Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

DƯỚI CHÂN TỪ BI

 

VI HOÀNG

 

Thời gian trước đây, có lần tôi được về ở trong một ngôi chùa sư nữ tại thị xã Long-An hơn một tháng trời. Đó là “Tịnh-xá Ngọc-Tâm”. Sở dĩ tôi có được cái duyên đó là do gần ba năm trước đó, tôi bị một căn bịnh nan-y mà ít có người sống sót được. Trải qua hai lần giải phẩu, tinh thần tôi xuống dốc một cách thê thảm! Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình không cho tôi một an ủi nào lại càng làm tôi chìm đắm thêm trong tuyệt vọng. Tôi không tìm ra được hướng đi cho tương lai, tôi không còn hy vọng gì với cuộc sống hiện tại. Chung quanh tôi chỉ là khoảng không gian đen tối và con đường trước mặt là một cái dốc sâu thăm thẳm xuống đến tận đáy địa ngục âm u.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình những câu hỏi mà tôi biết là không bao giờ tôi có được câu trả lời xác thực:-Tại sao lại là tôi?

-Có phải kiếp trước tôi gieo nhiều ác nghiệp cho nên kiếp nầy tôi phải nhận ác báo?

-Tôi còn có được bao nhiêu thời gian để làm những việc mà tôi muốn làm, để lo cho các con tôi nên người?

-………………

Tôi như đang bơi ngược dòng giữa một con sông nước đang cuồn cuộn chảy. Những dự tính tương lai cho chính bản thân mình, cho gia đình, và cả cho các con đều phải ngưng đọng lại. Tôi không ra khỏi nhà, không muốn gặp bạn bè; tôi chìm đắm trong cái nỗi đau buồn của chính mình. Thêm vào đó, những cơn ác mộng lại càng làm cho tôi sợ hãi hơn! Nhìn chung quanh, ai cũng tươi trẻ, tràn đầy sức sống; tại sao tôi lại mang tấm thân bịnh hoạn không có lối thoát! Bạn bè tôi đều có gia đình hạnh phúc, tại sao tôi lại phải chịu đựng sự hờ hững của chồng tôi, không có một lời chia xẻ, an ủi trong khi tôi đang mang căn bịnh hiểm nghèo.

Nhà của tôi lúc bấy giờ im lìm vắng vẻ, không còn tràn ngập tiếng cười như trước nữa! Tội nghiệp cho các con của tôi; chúng như hòa vào với cái buồn của tôi, ra vào lặng lẽ, ít giao tiếp với bạn bè và chỉ biết có học và lo lắng cho nhau. Mẹ con tôi quây quần bên nhau như chúng nghĩ rằng thời gian của tôi không còn bao nhiêu nữa! Tôi không muốn vậy nhưng thực tình lúc đó tôi không thể nào làm khác hơn được, vì cả thể xác lẫn tinh thần tôi đều không còn sức sống nữa thì làm sao mà gượng vui với đời.

Để thoát ra khỏi cái ủy mị của cuộc sống và cũng theo lời khuyên bảo của bạn bè; tôi tìm quên lãng và cũng dọn con đường vãng sanh cho mình bằng cách bỏ thời gian làm công quả ở một ngôi chùa gần nhà. Trong những lúc rảnh rổi, tôi ngồi hàng giờ nhìn lên bức bượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật to trên chánh điện. Tôi không cầu nguyện, cũng không van xin một phước lành nào đến cho tôi vì tôi biết những điều đó đều vô nghĩa. Số phận của tôi đã an bày như vậy rồi, làm sao có đấng tối cao nào thay đổi được! Tôi chỉ muốn đến lúc đó, tôi được ra đi trong thanh thản, không đau đớn, không vướng bận....

Nhưng rồi thái độ của vị tu sĩ ở đây làm cho tôi thấy mất niềm tin và chán nản thêm. Tôi không đến chùa đó nữa. Rồi có lần tình cờ gặp một ni cô ở chợ, hỏi thăm chuyện và đưa dùm cô về, tôi mới biết cô ở trong một ngôi chùa sư nữ không xa nhà tôi bao nhiêu. Hôm đó vào một ngày trong tuần nên cảnh chùa thật là yên tịnh. Đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ, nhìn bề ngoài không khác gì với những căn nhà chung quanh, chỉ khác là trên cổng sắt có hàng chữ: “Tịnh-xá Ngọc Thiền” và lá cờ Phật giáo tung bay trong gió. Ngày hôm đó, tôi gặp và nói chuyện với một đạo hữu lớn tuổi, chị có pháp danh là Diệu Tâm và là người hỗ trợ nhiều cho ngôi chùa nhỏ nầy. Chị tiếp đón tôi trong thân mật, cho tôi biết nhiều về ngôi đạo tràng nầy và từ đó tôi là một tín hữu có mặt hàng ngày.

“Tịnh-xá Ngọc-Thiền” do ni sư Thích nữ Liên Chi trụ trì, còn có ni cô Liên Huệ và ni cô Liên Thủy phụ giúp những việc pháp sự cũng như mọi việc khác để duy trì ngôi đạo tràng. Cô Liên Huệ chuyên việc nấu nướng và cũng là người tôi đã gặp ở chợ. Cô Liên Thủy còn trẻ lại là người đồng quê với tôi. Cô thật là khéo tay, viết chữ rất đẹp. Việc trang trí trong những dịp lễ lạc đều do một tay cô đảm nhận. 

