Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

NGƯỜI KHÁCH

TRÊN QUÊ MÌNH

 

PHAN XUÂN SINH

 

 

Tôi từ Sài Gòn về hôm nay thì ngày mai đám giỗ má tôi. Thằng em út tôi đề nghị sáng hôm sau dậy sớm để vào thăm mộ má trước, tới chiều mới làm mâm cơm đám giỗ má sau. Tôi quên không hỏi nó bây giờ má chôn ở đâu? Vì trước đây tất cả mồ mả được qui hoạch chôn vô một chổ, chứ không có nhiều nghĩa địa như ngày xưa. Tối hôm đó tôi đi chơi với mấy thằng bạn tới khuya mới về rồi đi ngủ, còn mọi chuyện thằng em tôi lo tất cả.

Sáng dậy sớm uống một ly cà phê, rồi nó chở tôi trên chiếc xe honda của nó. Tôi chỉ hỏi đường đi có xa không? Nó bảo là đi chừng một tiếng đồng hồ. Rồi hai anh em cứ thế mà đi. Hơn hai mươi năm không về Đà Nẵng, tôi không còn nhớ đường xá, nhất là trong thời kỳ tốc độ xây dựng chóng mặt, nên mọi nơi chốn đều lạ lẫm với tôi. Tôi nhớ thằng em chở tôi qua cầu Trịnh Minh Thế, rồi nhắm hướng chùa Non Nước. Qua khỏi chùa Non Nước thì tôi không còn biết nơi chốn nó đi tới, vì hai bên đường nhà cửa san sát, nó không còn là đồng quê. Ngày xưa nơi đây là đồng không mông quạnh, là vùng oanh kích tự do. Đơn vị của tôi thường đi hành quân trên vùng nầy, nhưng bây giờ nó đã trở thành một thị trấn khá tấp nập. Đúng là vật đổi sao dời.

Thằng em tôi ngừng xe lại một quán mì Quảng bên đường, nó nói là anh em mình vào ăn một tô mì rồi đi tiếp. Nó sực nhớ là tôi ở Mỹ về nên nó hỏi: “Mà anh có ăn được không? Đây  là quán bình dân, ăn cốt cho no chứ không ngon”. Tôi gật đầu, ngầm bảo với nó là ăn được. Tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ, nhà nghèo đâu dễ gì ăn được một tô mì dù là mì bình dân như bây giờ. Một tô mì phải độn thêm vào hai chén cơm, một muỗng nước mắm mặn. Nó không còn hương vị của mì, thế nhưng khi ăn xong vẫn còn thèm thuồng. Bà chủ quán mang ra hai tô mì, rồi bà nhìn chăm chăm vào mặt tôi như soi mói một cái gì. Có lẽ bà thấy tôi trắng trẻo mập mạp, nên bà nghi tôi không phải dân ở đây. Tôi cúi đầu hì hụp ăn như không cần biết mọi vật chung quanh mình. Tô mì rất thân quen với con mắt của tôi mặc dù mấy mươi năm mới thấy lại. Cũng vài con tôm bạc, vài lát thịt mỡ, vài cọng hành, một ít đậu phụng rang và nửa cái bánh tráng nướng. Chế biến đơn giản nhưng mùi vị y chang như thời xa xưa mà tôi đã từng nếm qua nhiều lần. Mấy chục năm trên đầu lưỡi của tôi đã tiếp nhận biết bao thứ đậm đặc gia vị, tôi nghĩ rằng cách nấu nướng đơn giản của vùng quê mình sẽ không được ngon miệng. Thế nhưng tô mì nầy đã làm cho tôi giật mình cảm thấy đã tìm về được nét “đậm đà bản sắc dân tộc” (mà người trong nước hay dùng từ nầy để chỉ những phong tục, tập quán, lễ nghi v.v…mang tính riêng của quê hương). Tôi ăn ngon lành như vừa mới khám phá ra món lạ. Thằng em ngồi bên cạnh thấy tôi ăn nó gật gù thích thú.

