cách khác, như châm cứu và thuốc cây cỏ, được quảng cáo là giúp cai thuốc lá. Theo các khảo cứu khoa học, tất cả những phương cách không chính thống này vô hiệu. Tuy nhiên, vì chuyện hút thuốc lá gây quá nhiều hậu quả, nên nếu bạn muốn, bạn có thể thử các phương cách này cũng được, nhưng nhớ cho bác sĩ biết trước khi bạn quyết định dùng chúng thử xem sao (và nhớ đừng để bị dỗ vào những chỗ họ dụ bạn bỏ ra nhiều tiền). Nếu không kết quả, bạn đừng nản chí, chúng ta trở về với các phương cách chính thống của y học đã được chứng minh là tốt.

 

“Thuốc hút điện tử”

Nhiều người bây giờ quay sang hút “thuốc hút điện tử” (Electronic cigarettes, e-cigarettes, thổi hơi nicotine bốc lên để người hút hít vào phổi) vì thấy quảng cáo “thuốc hút điện tử” chứa ít chất nicotine hơn thuốc lá, hoặc không chứa nicotine, có thể giúp bỏ thuốc lá. Thực ra, theo cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những chất có thể gây ung thư đã từng được tìm thấy trong “thuốc hút điện tử”, và chất nicotine được tìm thấy ngay cả trong các “thuốc hút điện tử” quảng cáo là không có chứa chất nicotine. Việc chế tạo các “thuốc hút điện tử” hiện chưa bị FDA kiểm soát, luật lệ ràng buộc, các hãng chế tạo ai muốn chế sao còn được tùy ý, nên những chất chứa trong “thuốc hút điện tử” do các công ty khác nhau chế ra không dồng nhất; hơn nữa, chưa có những khảo cứu đầy đủ về sự an toàn cũng như hiệu nghiệm của “thuốc hút điện tử”. Thế nên, cho đến nay, “thuốc hút điện tử” chưa được chính thức xem là một trong những phương cách giúp bỏ hút thuốc lá.

Bao công trình nghiên cứu tốn kém đã đổ ra để giúp bạn cai thuốc lá. Bỏ hút đi thôi, bạn ơi!

(Theo tài liệu giúp cai thuốc lá của trường Đại Học Y Khoa Harvard trên trên website www.patientedu.org.)