Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

Trước thềm năm Mậu Tý  (2008) xin được ôn lại tuần tự một số năm Tý mang nặng dấu ấn trên dòng lịch sử Việt của chúng ta kể từ ngày lập quốc tới nay.

 

1.- Năm Tý 2877 trước Tây lịch :

Theo truyền thuyết, nước Văn Lang được thành lập vào năm Nhâm Tuất  (2879 Trước Tây Lịch). Như vậy là năm Giáp Tý (2877 trước Tây Lịch) là năm Tý đầu tiên tới với dân tộc Việt chúng ta sau hai năm lập quốc.

 

2.- Giáp Tý (544)  :

Năm Giáp Tý này chính là năm Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân

Lo sửa sang việc nước, trù tính một sự nghiệp lâu dài. Nhưng tiếp đó vào năm Ất Sửu (545) vua nhà Lương cho Dương Phiên làm Thứ Sử Giao Châu và sai Trần Bá Tiên thống lĩnh đại quân sang đánh nước ta. Lý Nam Đế thua quân phải bỏ thành Long Biên chạy về Phong Châu, sau đó lại một lần nữa rút quân lên đóng ở động Khuất Liêu thuộc Hưng Hoá.

Sau trận thua ở hồ Điển Triệt , Lý Nam Đế giao binh quyền cho Tả Tướng quân Triệu Quang Phục  chống giặc ở mạn Trung châu ; nhà vua lui về giữ động Khuất Liêu.

Năm Mậu Thân (548) Lý Nam Đế bị bệnh mà mất.

Vua Tự Đức có viết về Lý Nam Đế trong Khâm Định Việt sử đại ý như sau :

Tuy Lý Nam Đế không đủ sức chống chọi với giặc mạnh, việc lớn không thành, nhưng thừa thế dấy binh, tự xưng vương đế mở đường cho nhà Đinh, nhà Hậu Lý về sau này há chẳng phải là vẻ vang to tát lắm sao !

 

3.- Từ Năm Kỷ Mùi (1079) Đến Năm Giáp Tý (1084) Tống Trả Đất Quảng Nguyên Về Cho Đại Việt.

Lý Thường Kiệt (1019  1105) danh tướng triều Lý, bắc đánh Tống, nam bình Chiêm đã làm rạng rỡ một thời cho Tổ quốc.

Năm Kỷ Dậu (1069), khi vua Lý Thánh Tôn thân chinh điều khiển quân sĩ đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt được chọn làm Đại tướng đi tiên phong. Thắng trận tại sông Tu Mao, chiếm kinh đô Phật Thệ xong, Lý Thường Kiệt bèn đem quân đuổi bắt được vua Chế Củ. Nhờ chiến thắng này, nước ta thêm được đất 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh do Chế Củ dâng để chuộc tội. Như vậy, Lý Thường Kiệt đã mở đường Nam Tiến sau này  cho các đời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn.

Năm Ất Mão (1075) vì biết vua Tống Nhân Tôn nghe lời tâu của tể tướng Vương An Thạch đang sửa soạn gấp binh lương để đánh nước ta, Lý Thường Kiệt liền kéo chừng 10 vạn quân vào đất Tàu, lấy danh nghĩa sang giải phóng cho dân Trung hoa khỏi nạn Vương An Thạch,  nhưng chủ yếu là để phá huỷ những địa điểm tích luỹ lương thực trong nội địa Trung Hoa.

Lý Thường Kiệt lĩnh thuỷ quân đánh vào ven biển Quảng Đông, hạ được Châu Khâm năm Ất Mão (1075), chiếm Châu Liêm, ngày 23-11 năm Ất Mão, một cách dễ dàng. Về phần tướng Tôn Đản dẫn bộ binh đánh Ung Châu ; Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết vội đem binh đến cứu Ung Châu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở Côn Lôn Quan ( gần Nam Ninh), Trương Thủ Tiết chết tại trận tiền vào ngày 4 tháng Giêng năm Bính Thìn (1076). Trong khi đó ngay tại Ung Chân, Tôn Đản cố sức vây thành, quan giữ thành là Tô Đam cùng người nhà đều tử tiết. Quân Nam vào thành hạ thủ trên 5 vạn người.

Lấy xong Ung Châu Lý Thường Kiệt kéo quân lên phía Bắc. Viên quan trấn nhậm Tân Châu bỏ thành chạy trốn.

Sau đó, hay tin Vương An Thạch sắp sai bọn Quách Quì, Triệu Tiết cử đại đội binh mã cùng hội với Chiêm Thành và Chân Lạp chia đường cùng tiến quân sang nước ta để báo thù. Lý Thường Kiệt hạ lệnh lui quân về để bố trí phòng thủ sẵn sàng chống cự với giặc Bắc. Tháng chạp năm Bính Thìn (1076), quân Tống kéo vào nước ta ; Lý Triều cử Lý Thường Kiệt đem binh cự địch.. Nhưng lần lươt ải Quyết Lý rồi huyện Quan Lang thất thủ, quân Tàu xuống đóng dọc theo bờ sông Như Nguyệt ( tức Sông Cầu) từ địa phận huyện Hiệp Hoà qua huyện Việt Yên đến chân núi Nham Biền huyên Yên Dũng.

Lý Thường Kiệt rốc toàn lực chống giữ, cho đắp đê bờ Nam sông Cầu thành một bức trường thành để ngăn đường quân Tống tiến về Thăng Long.

Giặc Bắc muốn vượt qua sông ở bến đò Như Nguyệt. Hai bên giáp chiến rất kịch liệt. Để cổ võ binh sĩ, Lý Thường Kiệt bố trí người núp trong đền Trương Hát ở bờ Nam cửa sông Như Nguyệt giả làm thần dân cất lời mắng giặc vào lúc đêm khuya bằng 4 câu thơ:

 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lộ lai xâm phạm

Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư

 

Bản dịch của Nguyễn Đổng Chi :

 

Nước Nam Việt có vua Nam Việt

Trên sách Trời chia biệt rành rành

Cớ sao giặc dám dòm hành

Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi.

 

Nhờ vậy quân ta phấn khởi đánh giặc và đẩy lui được quân Tống.

Tiếp đó, quân Lý đổ bộ lên bắc ngạn sông, nhưng tại Kháo Túc đã bị thua quân, phải rút lui. Bên Tống cho bắn đá xuống như mưa, thuyền đắm rất nhiều, hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn bị chết đuối, quân sĩ tử trận kể hàng ngàn.

Lý Thường Kiệt lại trở về đóng giữ bờ Nam sông Như Nguyệt. Quách Quì không dám vượt qua sông để tấn công.

Lý Triều sợ đánh lâu không lợi, bèn cho Sứ sang Tống cầu hoà. Về phía Tống cũng thấy là đã đánh lâu ngày mà không vượt được qua sông Phú Lương, lại thêm có nhiều người chết vì không hợp thuỷ thổ - có tới 8 vạn phu vận lương và 2 vạn chiến binh chết vì lam chướng, lại còn thiếu lương thực nữa, nên đành phải nghe lời tể tướng Ngô Sung. - người thay thế Vương An Thạch - thuận hoãn binh lui về, nhưng vẫn chiếm giữ châu Quảng Nguyên ( bây giờ là Cao Bằng), châu Tư Lang (nay là chau Thượng  Lang và châu Hạ Lang tỉnh Cao bằng) Châu Tô, châu Mân (ở giáp giới tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn) và huyện Quan Lang (Ông Châu, tỉnh Lạng Sơn) Mãi về sau này, từ năm Kỷ Mùi (1079) đến năm Giáp Tý (1084) Tống mới lần lượt trả đất Quảng Nguyên về Đại Việt. Từ đó nước ta và nước Tàu lại thông hiếu như trước.