Khi ăn xong ngồi uống nước, tôi hỏi bà chủ quán về địa danh vùng nầy. Bà cho biết đây là xã Hòa Lân, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Bà hỏi tôi đã từng đi qua vùng nầy lần nào chưa? Tôi trả lời với bà trong thời chiến tranh tôi có đi lại vùng nầy vài ba lần. Tôi hỏi bà xã Hòa Lân có một cái chùa cách đây bao xa? Bà chỉ tay vào phía trong cách chừng sáu bảy trăm mét. Có lẽ bà tự hỏi tại sao ở đây tôi biết có một cái chùa? Phải là người thân quen với vùng nầy. Chính vì thế bà đọc được trên nét mặt của tôi có chút gì thân thiết, nên bà trả lời rất cặn kẽ và đượm một tí cảm tình. Tôi nhớ lại năm 1972, trong một cuộc hành quân tại vùng nầy, trung đội của tôi khám phá được một căn hầm y tế gần cái chùa của xã Hòa Lân. Dưới hầm có một nam bác sĩ và một nữ y tá. Thường thường khi phát hiện được một căn hầm thì chúng tôi cột mấy thỏi chất nổ TNT thả xuống theo đường thông hơi rồi giật sập, để tránh trường hợp mở đường máu tẩu thoát. Thế nhưng hôm đó tôi lại không cho lính làm vậy. Sau khi bố trí lính nằm chung quanh hầm  chỉ chừa một khoảng để tác xạ, rồi kêu gọi những người dưới hầm lên đầu hàng, nếu không lên chúng tôi buộc lòng phải phá sập hầm. Chúng tôi thấy từ dưới hầm chui lên hai người, một nam và một nữ, họ cho biết là dưới hầm không còn ai. Hai người đến gần tôi và yêu cầu tôi cho họ gặp người chỉ huy cuộc hành quân. Tôi nói với họ là người chỉ huy trên máy bay trực thăng, chỉ có tôi trực tiếp tại đây, anh cần gì? Anh chỉ xin một điều là đừng bắn anh. Tôi cười vỗ vai anh, không có ai làm gì anh hết, yên tâm. Anh nhìn tôi với một sự nghi ngờ không biết tôi có thực quyền che chở cho anh không? Anh cho tôi biết anh là bác sĩ và người con gái là y tá, hai người mới đến vùng nầy. Người bác sĩ trạc bằng tuổi tôi lúc đó, người miền Bắc, khuôn mặt rất tuấn tú. Chỉ có nước da trắng xanh có lẽ vì ban ngày phải nằm dưới hầm. Tôi mời anh hút thuốc để trấn an sự sợ hãi. Có lẽ người ta tuyên truyền rằng chúng tôi là những con người khát máu, lòng dạ lang sói, không một chút tình người, chỉ biết chém giết. Một điều may mắn cho hai người là hôm đó chúng tôi không phá sập căn hầm, cho nên hai người mới được sống sót.

Ngồi chờ máy bay ở sân chùa, anh thấy anh em chúng tôi nói cười vui vẻ không có một chút gì ghê gớm, trên khuôn mặt hồn nhiên. Dần dần sự sợ hãi cũng mất đi, anh thành thật trả lời những gì tôi hỏi. Thật tình thì tôi chỉ hỏi những vấn đề sinh sống ở miền Bắc vì hiếu kỳ muốn biết, chứ không có tính cách khai thác. Tôi biết lúc ấy anh có cái nhìn khác về chúng tôi. Thì té ra chúng tôi cũng là những con người như anh vậy. Chiến tranh thật kinh khủng, không những chém giết nhau mà còn dối trá, lừa lọc. Nhét vào đầu những cái xấu xa, những hận thù. Để khi anh em gặp nhau ngỡ ngàng nghi kỵ. Không biết anh bác sĩ đó có còn sống sau cuộc chiến tranh khốc liệt, tương tàn nầy không? Mong rằng anh đọc được những dòng chữ nầy.

