Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

HAI NGÔI MỘ

BÊN DÒNG SÔNG THU

Giới thiệu hồi ký

“Tuổi Thơ và Chiến Tranh”

của Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn

 

TRẦN TRUNG ĐẠO

 

 

Hôm nay là ngày Mùng Một Tết. Bên Úc, Tết đến giữa mùa hè nhưng nơi tôi ở, Đông Bắc nước Mỹ, Tết đang đến trong mùa đông.  Năm nay mùa đông thật khắc nghiệt. Tuyết và tuyết. Bão và bão. Tôi sống ở đây đã 28 năm nhưng khi nghe tiếng rít dài của gió hay nửa đêm thức dậy nhìn những chùm hoa tuyết trắng đánh mạnh vào bên kia cửa kiếng, cảm giác bất an, lo sợ, cô đơn, trống vắng của những ngày mới đến như vẫn còn quanh đây. Dù sao, Sydney hay Boston, một năm nữa cũng cộng vào hành trình biệt xứ. Đoàn lưu dân đã ra đi và có thể còn tiếp tục ra đi một thời gian ngắn nữa.

Mùng Một Tết là ngày đánh dấu một năm mới bắt đầu nhưng cũng là ngày nhìn lại một chặng đường. Và như đã hứa với nhà thơ Hoàng Phong Linh tức nhà tranh đấu cho tự do Việt Nam Võ Đại Tôn và cũng là người tôi được phép gọi bằng anh trong bài viết nầy, mùng Một Tết năm nay tôi sẽ cùng anh về thăm lại làng Kim Bồng, quê nội của anh và cũng là nơi người mẹ trong bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của tôi đã ra đời. Tôi sẽ cùng bước với anh trên những con đường Hải Châu, Đà Nẵng, thành phố thân yêu, nơi còn in dấu chân của anh em tôi trong mùa bão lửa ngút ngàn của quê hương. Tôi sẽ về để cùng tắm với anh bằng nước Thu Bồn, giòng sông thi ca đã chảy vào tâm hồn anh em chúng tôi những giòng thơ quê hương mật ngọt. Và tôi sẽ viết với anh về tuổi thơ đầy bi tráng mà chúng tôi đã trải qua trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình. Bởi vì, như Bùi Giáng viết, dù đi bao xa điểm hẹn cuối đời người vẫn là Cố Quận:

 

Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước

Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay

Chợt có lúc hai chân dừng một lượt

Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này.

(Bùi Giáng, Mưa Nguồn)

 

 “Chỗ này” của Bùi Giáng là cố quận, là nơi trở về của ý thức và “chỗ này” của anh Võ Đại Tôn là “Tổ ấm”, của tuổi thơ bất hạnh, của chứng tích chiến tranh, của đau thương tàn phá như anh viết trong lời ngỏ:“Con chim trước khi chết còn biết quay đầu về núi, mong tìm lại khu rừng xưa nơi có tổ ấm cội nguồn.”

 “Cội nguồn” mà anh Võ Đại Tôn muốn nói đó là quê hương và quê hương không đơn giản chỉ là những phong cảnh tuyệt vời, thơ mộng mà như nhà văn xứ Quảng Lôi Tam có lần định nghĩa, “cội nguồn” còn là “Tiếng cười của Mẹ, ánh mắt của Cha, lời giáo huấn của Thầy, những đùm bọc cưu mang của quyến thuộc, bằng hữu ... Rồi vời vợi trong ký ức còn có hình ảnh con đường cũ, mái trường xưa .... Tất cả quyện quấn, đan kết thành chiếc nôi êm ái. Chiếc nôi đó không là bảo vật dành cho một vài cuộc đời. Nó có đó từ nhiều nghìn năm trước và sẽ phải còn đó cho muôn nghìn năm sau”.