Lý Thường Kiệt, sau khi đánh lui quân Tống được cất lên ngang hàng với các Hoàng Tử và vẫn giữ chức Tể tướng, cho đến khi vua Lý Nhân Tôn giao chức Tể tướng cho Lê Văn Thịnh.

Năm Nhâm Tuất Lý Thường Kiệt được ủy vào giữ trấn Thanh Hoá và được hưởng lộc một vạn hộ ở Việt Thường.

Ở Thanh Hoá 19 năm  đến năm Tân Sửu (1101), sau đó ông được vua Lý gọi về Kinh để kiêm chức Nội Thị Phân Thủ Đô áp Nha Hành Điện Nội Ngoại Đô Trị Sự.

Năm Qúi Mùi (1103), ở Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An có Lý Giác làm phản, Lý Thường Kiệt vào đánh, Lý Giác thua chạy sang Chiêm Thành xúi giục quốc vương Chế Ma Na đến chiếm lại các đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính mà Chế Củ đã nhường ngày trước. Chế Ma Na liền nghe theo.

Tháng 2 năm Giáp Thân (1104), Lý Thường Kiệt vâng mạng đem quân vào đánh. Quân Chiêm thua, Chế Ma xin trả lại 3 châu như cũ.

Đi đánh Chiêm Thành về được một năm thì Lý Thường Kiệt mất, hưởng thọ 86 tuổi.

Đền thờ Lý Thái Úy Tôn Thần được dựng ở nhiều nơi - đền chính ở Ngọ Xá, phủ Hoà Trung (Thanh Hoá), còn một đền ở huyện Kim Động (Hưng Yên) và một đền khác nữa ở huyện Vĩnh Thuận gần trường đua ngựa Hà Nội -.

 

4.- Năm Bính Tý (1096)Với Thái Úy Mục Thận :

Mục Thận vốn làm nghề đánh cá, vì cứu được vua Lý Nhân Tôn khỏi sự mưu hại của Thái sư Nguyễn Văn Thịnh vào năm Bính Tý (1096) tại Tây Hồ nên được phong làm Đô úy Tướng quân và ban thưởng đất Dâm Đàm làm thực ấp. Đến đời Trần lại được tăng chức Thái Úy Trung Duệ Vũ Lượng Công.

 

5.- Năm Mậu Tý (1288) Với Danh Tướng Nguyễn Khoái Đời Trần :

 - Hồi Mông Cổ xâm nhập nước ta, vào khoảng Thế kỷ XIII, ông quản lĩnh Thánh-dực Nghĩa-dũng quân tận lực điều binh khiển tướng chống giặc và lập được nhiều công trận lẫy lừng :

-Đuổi Thoát Hoan ở trận Vạn Kiếp vào năm Ất Dậu (1285).

-Cả phá giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng vào năm Mậu Tý (1288).

Khi dẹp xong nạn ngoại xâm, vua Trần Nhân Tôn phong ông Tước Hầu, cho hưởng lộc một làng Khoái Lộ - tức phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên ngày nay.

 

6.- Năm Bính Tý (1336) Với Nhà Ngoại Giao Đoàn Nhữ Hài :

Đoàn Nhữ Hài, nhà chính trị và cũng là nhà ngoại giao có biệt tài dưới các triều vua Trần Anh Tôn (1293-1314), Trần Minh Tôn (1314-1329) và Trần Hiến Tôn (1329-1341). Ông là người ở Trương Tân, Hồng Châu. Nhân đang trọ học ở Thăng Long, nhờ làm giùm bài biểu tạ tội cho vua Anh Tôn để đệ lên Thượng Hoàng Nhân Tôn, ông được thăng Tham-Tri  Chính-Sự Tri-Khu Mật Viện Sự.

Niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312), theo đại quân chinh phạt Chiêm Thành, giữ chức Chiêu Dụ Sứ, đến trại Câu Chiêm, ông dùng lời khôn khéo dụ được Chiêm chúa về hàng.

Đời Trần Hiến Tôn, niên hiệu Khai hữu thứ 8 (Bính Tý 1336) vì có một số người Ai Lao sang quấy phá ở ấp Nam Nhung ( Nghệ An) Thượng hoàng Minh Tôn phải thân chinh đi dẹp giặc, Đoàn Nhữ Hài bấy giờ đang giữ chức Kinh Lược đại sứ tỉnh Nghệ an, được cử làm Đô Đốc Chư quân, vì khinh địch ông qua sông Tiết La, gặp lúc sương mù, quan quân bị phục binh Lào đổ ra giết hại rất nhiều. Đoàn Nhữ Hài cũng bị tử trận vào dịp này  năm Bính Tý (1336) - đời Trần Hiến Tôn.

 

7.- Năm Mậu Tý (1408) Với Giản Định Đế Đời Hậu Trần :

Giản Định Đế tên huý là Trần Quĩ  vua nhà Hậu Trần  Ông xưng đế năm 1407 và mất ngôi vào năm 1409. Ông là con thứ của vua Trần Nghệ Tôn.

Trước dã tâm của bọn quân Minh muốn đặt đô hộ trên đất nước ta, Giản Định Vương Trần Quĩ khởi binh tại Mô Độ (thuộc làng Yên Mô, Thái bình) để chống lại chúng và được anh hùng khắp nơi theo giúp  như Trần Triệu Cơ, Đặng Tất …

Vào năm Đinh Hợi (1407) Trần Quĩ xưng đế để nối nghiệp nhà Trần, đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Lúc đầu thua quân nên phải chạy vào Nghệ An. Đến tháng Chạp năm Mậu Tý (1408) Giản Định Đế hội tất cả quân Thuận Hoá, rồi tiến đánh Đông Đô, khí thế hết sức mạnh mẽ.

Tướng Tàu là Mộc Thạch từ Vân Nam đem 4 vạn quân sang hiệp với Đô Chưởng là Lữ Nghị lo việc đánh dẹp. Tại Bồ Cô - thuộc xã Hiến Cổ huyện Phong Doanh   quân ta đã thắng được một trận lẫy lừng : Lữ Nghị bị giết tại trận tiền, còn Mộc Thạch và nhóm tàn quân chạy thoát về thành Cổ Mộng  nay là làng Bình Cách thuộc Ý Yên.

Sau trận thắng này, Giản Định Đế nghe lời nói gièm, giết các công thần là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân nên lòng người phân tán không còn muốn giúp nhà vua nữa. Bấy giờ con ông Đặng Tất là Đặng Dung, con ông Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị bỏ vua về rước cháu vua Nghệ Tôn là Quí Khoách đưa vào huyện Chí La  -  tức là huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh  tôn lên làm vua - tức là vua Trần Trùng Quang.

Vua Giản Định đương chống nhau với quân Minh ở thành Ngự Thiên thuộc huyện Hưng Nhân thì bị tướng Nguyễn Súy của vua Trùng Quang ra đánh lén bắt về Nghệ An. Quí Khoách tôn Giản Định lên làm Thái Thượng hoàng để cùng lo việc đánh Minh. Nhưng rồi sau đó, Trương Phụ đem binh đi cứu viện quân Minh, vua Giản Định đóng quân ở Hạ Hồng bị thua, chạy về đến huyện Mỹ Lương (giáp Sơn Tây và phủ Nho Quan thì bị bắt, sau đó bị giải về Kim Lăng Trung Hoa).

 

8.- Năm Canh Tý (1420) Bình Định Vương Thắng Lý Bân Và Phương Chính tại Thị Lang:

Lê Thái Tổ (1428- 1433) là vua khai sáng cơ nghiệp nhà Hậu Lê và là vị anh hùng dân tộc với 10 năm kháng Minh (1418  1427) đem lại tự do, thống nhất và thịnh trị cho đất nước vào thế kỷ XV.

Húy là Lê Lợi, sinh năm Ất Sửu (1385) - Trần Phế Đế Xương-phù 9, ngài trị vì từ 1428 đến 1433, niên hiệu Thuận Thiên. Miếu hiệu Lê Thái Tổ.

