GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM
THUYỀN NHÂN VIỆT NAM
BỊ PHÁ BỎ
Bài của FADLI, THE JAKARTA POST, BATAM
Nội dung Bia Tưởng Niệm:
Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do (1975-1996). Dù họ chết vì đói khát, vì bị hảm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại, năm 2005.
Tượng đài đã bị phá ở Galang (ảnh nhận ngày 16/5/2005)
Hội Đồng Quản Trị Dự An Phát Triển Kỹ Nghệ Batam (viết tắt theo tiếng Anh là BIDA), đã tháo gỡ một tấm biển đá lớn do các thuyền nhân Việt Nam cũ dựng lên tại đảo Galang, thuộc tỉnh Riau, Indonesia, từng có thời là một trại tị nạn. Tấm biển tưởng niệm nay đã bị bỏ đi theo lời yêu cầu của vị chủ tịch nước Việt Nam dựa trên lý do rằng tấm bia là một xúc phạm tới Việt Nam.
Tấm biển tương niệm bề ngang 3 mét và chiều cao 1 mét này được khánh thành vào ngày 24 tháng 3 giữa lúc đang có cuộc hội ngộ của 150 người nằm trong số những người trước đây là dân tị nạn Việt Nam mà hiện nay đang cư ngụ tại nhiều quốc gia khác nhau, kể cả Úc, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sĩ Và Pháp. Cuộc hội ngộ và công trình xây dựng tấm bia tưởng niệm là sáng kiến của Dự Án BIDA và Công Ty Bold Express của Singapore là công ty đứng làm trung gian giữa các thuyền nhân cũ và BIDA.
Một nguồn tin ẩn danh cho báo Jakarta post biết rằng việc phá bỏ tấm biển tưởng niệm đã được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Susilo, đó là theo tin từ Bộ Ngoại Giao Indonesia, và thể theo lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Quan điểm của chính phủ Việt Nam là lời lẽ viết trên tấm biển làm giảm giá trị của Việt Nam.
“Vấn đề này dính dáng tới quan hệ giữa chính phủ này và chính phủ kia, và tôi không có quyền bình luận. Theo tôi, tấm biển đã bị tháo gỡ sau khi chính phủ Việt Nam than phiền với Tổng Thống Susilo”, một nguồn tin chính phủ Indonesia cho biết như vậy.
Trong khi đó, cái khung bằng bê-tông chứa tấm biển vẫn còn đứng đó. Tuy nhiên, tấm bia cẩm thạch thì đã bị phá đi rồi.
Một số du khách viếng thăm công viên và các nhân viên làm việc tại đó đều tỏ ra ngạc nhiên trước việc tháo gỡ tấm biển. Một công nhân bảo trì tại trại tỵ nạn cũ, tên là Mursidi, nói với tờ Post rằng ông và ba công nhân nữa bất thình lình đã được lệnh phải phá bỏ tấm biển. Tuy nhiên, Mursidi, nay đã gần 60 tuổi, cho biết ông không nhớ chính xác ngày nào họ đã thi hành lệnh phá bỏ đó.
Mursidi, người đã làm việc tại nơi này kể từ lúc trại tỵ nạn vẫn còn mở cửa cho tới nay, kể lại: “Khoảng chừng cuối Tháng Năm thì chúng tôi được yêu cầu phải tháo bỏ tấm biển kia đi. Lúc đó, đã xế chiều rồi, và trời đang mưa nặng hạt. Nhưng người đốc công bảo tôi ràng tấm biển phải được tháo gỡ đi ngay, vì thế chúng tôi phải dựng một mái lều trùm lên tấm biển để có thể làm việc bất kể cơn mưa".
Mursidi nói thêm rằng ông cũng được người đốc công tại trụ sở của BIDA ở Batam yêu cầu hãy chép lại lời lẽ được ghi trên tấm biển trước khi tháo bỏ đi.
Lời lẽ ghi trên tấm biển như sau: “Để tưởng niệm hằng trăm ngàn dân chúng Việt Nam đã chết trên đường đi tìm tự do (1975-1996). Dù những người này đã chết vì đói khát, hay bị hãm hiếp, hay bị kiệt sức hay vì bất cứ nguyên do nào, chúng tôi cũng cầu nguyện cho họ được yên bình vĩnh cửu. Những hy sinh của họ sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên. - CÁC CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI 2005”.
Mặt bên kia tấm biển viết: “Để nhớ ớn các nỗ lực của Phủ Cao Uy Tị Nạn Liên Hiệp
Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ Indonesia và các tổ chức cứu trợ quốc tế khác cùng những quốc gia đã cung cấp nơi tạm trú đầu tiên cũng như nơi tái định cư. Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân đến hằng nghìn cá nhân khác từng làm việc hết mình đề giúp đỡ người tị nạn Việt Nam - CÁC CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI 2005”.
Mursidi nói thêm: "Họ còn nói rằng lệnh gỡ bỏ tấm biển là do ông Pak Ismeth Abdullah (cựu chủ tịch BIDA) đưa ra, bởi vì chính ông là kẻ khuyến khích phải xúc tiến thực hiện cuộc hội ngộ của các cựu thuyền nhân. Tôi cũng không biết đâu là lý do thật sự đằng sau việc tháo gỡ tấm biển đó. Tôi chỉ là một nhân viên thường mà thôi."
Nhưng khi được tiếp xúc qua điện thoại, ông Ismeth Abdullah đã biểu lộ nỗi nghi ngờ và tức giận khi hay tin chính ông bị quy trách là đã ra lệnh gỡ bỏ tấm biển.
Ông Ismeth lên tiếng: “Thật là láo khoét. Chúng tôi đã chi tiêu một số tiền lớn để làm cho cuộc hội ngộ (của các thuyền nhân cũ) thành công. Như thế mà người lại dám tố cáo tôi là phá hoại tấm biển. Điều này chẳng đúng chút nào hết."
Bà Anne Oh, điều hợp viên dự án Bold Express, nói rằng chính phủ Việt Nam đã yêu cầu phải dẹp bỏ chẳng những tấm biển trên đảo Galang mà còn cả tấm biển tương tự như thế tại trại tị nạn cũ của thuyền nhân Việt Nam trên đảo Bidong ở tiểu bang Terengganu của Mã Lai Á nữa. Yêu cầu này hiện vẫn còn đang được bàn cãi sôi nổi tại Mã Lai Á, bà nói vậy.
Ghi nhận từ ngày 24-3-2005