Nhà thơ Hoàng Phong Linh trong lời dẫn nhập của hồi ký “Tuổi Thơ và Chiến Tranh” lần nữa đã xác nhận truyền thống mà nhà văn Lôi Tam đã nêu ra: “Cội Nguồn Dân Tộc và dựng xây những con đường tương lai sáng đẹp cho các thế hệ tiếp nối, trong cuộc sống và lẽ sống của Con Người đúng nghĩa.” Vâng, “Nghìn năm trước, nghìn năm sau” của nhà văn Lôi Tam hay “các thế hệ tiếp nối” của nhà thơ Hoàng Phong Linh, dù cách diễn tả có khác nhau nhưng đều cùng mang một tâm nguyện. “Cội nguồn” còn là lịch sử. Lịch sử Việt Nam là một bản hùng ca bi tráng dài hơn bốn ngàn năm. Như số phận một nước nhỏ, dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều hy sinh xương máu trong hàng trăm cuộc chiến bảo vệ đất nước qua các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần để chống lại các triều đại phong kiến Trung Hoa nói riêng và các thế lực xâm lăng từ phương Bắc nói chung đông hơn gấp nhiều lần nhưng tổ tiên chúng ta luôn luôn thắng những trận cuối cùng và quyết định như Nguyễn Trải đã nhắc lại trong Bình Ngô Đại Cáo.

Đối với anh em chúng tôi, sự hình thành của xứ Quảng Nam trong lòng dân tộc cũng là một bài ca kỳ diệu. Từ mấy trăm năm trước, giả từ miền bắc thân yêu, giả từ Thanh Hóa, Nghệ An, tổ tiên Quảng Nam bồng bế con thơ vượt đèo Hải Vân, ra ngoài cửa biển Đà Nẵng, xuống tận vùng Cửa Đại, Hội An và lên cả các xứ đèo heo hút gió Tiên Phước, Trà Mi. Họ bắt những con cá lớn, trồng những cây quế thơm, dệt những tấm lụa vàng. Và từ những bước chân đầu tiên đặt lên con đường lịch sử đầy gai góc, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và xây dựng Quảng Nam. Truyền thống yêu đất yêu người đó đã được vun xới chăm nom bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt.

Câu nói “Quê hương tôi là đẹp hơn cả” không phải chỉ anh Võ Đại Tôn nói, tôi nói hay một người dân Quảng Nam Đà Nẵng nào nói nhưng ai cũng có thể nói và ai cũng có quyền nói. Và quê hương chúng ta không phải chỉ có Thu Bồn là đẹp mà giòng sông nào cũng đẹp. Người dân Mỹ Tho, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre khi đứng nhìn giòng Tiền Giang cuồn cuộn, những cụm hoa lục bình màu tím, tiếng chim bìm bịp kêu mang theo tin nước ròng, nước lớn, trong lòng họ hẳn cũng dâng lên niềm kiêu hãnh được lớn lên bên giòng sông Cửu Long hùng vĩ từ nhiều ngàn dặm xa xôi mang theo nguồn phù sa tươi tốt để bồi đắp quê hương và nuôi lớn miền Nam trù phú. Và còn nữa, Hà Nội với sông Hồng, Huế với sông Hương, Quảng Ngãi với sông Trà, Sài Gòn với sông Đồng Nai, Long An với sông Vàm Cỏ, Khánh Hòa với Sông Cái, nói chung, giòng sông nào cũng đậm đà hương đất Việt Nam.

Nhưng với chúng tôi, Thu Bồn, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, giòng sông còn là chứng tích của chiến tranh khốc liệt, của những cuộc chia tay đầy nước mắt và của bão lụt thiên tai mỗi độ tháng mười về. Thật vậy, trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. Cả hai được xem như là đặc sản Quảng Nam. Nước lũ, nước lụt, nước lớn, nước ròng hình như có trong thơ của hầu hết các nhà thơ xứ Quảng, không chỉ để mô tả nỗi đau, sự chịu đựng mà nhiều khi còn dùng để tả sự chờ đợi, đổi thay, ngăn cách đôi dòng như nhà thơ Tường Linh có lần viết “Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước, gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ ?” là thế.