Người làng Chư Sơn, huyện Lôi Dương, đất Lam Sơn- nay thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Thân sinh ngài là Lê Khoáng, một vị hào trưởng được dân Lam Sơn mến phục tôn lên làm Chúa. Gặp lúc nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, vào mùa xuân Mậu Tuất (1418), Lê Lợi khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, cùng với Lê Thạch, Lê Liễu, Phạm văn Xảo v.v. quyết chí diệt quân thù dành lại tự chủ cho đất nước. Cũng vào năm này, ngài thắng trận đầu tại Lạc Thuỷ : Quân Minh dưới quyền tướng Mã Kỳ đã mắc kế phục binh, chết 3000 người và mất một số binh lương, khí giới khá lớn.

Năm sau (1419) từ Chí Linh Bình Định Vương đến đánh lấy đồn Nga Lạc thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, giết được tướng Minh là Nguyễn Sao.

Sau đó quân Minh dò biết được chỗ đóng binh của Bình Định Vương bèn đem đại binh đến vây đánh. Tình thế quá nguy ngập, Bình Định Vương mới hỏi các tướng : ' Trong các tướng có ai bằng lòng đem mình thay ta ra đánh để cho giặc bắt, noi gương Kỷ Tín ngày xưa chết thay cho Hán Cao Tổ không ?'.

Lê Lai tình nguyện xin đảm đương việc ấy.  Cảm động trước cử chỉ anh hùng của Lê Lai, vua ngửa mặt lên trời khấn nguyện rằng : 'Lê Lai có công liều mình chết thay ta, sau này ta cũng như các con cháu ta và các tướng tá nếu như không nhớ công ơn ấy thì cung điện hoá thành núi rừng, ấn vàng hoá thành đồng sắt, gươm thần thành đao binh, giặc giã'.

Lê Lai lĩnh binh, mặc áo ngự bào cỡi voi ra trận. Quân giặc trông thấy người mặc áo vàng tưởng là Bình Định Vương, bèn ùa đến vây đánh.

Lê Lai cầm cự một hồi, cuối cùng bị bắt sống, chịu cực hình rồi bị giết. Nhờ vậy Bình Định Vương thoát khỏi vòng vây, chạy đến Lư Sơn tích dưỡng binh lực để rồi sau đó ít lâu lại cử binh chống giặc, thu phục được chủ quyền quốc gia.

Lên ngôi Hoàng đế, vua Lê trước tiên nghĩ đến Lê Lai, truy tặng ông chúc hàm Thái Úy, tấn phong Đại Vương và quyết định rằng sau này trước ngày giỗ ngài, phải cúng Lê Lai trước đã.

Sau này ngày 22 tháng tám âm lịch là ngày giỗ vua Lê, nhưng ngày 21 người ta đã làm lễ tưởng niệm vị anh hùng Lê Lai đã liều minh cứu chúa. Do đó ta hiểu câu ngạn ngữ lưu truyền trong dân gian :

'Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi'

Vua Tự Đức có làm bài thơ khen Lê Lai trong Việt sử Tổng Vịnh như sau :

 

Chí Linh sơn hạ tứ sơn u

Tự trước hoàng bào cuống sở hầu

Tha nhựt Đông đô tân xã tắc,

Khắc giao Kỷ tín độc an lưu

 

Bản dịch của Lam Giang :

 

Giặc vây kín núi Chí Linh

Áo vàng ra trận hiến mình thay vua

Thăng Long sau rạng cơ đồ

So cùng Kỷ Tín há thua chút nào.

 

9.- Năm Canh Tý (1490)

Ngô Hoán ( 1470- 1522) người làng Thương Đáp, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Tiến sĩ năm Canh Tý (1490) đời Lê Thánh Tôn, Hồng Đức thứ 21 hồi ông 31 tuổi. Làm quan đến Lại bộ Thượng Thư. Dự hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tôn. Năm Nhâm Ngọ ông mất khi đánh đuổi Trịnh Tuy.

 

10.- Năm Giáp Tý (1504) với Tiến sĩ Lê Đức Mao :

Lê Đức Mao là danh sĩ đời Lê, nguyên quán phường Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, sau dời đến cư ngụ tại Dương Hối, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Yên.

Năm Giáp Tý (1504) đời Lê Túc Tôn, ông đỗ Hương Cống, sau năm Ất Sửu (1505), ông đỗ Tiến sĩ. Theo gia phả họ Lê, ông học vấn rộng, giỏi làm thơ và bài hát. Ông thường dùng văn thơ để châm biếm trò đời. Hiện nay còn truyền lại 4 bài thơ chữ Hán, và một bài hát bằng văn quốc âm để cho ả đào hát chúc làng vào ngày hội mùa Xuân.

 

11.- Năm Canh Tý (1600) dưới thời Nguyễn Hoàng :

Nguyễn Hoàng  (1524-1613), Tục gọi là chúa Tiên. Miếu hiệu : Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.

Người huyện Tống Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, con thứ hai của An Thành Hầu Nguyễn Kim. bậc trung thần đã giúp nhà Lê trung hưng. Từng làm tướng lập được nhiều công trận, thụ chức Thiếu úy, tước Đoan Quốc Công.

Lần lượt thân phụ bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc chết, rồi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm (anh rể lấy chị là Ngọc Bảo) ám hại, vì sợ họ Nguyễn tranh mất quyền. Nguyễn Hoàng lo sợ bèn cho người ra Hải Dương, hỏi ý kiến Trạng Trình và được chỉ bảo bằng ngụ ý xa xôi : 'Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân'.  Hiểu ý Trạng Trình, Nguyễn Hoàng nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phương Nam.

Năm Mậu Ngọ (1558) theo lời đề bạt của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất Thuận Hoá. Khi đi Nguyễn Hoàng đem theo tất cả những người họ hàng ở huyện Tống Sơn, đồng thời có nhiều quân lính ở Thanh Nghệ, cũng tình nguyện đưa cả vợ con theo ông.

Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử ( sau gọi là kho Cây Khế) thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Khôn ngoan và có lòng nhân đức, biết thu dùng hào kiệt, an ủi nhân dân, nên ông được dân chúng hết sức mến phục.

Để yên lòng Trịnh Kiểm, vào năm Kỷ Tị (1569), ông ra chầu vua Lê ở An Trường. Tiếp đó ông được trấn nhậm luôn cả đất Thuận Hoá và đất Quảng Nam.

Năm Mậu Ngọ (1570) Nguyễn Hoàng dời dinh vào làng Trà Bát (tức là Cát Doanh) cũng ở huyện Đăng Xương (Quảng Trị) .

Năm Nhâm Thân (1572) tướng của nhà Mạc là Lập Bạo đem quân theo đường biển vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển ( Quảng Trị), Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân bắt được Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc.

Năm Quí Tị (1593) ông đem quân ra Đông đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc, lập được nhiều công nên bị Trịnh Tùng ghen ghét. Vì vậy đến năm Canh Tý (1600) ông xin đi dẹp bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi lên chống họ Trịnh ở cửa Đại An (Nam Định), rồi đem bản bộ tướng sĩ theo đường biển trở về Thanh Hoá. Từ đó Nguyễn Hoàng tuy bề ngoài giả bộ hoà hiếu - (chẳng hạn như đem con gái là Ngọc Tú gả cho con trai Trịnh Tùng là Trịnh Tráng) - nhưng bên trong thì phòng bị gắt gao. Ông cho người con thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên vào trấn đất Quảng Nam, dựng kho tích trữ lương thực, quyết giữ vững bờ cõi tính chuyện lâu dài.

Năm Tân Hợi  (1611), để mở mang bờ cõi về phương Nam, chúa lấy đất Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên và lập ra hai huyện Đồng Xuyên và Tuyên Hoà.

