Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

ĐẤT VIỆT MIỀN TRUNG:

ĐẤT CỦA SỰ TƯƠNG PHẢN,

CỦA THIÊN TAI VÀ THIÊN TÀI

 

GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH

 

Nói đến miền Trung, câu hỏi đầu tiên thường phải đặt ra là: miền Trung nào? Miền Trung Thanh Hóa mà giọng nói gần với miền Bắc hơn hay miền Trung Thanh Nghệ, gần với ngọn nguồn của dân tộc, miền đất gốc của văn hóa Đông Sơn, của người vượn núi Đọ, của người hiện đại homo sapiens ở Thẩm Ồm?

Hay là miền Trung An Tịnh, tức của vùng Nghệ An Hà Tĩnh, đất của một họ văn học lớn, “bao giờ ngàn Hống hết cây - sông Rum hết nước, họ này hết quan,” quê của đệ nhất thi hào Nguyễn Du (1765-1820), và đất của bao nhà cách mạng, từ Phan Đình Phùng đến Phan Bội Châu, như ta thấy trong sách của Hippolite Le Breton, Le vieux An Tịnh, viết cách đây đã 3/4 thế kỷ?

Hay ta muốn nói đến Châu Ô, Châu Rí, đất biên thùy của Chăm Pa mà ta phải mua với chuyện “nước non ngàn dặm ra đi” của Huyền Trân Công Chúa, mà cách đây 700 năm vua cha đã phải buộc lòng, đứt ruột mà gả đi cho Vua Chàm Chế Mân, “Thương thay cây quế giữa rừng - Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”?

Đây không phải là lần đầu mà rồi cũng sẽ không phải là lần cuối mà người đàn bà Việt Nam, dù có kiêu sa như Mỵ Châu của Trọng Thủy hay là một công chúa đi nữa, vẫn bị đem ra làm món hàng để đánh đổi lấy một vài quyền lợi cho đất nước? Có khác chăng thì chỉ là: Huyền Trân ngày trước bị hy sinh để cho ta mở nước, một thân đánh đổi lấy đất Quảng Bình, Quảng Trị và miền Bắc của Thừa Thiên chúng ta sau này.

Còn các cô Kiều ngày nay thì mất giá quá, bán hàng trăm, hàng nghìn hay ít nhất cũng hàng tá cho ngoại bang để đôi khi, tội nghiệp, phải thành đĩ điếm tha phương cầu thực ở xứ người, hay thành vợ những thằng què, thằng chột, chẳng hơn đứa con đi ở đợ nhà người ta, chẳng khá gì hơn những chị Dậu của Tắt Đèn trong truyện của Ngô Tất Tố, những ô sin thời đại!

Nếu nói về miền Bắc, người ta có thể xem Hà Nội “nghìn năm văn vật” là tiêu biểu, hay nói về miền Nam, người ta có thể đem Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” ra làm biểu tượng cho cả một nếp sống rộng lượng, hay còn gọi là “thoáng” trong tiếng Việt ngày hôm nay - không hiểu ta có thể lấy Huế, đất Thuận Hóa, đất Phú Xuân xưa, làm tiêu biểu cho miền Trung không, tôi tự hỏi?

Có lẽ không ai dám trả lời khẳng định cho câu hỏi này, vì dù như Huế đã là kinh đô của nhà Nguyễn qua hơn hai thế kỷ đời chúa (1558-1771) và gần 150 năm đời nhà Nguyễn Gia Miêu nữa (1802-1945), nghĩa là gần 400 năm đóng đô ở đây, song cũng không ai dám nghĩ Huế là tất cả miền Trung.

*Vì sao?

Tôi cho có lẽ là vì chủ yếu miền Trung “đất cày lên sỏi đá” là một miền mà thiên nhiên khắc nghiệt đã khắc nên những con người quen khắc khổ, cứng cáp, với những cá tính rất mạnh và một lối sống quyết liệt.