Thơ ca, đứa con tinh thần của mối tình giữa đất và người xứ Quảng cũng từ giòng sông Thu Bồn sinh ra. Qua bao thời đại, thơ ca xứ Quảng lớn lên, có khác nhau ít nhiều về vóc dáng nhưng các cấu tử trong mỗi tế bào căn bản vẫn giống nhau. Dù làm thơ cho những mối tình trai gái hay làm thơ ca ngợi tình cha mẹ, ngôn ngữ trong thơ của họ cũng đơn giản và dễ hiểu như chính con người họ. Tổ tiên chúng tôi yêu đất Quảng như yêu mối tình đầu và cũng là tình cuối nên dù biết miền Nam có thể sẽ trù phú hơn, dễ sống hơn, thời tiết ôn hòa hơn, ông bà chúng tôi đã chọn ở lại với mảnh đất mà họ đã lần đầu khám phá, đã chọn Quảng Nam làm quê hương nhỏ trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Tổ tiên chúng tôi hẳn đã từng đứng trên đèo Hải Vân và nói lớn “Đây Quảng Nam!, đây Thu Bồn!, nơi ta sống và nơi ta sẽ chết”. Sự chọn lựa nào cũng có giá và cái giá của tình yêu trải qua suốt bao đời làm người dân đất Quảng là sự chịu đựng nghèo khó và thiên tai. Bao nhiêu thế hệ Quảng Nam đã sống và đã chết trên mảnh đất linh thiêng và đầy thống khổ Quảng Nam Đà Nẵng, chết trong dòng nước lụt, nước lũ, nước dâng cao, nước cuốn mỗi năm.

 

Còn ở đó màu da vàng thượng cổ

Tổ tiên tôi từ sơ thủy vốn buồn

Hai bàn tay đã đào sâu lòng đất

Trồng muôn ngàn cây sai trái tình thương.

(Còn ở đó, Nguyễn Nho Sa Mạc)

 

Sông Thu Bồn, chảy dài hàng trăm dặm từ Trà Linh xuống Hội An. Sông Thu có thể không quá dài so với nhiều con sông lớn khác ở ba miền nhưng đẹp hơn cả một bức tranh thủy mạc. Bao nhiêu văn, thơ, nhạc đã chảy ra từ giòng sông đó. Phía sau những rặng tre già nghiêng mình soi bóng, những bãi dâu xanh ngát dọc bờ sông, nhiều nhà thơ xứ Quảng đã sinh ra, lớn lên và ra đi theo nhiều chọn lựa khác nhau. Họ khác nhau về thế hệ, hoàn cảnh trưởng thành và nhiều trường hợp khác nhau cả về chính kiến nhưng tất cả cùng có một tình yêu tha thiết dành cho giòng sông nuôi lớn tâm hồn yêu người như yêu cả quê hương của họ.

Hình như tất cả nhà thơ gốc Quảng nào cũng có ít nhất một bài thơ viết về sông Thu Bồn, những người con gái giặt lụa, những bãi dâu xanh và cả về mùa lũ lụt.

Bài thơ đầu tiên tôi đọc trọn vẹn của nhà thơ Hoàng Phong Linh là bài thơ viết về Mẹ và giòng sông Thu Bồn trong mùa lũ lụt đăng trên Giai Phẩm Xuân Quảng Đà số đầu tiên 17 năm trước do nhà thơ Thái Tú Hạp ở California, Hoa Kỳ, chủ trương, bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ:

 

Con quỳ bên ni dòng sông

Bên tê mồ Mẹ !

Trời ơi, nước ngập tràn đồng

Từng khúc xương trôi đau lòng con trẻ.

Con mang trong người thịt xương của Mẹ

Chừ trông nước lụt dâng về

Con còn bên ni, Mẹ mất bên tê,

Sóng bao la vỗ, bốn bề Mẹ mô ?

Ngày xưa Mẹ chết, con khóc mắt khô,

Chừ xương Mẹ trôi, hồn con nước lụt.

Nước dâng ngùn ngụt

Cuốn mái tranh nghèo.

Sóng cuộn mang theo

Ngày vàng bên Mẹ.