Năm Quý Sửu (1613) Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi. Trước khi chết Nguyễn Hoàng căn dặn Nguyễn Phước Nguyên rằng : 'Đất Thuận, Quảng này phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và núi Bi Sơn, thật là Trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tâp quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời'.

 

12.- Hai năm Bính Tý (1636) và Mậu Tý (1648) dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan :

Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan là chúa thứ ba của nhà Nguyễn và là con thứ hai của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên. Ông kế nghiệp Chúa vào năm Ất Hợi (1635) sau khi chúa Sãi mất.

Ngay năm ấy, người con thứ ba của chúa Sãi  tên Ánh  đương trấn thủ đất Quảng Nam, nổi binh chống lại chúa Thượng ; quan quân kíp thời vào dẹp, mới yên.

Nhận thấy anh  em họ Nguyễn bất hoà tranh nhau quyền thế, quân Trịnh theo lệnh Trịnh Tráng đánh thốc vào đất Nam Bố Chính giết được tướng Nguyễn là Bùi Công Thắng, rồi thừa thắng tiến lên chiếm đóng cửa Nhật Lệ.

 Năm Bính Tý  (1636)

Chúa Thượng cho dời phủ vào làng Kim Long thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, rồi đặt thêm chức Nội Tả, Ngoại Tả, Nội Hữu, Ngoại Hữu về bên văn gọi là Tứ Trụ, để giúp chúa trị dân. Còn về bên võ thì đặt chức Chưởng Dinh, Chưởng Cơ, Cai Cơ, Cai Đội để quán xuyến việc binh.

Năm Đinh Hơi (1674) chúa Thượng mở khoa thi gọi là Chính Đồ, chọn các Giám Sinh, các Sinh Đồ, và thi Hoa Văn lấy người bổ vào làm việc ở Tam Ty.

 

13.- Năm Mậu Tý (1648)

Quân Trịnh dưới quyền Đô đốc Tiến Quận công Lê Văn Hiểu  lại vào đánh xứ Nam. Chúa Thượng sai con là Nguyễn Phước Tần đem quân ra chống đỡ và đã thắng được một trận lớn,  đuổi quân Trịnh chạy về Bắc. Năm ấy chúa Thượng mất, thọ 48 tuổi. Sau đó được truy tôn là Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng Đế.

Là con của chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, kể từ năm Mậu Tý (1648) Nguyễn  Phước Tần (1648-1687) lên nối nghiệp chúa.

Khi còn là Thế tử, ông từng cầm đầu một đội thuỷ quân đánh thắng binh thuyền Hoà Lan đến cướp phá ở cửa biển Nại Hải, giết luôn cả Đề đốc Pierre Baeck vào khoảng năm Giáp Thân (1644). Tại vị chúa Hiền đã thực hiện được nhiều công trạng quan trọng. Chính ông đã dứt được cuộc phân chia Nam Bắc kéo dài suốt 45 năm ( từ 1627 đến 1672) chiếm thêm đất Chiêm, lập thành phủ Diên Khánh (tức Khánh Hoà ngày nay), và mở đường cho việc tiến chiếm Chân Lạp sau này.

Năm Ất Tị (1655), nhân quân Trịnh lại vào đánh đất Nam Bố Chính, chúa Hiền quyết định đem quân ra đánh họ Trịnh. Tháng 4 năm ấy, quân Nguyễn dưới quyền các danh tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật tiến qua sông Linh Giang đánh chiếm luôn 7 huyện phía Nam sông Lam Giang  (tức sông Cả ở Nghệ An)  Hai bên cầm cự nhau mãi, bất phân thắng bại, nhưng sau vì các tướng bên Nguyễn nghi kỵ lẫn nhau nên phải rút quân về, và phần đất lấy lại được ở Nghệ An lại thuộc về đất Bắc.

Đến năm Tân Sửu (1661), chúa Hiền cử Nguyễn Hữu Dật làm Trấn thủ Nam Bố Chính để đương đầu với đại binh do Trịnh Tạc cầm đầu có cả vua Lê đi theo nữa. Quân Trịnh qua sông Linh Giang, gặp sức chống cự mãnh liệt của đối phương, đánh mãi không thắng nổi. Mấy tháng sau quân mệt lương hết, Trịnh Tạc đành phải thu quân và rước vua về Bắc. Nguyễn Hữu Bật đuổi đánh đến sông Linh Giang mới thôi.

Qua năm Nhâm Tý (1672), một lần nữa Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân vào đánh họ Nguyễn. Chúa Hiền sai người em thứ tư là Nguyễn Phước Hiệp làm Nguyên Súy cùng với hai tướng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức lo việc cự địch. Mặt khác chúa cũng đích thân đem đại binh đi tiếp ứng. Quân Trịnh tấn công vào luỹ Trấn Ninh rất hăng, nhưng không sao phá vỡ được, cuối cùng đành phải rút quân về Thăng Long.

Từ đó sông Linh Giang được lấy để phân giới hạn Nam Bắc và thôi việc chiến tranh. Mãi sau này vào dịp quân Tây Sơn khởi binh, họ Trịnh mới nhân cơ hội vào đánh lấy đất Thuận Hoá.

 

14.- Năm Giáp Tý (1744) với chúa Nguyễn Phước Khoát :

Nguyễn Phước Khoát hiệu Võ Vương là chúa thứ tám nhà Nguyễn. Nối nghiệp từ năm Mậu Ngọ (1738) đến năm Canh Thân (1740) Chúa mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Nhân dịp này chúa định lại phép thi : ai đậu kỳ đệ nhất, gọi là Nhiêu Học, được miễn sai 5 năm ; đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn sai suốt đời ; đậu kỳ đệ tứ gọi là Hương Cống, được bổ làm Tri huyện, Tri phủ.

Qua năm Giáp Tý (1744) chúa Nguyễn Phước Khoát mới xưng vương hiệu, định triều nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân và phong cho con thứ 9 là Nguyễn Phước Hiệu làm Thế Tử.

Năm Mậu Thìn (1747), vua Chân Lạp là Nặc Ông Tha bị Nặc Ông Thâm dành ngôi, lánh sang Gia Định được Võ Vương  sai quan Điều Khiển là Nguyễn Hữu Doãn đưa về nước. Được mấy tháng, Nặc Ông Tha bị Nặc Nguyên  con của Nặc Ông Thâm - đem quân Xiêm la về đánh đuổi, phải chạy sang Gia Định rồi chết ở đó. Biết Nặc Nguyên làm vua Chân Lạp thường thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu quấy phá đất miền Nam, vào năm Quý Dậu (1753) Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Nặc Nguyên thua, bỏ thành Nam Vang chạy lánh sang Hà Tiên với Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng đất hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp.

Đến năm Đinh Sửu (1759), sau khi Nặc Nguyên mất, Nặc Tôn nhờ Võ Vương che chở mà được làm vua. Do đó Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long  (Vĩnh Long, Sadec, Châu Đốc ngày nay) - để tạ ơn. Nặc Tôn còn dâng riêng cho Mạc Thiên Tứ năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh để đền ơn trước đây đã cầm quân giúp mình. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng lại Võ Vương, về sau sát nhập vào trấn Hà Tiên.

 

Năm Giáp Tý (1744) với Nguyễn Nghiễm Danh Sĩ Nhà Hậu Lê :

Nguyễn Nghiễm danh sĩ nhà hậu Lê, hiệu là Nghị Hiên. Biệt hiệu là Hồng Ngự Cư Sĩ. Tổ tiên trước cư ngụ tại làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam ( bây giờ là tỉnh Hà Đông), sau vì quốc sự phải dời vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, xứ Nghệ An.

Đỗ Hoàng Giáp khoa Tân Hợi (1731) đời Lê. Làm quan các đời vua Lê Thuần Tôn (1732-1735), Lê Ý Tôn (1735-1740) và Lê Hiển Tôn (1740-1786).