Chúng tôi trả tiền rồi lên xe đi tiếp. Thằng em bây giờ mới nói cho tôi biết là Má chôn ở Cẩm Hải. Tôi giật mình. Sao lại có sự trùng hợp lạ kỳ nầy vậy. Địa danh nầy tôi không thể nào quên được. Ngày 01 tháng 6 năm 1972, tôi mất một bàn chân tại Cẩm Hải trong cuộc chiến. Bây giờ má tôi lại được chôn nơi nầy. Ôi, những oan nghiệt cứ đeo mãi theo tôi thế nầy. Tôi muốn quên đi tất cả, thế mà cứ dây mơ rể má cột chặt tôi vào một nơi chốn đã làn tan nát đời tôi. Tôi bước xuống xe nhìn chung quanh, tôi không còn nhận ra một dấu vết nào của cái vùng mà ngày xưa tôi đã dẩm nát. Căn cứ Đại Hàn để lại cho Trung Đoàn 51 cũng không còn dấu vết, chỉ có mồ mã bạt ngàn. Nơi đây ngày xưa buổi sáng chúng tôi dẫn lính ra tập thể dục, rồi tắm biển. Những buổi chiều tôi hay đi một mình trên bãi hoặc ngồi nhìn sóng vỗ. Tôi thích tiếng sóng vì âm vang của nó nghe vừa êm tai mà cũng vừa như áp đảo. Tôi không hiểu tại sao người ta lại dùng một bãi biển đẹp như vậy làm nghĩa địa. Thật uổng phí mất một thắng cảnh.

Chúng tôi vào thăm mộ má, tôi rất hài lòng với ngôi mộ được xây dựng đơn giản nhưng rất uy nghi. Nó nói với tôi là ở đây cũng không được chắc chắn, có thể sau nầy người ta trưng dụng đất đai, lại dời mã đi nơi khác. Vì vậy không dám xây một cách hoành tráng được. Tôi bảo là không cần thiết phải làm như vậy, như thế nầy là đủ quá rồi. Trong nghĩa trang nầy dễ nhận ra được một điều là mồ mã nào xây dựng to lớn đẹp đẽ là có bàn tay của Việt kiều. Đúng vậy, tôi đi xem mấy tấm bia người đứng tên xây dựng đang ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc v.v…Thôi thì cũng nở mặt nở mày cho người sống cũng như người chết còn ở lại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ cố gắng xây dựng mồ yên mã đẹp cho thân nhân vì sau đời họ con cái cháu chắt không còn trở về để lo cho ông bà như họ được.

Nhìn nghĩa địa chúng ta liên tưởng đến đời sống của cõi dương nầy. Âm, dương cũng không cách biệt nhau lắm, có kẻ giàu người nghèo. Có nhiều ngôi mộ nguy nga lộng lẫy, được xây dựng chắc chắc, chạm trổ công phu. Nhưng cạnh đó cũng có những nấm mộ vun đắp sơ sài, không hương không khói. Nằm ở giữa huyệt lạnh mà cũng không thoát được cảnh nghèo khó. Tội nghiệp cho những linh hồn bị cái cảnh dương thế chi phối nặng nề. Ai nói nằm xuống đất là hết đâu? Không cần phải nhìn đâu xa, nhìn nghĩa trang Cẩm Hải nầy cho ta liên tưởng đến một xã hội bên ngoài. Kẻ thì quá giàu còn người thì quá nghèo. Sự chênh lệch quá đổi làm cho ta phải lặng người, thương cho số phận hẩm hiu của những kiếp người bất hạnh đeo đuổi họ từ dương thế đến cõi âm.