Con nhớ ngày xưa tiếng con thỏ thẻ

Đòi đi theo Mẹ nhóm buổi chợ làng.

Mẹ dắt tay con qua xóm, hoa vàng

Nở tươi bờ dậu.

Con kêu : - “Mẹ ơi, tưởng đàn bướm đậu”

Mẹ cười, bóp chặt tay con.

Con nhớ những lối đường mòn

Trâu bò qua lại.

Buổi chiều đơn sơ, lũy tre nằm ôm nắng quái,

Con đùa với bóng cau nghiêng.

Mẹ la : - “Coi chừng tối ngủ không yên,

Giật mình con khóc, bà Tiên bả buồn...”.

Con nhớ những mùa mưa tuôn

Gió đông kéo về lạnh buốt.

Trong lòng Mẹ, con nằm co rút,

Mẹ chuyền hơi ấm tình thương

Con mê giấc ngủ đêm trường, Mẹ vui.

Con nhớ dòng sông êm xuôi

Trôi về Phố Hội.

Giặt áo bên con Mẹ ngồi mỗi tối,

Con nhìn cá đớp trăng sao.

Mỗi lần sao chuyển ngôi cao

Con đưa ngực nhỏ, sao vào hồn thơ.

Nhìn con, mắt Mẹ đầy mơ

Con đòi Mẹ cõng, hờ ơ... Mẹ hò.

Chừ con về : nước lũ, sóng to

Xoáy cửa, phăng nhà,

Xốc trôi mồ Mẹ !

Xương theo dòng sông ngày xưa ra bể

Vì chưng lòng Mẹ : đại dương !

Mẹ sống lầm than cho con tình thương

Chừ Mẹ chết đi, mồ trôi nước lụt.

Con quỳ bên ni, linh hồn tê buốt

Mần răng mà về bên tê chừ, Mẹ ôi !

Quê hương nước ngập tận trời

Hồn con khóc suốt một đời không nguôi !...

 

 (Nước Trôi Mồ Mẹ, Hoàng Phong Linh)

 

Mười bảy năm sau, trong một buổi chiều đầu năm, tôi được lần nữa đọc bài thơ này trong bản thảo hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh của anh, niềm xúc động vẫn còn nguyên như khi đọc lần đầu.

 

Quê hương nước ngập tận trời

Hồn con khóc suốt một đời không nguôi !...

 

Nhiều nhà văn, nhà thơ có khiếu văn chương, chỉ cần nhìn một bông hoa đẹp, đi thuyền qua một giòng sông, họ có thể để lại cho đời những bài văn, bài thơ tuyệt tác. Anh em chúng tôi không có được năng khiếu đó. Phía sau những giòng chữ, những câu thơ của Nước Trôi Mồ Mẹ là những đời sống thật, những nỗi đau có thật, là những mảnh xương còn sót lại trên cồn cát, là những mảnh thịt tan nát trong hố sâu và là những giọt nước mắt tiếc thương chảy suốt một đời người.

Hình ảnh giòng sông, cơn lụt và ngôi mộ nhỏ từ bài thơ anh viết, in sâu vào ý thức của tôi từ 17 năm trước chợt hiện ra chiều nay trên xứ người xa lạ. Hình ảnh bi thương đó không phải chỉ của riêng anh mà còn của tôi và của tất cả những đồng bào cùng số phận. Anh em chúng tôi, tuổi tác cách nhau hơn 20 năm mà cùng chịu chung một nỗi đau vì nỗi đau không có tuổi.

Mười bảy năm sau đọc lại bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ, tôi không còn nước mắt để khóc cho anh và cho tôi như ngày thơ ấu ở Hội An, Đà Nẵng. Mẹ của anh Võ Đại Tôn và mẹ của tôi đều nằm bên bờ sông Thu. Bao nhiêu mùa mưa lụt đi qua biết nắm xương của hai bà mẹ Việt Nam đau khổ đó có còn nguyên vẹn nữa hay không? Những ngày Tết như hôm nay, có ai ghé ngang để thắp một nén hương và nhổ đi giùm những bụi cỏ dại. Chắc là không.