 

Vào năm Giáp Tý (1744), ông được cử vào Nghệ An sung chức Tham Thị, Tham Tri Quân Vụ, kiêm Quản cơ Tỉnh Trấn. Đến năm Mậu Thìn (1748) ông lãnh chức Tri Phủ-sứ Xứ Nghệ An. Vào dịp này đương thụ tước Xuân Lĩnh Hầu, ông có mở trường cho sĩ tử tập bài. Trong số môn đệ ông hồi đó có Ngô Phúc Lâm, Phan Kiêm Thụ, Nguyễn Khản (con Nguyễn Nghiễm) và Nguyễn Thiếp là xuất sắc hơn cả.

Có lần theo vua Lê vào Nam dẹp loạn có công được ban chức Tả Tướng quân Khai doanh. Ông làm quan đến chức Tham Tụng Đại Tư Đồ, tước Xuân Quận Công.

Ông là thân sinh của :

-Nguyễn Khản : đồng Tiến Sĩ, làm quan triều Lê đến chức Tham Tụng.

-Nguyễn Điều : trúng tam trường thi Hội. Làm quan đến chức Trấn Thủ Hưng Hoá, tước Điền Nhạc Hầu.

-Nguyễn Dao : Cử nhân ; Hồng Lộ Tự Thừa.

-Nguyễn Luyện : Tú Tài

-Nguyễn Trước : Cử nhân

-Nguyễn Nể : Cử nhân

-Nguyễn Du : Tú Tài ; tác giả Truyện Kiều.

 

15.- Năm Bính Tý (1756) và năm Mậu Tý (1768) với danh sĩ Nguyễn Thiếp dưới thời Tây Sơn

Nguyễn Thiếp (1723-1804)  có nơi chép là Nguyễn Thiệp - tự Khải Xuyên, hiệu Nguyệt Ao, biệt hiệu Hạnh Am. Người đương thời gọi ông là Lục Niên Tiên sinh vì có nhà ở thành Lục Niên và tôn xưng ông là La Sơn Phu Tử. Ông là bậc danh sĩ đất Nghệ Tĩnh dưới thời Tây Sơn rất được vua Quang Trung trọng vọng.

Sinh quán xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Học rộng, ông còn sở trường về thuật phong thuỷ và nhâm độn.

Thoạt tiên ông thụ huấn với chú là Nguyễn Hành ( Tiến sĩ, Hiến sát Sứ Thái Nguyên) sau theo học với Nguyễn Nghiễm (Bảng Nhãn, thân phụ của Nguyễn Du).

Đỗ Hương Giải khoa Quí Hợi (1743) vào năm 21 tuổi dưới thời vua Lê Hiển Tôn, Cảnh Hưng thứ 4. Sau đó, ông dứt bỏ đường cử nghiệp chỉ thích ở nhà đọc sách và đi đây đi đó ngao du sơn thủy. Mãi đến năm (1748) vâng theo lời thầy là Nguyễn Nghiễm, ông mới ra Bắc dự thi Hội, nhưng chỉ đỗ được tam trường.

 

Năm Bính Tý (1756) được bổ Huấn đạo Anh Đô (tức phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An ngày nay) sau đó lại được bổ tri huyện Thanh Chương. Đến năm Mậu Tý (1768) ông từ quan về ẩn cư tại núi Thiên Nhận. Cuối đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê, Nguyễn Huệ ra Bắc nghe tiếng ông, lấy làm hâm mộ lắm, sai người mang lễ vật cố mời ông ra giúp, nhưng ông viện cớ già yếu mà từ tạ và không nhận lễ vật. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế xong, lại nhiều lần khẩn khoản mời ông. Cảm tấm thịnh tình ấy, ông dâng biểu lên vua Quang Trung 3 đề nghị :

 

1.- Về quân đức : khuyên vua nên theo đao Thánh hiền mà trị nước.

2.-Về dân tâm : nên dùng nhân chính để yên lòng dân.

3.- Về học pháp : nên mở học hiệu để giữ gìn nhân tâm thế đạo bằng tam cương, ngũ thường. Và ông đã giúp vua Quang Trung phiên dịch kinh-truyện ra chữ Nôm.

Năm Quang Trung thứ 5 (1792) vua Quang Trung định dời đô về thành Phượng Hoàng (Nghệ An), cho lập Sùng Chính Thư Viện và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng để chỉnh đốn việc học trong nước, tiếc thay công việc chưa thực hiện được thì vua Quang Trung đã mất. Sau đó, ông từ quan trở về ở ẩn cư trên núi Bùi Phong.

Đầu năm Tân Dậu (1801) -  Cảnh Thịnh thứ 8  -  ông được vua Tây Sơn triệu vào Phú Xuân hỏi về quốc sự. Đang còn lưu lại kinh thì thành mất vào tay chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho mời Nguyễn Thiếp và trọng đãi như thượng khách, có ý trọng dụng, nhưng ông nhất quyết chối từ. Ở lại 10 ngày ông xin về. Hai năm sau, vào ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (Đầu năm 1804), ông mất, hưởng thọ 81 tuổi, được an táng ngay nơi ông cư ngụ - trên núi Bùi Phong.

Thi văn của Nguyễn Thiếp nay còn lưu lại tập Hạnh Am Thi Cảo - phần lớn là văn chữ Hán với vài bài thơ Nôm. Phan Huy Chú trong sách Lịch Triều Hiến Chương đã ca ngợi La Sơn Phu Tử là thanh nhã, đạo đức, thong dong, lý thú !

 

16.- Năm Canh Tý (1780)

Ngô Thì Sĩ (1726-1780), tự là Thế Lộc, hiệu là Ngọ Phong và Nhị Thanh Cư sĩ, người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ nhỏ đã có tiếng học giỏi và siêng năng.

Đỗ Hương Cống, vì có tài văn học nên được chúa Trịnh Sâm yêu dùng, cất nhắc lên chức Cấp Sự Trung, Đốc Đồng Thái Nguyên.

Ông đỗ Tiến sĩ năm 41 tuổi, làm quan đến chức Đốc Trấn Lạng Sơn, tước Khánh Duyên Hầu.

Thụ chức Đốc Trấn Lạng Sơn, gặp lúc mất mùa đói kém, ông đã cố sức khuyên dân khẩn phá đất hoang, nhờ đó chẳng bao lâu khắp nơi trở lại ấm no yên ổn.

Tính thích thanh thản, khi rảnh việc quan ông thường lên động Tam Thanh uống rượu ngâm thơ. Ông mất tại chức vào năm Canh Tý (1780).

Là một nhà văn học lẫy lừng, tác phẩm của ông gồm có :

-Anh Ngôn Thi Tập

-Nhị Thanh Động Tập

-Việt sử Tiêu án (khảo sát và phê bình các bản sử cũ)

-Hải Dương Chí lược (chuyên khảo về lịch sử, địa dư và nhân vật tỉnh Hải Dương).

 

17.- Năm Nhâm Tý (1792) Với Danh Tướng Nguyễn Đức Xuyên

Nguyễn Đức Xuyên (1758-1824) là danh tướng đời Gia Long. Tổ tiên trước gốc ở Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Đời thân sinh dời vào ở Gia Định, với chức Cai Cơ. Dũng mãnh, mưu trí, Nguyễn Đức Xuyên theo chúa Nguyễn Phước Ánh làm đội trưởng ; những lúc cùng khốn hết lòng phù tá. Khi chúa Nguyễn từ Vọng Các trở về, Nguyễn Đức Xuyên được phái đi do thám tình hình ở Bình Thuận và nhận lãnh trọng trách thu thuế dầu, thuế mỡ tại đó. Năm Nhâm Tý (1792) Chúa Nguyễn thân chinh cầm quân tới Quy Nhơn, Nguyễn Đức Xuyên theo tướng Nguyễn Văn Trương lập được quân công, do đó được thăng Hùng Võ Vệ Úy thuộc cánh quân Thần Sách.