Trước đó, tôi chỉ biết Phật Giáo có hai phái: Đại thừa và Tiểu thừa, hay là Bắc tông và Nam tông. Một bên chuyên về tu thiền và bên kia là khất thực. Gia đình tôi hồi nào đến giờ thờ cúng ông bà chứ không theo một giáo phái nào. Bà ngoại tôi thường nói: “Thờ cúng ông bà cũng như theo đạo Phật”. Lúc nhỏ tôi ham vui và nhà lại ở trong một xóm chùa, thường với bạn bè cùng xóm đi chùa, sinh hoạt Phật tử. Vào những năm Phật Giáo bị chính quyền đàn áp, tôi lại theo bạn bè vào chùa, tham gia biểu tình, tranh đấu một cách hăng say. Tôi cũng đã từng hứng lựu đạn cay, ăn dùi cui của cảnh sát dã chiến cũng chỉ vì phản đối những việc không được công bằng trong cái xả hội mình đang sống. Nhưng thật ra tôi cũng chưa hề có ý định quy y theo Phật. Rồi tôi có một cô bạn thân Công giáo, lại cùng người bạn nầy đi nhà thờ và những tưởng mình sẽ trở thành con chiên ngoan đạo. Khi sắp đến giai đoạn rửa tội thì tôi và cô bạn có chuyện xích mích, giận hờn nên tôi cũng bỏ Chúa luôn.

Sau một thời gian thường đến Tịnh-xá Ngọc Thiền, hiểu thêm nhiều về Phật Giáo, tôi tìm được sự thanh thản cho mình. Tôi chấp nhận những gì số phận đã an bày cho tôi, nên dùng câu: “Trời kêu ai nấy dạ!” để tự an ủi mình. Tuy vẫn không thể nào trở lại cuộc sống như xưa nhưng ít ra tôi không còn oán trời trách đất; tôi không tự cô lập mình với thế giới bên ngoài nữa. Và tôi đã đi đến quyết định xin sư cô Liên Chi làm lễ quy y cho tôi để tôi có nơi nương tựa tinh thần. Từ đó tôi là một Phật tử chính thức và mọi người trong chùa cùng các tín hữu quen thuộc gọi tôi bằng cái pháp danh “Nhơn Ngọc” mà sư cô đã ban cho tôi. Tôi ở chùa nhiều hơn ở nhà. Tôi phụ với các ni cô những gì tôi có thể làm được, dùng sự hiểu biết của mình để phụ sư cô trong những việc giấy tờ, đồng thời cùng làm các thức ăn chay để dùng trong các dịp lễ, và cũng để bán cho Phật tử quanh vùng lấy tiền trang trải những chi phí trong chùa. Mỗi chủ nhật, chùa đều có làm lễ, tôi ngồi ở bàn thư ký để giúp các thiện nam tín nữ ghi sớ cầu an, cầu siêu và những gì cần thiết mà các tín hữu phần nhiều là các ông bà lớn tuổi không làm được. 

Những ngày tháng gắn bó với ngôi Tịnh xá nầy đã đem lại cho tôi nhiều an-ủi. Tôi như đã trầm tĩnh lại và quên bớt lo âu về chuyện bịnh hoạn của mình. Nhiều lúc ngồi lặng lẽ trong Phật đường, nhìn khói nhang bay lơ lững lên trần nhà, tôi cảm thấy tâm hồn thật an bình, không còn muốn bon chen tranh dành gì với cuộc sống nữa. Tôi kêu gọi các con, cháu và những người thân trong gia đình đến Chùa để mọi người thấy là ở đây tôi đã tìm được nguồn vui. 

 

Cho đến một hôm, tôi nhận được tin là mình sẽ phải chịu đựng thêm một cuộc giải phẫu nữa! Tôi đón nhận cái tin nầy trong bàng hoàng, tê dại. Tôi không còn biết đau buồn là gì vì biết rằng thêm một lần giải phẫu là bịnh của tôi càng đi lần đến nguy cơ! Người chồng của tôi vẫn hững hờ, không một lời an-ủi, chia xẻ hay cổ động tinh thần cho tôi. Tôi hoàn toàn một mình chống đỡ với căn bịnh, với tất cả những gì có thể sắp xảy ra cho tôi. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để lo mọi việc mà tôi nghĩ rằng tôi phải làm. Tôi sợ nếu có chuyện không lành xảy ra cho tôi, các con tôi làm sao khỏi cảm thấy bơ vơ với một người cha luôn luôn say sưa, cộc cằn, ích kỷ và chỉ biết ỷ lại. Tôi bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn. Tôi cầu xin Trời, Phật cho tôi sống thêm khoảng năm năm nữa thôi để các con tôi được trưởng thành. Chung quanh tôi không còn ai để tôi chia xẻ những đau buồn; không còn ai để giải bày những lo lắng nầy nên tôi chỉ biết tâm sự cùng sư cô. Sư cô bảo tôi sau khi giải phẫu xong, tôi có thể về chùa ở để quý vị sư cô săn sóc vì các con tôi còn quá nhỏ, tự lo lấy cho mỉnh còn chưa xong thì làm sao có thể lo cho tôi. Thôi thì tất cả mọi việc đành phó mặc cho trời; được nương thân dưới chân Đức Phật cũng là một điều phước lành cho tôi. Tôi cầu nguyện và cũng cầu xin sư cô, nếu sau cuộc giải phẫu nầy mà tôi bình an, tôi xin được xuống tóc xuất gia theo Phật. Lúc đó sư cô chỉ mỉm cười hiền lành, không nói gì.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi việc, vì chính bác sĩ của tôi cũng nói là không hy vọng gì nhiều. Tôi mua sắm sẵn những đồ hậu sự cho mình và để trong một chiếc hộp cất kỹ trong ngăn tủ. Tôi căn dặn mọi việc trong lá thư để lại cho đứa con gái đầu lòng. Tôi cũng viết thư cho từng đứa con với những lời cổ động chúng nó tiếp tục những ước nguyện có sẵn cho tương lai, đừng vì sự vắng mặt của tôi mà buông xuôi cuộc sống ... Tôi từ từ bình tĩnh lại và mọi việc sắp xếp kia, tôi có cảm tưởng như mình đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa!