Tôi lấy ba cây hương đến trước mộ má tôi khấn rằng: “Thưa Má, hôm nay con lại về trúng vào ngày giỗ Má nên con vội vàng vào thăm Má. Nơi Má nằm chính là nơi con gửi lại một bàn chân trong cuộc chiến, thương con Má cứ ôm nó vào lòng như ngày xưa Má ôm con vậy. Nếu nhớ con Má có thể vuốt ve nó vì chính nó là thân xác của con. Má không còn sợ cô đơn vì nó là da thịt xương máu của con đang cận kề bên má. Má phù hộ cho gia đình con có đầy đủ sức khỏe, ăn nên làm ra để có đủ điều kiện về thăm Má thường xuyên”. Tôi không biết Má tôi có nghe lời tôi khấn nguyện không? Nhưng tôi cảm thấy trong lời khấn nguyện thành thật của tôi, có chút chua xót, cay đắng.

Một người đàn ông đi tới và tự giới thiệu với tôi, ông là người chăm sóc những ngôi mộ nầy, ông gìn giữ cẩn thận nên mới được hoàn hảo như ngày hôm nay. Chứ không thì tụi chăn trâu đập phá. Ông xin tôi một số tiền thù lao mà ông đã chăm sóc bấy lâu nay. Thằng em tôi chưng hửng vì nó thường vào thắp nhang cho Má mà có thấy ai đâu, bây giờ lại gặp tình trạng khó xử như thế nầy. Nó hỏi ông đó là phải trả cho ông bao nhiêu? Ông nói một tràng không ngượng ngập, sượng sùng gì cả: “Ông cho tôi tiền nhiều thì tôi giữ cẩn thận, còn cho tôi tiền ít thì cái mộ nầy sẽ bị hư hại. Tùy theo mức độ tiền nhiều hay ít rồi tôi sẽ tự liệu”. Thằng em tôi thấy vậy, rút đưa cho ông năm chục ngàn. Ông chần chừ chê ít không chịu lấy. Nó phải rút thêm ba chục ngàn nữa, ông mới chịu đi. Sau khi ông đi thì cái đám chăn trâu không biết ở đâu bu lại cả chục thằng, lần đầu thì xin đồ cúng để ăn, sau thì xin tiền. Chúng nó nói thẳng vào mặt thằng em tôi, nếu không cho tiền thì lần sau vào sẽ thấy cái mã nầy tanh bành. Cái thằng cha vừa rồi đâu có làm gì, hắn ở đâu đâu thỉnh thoảng tới hù dọa mấy ông cho tiền ổng, còn tụi tôi ở đây hằng ngày thì làm lơ, đâu có được. Chúng nó đánh trúng vào tâm lý sợ sệt của anh em tôi, thằng em tôi rút cho mỗi thằng mười ngàn, rồi hối tôi lên xe chạy ngay chứ chần chờ sẽ có người khác đến làm phiền thêm.

Tôi ra khỏi nghĩa trang lòng đầy bối rối, không ngờ những chuyện nhỏ nhặt nầy để lại

cho tôi một mối suy tư về lòng dạ con người, không có một chút liêm sỉ, một chút đạo

đức nào nữa hết sao? Lâu quá rồi xa quê hương, trên xứ người tôi chưa bao giờ gặp

những tình huống làm tiền trắng trợn như vậy. Về chứng kiến những sự thật phủ phàng

trong lòng tôi ít nhiều đổ vỡ. Thằng em ngồi phía trước xe xoay ngang mặt, nói với tôi:

“Hơi sức đâu mà anh để ý mấy cái chuyện vụn vặt nầy. Ở đây có nhiều chuyện làm tiền

trắng trợn hơn nữa. Làm lớn thì ăn lớn, làm nhỏ thì ăn nhỏ. Không cần biết người khác

sống chết ra sao, miễn sao tiền bạc vô đầy túi”.