Chúng tôi những người con đi xa, gánh trên vai đôi gánh nặng. Đất nước, quê hương, tình thương và nỗi nhớ. Nhiều khi tôi thèm làm một con chim nhỏ, bay về đậu trên tấm bia và đọc cho mẹ nghe những bài thơ được đan kết từ mấy mươi năm trầm luân thống khổ. Nhưng không, đôi cánh chúng tôi quá nhỏ và quảng trời thì quá xa, ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Chúng tôi chọn lựa một cách sống mà chúng tôi nghĩ là đúng nhất cho đời mình và đất nước nhưng chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh. Chúng tôi đã phải hy sinh những riêng tư thân thiết nhất.

 

Từ thuở chào đời, tôi đã là một đứa bé bất hạnh. Mẹ và anh chị tôi đều mất rất sớm. Trí nhớ của tôi còn quá non nớt để giữ lại hình ảnh mẹ. Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có đến một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ giòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn là tuyệt đối. Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu, một ngôi làng dệt lụa bên bờ sông Thu Bồn. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ, nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ.  Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày buồn và chờ đợi một điều gì sắp đến.

Một tuổi thơ như thế có thể tạm gọi là tuổi thơ bất hạnh. Nhưng tuổi thơ tôi không phải là bất hạnh nhất hay ít bất hạnh hơn anh Võ Đại Tôn.

Tại sao?

Ngày mẹ tôi mất tôi còn quá nhỏ để ý thức một cách trọn vẹn ý nghĩa của đau thương. Giọt nước mắt tôi nhỏ xuống trên ngôi mộ vàng mới đắp bên bờ sông Thu hay tiếng tôi thét lên trong đau đớn khi ngọn roi cuộc đời lần đầu quất xuống ngang lưng dù sao cũng chỉ là phản xạ tự nhiên. Tôi còn quá nhỏ để hỏi tại sao và để hiểu tại sao. Anh Võ Đại Tôn thì khác. Anh lớn đủ để biết cảm nhận nỗi đau thấm dần vào ý thức. Anh bất hạnh hơn tôi vì mẹ anh, người đàn bà vốn đang trọng bịnh trong người, đã phải chết trong hoàn cảnh vô cùng thảm thương, đau đớn.

Một đoạn văn ghi lại giờ phút cuối cùng của mẹ anh: “Không có đem theo đèn đuốc gì cả, chỉ có cầm theo hai cái cuốc. Hắn bắt mẹ tôi ngồi riêng một chỗ. Còn hai chú thì được lệnh lấy cuốc tự đào một cái hố nhỏ. Xong rồi, khi chú Mười tôi còn đang đứng bên miệng hố, chưa biết làm gì thêm, thì thình lình tên Thân chụp một cái cuốc, phang ngang lưng chú một nhát mạnh làm chú ngã chúi xuống hố, nằm sấp, đau quằn quại. Trước cảnh tượng bất ngờ như vậy, chú Tám Dương tôi chưa kịp la lên thì hắn đứng phía sau dùng chân đạp chú té xuống hố. Chú tôi vừa cố lóp ngóp bò lên vừa la xin tha mạng. Hắn đứng trên miệng hố cát, cầm cuốc phang xuống, trúng ngay vào trán của chú tôi, làm chú té bật ngửa ra, nằm đè trên lưng chú Mười. Hai người chưa chết. Rồi, hắn đến xốc mẹ tôi đứng dậy trong khi mẹ tôi đang ôm mặt khóc lớn. Hắn lạnh lùng dẫn mẹ tôi đến cạnh miệng hố, xô xuống thật mạnh, mẹ tôi rớt xuống, nằm sấp trên người chú Tám. Hắn đứng trên hố, cầm cuốc cúi xuống phang mấy nhát thật mạnh vào lưng mẹ tôi, làm cả thân hình mẹ tôi quằn cong lại. Cả ba người chưa chết, nhưng không còn sức bò dậy được nữa, nằm im trong máu, chung một hố cát cạn. Tên Thân và đồng bọn dùng cuốc xúc cát lấp hố lại rồi bỏ đi. Chôn sống!”    