Năm Ất Mão (1795) cùng với tướng Lê Văn Duyệt đem quân ra Quy Nhơn đánh phá được quân của Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Phong tại đồn Lò Gạch.

Năm sau  -  Bính Thìn  (1796)  -  ông dẹp yên đám giặc biển Đồ Bà ở gần đảo Phú Quốc. Đến năm Mậu Ngọ (1798), ông được thăng Hậu Đồn Phó Thống. Tiếp đó vào năm Kỷ Mùi (1799) ông quản lĩnh 5 cơ tượng binh theo đại binh ra đánh Quy Nhơn. Trong trận tấn công đồn Tháp Cát, tuy bị thương nhưng ông đã phá vỡ được phòng tuyến Tây Sơn đem thắng lợi về cho Nguyễn Vương. Sau đó, được thăng Thống Chế, ông đem tượng binh ra Cù Lao Mông theo Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt giải cứu thành Bình Định. Nguyễn văn Thành đánh đồn Chủ Sơn không vỡ. Phó vệ Úy  là Nguyễn Công Trọng tử trận ; Nguyễn Đức Xuyên xin rút quân về.

Nguyễn Vương muốn dùng hoả công đốt trại Tây Sơn ở Thị Nại (Qui Nhơn) Nguyễn Đức Xuyên đề bạt Lê Văn Duyệt, Nguyễn Vương nghe theo, và đã phá huỷ được thuỷ quân của Tây Sơn.

Năm Nhâm Tuất (1802) bị thua quân, để chết mất một phó tướng, Nguyễn Đức Xuyên dâng sớ chịu tội, Nguyễn Vương cũng tha cho. Gia Long nguyên niên (1802), ông theo hầu ngự giá Bắc Thành, đến Thanh Hoá ông vâng mạng  ở lại giữ chức Đốc Trấn và thụ tước Quận Công.

Vua trở về Kinh, Nguyễn Đức Xuyên cùng với Nguyễn Văn Nhân dâng sớ can vua không nên quá ham âm nhạc. Vua Gia Long nghe theo và ban khen.

Năm Gia Long  năm thứ 18 (1819) ông tâu nên ra lệnh các thành, trấn năm nào cũng diễn tập tượng trận trong 3 ngày. Vua cũng nghe theo.

Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) ông thụ bệnh mà mất, thọ 67 tuổi ; được truy tặng Thái Phó, Tứ Thụy là Hoàn Dũng, phong Khoái Châu Quận Công và được thờ tự tại Thái Miếu.

 

18. Năm Nhâm Tý (1792) Vua Quang Trung Mệnh Chung :

Nguyễn Huệ (1752-1792) vị anh hùng cứu quốc, suốt 21 năm trung hoành ngang dọc. Kể từ năm Tân Mão  (1771) khởi binh ở Tây Sơn đến khi mất vào năm Nhâm Tý (1792), ông đã hai lần chống ngoại sâm :

-Lần thứ nhất : Phá quân Xiêm tại Xoài Mút năm 1784

-Lần thứ hai : đánh đuổi giặc Mãn Thanh năm 1789 để thống nhất nước ta vào cuối thế kỷ XVIII.

Năm Bính Thân (1776), khi Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương, Nguyễn Huệ được phong làm Phụ Chính. Đến năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi vua đặt niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Huệ lãnh chức Long Nhượng Tướng quân. Có biệt tài về quân sự, Nguyễn Huệ đã giúp vua Thái Đức chống với chúa Nguyễn hết sức đắc lực. Bốn lần đánh vào Gia Định, lần nào cũng thắng trận ; chúa Nguyễn Phước Ánh mấy phen phải chạy trốn ra Phú Quốc và sang Xiêm. Lần vào Gia Định năm Giáp Thìn (1784) gặp quân Xiêm cứu viện cho chúa Nguyễn, Nguyễn Huệ đã dùng kế phục binh đánh thắng một trận rất vẻ vang tại Xoài Mút (thuộc địa phận Mỹ Tho) :  20.000 quân và 300 chiến thuyền cứu viện của Xiêm, sau trận ấy, chỉ còn vài ngàn tàn binh.

Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ đem 2 đạo quân thuỷ, bộ tiến chiếm thành Thuận Hoá. rồi kéo quân tiến thẳng ra Bắc lấy tiếng phò Lê diệt Trịnh.

Qua Nghệ An Thanh Hoá một cách dễ dàng, thắng thuỷ binh của Đinh Tích Nhưỡng ở Lỗ Giang, đánh rốc vào đại quân của Trịnh Tự Quyền đóng giữ Kim Động. Ngày 24 -6 năm Bính Ngọ (1786)  trấn Sơn Nam thất thủ. Thừa thắng, Nguyễn Huệ kéo quân thẳng tiến Thăng Long. Ngày 25-6 đánh úp phá được thuỷ binh Trịnh dưới quyền Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ tại sông Thúy Ái, thắng Trịnh ở Tây Luông, quân Tây Sơn vào Thăng Long. Để tỏ ý phò Lê, ngày 27-6  Nguyễn Huệ dẫn đám tùy tướng vào làm lễ triều yết và đệ trình lên vua Lê Hiển Tôn sổ quân dân của Tây Sơn. Vua Lê đã phong cho Nguyễn Huệ làm Đại Nguyên Súy Phù Chính Dực-Vận Uy-Quốc Công. Sau đó nhờ sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua thuận gả con gái là công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi xuân cho Nguyễn Huệ.

Vua Hiển Tôn mất ; chịu tang xong Nguyễn Huệ phải theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam và được vua anh phong làm Bắc Bình Vương. Năm Đinh Mùi (1787), hay tin Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết đi. Đến Vũ Văn Nhậm cũng chuyên quyền và có ý phản Tây Sơn, Bắc Bình Vương tức tốc ra Bắc xử tử Vũ Văn Nhậm, tổ chức lại việc chính trị, để Ngô Văn Sở ở lại trông coi, rồi rút quân về Phú Xuân. Xẩy ra việc Lê Chiêu Thống vì không phục Tây Sơn, lên nương náu tại đất Lạng Giang, cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Tôn Sĩ Nghị đem 200.000 quân thuộc 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu và Vân Nam từ ba mặt Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn tràn xuống Thăng Long.

Một lần nữa Nguyễn Huệ lại ra Bắc để dẹp giặc.Ngày 25-11 năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời Đất tại núi Bân Sơn (Thuận Hoá) lên ngôi Hoàng Đế đặt hiệu là Quang Trung, rồi thống lĩnh thuỷ bộ đại binh bắc tiến đánh giặc Thanh.

Ngày 29-11 đến Nghệ An, nghỉ lại 10 ngày để tuyển thêm binh lính. Binh lực bên ta bấy giờ gồm chừng 100.000 quân và hơn 300 thớt voi.  Ngày 20  tháng chạp, đến núi Tam Điệp, nhà vua khao lạo tướng sĩ, định cất quân vào hôm trừ tịch và hẹn đến ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu thì vào Thăng Long. Ba mươi Tết, Nguyễn Huệ phân bình thành 5 đạo, tự mình điều khiển Trung quân tiến lên Thăng Long. Mùng 3 Tết  Kỷ Dậu vua Quang Trung dùng kế hư binh, không đánh mà hạ được đồn Hạ Hồi. Mùng 5 Tết, kịch chiến ở Ngọc Hồi, quân Nam toàn thắng, tại Đống Đa, tướng Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn quân giặc chạy bạt vào phía đầm Mực, bị voi giày mà chết. Hạ đồn Điền Châu xong, Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long uy thế hết sức mạnh mẽ. Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ, chạy về mạn Bắc, đến địa phận huyện Phượng Nhãn phải vứt bỏ cả ấn tín để thoát lấy thân ; quan quân nhà Thanh tranh nhau qua cầu phao, cầu sập, chết hại vô số. Vua Lê Chiêu Thống cũng theo gót Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tàu.