Thằng em chở tôi ghé vào Hội An đi vòng vòng cho biết, thăm lại thành phố nầy ngày xưa tụi tôi hay la cà mấy cái tiệm cà phê những ngày không đi hành quân. Các tiệm cà phê Chiều ở đường bờ sông, hoặc cà phê Phượng ở phía trước cổng Tiểu Khu là những quán mà chúng tôi hay ngồi nhất. Thành phố vẫn không thay đổi mấy, hình như người ta muốn giữ lại những cấu trúc thời xa xưa. Ở nước ngoài mình quen mắt với đường xá, nhà cửa đồ sộ. Về nhìn lại Hội An thấy cái gì cũng nhỏ, nhà cửa thấp lè tè nhưng rất dễ thương. Một thành phố từ đầu trên đến xóm dưới đều biết nhau, quen nhau. Không những quen biết thôi mà còn hiểu tường tận gốc gác của nhau nữa. Có lẽ đó là cái đặc thù nhất của Hội An mà dù có đi khắp thế giới tìm một thành phố mà những con người gắn bó, thân thiết như vậy cũng thật hiếm hoi.

Tôi nhớ hồi còn đi học, thỉnh thoảng tôi hay vào Hội An chơi với mấy ông bạn “thi sĩ” của tôi: Hạ Đình Thao, Lê Văn Trung, Lê Anh Huy, Kiều Uyên v.v… Đi xuống gần Cẩm Thanh để ăn mì Bà Đợi hay qua cầu Cẩm Phô để ăn chè. Tối về thì vào chùa Phước Kiến ngủ với Thái Tú Hòa (em ruột nhà thơ Thái Tú Hạp). Thấy tôi đến bao giờ Hòa cũng gọi Cẩm (cô em gái của Hòa) mang cái tô ra bà Cảnh mua một tô cao lầu cho tôi và không quên thêm một chén cơm nguội. Tuyệt vời, không có cái gì ngon bằng. Cho đến bây giờ hơn bốn mươi năm tôi vẫn còn nhớ như mới ngày nào. Tội nghiệp tụi tôi đứa nào cũng nghèo xơ xác, mình có thể nhịn ăn nhưng khi gặp bạn bè thì đãi bạn một cách hào phóng. Hào phóng ở đây có nghĩa là ăn một tô mì hay uống một ly cà phê chẳng hạn. Chứ làm gì có tiền đãi nhau thịnh soạn được, nhà đứa nào cũng nghèo. Mấy ông nầy ra Đà Nẵng tôi đãi một món đặc sản là đậu phụng chiên với nước mắm. Nước mắm khi khô bám vào hạt đậu, vừa dòn vừa mặn, để ăn với cơm. Ngày nào cũng vậy, chẳng có ai khiếu nại về chuyện ăn uống, để dành tiền đi uống cà phê Diệp Hải Dung.

                                                                        *

Buổi trưa anh em tôi về lại Đà Nẵng để lo đám giỗ. Tôi có mời vài người bạn đến ăn đám giỗ má tôi. Lâu quá, dễ chừng gần hai mươi năm không gặp lại nhau. Bạn bè người nào cũng quá nhiều thay đổi, từ con người đến cuộc sống, tụi tôi bắt đầu bước vào tuổi già. Thế mà khi ngồi lại nói chuyện với nhau như hồi còn trẻ. Tôi kể cho tụi nó nghe về những gì mà tôi đã gặp sáng nay, tôi thấy trên khuôn mặt chúng nó không có một chút ngạc nhiên. Như vậy, chuyện như thế nầy cũng thường xẩy ra và ai sống tại quê nhà cũng thường gặp. Đời sống khó khăn, con người sinh ra nhiều biến thái.

Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê. Tôi không nhận ra một chút gì cái thành phố mà tôi đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở đó. Bây giờ nó mang một bộ mặt khác sang trọng và lịch lãm hơn. Những con đường rộng rãi và dân cư đông đúc. Một vài người hỏi tôi nghĩ gì về những thay đổi vội vàng của Đà Nẵng. Tôi trầm tư biết trả lời sao đây? Hơn 30 năm rồi, quê hương nhiều mất mác quá. Tôi thấy hình như mọi người cố gắng chạy đua cho kịp, thể hiện cho người ta biết mình có tiền có của, mạnh ai nấy xây nhà. Những hình thù nhà cửa thật nham nhở lố lăng, thể hiện một cái thứ trưởng giả học làm sang. Tôi không biết người ngoại quốc đánh giá cách xây dựng nầy ra sao. Chứ còn tôi không chịu được, vừa cỗ của thời Louis nhưng cũng vừa hiện đại của thế kỷ nầy. Nó giống như râu ông nọ cắm cằm bà kia. Không biết vài chục năm sau, thế hệ con cháu chúng ta đánh giá lối kiến trúc nầy thế nào. Chứ riêng cá nhân tôi nhận thấy vừa hợm hĩnh nhưng cũng vừa tội nghiệp. (Có thể nhận định của tôi sai lầm, vì con mắt của tôi quá trần tục, không có đầu óc mỹ thuật. Cái nhìn có thể sai lạc).

Tụi tôi không còn cái tuổi ngồi hằng giờ ở mấy quán cà phê thuở trước như: Lộng Ngọc, Hạ, Ngọc Lan, Diệp Hải Dung, Thạch Thảo, Star, Danube v.v…để say sưa nghe nhạc. Một thằng bạn dẫn tụi tôi đến một quán cà phê thật yên tĩnh để dễ dàng nói chuyện. Một thằng bạn khác hỏi tôi: “Cái gì ở Đà Nẵng đã gây cho mầy “ấn tượng” nhiều nhất, khi xa nhà?”. Tôi trả lời không chút đắng đo: “Xóm Chuối”. Chúng nó cười ồ lên tưởng rằng tôi nói đùa. Ai sống ở Đà Nẵng cũng đều biết Xóm Chuối là nơi tập trung mấy cô gái làng chơi, nằm phía sau bệnh viện Toàn Khoa. Nhưng tôi cũng có một kỷ niệm sâu đậm ở đó. Tôi có một cô bồ học ở trường Bồ Đề, nhà ở trong con hẽm đường Trần Bình Trọng, con hẽm nầy ăn thông qua đường Trần Tế Xương (đường nầy có nhà in Trúc Mai). Thường thường thì cô bạn tôi theo đường Trần Tế Xương đi ra đường Yersin cho gần. Tụi tôi thường hẹn nhau ở góc Yersin (bên hông bệnh viện) và cũng gần đường vô Xóm Chuối. (Hẹn xa xa vì sợ gia đình cô ta biết) vì vậy gặp bao nhiêu chuyện phiền phức. Mấy người đàng hoàng đi ngang qua thấy tôi đứng chỗ đó thì nghĩ là tôi tìm gái làng chơi. Còn mấy cô gái làng chơi nghĩ rằng tôi đang đi tìm họ, cho nên họ chạy ra níu kéo tôi. Một lần hẹn ở đó tôi tởn tới già và cũng nhớ suốt đời cái địa danh nầy. Khi cô bạn của tôi ra ngồi trên yên sau xe, tôi mới bắt đầu càm ràm. Tôi cho rằng cô ta chơi tôi, hạ nhục tôi. Chứ không biết cái chỗ “hang hùm” ở đó sao mà lại hẹn nhau chỗ ấy? Cô ta ngồi phía sau ôm bụng cười ngắc nga ngắc nghẻo, còn tôi thì tức lộn ruột. Sau nầy cô ta mới nói cho tôi biết là cô ta không biết nơi đó là ổ gái mãi dâm. Tội nghiệp cho cô bạn học trò ngây thơ của tôi.

Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời. Phần đông các bạn trai thuộc thành phần lính tráng của Miền Nam, còn các bạn gái có chồng cũng đi lính. Nên đời sống các bạn sau nầy về kinh tế rất eo hẹp. Chúng tôi rơi vào thế hệ đứng giữa cuộc chiến khốc liệt nhất, cấp bậc không cao, phần đông bỏ thây tại chiến trường. Nếu còn sống sót cũng không đủ tiêu chuẩn đi qua Mỹ theo diện HO. Vì vậy sau khi học tập trở về đều sống lây lất, làm những công việc nặng nhọc sống qua ngày. Nhìn anh em đó tuổi đời không nhiều nhưng tinh thần lẫn thể xác già cổi trước tuổi. Lâu ngày không gặp nhau, anh em nói mãi không hết chuyện. Khi tiệm cà phê báo cho biết đến giờ đóng cửa, chúng tôi mới chia tay ra về.