Buổi sáng tự mình lái xe đến bịnh viện để chuẩn bị cuộc giải phẫu, tôi gọi điện thoại cho sư cô, cho cô biết rằng tôi lo sợ lắm, tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất sẽ xảy ra cho tôi. Sư cô an ủi, dỗ dành để cho tôi bình tĩnh lại. Tôi trải qua cuộc giải phẫu trong cô quạnh nhưng mọi việc cũng trôi qua bình yên. Tôi tỉnh dậy chập chờn với những cơn đau. Bà con và bạn bè biết tin đến bệnh viện thăm viếng cũng an-ủi tôi được phần nào. Sau mấy ngày nằm viện, tôi trở về chùa dưỡng cho vết thương bình phục. Tôi tiếp tục làm công quả ở chùa song song với những điều trị hóa chất cũng như phóng xạ. Từ đó tôi ăn chay trường theo các nữ tu trong Chùa và chị Diệu Tâm.

Chị Diệu Tâm lâu nay vẫn có ý định xuất gia vì chồng chị đã qua đời từ lâu; chị cũng không còn họ hàng bà con gì ở cái xứ sở xa lạ nầy nữa. Sư cô Liên Chi khuyên chị nên về Việt Nam một thời gian để tìm hiểu thêm về Đạo Phật và cũng tập theo lối sống tu hành trước khi đi đến quyết định sau cùng. Tôi nhắc lại với sư cô lời cầu xin của tôi trước khi vào bệnh viện giải phẫu. Sư cô gọi tôi và chị Diệu Tâm lên chánh điện, bảo tôi ngồi trước mặt và nói một cách nghiêm trọng:

-Lúc trước Nhơn Ngọc xin cô xuất gia, cô không nói gì vì cô muốn Nhơn Ngọc an tâm trải qua cuộc giải phẫu. Trong điều lệ của nhà Phật, nếu trong người mang bịnh nan-y thì không thể xuất gia. Vả lại, Nhơn Ngọc muốn xuất gia là vì buồn rầu cho căn bịnh khó trị, lại thêm thất vọng về chuyện gia đình. Đó là trốn tránh chứ không phải do lòng hướng về Phật. Hơn nữa, Nhơn Ngọc còn có các con nhỏ phải lo, nhà Phật không thể cướp mất mẹ của mấy đứa nhỏ được. Đó cũng là điều cấm kỵ. Vì vậy Cô không thể cho Nhơn Ngọc xuất gia. Điều Nhơn Ngọc có thể làm là cùng với chị Diệu Tâm về Việt Nam một chuyến, để Sư bà làm lễ trả lời nguyện. Biết đâu nhờ hoàn cảnh ở Chùa có thể giúp Nhơn Ngọc bình an tu tập, quên hết những buồn phiền. 

Tôi cảm thấy thật là thất vọng:

-Như vậy nghĩa là sao hả Sư Cô?

-Nghĩa là lúc trước con có lời nguyện xin xuất gia, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì điều lệ của nhà Phật, con không thể xuất gia được. Như vậy nhà Chùa phải trả lại lời nguyện ấy cho con.

Chị Diêu Tâm chen vào:

-Em đi với chị cho có bạn nhé, xem như đi chơi một chuyến!

Sư cô tiếp lời:

-Về bên đó, ở trong Chùa một thời gian, có lẽ con sẽ thấy thoải mái hơn.

Tôi còn đang suy nghĩ thì nhận được thư của Ba tôi, người nói là đọc trong báo, thấy viết rằng bên Úc, có nhiều người đã trị được căn bịnh như tôi bằng lá đu đủ. Ba tôi kêu tôi về để thử xem sao!

Tôi thu xếp việc nhà, gởi mấy đứa con cho em tôi chăm sóc và lo sửa soạn cho một chuyến đi.

 

Chúng tôi về đến Sài Gòn trời đã khuya. Nghỉ một đêm ở nhà chị tôi và sáng hôm sau chị đưa chúng tôi đi Long An. Buổi sáng sớm tinh sương, được hít thở không khí trong sạch của quê hương làm cho tinh thần tôi cảm thấy rất thoải mái. Nhìn những đồng lúa chín, những con trâu ốm gặm cỏ bên đường, những đứa bé mục đồng, mình trần trùng trục, đen đủi, ốm tong teo, tôi thấy thương cho dân mình quá. Bao nhiêu năm xa quê, vì sự sống; mỗi lần về thăm trong vội vã là cả một khó khăn. Tôi vẫn ước mơ có được thời gian để đi khắp mọi miền, để ngắm nhìn hết những nét đẹp thiên nhiên của đất nước. Miền Nam đất đai trù phú, mầu mỡ nên cây trái cũng tươi tốt. Miền Trung của tôi đất khô cằn, làm ruộng cũng khó khăn mà trồng cây ăn trái cũng không thu được kết quả như ý muốn. Tôi nhớ câu hát: “làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá” mà thấy lòng nao nao thương cảm. 

Chặng đường đi miền Tây đã được sửa chữa nhiều nên xe xuống đến Bến Lức trời vẫn chưa nắng lắm. Hai bên đường, những sạp bán khóm san sát nhau, những trái khóm vàng hực với ngọn màu xanh được sắp ngay ngắn rất là bắt mắt làm người đi ngang không thể nào không dừng lại. Chúng tôi cũng ghé vào bên đường mua một ít để làm quà vì khóm ở đây ngọt nổi tiếng. Đi thêm một quãng đường nữa là vào tới thị xã Long An. Chị tôi hỏi thăm người qua đường và được người ta chỉ dẫn tận tình vì “Tịnh xá Ngọc Tâm” là một ngôi đạo tràng nổi tiếng tại thành phố nhỏ nầy. Gần đến thị xã, xe rẽ bên tay mặt vào con đường đất rộng. Hai bên đường đang có nhiều công trình xây cất và lớn nhất là công trình xây cất bệnh viện Long An. Đi sâu vào trong, thỉnh thoảng có một vài ni cô áo nâu, áo xám cắp sách đi bên đường. Lại thấy một đoàn áo vàng, tay ôm bình bát đầu cúi xuống đất đi dọc theo lề đường, thỉnh thoảng dừng chân lại cúi đầu cảm tạ người tín hữu vừa mới cúng dường. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi thấy bên tay trái có một cái quán chạp phô nhỏ và tấm bản “Tịnh Xá Ngọc Tâm” nằm sâu vào phía trong, sau cây cầu bắt ngang con lạch. 