Đánh đuổi quân Thanh ra khỏi nước xong , vua Quang Trung một mặt chịu nhún mình vận động với Thanh triều để nối lại bang giao giữa nước ta và Trung Hoa, mặt khác lo cải tổ nội chính cho được vững vàng. Nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhiệm, tháng bảy năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ được vua Thanh  Càn Long phong làm An Nam Quốc Vương.

Về nội chính, vua Quang Trung xây dựng đế chế, lập Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, phong bà Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng Hậu, lập Nguyễn Quang Toản làm Thái tử, chỉnh đốn lại các cơ quan hành chánh trung ương và địa phương, định lại quan chế ; đối phó gắt gao với đám thân sĩ còn luyến tiếc triều Lê cũ, khởi binh chống lại Tây Sơn ; tổ chức nền học chánh, trọng dụng chữ Nôm và dự định đặt một nền quốc học thuần tuý Việt Nam, lập nhà Sùng Chính Thư Viện, cử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện Trưởng, giữ việc giáo dục quốc dân ; khuyến khích canh nông và lo đến đời sống của nhân dân, bớt thuế cho dân nghèo ; gặp năm đại hạn hay hồng thuỷ thì ra ân đại xá ; tổ chức quân đội và huấn luyện binh sĩ, lập sổ đinh để kén lính, dân chia làm 4 hạng, mỗi người đeo một thẻ tín bài khắc 4 chữ Thiên Hạ Đại Tín để tiện kiểm soát ; chấn chỉnh lại Phật giáo.

Đến năm 1792, khi nhận thấy lực lượng của mình đã khá hùng hậu có thể đương đầu với nhà Thanh, vua Quang Trung sai Võ Văn Dũng cầm đầu một sứ bộ sang Tàu yêu sách 2 điều :

1.- Đòi đất Lưỡng Quảng

2.- Yêu cầu được kết duyên với con gái vua Thanh.

Nhưng mộng lớn chưa thành thì nhà vua bị chứng huyễn-vận mà mất. Sứ bộ Võ Văn Dũng đang ở Yên Kinh, nhận được tin chẳng lành, bèn dìm các việc đòi đất và cầu hôn, đành ôm hận trở về nước. Vua Quang Trung mệnh chung vào đêm 29 tháng Bảy năm Nhâm Tý  (1792), thọ 40 tuổi và trị vì được 2 năm. Vua Quang Trung mất rồi, nhà Tây Sơn tuy còn gữ ngôi được 10 năm nữa, nhưng nội bộ chia rẽ ; Thái sư Bùi Đắc Tuyên  (Cậu của vua Cảnh Thịnh)  chuyên quyền. Các tướng không phục. Và chính điều này đã giúp cho chúa Nguyễn Phước Ánh cơ hội đánh đổ nhà Tây Sơn.

 

19.- Năm Canh Tý  (1780) và Năm Bính Tý (1816) với Tả quân Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt (1763-1832) là vị danh tướng trung thành và hiển hách nhất thời Nguyễn sơ.

Gốc người làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, từ đời nội tổ đã dời vào Nam, ở tại làng Hoà Khánh, tỉnh Định Tường. Sang đời thân sinh lại dời đến ở tại Rạch Gầm  nay thuộc làng Long Hưng - thuộc hạt Mỹ Tho. Thông minh, có sức khoẻ, chuộng võ nghệ. Hồi chúa Nguyễn Phước Ánh chạy đến Rạch Gầm, thu dụng ông làm bộ hạ. Năm Canh Tý (1780) chúa Nguyễn Phước Ánh xưng vương tại Gia Định, ông được sung chức Thái Giám Nội đình ông được phong làm Thuộc-nội Vệ-ủy quân Thần-Sách.  Sau đó có lần bị Tây Sơn bắt, ông trốn thoát, và được thăng Cai Cơ.Sau hai lần hộ giá Nguyễn Vương sang Xiêm, khi trở về nước, vì ông có công trong lúc đánh thành Qui Nhơn. Sau đó khắc phục được thành Phú Xuân, Nguyễn Vương lên ngôi Hoàng Đế và phong Lê Văn Duyệt làm Khâm sai Chưởng Tả-quân dinh Bình-Tây Tướng-quân tước Quận Công, rồi cùng với Trung quân Lê-Văn-Trương và Hậu quân Lê Chất tiến quân đánh Bắc Hà.

Đất Bắc dẹp yên, ông được cử làm Kinh lược xứ Thanh Nghệ.Năm Quí Dậu (1813), nhân có vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân sang cầu cứu nước ta vì bị các em đưa quân Xiêm về cướp ngôi, Lê Văn Duyệt vâng lệnh vào làm Tổng Trấn Gia Định Thành. Nặc Ông Chân được đưa về ngôi cũ, chịu quyền bảo hộ của Việt Nam. Đến năm Bính Tý (1816), Lê Văn Duyệt được triệu về Kinh.

Vào năm Canh Thìn (1820) năm đầu Minh Mạng  ông lãnh chức Tổng  Trấn Gia Định để dẹp loạn Thầy chùa Thổ nổi dậy. Sau khi loạn dẹp yên, ông còn ở lại chức Tổng Trấn Gia Định được 12 năm nữa, cho đến ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) thì tạ thế.

Ông mất được vài năm, nhân xẩy ra việc Lê Văn Khôi, con nuôi ông, dấy loạn để chống lại sự hà khắc thái quá của Triều đình Huế, ông cũng bị tội lây. Triều thần về hùa với vua Minh Mạng kết ông vào 11 tội, rồi ra lệnh san bằng mộ phần và dựng lên tấm bia với hàng chữ : QUYỀN YÊM LÊ VĂN DUYỆT PHỤC PHÁP XỨ ( chỗ này tên quyền yêm Lê Văn Duyệt chịu phép nước). Mãi đến đời Tự Đức, ngôi mộ mới được xây đắp lại ; tấm bia Lê Văn Duyệt chịu phép nước được quẳng đi ! Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được truy phục lại : VỌNG CÁC CÔNG THẦN CHƯỞNG TẢ QUÂN, BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN, QUẬN CÔNG.

Ông còn dự thờ tại Trung Hưng Công Thấn Miếu. Hiện nay ở xã Bình Hoà (Gia Định) còn Lăng Đức Tả Quân - được gọi là Lăng Ông - Hằng ngày dân chúng thường đến chiêm bái và hằng năm tới ngày kỵ huý, dân chúng đến cúng bái rất linh đình trọng thể.

 

20.- Năm Canh Tý (1840) với Danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh.

Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) là danh sĩ Triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tên chữ là Thuận Chi, biệt hiệu Tịnh Trai Anh Toàn Tử. Người làng Trung Ái - tức Trung Thuần, thuộc phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông đỗ Giải Nguyên năm Tân Mão (1831), được bổ dụng Tri Huyện tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Vào năm Quý Tị (1833), có tang cha, ông xin về cư tang. Được ít lâu, ông vào Kinh dạy học.

Năm Bính Thân (1836) ông được vua Minh Mạng triệu ra làm Quốc học Độc Thư để dạy Hoàng Thái Tử Miên Tông sau đó được đổi làm Tôn Nhơn phủ Chủ sự ( Mậu Tuất 1838).

Tính người bộc trực làm quan chẳng được bao lâu, vì thấy trong đám đồng liêu có nhiều kẻ ganh ghét và tìm cách gièm pha hãm hại, vào năm Canh Tý (1840), ông cáo quan và về ở tại quê nhà.