Mất mẹ đã là một bất hạnh. Mất mẹ trong tuổi mới lên mười là một bất hạnh lớn hơn nhưng mất mẹ trong cảnh vô cùng thương tâm như thế đã vượt qua mọi giới hạn để so sánh, mọi tiêu chuẩn để đo lường. Nỗi đau anh chịu đựng hơn 60 chục năm qua tưởng không thể nào tả được và nỗi buồn anh mang theo 60 năm qua tưởng sẽ không thể viết nên lời.

Nhưng tại sao anh phải kể lại tuổi thơ đau xót của mình?

Để làm gì? Để nguôi bớt niềm đau chăng?  

Không,  tôi không nghĩ thế. Một vết thương trên thân thể có thể quên đi nhưng một vết thương tâm hồn sẽ không bao giờ quên được.

Anh viết vì lòng thù hận chăng?

Không. Tôi nghĩ anh viết không phải để đào sâu chiếc hố hận thù giữa người và người nhưng anh viết chỉ vì sự thật. Như tôi có lần đã trình bày trong tập tiểu luận mới in, không một người Việt Nam có lòng với đất nước nào muốn đào sâu chuyện thù hận, ân oán, trái lại, ai cũng mong được sớm xóa đi những phân hóa, ngăn cách trong lòng dân tộc Việt Nam. Nhưng thù hận không thể xóa bỏ bằng sự che đậy và chia rẽ không thể lấp kín bằng lãng quên mà phải bằng thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật. Câu ngạn ngữ quen thuộc "Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau nhưng cùng nhìn về một hướng" thoạt nghe có vẻ cải lương nhưng lại thích hợp với những người Việt có lòng trong hoàn cảnh này. Người Việt có lòng đều thương nhau, đều nhìn nhau nhưng chưa thật sự cùng nhìn về một hướng. Do đó, để "giải oan cho cuộc biển dâu này", những người Việt quan tâm đến đất nước Việt Nam, trước hết, cũng nên tập nhìn về một hướng, hướng của sự thật. Tuổi trẻ Việt Nam, những chủ nhân tương lai của đất nước, phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam. Lịch sử để lại cho các em một chiếc áo rách và một cuộn tơ rối để may chiếc áo mới, nhưng từ cuộn tơ rối vò kia cho đến khi thành chiếc áo là một quá trình dài, đòi hỏi ở các em không chỉ lòng yêu nước, sự kiên nhẫn mà còn phải có một tư duy độc lập, khách quan khi đánh giá những vấn đề thuộc về quá khứ trên con đường đi đến tương lai.

Anh Võ Đại Tôn cũng đã  xác định quan điểm này trong hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh: “Viết lại cho tuổi trẻ của tôi trong nỗi trầm luân của cả một Dân Tộc và viết cho Tuổi Trẻ Việt Nam với niềm mong ước các thế hệ tương lai hiểu thấu, tránh xa, ngăn chặn, cùng nhau vượt qua mọi chướng ngại để cứu nguy Tổ Quốc và hóa giải mọi trở lực để quang phục quê hương. Xin mời Tuổi Trẻ Việt Nam đọc và mong hiểu được một phần khổ nạn này, ngay từ những năm đầu của chiến tranh, để từ đó, cùng nhau tìm lại Cội Nguồn Dân Tộc và dựng xây những con đường tương lai sáng đẹp cho các thế hệ tiếp nối, trong cuộc sống và lẽ sống của Con Người đúng nghĩa.  Lời nguyện cuối đời của tác giả là cầu mong Tuổi Trẻ Việt Nam thành công trong tự hào Dân Tộc, với Công Bằng, Nhân Bản và Tự Chủ. ”