Vì cầu nhỏ quá nên chúng tôi phải gởi xe bên đường và đi bộ vào trong. Vừa qua khỏi cổng chùa, ngay bên tay trái là một ngôi nhà nhỏ mà sau nầy tôi được biết đó là “cốc” của bà mẫu thân sư bà trụ trì tịnh xá. Bà cũng đã xuất gia cho nên tự làm cho mình một cái “cốc” ngay trong khuôn viên của chùa.

Sân chùa yên tịnh, thấp thoáng bóng các tà áo nâu, áo xám chen lẫn với áo vàng qua lại, ai làm việc nấy trong yên lặng. Thấy chúng tôi vào, một ni cô áo vàng đến cúi chào niềm nở:

- A di đà Phật! Quý vị có phải do sư cô Liên Chi gởi về?

Chị Diệu Tâm cũng chấp tay :

-A di đà Phật! Vâng ạ!

-Cô là sư cô Gương, mời quý vị vào nhà.

Cô tự giới thiệu và dẫn chúng tôi vào trong căn nhà chính. Tại đây chúng tôi được gặp một vị ni sư lớn tuổi dáng cao cao, khuôn mặt khắc khổ với nụ cười hiền từ. Cô Gương cho biết đây chính là sư bà Thích nữ Minh Liên; vị nữ tu trụ trì ngôi tịnh-xá nầy.

Một vị tiểu ni cô bưng lên mấy tách nước trà, cúi chào chúng tôi với ánh mắt thân thiện. Sư bà hỏi thăm mọi chuyện và dặn dò tôi cùng chị Diệu Tâm những điều cần thiết rồi dẫn chúng tôi lên lầu. Sau khi chỉ căn phòng mà tôi chúng tôi sẽ tá túc trong thời gian tới, sư bà còn nói:

-Nhơn Ngọc cứ an tâm. Sư cô Liên Chi gọi điện về có căn dặn việc tìm lá đu đủ để nấu cho con uống. Lá đu đủ thì con đừng lo, cả một vườn đàng sau kìa. Sư bà đã dặn một sư cô lo việc ấy rồi.

-Cảm ơn sư bà!

Sau khi sắp sếp hành lý, chúng tôi cùng xuống lầu. Vừa lúc ấy, tôi thấy một nhóm khoảng hơn mười sư cô đang về đến sân chùa, người nào trên tay cũng ôm bình bát; có lẽ đây là các sư cô đi khất thực mà chúng tôi đã gặp trên đường vào đây. Lúc đó cũng đã gần trưa và các vị khác vừa ngưng làm việc để lo dọn bữa ăn. Trong khi chờ đợi, sư bà đưa chúng tôi đi xem cảnh chùa.

Chánh điện chùa được xây hình lục giác; ngay chính giữa là tượng Phật tổ lớn chung quanh có bệ để chưng bày đèn nhang hoa quả đủ cả sáu mặt. Khoảng giữa trống để Phật tử có thể vào làm lễ. Sát vào các bức tường chung quanh có nhiều bàn thờ nhỏ. Tôi được sư bà chỉ cho thấy chiếc bàn thờ có di ảnh của Tổ sư Minh Đăng Quang, là người đã sáng lập ra môn phái khất sĩ khoảng hơn 60 năm về trườc. Kế đó là bàn thờ của ni sư Huỳnh Liên là một nhà tu rất nỗi tiếng hơn 30 năm về trước. Ni sư là đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngoài ra còn có những bàn khác thờ các vị tu sĩ đã qua đời.

Kế bên chánh điện là nhà ăn và bếp. Đây là một căn rộng không có tường bao quanh. Trên một mặt bằng phẳng rộng lớn cao khoảng bảy tấc mà theo tôi biết bên dưới là một cái hồ để chứa nước mưa thật là to, tôi thấy các sư cô trải chiếu trên mặt hồ và đang dọn đồ ăn. Trong gian nầy còn một khoảng khá rộng nối liền với chánh điện; có lẽ nơi nầy dành để mỗi khi có lễ hội, dùng làm nơi tiếp đãi thiện nam tín nữ đến dự lễ. Phía sau phòng ăn là nơi rửa chén bát. Tôi cũng thấy được dòng sông chảy dọc theo phía sau chùa với những cây dừa nước mọc chen chít làm cho con sông trở nên chật hẹp. Thỉnh thoảng có những chiếc ghe nhỏ chèo ngang để bán thực phẩm tươi. Nhà bếp nằm cuối cùng, đơn sơ với những bếp lò chụm củi, và những bó củi lớn xếp ngay ngắn trong một góc. Kế sát phòng ăn, ngay bên cạnh bờ sông là những căn phòng nhỏ của các vị tiểu nhỏ mới tu. Trong khuôn viên rộng lớn của chùa, rải rác mấy cái nhà nho nhỏ chen lẫn trong những lùm chuối, cây ăn trái như đu đủ, xoài, và những luống rau cải. Những cái nhà nhỏ nầy được gọi là “cốc” dành cho những sư cô trong chùa, mỗi vị tự xây cho mình một cái và ở riêng biệt trong đó. Đặc biệt là vào ba tháng hè, các sư cô hầu như ở luôn trong “cốc” để tu thiền được gọi là “vào hạ”. 