Ở đây không có sự đùa giỡn với định mệnh, mỗi quyết định là một sự đánh cuộc giữa hai bờ sống chết. Nguyễn Huy Thiệp, trong bộ ba truyện ngắn “Vàng lửa,” “Phẩm tiết” và “Kiếm sắc,” theo tôi, đã khắc họa được nên hai nhân vật miền Trung thật rõ nét, cái vũ phu quyết đoán của một Nguyễn Huệ “anh hùng áo vải” đối lại với cái “điếm nhục” của một Nguyễn Gia Long, người đã nói được một câu để đời với Phrăng: “Có cái vinh quang nào mà không xây trên điếm nhục?” (Ở đây, xin mở một dấu ngoặc, Nguyễn Du, đệ nhất thi hào của chúng ta, cũng có thể nói được là đại diện tiêu biểu cho lớp trí thức thông minh, trong sáng nhất trong xã hội Việt Nam thì, dưới con mắt Nguyễn Huy Thiệp, khá lu mờ chỉ vì, dù ông là người Trung song đã bị nhiễm chất Bắc, không có được cái quyết liệt của người Trung, suốt đời “to be or not to be” như Hamlet nên không thể thành công được về mặt chính trị. Có thể nhờ vậy mà tôi nghĩ, chúng ta lại có được một nhà thơ vĩ đại với “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”)

Huế, Huế thơ với những Kim Long, Nam Ổ, Sịa... với những ông vua lãng mạn, “đập cổ kính ra tìm lấy bóng - xếp tàn y lại để dành hơi,” không phải chỉ có “nón bài thơ” che những nụ cười tinh ranh nhưng e ấp của các “o” mặc áo dài trắng mà giọng nói dịu dàng cứ như rót vào tai trong những chiều mưa lê thê xứ Huế mà Huế còn có sông Hương, núi Ngự, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, Lăng Cô, cửa Thuận... Du khách đến thăm làm sao khỏi ngẩn ngơ trước những cái đẹp của Khiêm Lăng hay Thành Nội, Điện Thái Hòa, cửa Ngọ Môn hay hồ Tịnh Tâm, làm cho ta gợi nhớ cả một thời huy hoàng độc lập quá khứ!

Nhưng Huế mà xem như một biểu tượng thì cũng nhắc ta đến những chia ly của lòng người, bị ám ảnh bởi những phân ranh Đại Việt Chiêm Thành, rồi sông Gianh, Linh Giang chia cắt hai đàng, Đàng Trong và Đàng Ngoài, được thế giới lúc bấy giờ coi như hai nhà nước (Tonkin và Cochinchina) trong vòng hơn hai thế kỷ, để rồi tiếp nối trong thời đại chúng ta với hai miền Nam Bắc, cũng được quốc tế nhìn nhận như hai quốc gia trong 21 năm (1954-1975).

Chính vì thế mà có người nói: xem một cách khoa học thì từ 1558 đến nay, nghĩa là trong khoảng 450 năm, thì những thời gian hai miền Nam Bắc bị chia cắt dài hơn thời gian đất nước ta được thống nhất rất nhiều (chỉ được khoảng 60 năm dưới đời nhà Nguyễn và 31 năm từ thời Cộng Sản xâm chiếm xong miền Nam).

Cho nên, như một định mệnh, miền Trung trên Huế thường gợi nhớ đến những rào cản như một cái truông, một cái phá:

 

Thương em, anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm

 

Hoặc nó gợi ta nhớ đến một dòng sông ly biệt như sông Gianh thời Trịnh-Nguyễn, Bến Hải, Thạch Hãn của thời chia cắt gần ta hơn.

Một trong những bài dân ca nổi tiếng nhất của miền Trung và cũng là của Việt Nam là một bài nhắc đến một con sông chia cắt:

 

Ai đem con sáo (tình bạn) sang sông ớ ơ làm răng

Để... cho, để cho con sáo ơ ơ ờ ơ

Để... cho, để cho con sáo ơ ơ ờ ơ

Xổ lồng bay xa ơ ớ ơ bay xa

Xổ lồng bay xa ơ ớ ơ bay xa...