Vâng. Tuổi trẻ Việt Nam, dù sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hay sinh ra và lớn lên trong nước, các em cũng là người Việt Nam. Ngày mai đây, khi thế hệ cha chú ra đi, thế hệ các em sẽ lớn lên và trách nhiệm lịch sử lại được tiếp tục kế thừa. Tổ tiên chúng ta đã để lại một gia tài vô cùng phong phú với tất cả phương tiện cần thiết để  đưa đất nước Việt Nam thành một cường quốc văn minh và  hiện đại.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự chủ cao hơn bất cứ một quốc gia nào ở vùng Đông Nam Á, có một nền văn minh, văn hóa lâu đời nhất ở Á Châu, có đức tính hướng thượng khai phóng và dung hợp hết sức hài hòa, có một lãnh thổ đầy ắp tài nguyên trải dài trên 3 ngàn cây số biển. Cái duy nhất mà dân tộc Việt Nam chưa có đó là một cơ hội được phát triển tự do và được sống dưới mái nhà dân chủ. Và cơ hội sẽ không do ai ban cho, không do ai viện trợ, nhưng chính từ bàn tay, khối óc, trái tim của con người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ, chứ không ai khác. Các em phải là những người tìm lấy, những người tạo ra cơ hội cho dân tộc mình. Nhà tranh đấu cho tự do Võ Đại Tôn đã nhấn mạnh điều đó trong lời ngỏ, hồi ký của anh “được viết trong bối cảnh hoàng hôn của một đời người đã trải qua, chung sống, suốt chiều dài của bao cuộc chiến xảy ra trên quê hương, tạm gác qua bên sự phân tách nguyên nhân chính kiến, chỉ hồi tưởng lại cảnh trầm luân của một Tuổi Thơ Việt Nam bị đắm chìm trong khói lửa đạn bom. Những người mang ý thức hệ ngoại lai du nhập với chủ thuyết Cộng Sản, lợi dụng chính nghĩa Dân Tộc với lòng dân vùng lên chống thực dân để cướp chính quyền và tiếp tục tạo nên nội chiến làm cho cả một Dân Tộc phải triền miên lầm than bất hạnh, từ đó một trong hàng triệu Tuổi Thơ Việt Nam – là tác giả - không có nỗi một chén cơm lành mỗi ngày và không thấy được cảnh Bà Tiên hiện về trong giấc mơ thơ dại.”

 Với tuổi đã ngoài bảy mươi, lẽ ra anh nên dành khoảng thời gian mà anh tự nhận là “hoàng hôn của một đời người” để đi đây đi đó thăm viếng người thân, tạm biệt bạn bè, hay ngồi an nhàn bên tách trà, chén rượu, nhìn mặt trời lên cao ngoài biển rộng, nhìn bóng tà dương khuất dần sau đỉnh núi cao, không, anh không thể an nhàn như thế được. Còn một hơi thở anh còn đóng góp, còn cất lên được một tiếng nói anh còn tìm cách để trao gởi những ước mơ chưa làm được hết của anh cho các thế hệ mai sau. Anh cố gắng dành thời gian còn lại để viết. Dù bàn tay anh có run hơn, đôi mắt có yếu hơn, anh vẫn cố gắng viết, bởi vì con người ai cũng phải chết nhưng sự thật lịch sử phải được sống, sống cho hôm nay và cho mãi mãi về sau.

Hôm nay, anh như áng mây trắng đang bay trên trời cao, mỗi ngày một cách xa thêm mặt đất nhưng anh xin hẹn cùng sông núi, sẽ không bao giờ là những cơn giông, cơn bão mà sẽ là cơn mưa mát dịu, rót xuống trần gian những giọt sữa nuôi người và nuôi đời. Các thế hệ Việt Nam, những cây trái tương lai của dân tôc, sẽ nhờ đó mà lớn cao hơn và tươi tốt hơn. Và cũng từ tấm lòng tha thiết với quê hương của anh Võ Đại Tôn mà Bà Tiên hiền dịu cuối cùng sẽ đến, không cho anh, không cho tôi, mà cho các thế hệ Việt Nam sắp sinh ra trên đất nước vô vàn thương yêu và bi tráng Việt Nam.

 

Trần Trung Đạo