Tiếng kẻng báo hiệu đã đến giờ cơm trưa, tất cả tề tựu lại phòng ăn. Chúng tôi (tôi, chị Diệu Tâm và chị của tôi) được xếp ngồi cùng mâm với Sư bà. Các vị khác theo ngôi thứ sắp ngồi dài hai bên. Thức ăn là những gì các vị đã đi khất thực về, thêm vào đó là các món quý vị ở nhà nấu thêm rất là ngon miệng. Mọi người ngồi xếp bằng hai bên, ở giữa là thức ăn; trên mặt của cái hồ nước thật to kia.

Sư bà giới thiệu chúng tôi cùng các vị nữ tu trong chùa và cho biết tôi cùng chị Diệu Tâm sẽ ở lại chùa một thời gian để tu tập. Các sư cô đều ngỏ lời chào đón niềm nở; vài vị tiểu ni cô đem đến cho chúng tôi thêm những trái cây vườn dân dã rất là đặc biệt. Sau phần tụng kinh, tất cả bắt đầu dùng cơm trong im lặng. Thỉnh thoảng sư bà hỏi han về những việc trong chùa, việc học của các vị còn đang cắp sách đến trường, và sắp xếp những việc cần làm sắp tới. Ai nấy đều trả lời rất là lễ phép để tỏ lòng kính trọng vị sư trụ trì khả kính.

Dùng xong bữa trưa, mọi người giải tán ai lo phần nấy. Tôi đi lần về phía bếp, cạnh hồ nước nơi có hai vị ni cô nhỏ đang rửa chén. Họ cho tôi biết, nước nầy lấy từ dưới sông lên, cho vào một cái bể và bỏ phèn vào cho nước trong. Họ dùng nước đó để rửa chén, giặt giũ. Tôi ngạc nhiên vì nhìn nước dưới sông đục ngầu , nhưng nước trong hồ lại sạch sẽ và trong vắt. Lần đầu tiên tôi mới thấy cách dùng nước sông như thế nầy, vì ngoài Trung nơi tôi sinh ra và lớn lên toàn là dùng nước giếng hay nước máy.

Sư bà bảo chúng tôi lên phòng nghỉ trưa. Sau đó chị tôi từ giã trở về Sài Gòn để còn kịp đón đứa con gái đang còn đi học. Chị hứa thỉnh thoảng sẽ xuống thăm.

Buổi chiều, một vị ni cô đem lên cho tôi một chén nước màu xanh và mấy viên xí muội. Cô cười nói:

-Sư bà dặn cô nấu nước lá đu đủ cho Nhơn Ngọc uống. Cô uống thử thấy đắng quá nên đem theo mấy viên xí muội.

Chén thuốc thật đắng, tôi vội ngậm viên xí muội để làm giảm đi phần nào cái vị đắng còn đọng lại trong lưỡI, và thấy thật cảm động trước sự chu đáo của cô và sư bà trụ trì. Cô còn đem đến cho tôi hai bộ đồ vạt mẻ; một nâu, một xám. Cô nói bận đồ nầy ở trong chùa sẽ được thoải mái hơn và tôi cũng đồng ý như vậy. Tôi có cảm tưởng những ngày sắp tới của tôi sẽ tràn đầy niềm vui trong tình thân ái của những vị nữ tu đã quên đời mình để phục vụ cho tha nhân. 

Buổi tối, tôi ngạc nhiên khi một ni cô bưng lên phòng cho chúng tôi một mâm cơm. Chị Tâm cắt nghĩa rằng, quý vị sư cô sau bửa ngọ, buổi tối không ăn gì nữa cả. Chỉ có mấy vị tiểu mới tu, chưa quen nhịn ăn tối mới cùng nhau dùng bữa dưới bếp. Tôi xin từ mai cho tôi được cùng dùng chung với mọi người. 

Một ngày đã trôi qua; kể từ ngày mai, tôi sống ở tịnh xá nầy như một kẻ tu hành; chỉ khác là trên đầu tôi vẫn còn để tóc.

      

Thật là mệt nhọc vì những cuộc hành trình của mấy ngày qua, tôi ngủ không còn biết trời đất gì nữa. Đang ngon giấc chợt nghe tiếng kẻng dưới sân, chúng tôi vùng dậy, đồng hồ điểm 4 giờ sáng. Sau phần vệ sinh cá nhân; tôi thay bộ đồ vạt mẻ màu nâu và cùng chị Tâm đi xuống chánh điện. Tiếng chuông chùa vang lên trong đêm thanh vắng làm cho mọi người tỉnh hẳn. Tất cả đã tề tựu đông đủ cho thời kinh buổi sáng. Mỗi người dành cho mình một vị trí chung quanh tượng Phật tổ và trong không gian im vắng của buổi sáng sớm, tiếng tụng kinh đều đều, nhịp nhàng bắt đầu vang lên. Thỉnh thoảng lại có tiếng sột soạt của quần áo khi mọi người cùng lạy xuống nhịp nhàng. Xong phần tụng kinh, mỗi vị đem ra một chiếc mùng nhỏ treo ngay tại chổ mình để bắt đầu ngồi thiền. Sư cô Gương giải thích:

-Vùng nầy là vùng sông, cho nên muổi dữ lắm; không có mùng là muỗi khiêng đi luôn! 

Cô chỉ một cái mùng rộng cho tôi và chị Tâm, rồi dạy cách cho chúng tôi ngồi thiền. Mới đầu chưa quen, hai cái chân của tôi tê dại hẳn làm cho tôi không thể nào tập trung được nhưng tôi cũng ráng chịu đựng. Sau đó từ từ quen dần, tôi cảm thấy tinh thần thật thoải mái sau giờ thiền buổi sáng.