Những ngày còn lại, thỉnh thoảng tôi đến thăm một vài người bạn. Buổi chiều tôi rủ vài người về nhà uống rượu. Chỉ có những bữa rượu anh em mới thổ lộ hết tâm tình của mình. Có một điều lạ là trước đây tôi ít uống rượu, tửu lượng của tôi một chai bia hay một ly nhỏ rượu đủ làm cho tôi say. Thế mà tôi không ngờ rằng về quê lần nầy tôi đã hạ mấy thằng bạn nát rượu. Đã làm cho nhiều người ngạc nhiên mà tôi cũng không ngờ rằng mình uống không thua gì chúng nó. Có lẽ vì vui quá, anh em lâu ngày không ngồi với nhau, về lại quê hương trong nhiều năm xa cách v.v…nhiều yếu tố làm cho tôi cảm thấy thoái mái. Vì vậy mà tôi uống được nhiều.

Cái nhìn của tôi về quê nhà có thể rất phiến diện và vội vàng. Có thể làm cho nhiều người không đồng ý. Nhưng tôi biết làm sao hơn khi mà một thực thể nó đã như vậy, tôi nói lên với tất cả tấm lòng dành cho quê hương mình. Có một điều mà cho đến bây giờ vẫn không nghĩ ra được là mọi người nhìn tôi với con mắt xa lạ, cách biệt trong lúc thâm tâm của tôi muốn hòa đồng, muốn thân thiện. Có một cái gì đó muốn đẩy tôi ra xa ngoài vòng tay của quê hương tôi. Sau khi trở lại Mỹ, sau nhiều đêm suy nghĩ tôi mới tìm ra được một giải trình cho mình. Có lẽ phần đông mang một mặc cảm thua thiệt vì nghèo khó, nhìn mấy ông bà Việt kiều tiêu tiền hào phóng họ cảm thấy cách xa với họ. Cho nên họ nhìn những người trở về như một loại “cá mè một lứa”. Họ đâu biết rằng có người trước khi về họ đã dành dụm bao nhiêu năm, cũng cày sâu cuốc bẩm, cũng lao tâm lao lực mới có được tiền. Vì biết bà con bên quê nhà làm ăn khó khăn nên họ phải “gánh” cho đỡ bớt gánh nặng khi phải tiếp họ. Những thành phần thuộc tư bản trong nước bây giờ, cách vung tiền của họ mới khiếp. Các “đại gia” nầy ra tay thì các “hảo hán” có máu mặt của Việt kiều đành phải lép vế.

Dù gì chăng nữa tôi vẫn thấy những ánh mắt nhìn tôi không còn thân thiện, coi tôi không phải là người dân đã sinh ra và lớn lên trên quê hương. Cái nhìn và cách đối đãi của họ với tôi như một người khách. Cách hành xử nầy làm cho tôi thấm đau như có ai đó nhổ toẹt vào mặt mình. Chúng tôi không có tội gì hết, khi xa quê hương chúng tôi đau lắm vì nơi đây chôn nhau cắt rún, cha mẹ anh em đang hiện diện ở đây và rất nhiều, rất nhiều cái lý do khác không dễ gì dứt bỏ ra được. Thế nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc phải rời xa đất nước. Đó là điều đau lòng cho tất cả những người đang xa xứ. Trong những ngày trở về, tôi ít đi đâu vì tôi mang một mặc cảm xa lạ, nên suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Để tìm lại những thân thiện, những tình cảm mà tôi tưởng chừng như bị đánh mất ngay cả những người ruột thịt với mình. Tôi không muốn làm một người khách lạ./

 

Dallas, 18 tháng 8 năm 2007

Phan Xuân Sinh