Năm Tân Sửu (1841), khi Hoàng thái tử lên ngôi, ông được triệu về Kinh sung chức Nội các Hành Tẩu. Lần hồi được thăng Hình bộ Thị lang (1845), bổ Án sát Khánh Hoà, nhưng sau bị tội, phải phạt sung quân ở Đà Nẵng. Được khởi phục hàm Hàn Lâm Viện Trước Tác, được ít lâu sau, ông cáo quan trở về làng vui thú với bầu rượu túi thơ giữa những chốn danh lam thắng cảnh.

Ngày rằm tháng chạp năm Đinh Mão (1867) ông mất, hưởng thọ 60 tuổi.

Thơ văn của Nguyễn Hàm Ninh có :

-Tịnh trai Thi tập : gồm một số bài thơ kiệt tác được các bậc thi bá đương thời như Tùng Thiện Vương, Cao bá Quát v.v. khen tụng.

-Dược Sư Ngẫu Đề : Đây là một tập thơ ngẫu hứng làm ra sau khi ông đã từ quan, lấy nghề làm thuốc để sinh sống trên bước đường phiếm du đây đó.

-Phản Thúc Ước : một áng văn trong đó ông bộc lộ tấm lòng ngay thẳng của mình trước những tệ tục của xã hội đương thời.

 

21.- Năm Ất Tý (1845)

Ất Tý (1845) là năm sinh của Đào Tấn (1845-1917) người có công sáng lập ra môn hát bộ tại Bình Định. Tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mai Tăng và Mộng Mai, ông đỗ cử nhân, làm quan đến chức Hiệp tá Đại Học sĩ ; nổi tiếng thanh liêm. Năm Thành Thái thứ 16, ông về trí sĩ tại Vĩnh Thạnh thuộc quận Tuy Phước.

Lúc sinh tiền họ Đào có làm nhiều thơ chữ Hán góp thành tập Mộng Mai Ngâm Thảo (bị thất lạc), và đặc biệt hơn hết ông đã soạn nhiều tuồng tích hát bộ được trình diễn tại nhiều nơi.

Tương truyền tại quê nhà, ông có lập trường dạy hát đặt tên là Học Bộ Đình và hiện nay tại Bình Định người ta thờ ông là Tổ Đình Hát Bộ.

 

22.- Năm Mậu Tý (1888)

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau đổi lại là Hối Trai. Ông là cao sĩ ở miền Nam khoảng hậu bán thế kỷ XIX.

Sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1-7-1822) tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Là con đầu ông Nguyễn Đình Huy - (người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) - Ông làm Thư Lại dưới quyền Tả Quân Lê Văn Duyệt. Lúc nhỏ, theo cha mẹ ra Huế học tập, đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông thi tại trường Gia Định và đỗ Tú Tài. Năm 24 tuổi, đang ở Huế để chờ khoa thi Hương vào năm Kỷ Dậu (1849), nhưng được tin mẹ mất tại Gia Định, ông trở vào Nam cư tang. Giữa đường vì quá thương nhớ mẹ, ông sinh bệnh mù cả hai mắt, mặc dù có vị danh y tận tình chạy chữa mà cũng không sao khỏi được. Trong dịp này, ông được vị y sư truyền cho nghề thuốc …

Năm sau, vào đến Saigon, để tìm kế độ nhật ông mở trường dạy học. Sĩ tử xa gần nghe danh ông, đến thọ giáo rất đông. Pháp chiếm Saigon (1858), ông chạy về Cần Giuộc, nơi quê vợ, tiếp tục dạy học. Khi Cần Giuộc thất thủ, ông dời về Ba Tri ( Bến Tre).  Nạn nước càng ngày càng thêm trầm trọng ! Vì mù loà tàn tật không thể xông pha chiến trận để đánh đuổi quân thù, nhưng vẫn đặt kỳ vọng vào cuộc kháng chiến của Nghĩa quân, nhất là cuộc kháng chiến của Trương Công Định bạn ông. Nhà cầm quyền Pháp muốn đem ân huệ hậu đãi ông, nhưng ông nhất định từ khước, trân trọng giữ gìn phẩm cách cho đến khi nhắm mắt lìa trần vào ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý tại làng An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thọ 66 tuổi.

Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là Lục Vân Tiên gồm 2076 câu lục bát, trong đó tác giả đã gởi gấm nỗi lòng, đồng thời với ước vọng đem đạo nghĩa để khuyên răn người đời. Sách được in ra bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên tại Saigon vào năm 1867 do một người Pháp là G. Janneau sao lục và chú thích. Về sau, văn hào Trương Vĩnh Ký lại cho in lần nữa vào năm 1889. Ngoài ra, năm 1885, một người Pháp khác là Eugène Bajot đã dịch Lục Vân Tiên sang Pháp văn, ấn hành tại Paris vào năm 1887 với nhan đề là Histoire du Grand lettré Louc Van Teien.

Ngoài ra Nguyễn Đình Chiểu còn lưu lại một số tác phẩm khác là :

-Dương Từ Hà Mậu

-Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật

-Một số thơ Nôm như : 'Sĩ Nông Công Thương'  ' Thơ Điếu Trương Công Định'  và mấy bài thơ văn tế nổi tiếng như 'Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh'  ' Văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa'

 

23.-Năm Nhâm Tý (1912) với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một thi sĩ cận đại  có một lối thơ nhẹ nhàng uyển chuyển với những tư tưởng phóng khoáng và tự do. Người xã Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Hẳn là để ghi ơn cảnh núi sông hoành tráng nơi quê cha đất tổ, nhà thơ đã lấy bút hiệu Tản Đà  Núi Tản Viên, sông Đà Giang -. Ông là con danh sĩ Nguyễn Danh Kế dưới triều vua Tự Đức. Theo Nho học, đi thi không đỗ, nhưng đúng là 'Tái ông thất mã', trong cái rủi có cái may. Vì thi hỏng khoa Nhâm Tý (1912), ông bắt đầu viết quốc văn. Thoạt đầu là chủ bút tờ Hữu Thanh Tạp chí (1921), ít lâu sau ông chủ trương tờ An Nam Tạp chí (1926) đến năm 1933 là năm báo đình bản.

Tuy nhiên, thơ văn không đủ nuôi sống nhà thi sĩ hào hoa. Để tìm kế sinh nhai, đỡ cảnh túng bấn, ông phải làm nghề đoán vận mệnh cho người ở xóm Bạch Mai cho đến khi nhắm mắt lìa trần.

Ông mất ngày mùng 7 tháng 7 năm 1939 thọ 52 tuổi. Tác phẩm của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu gồm có :

-Giấc mộng con        (Thơ, 2 tập)

-Giấc mộng lớn         (Thơ)

-Thần Tiền

-Trần Ai Tri kỷ         (Tiểu thuyết)

-Khối Tình                 (Luận thuyết)

-Lên sáu                     (sách giáo khoa)

-Lên tám                    (sách giáo khoa)

-Đài Gương                (sách giáo khoa)

-Quốc Sử Huấn Mông          (sách giáo khoa)

-Đại Học                    (sách dịch)

-Kinh Thi                   (sách dịch)

-Đàn Bà Tàu              (sách dịch)

-Liêu Trai Chí Dị      (sách dịch)

 

Như vậy là chúng ta đã tuần tự kiểm điểm trên dưới hai mươi sự kiện đáng ghi nhớ về những năm Tý trên dòng sử Việt ngót 5 ngàn năm của chúng ta !

 

Tài liệu sưu tập:

-Trần Trọng Kim: VIỆT NAM SỬ LƯỢC (Tân Việt, Saigon 1949)

-Hoàng Xuân Hãn: LÝ THƯỜNG KIỆT (Sông Nhị - Hànội 1949)

-Ngô Sĩ Liên: TOÀN THƯ

-Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm:  QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ ANH HÙNG DÂN TỘC

(nhà xuầt bản Bốn Phương, Saigon 1950)

Nguyễn Huyền Anh : DANH NHÂN VIỆT NAM (Cơ sở Xuất bản Zieleks 1981)