Sau nửa giờ tụng kinh và một giờ ngồi thiền, trời đã bắt đầu sáng. Mọi người tảng hàng ra sân. Trừ một số vị lo việc nhà bếp vào sửa soạn bữa ăn sáng. Số còn lại sắp thành ba hàng ngang để bắt đầu tập thể dục. Một sư cô đứng ra hướng dẫn và tất cả cùng nhau làm những cử đông nhịp nhàng bên cạnh những chậu hoa còn đọng sương buổi sáng. Không khí trong lành cộng thêm mùi hương thoang thoảng của hoa tươi làm mọi người cảm thấy thật dễ chịu.

Từ trong bếp mùi xào nấu bắt đầu bốc ra thơm phức làm cho ai nấy bụng đói cồn cào. Các vị sư cô không dùng bữa tối cho nên bữa điểm tâm trở thành một bữa ăn quan trọng trong ngày. Thức ăn được dọn ra, mọi người cùng quây quần trên mặt hồ nước, ăn xong thì đã bảy giờ sáng. 

Tất cả ai lo việc nấy, tôi vì chưa được cắt đặt công việc gì nên lấy máy quay phim ra quay cảnh chùa.

Một chiếc xe lam dừng ngay trước cổng chùa để đưa các vị còn trong lứa tuổi đi học đến trường Phật học trong vùng. Có vài vị đi xe đạp, cũng có người đi bộ. Các vị sư cô khác cũng sửa soạn đi khất thực. Phái Khất sỉ nầy khác với bên Phật Giáo Nguyên thủy là các vị tu sĩ cũng đi khất thực, nhưng vì ăn chay cho nên khi đi khất thực, không nhận đồ mặn. Họ khoác áo vàng, chân không, đầu cúi xuống đất, và cứ thế chậm rãi mà đi. Những người ở gần chùa đã quen như vậy cho nên cứ đem phẩm vật cúng dường bỏ vào trong chiếc bình bát trên tay họ. 

Trong sân chùa nhiều chậu hoa kiểng thật đẹp đang đua nhau nỡ rộ. Nhiều nhất là hoa Hồng, Thược dược và Cúc. Lại thêm những luống hoa Vạn thọ dưới đất cùng mấy loài hoa mà tôi không biết tên, chen lẫn nhau làm thành cả một vùng muôn màu, muôn sắc.

Tôi vào một gian phòng lớn, tại đây các vị ni cô đang xe nhang. Những cánh tay thoăn thoắt trên mấy cái bàn nhỏ chứa đầy bột mạt cưa màu vàng, với một cục giống như là bột đã được nhồi sẳn. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cách làm nhang. Đến một chiếc bàn còn trống, tôi ngồi vào đó và hỏi cách rồi cũng bắt chước làm theo. Nhìn người khác làm thấy thật dễ dàng, tôi thử hoài với sự chỉ dẩn cặn kẻ của ni cô ngồi kế bên mà cả buổi, cây nhang tôi làm ra vẫn to thù lù như chiếc đũa. Tôi nhất định không bỏ cuộc, cố gắng học tập cho đến buổi chiều thì tôi làm đã đều tay. Tôi lại theo một sư cô khác đem nhang đi phơi, đem những nhang đã khô phân ra từng loại, làm thành bó; dán nhãn hiệu và xếp gọn gàng vào trong tủ. Tôi thích nhất là mùi nhang trầm, cái mùi tỏa ra dìu dịu quyện đều trong không gian yên tỉnh của Phật đường. Được một lúc, chị Diệu Tâm vào rủ tôi cùng đi với sư bà một vòng vào thành phố cho biết thị xã Long An. 

Chùa có một chiếc xe hơi nhỏ, cổ lổ sĩ nhưng cũng đủ sức đem sư bà đi cùng khắp các miền để làm những công tác từ thiện khi cần thiết và sư cô Gương là tài xế lái chiếc xe nầy. Tôi được biết sư cô Gương là “trí giả” của chùa. “Trí giả” cũng như là một thư ký, sắp xếp tất cả mọi chuyện cũng như thay mặt cho sư bà giải quyết công việc. Nghe nói cô tốt nghiệp đại học, nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tàu. Trông cô nhỏ người, ít nói nhưng sức làm việc của cô thật là phi thường. Mọi việc ở chùa đều do cô cai quản và mọi người đều thi hành không một lời phản đối. 

Sư cô Gương lái xe đi một vòng cho chúng tôi biết thị xã, rồi ghé chợ mua một ít đồ dùng cần thiết. Tôi cũng mua một số vật dụng để cúng dường. Về đến chùa đã gần đến giờ ăn trưa. Hôm nay các sư cô làm đãi chúng tôi món bún “thịt nướng”. Nhìn màu nâu của những lát mít non được ướp rồi nướng, bay mùi thơm phứt; tô nước mắm nấu bằng nước muối và chút xì dầu cho có màu vàng giống như nước mắm; rổ rau xanh đủ mùi vị chen lẫn những cộng giá mập mạp và bắp chuối xắt mỏng trông rất hấp dẫn. Thêm vào đó, màu trắng của bún tươi mà lâu ngày tôi không được ăn, tôi nghe bụng đói cồn cào. 

Không hiểu sao, về đến đây, tôi ăn rất là ngon miệng và ngủ cũng không còn thấy những ác mộng như lúc còn ở nhà nữa. Càng ngày, tôi càng hòa đồng với mọi người và cảm thấy thích lối sống trong chùa ở miền quê hiền hòa nầy. Buổi chiều rảnh rỗi, tôi thường cùng một ni cô nhỏ xuống bến sông, chỉ vài bực đá là tôi đã bước gần tới mặt nước. Tại đây, chùa có một chiếc ghe nhỏ buộc dưới mé sông, ni cô Hân chèo phía trước, tôi ngồi đàng sau. Chiếc ghe luồng lách theo dòng nước chảy nhẹ. Tôi chỉ vươn tay ra là có thể hái được những bông chuối nước ở hai bên. Những quầy dừa nước nặng chĩu đeo trên thân cây vì nước xoáy cuốn đi hết đất, chỉ còn chừa lại rễ bám sâu xuống dưới đáy; sà gần sát xuống mặt nước làm cho con sông đã nhỏ lại càng chật thêm. Có chỗ, tôi phải dùng tay để đẩy những chùm lục bình thật lớn ra cho ghe lướt tới. Tôi thường đi như vậy, ghé vào nhà những đạo hữu dọc bên sông để đem đến cho họ các vị thuốc Nam mà chùa có sẵn; biếu họ vài món ăn chay hay giúp những người già neo đơn những điều cần thiết mà chính họ không làm được. Thỉnh thoảng tôi theo các sư cô đi hái những lá cây thuốc Nam để sư bà phát chẩn cho dân nghèo.

Dân làng quanh đây nghèo, chất phác và rất tôn sùng đạo Phật. Mỗi dịp tụng kinh sám hối vào ngày 14 và 30 âm lịch, mọi người tề tựu rất đông. Nhìn những cụ già sì sụp 108 lạy trong kinh sám hối mà thấy thương! Nhiều người không biết chữ nhưng kinh thì thuộc làu. Những buổi tối ngày thường, sư bà thường có những buổi thuyết pháp rất là hay; quy tụ được rất nhiều những người dân sống gần chùa. Họ là những người có mặt thường xuyên trong những buổi nói chuyện nầy và sự sùng kính của họ đối với Phật giáo và ngay cả sư bà làm cho tôi thấy mình đã quyết định đúng khi về sống nơi đây một thời gian. Từ đây tôi học biết thêm được nhiều những triết lý nhà Phật cũng như đạo làm người. 

Với sự cố gắng của tôi, chỉ vài ngày sau, tay tôi đã xe ra những cây nhang đều đặn và nhỏ nhắn; tuy chưa bằng mọi người tôi cũng được các sư cô khen để khuyến khích. Ngoài ra, tôi còn học được cách làm tương, làm chao và nấu những món ăn chay giản dị mà rất ngon miệng. 

Chị tôi xuống thăm mỗi cuối tuần, có khi cả gia đình cùng đi. Những khi chị xuống chơi, chính tay tôi làm những món ăn chay đơn giản để đãi chị; nhất là anh rể của tôi rất thích ăn chao của chùa làm. Nhân dịp nầy, chị cũng nhờ sư bà làm lễ quy y cho chị, nhưng như vậy thành ra vai vế của chị lại hơn tôi một bậc vì sư bà là sư phụ của sư phụ tôi! Vậy là trong gia đình tôi lại có thêm một người quy y theo Phật với pháp danh Ngọc Xuân.

Tôi muốn tìm hiểu về tiểu sử của vị tổ sư đã sáng lập ra phái khất sĩ thì được sư bà cho một cuốn “Chân Lý” để đọc. Đọc qua cuốn sách nầy, tôi tìm thấy được nhiều điều không bao giờ tự mình có thể nghĩ ra mà rất là thực tế trong cuộc sống.

Tổ sư Minh Đăng Quang tên thật là Nguyễn Thành Đạt tự Lý Hườn, sanh năm 1923, tại tỉnh Vĩnh Long, Trung Giang. Con của cụ Nguyễn Tôn Hiếu bà bà Nguyễn thỉ Nhàn. Vào năm 21 tuổi, ngài xuất gia cầu đạo lần thứ nhất nhưng sau đó, vì hoàn cảnh gia đình phải thành lập gia thất. Sau khi vợ và con qua đời, ngài lại quyết chí xuất gia lần thứ hai. Từ đó ngài truyền bá phương pháp khất thực của nhà Du Tăng Khất Sĩ là một giáo lý bình đng đại đồng. Xin ăn là để hạ lòng tự tôn, tự đại, xem mình như đã chết nay đem cái chết ấy đi khắp nơi cùng chốn, đặng có đền trả quả nghiệp cho dứt sạch, rồi thì mới nghỉ ngơi nơi cõi Niết bàn bất diệt....Vả lại xin ăn không phải là hèn kém xuất phạm đến phẩm giá đạo hạnh của con người,; chẳng qua chỉ là sự bài bù trừ, đem chổ dư bù vào chổ thiếu, trao đổi chan hòa cho nhau. Xin ăn cũng là để tạo cho người khác học biết hạnh cúng dường, tạo cơ hội cho người biết bố thí và làm việc nghĩa. Xin ăn để học đạo rồi truyền bá giáo lý trong khắp chúng sanh, đó là sống đúng theo chơn lý của vũ trụ.....

Giáo phái Khất sĩ từ đó được truyền bá rộng rãi và tín đồ càng lúc càng đông. Ngài đi tới đâu thì nơi đó nổi lên đạo tràng, tịnh xá....ánh áo vàng chói rực!  Do đó, chẳng khác chi vừng thái dương vừa ló dạng thì những ngôi sao và ánh đèn leo lét cam đành chịu xóa mờ....Cũng vì thế, khi Đức tôn sư Minh Đăng Quang trở về Hậu giang ngày 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), ngài bị một nhóm người bên tông giáo khác bắt đem đi biệt tích.

(Theo “Chân lý”)

Tôi được biết, ông bị bắc cóc bởi Phật Giáo Hòa Hảo cùng người của ông Năm Lửa và từ đó mất tích cho đến bây giờ. Có nhiều nguồn tin cho rằng ông đã chết, nhưng tin nầy chưa hề được xác thực nhận cho nên bàn thờ của ông, không có thắp nhang như những bàn thờ khác. 

Cũng theo trong “Chân lý”, những điều luật khắt khe mà các tu sĩ phải tuân theo cũng khác với các phái khác trong Phật giáo. Theo tôi biết những điều luật này với thời thế và hoàn cảnh trong nước cũng như ở nước ngoài, có nhiều điều khó mà tuân theo được.

Tôi cũng được biết các tu sĩ của khất sĩ, pháp danh của nữ phái đều có chữ Liên, còn nam dùng chữ Giác. Nữ đạo hữu thì dùng chữ Ngọc còn nam dùng chữ Thiện. Từ đó mỗi lần nghe danh hiệu của mỗi người, tôi đã phân biệt được.

 

Những ngày tháng sống ở Ngọc Tâm thật là êm đềm và thanh thản. Tôi không có một lo âu gì, chỉ vui với những vị tu sĩ hiền hòa, không cầu danh lợi. Thỉnh thoảng tôi được theo sư bà đi làm phước thiện tại các miền quê hẻo lánh, những nơi mà cuộc sống văn minh hình như còn rất xa vời. Tôi và chị Diệu Tâm hòa mình vào với nếp sống trong chùa và lần lần làm quen với những người chung quanh. 

Trong thời gian nầy, ba tôi thường gọi điện thoại hối thúc tôi về Đà Nẵng vì từ sau cơn bịnh, tôi chưa hề về thăm. Tôi cũng rất nhớ nhà, nhớ ba má và các em, nhưng cuộc sống êm đềm ở đây làm cho tôi thấy tiếc nuối, không muốn bỏ đi. Tôi cũng cắt nghĩa rõ cho ba má tôi biết những suy nghĩ của tôi bấy giờ và người cũng thông cảm. Tôi biết rằng, về Đà Nẵng là tôi trở về với thế giới bên ngoài, thêm những phiền muộn của cuộc sống và những bon chen của thế tục. Đó là những điều tôi muốn trốn tránh bây giờ.

Nhưng rồi thời gian trôi qua đã hơn một tháng trời. Đã đến ngày tôi phải từ giã để ra đi. Chị Diệu Tâm ở lại đây để chờ tôi trở lại. Vậy là một sáng chủ nhật, chị tôi xuống đón tôi trở về Sài gòn. Tôi bịn rịn, mọi người trong tịnh xá cũng bịn rịn. Ngay cả hàng xóm cũng đến tiễn chân tôi. Cảnh chùa nhộn nhịp người ra kẻ vào để đem đến cho tôi những món quà thật là dân dã nhưng đậm tình quê hương. Món nào tôi cũng muốn nhận, nhưng tôi còn phải đi máy bay về Đà Nẵng, cho nên đành phải từ chối. Tình cảm của mọi người làm tôi không cầm được nước mắt dù tôi đã hứa rằng tôi chỉ về thăm ba má tôi một thời gian rồi sẽ trở lại đây.

Chiếc xe từ từ lăn bánh, đám con nít chạy theo sau. Tôi nhìn lại phía sau, các sư cô vẫn còn đứng vẫy tay làm cho tôi thấy bồi hồi. Tôi sẽ trở lại mà.....

 

Tôi về Đà Nẵng, ba tôi tiếp tục cho tôi uống nước lá đu đủ trong suốt thời gian tôi ở lại đó. Sáng sớm, ông đi rảo trong xóm, tìm xem nhà nào có trồng đu đủ là xin một lá đem về rửa sạch sẽ, nấu nước cho tôi uống. Ông cũng bắt chước sư cô đưa xí muội cho tôi kèm theo với chén thuốc. Tôi nói với ông là tôi có thể tự mình nấu nước và lo cho tôi được, tôi không muốn ông phải nhọc lòng; nhưng ông nhất quyết muốn tự tay lo cho tôi! Mỗi lần bưng chén thuốc uống, tôi uống cái vị đắng của thuốc mà như nuốt vào lòng cái vị ngọt của tình thương ba tôi dành cho tôi. Không biết có phải cái tình thương của ông thấu lòng trời không, trong hơn hai tháng tôi ở bên cha mẹ và những đứa em thân yêu, sức khỏe của tôi rất là khả quan. Tuy thỉnh thoảng vẫn có những cơn ác mộng làm cho tinh thần tôi giao động; nhưng tôi được vui sống trong tình thân yêu của gia đình. 

Rồi cũng đến ngày tôi phải ra đi, trở về với gia đình nhỏ của chính mình, trở về với nếp sống bon chen của cái xã hội mà sau bao nhiêu năm, tôi chưa hề thấy thích nghi. Nhưng tôi còn có trách nhiệm với các con tôi; cho nên tôi phải lìa xa nơi tôi được sống trong tình thân yêu làm tôi mãi mãi ghi nhớ trong lòng.

Bây giờ đã hơn mười sáu năm qua, căn bịnh của tôi như đã vùi chôn theo quá khứ, chưa thấy trở lại. Ba tôi đã qua đời và câu nói: “ Ba không muốn cái cảnh tre già khóc măng non” của ông đã thành sự thật. Ngày ông ra đi, con cháu đông đủ, ông ra đi trong thanh thản, chỉ có những người còn lại vẫn thương nhớ khôn nguôi.

Tôi vẫn là một Phật tử thường trực của tịnh xá Ngọc Thiền.  Vẫn liên lạc và thăm viếng các vị sư cô của tịnh xá Ngọc Tâm mỗi khi tôi có dịp trở về Việt Nam. Ngôi chùa được trùng tu khang trang hơn. Sư bà cùng các vị sư cô vẫn tiếp tục con đường Phật sự và các công tác từ thiện. Tôi vẫn hoài niệm những chuỗi ngày tôi sống tại đây. Những khi xem lại những tấm hình, các kỷ niệm lại trở về làm cho tôi không sao quên được.

Viết xong ngày 28-3-2007

Vi Hoàng

 

*Long An

Thị xã Long-An thuộc tỉnh Tân An, nằm trong địa phận của chin tỉnh dọc theo dòng sông Mêkong của miền Nam Việt Nam, về phía Tây của thành phố Sài Gòn.

Diện tích: 4, 338 Km2

Dân số: 1, 348.000 ( năm 2001). Đa số là người Kinh, và một số ít người Hoa sống vào nông nhiệp