 

Bởi thế nên cũng có người hỏi: Đằng nào hơn, từ ngày cụ Trạng khuyên Nguyễn Hoàng, “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân,” để chúng ta có hai nước tương đối yên bình trên hơn 200 năm? Hay là nên có một đất nước thống nhất bằng mọi giá?

Câu trả lời, bằng con tim, thì có lẽ không ai trong chúng ta không muốn một nước Việt Nam thống nhất nhưng thống nhất bằng vũ lực thì không đủ mà còn phải thống nhất bằng con tim nữa.

Đi xuống miền Nam Huế, vượt đèo Hải Vân (trên núi đầu đụng tới mây, dưới chân là biển cả) ta vào đến Đà Nẵng và đất Quảng ngày xưa. Quảng nghĩa là rộng, và khi xưa đất Quảng Nam là tất cả vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hội An, Đà Nẵng bây giờ - một vùng đất thật trù phú, khoảng khoát, với hai hải cảng cỡ quốc tế trong lịch sử.

Rõ ràng là vùng rừng núi ở sâu trong nội địa phải có đủ lượng sản xuất thì mới có thể nuôi được một cảng quốc tế cỡ Hội An xưa hay Đà Nẵng ngày nay.

Với cái hùng vĩ của nó và chất người của vùng này, chẳng trách nó đã được gọi là đất “ngũ phụng tề phi,” năm con phượng bay lên cùng lúc. Nhưng đây cũng là vùng “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định khéo lo, Thừa Thiên thâu hết.”

Chưa hết, miền Trung còn có đồng bằng Bình-Phú-Khánh-Ninh, đất mẹ của văn hóa Chăm với những địa danh lừng lẫy như thủ đô Phật Thệ (Vijaya) và Phan Rang (Panduranga) nằm ở đây chứng tỏ là vùng này, đâu phải là đất “chó ăn đá gà ăn muối” hay đất “cá gỗ,” nó đã đủ tiềm lực để nuôi dưỡng cả một hai vương quốc dũng mãnh trong lịch sử mà có lần đã đe dọa đến cả Thăng Long của các vua nhà Lý, nhà Trần.

Miền Trung đa dạng đa nguyên là thế, “địa linh nhân kiệt” là thế nên không lạ là nó đã đẻ ra không biết bao nhiêu là anh hùng và nhân tài của đất nước, từ những ông vua, ông chúa lớn nhất trong lịch sử nước ta đến những thiên tài văn học như Nguyễn Du, Bùi Giáng hay Hàn Mặc Tử.

 

Sao em không về thăm thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

 

Trong kịch nghệ, và nhất là tuồng, một Đào Tấn đã được gọi là Shakespeare của Việt Nam. Và gần ta hơn, làm sao quên được những đóng góp trong văn học sử như văn nghị luận của Phan Khôi hay văn tiểu thuyết của gia đình Nguyễn Tường, linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn.

Trong hội họa hiện đại, từ Võ Đình đến những tên tuổi như Nguyên Khai, Đinh Cường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Nguyễn Trọng Khôi và biết bao người khác đã làm rạng danh đất nước.

Miền Trung đặc sắc nữa ở chỗ tiếng nói ở đây có rất nhiều cá tính với những âm hưởng lạ lùng, từ tiếng vùng Nghệ mà người Bắc thấy khó hiểu nên cho là “trọ trẹ” đến tiếng Huế “mô, ri, răng, rứa” và ca Huế chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhạc Chàm cho đến thứ tiếng thiệt “lọa” của dân Quảng.

Chẳng thế mà không đến miền Trung thì thôi chứ đã đến rồi thì nhiều khi không rời được.

Chẳng riêng gì “mấy anh xứ Quảng ra thi - Thấy cô xứ Huế chân đi chẳng rời,” mà đến người vùng khác đến đây hình như cũng “để lại con tim” trên những mảnh đất khô cằn nhưng nhiều tình người này.

Nếu miền Trung có thừa thi sĩ thì hình như nhạc tác gia hiếm có người đứng ở hàng đầu trong âm nhạc Việt Nam, ngoại trừ một người họ Trịnh. Nhưng đổi lại, từ Phạm Duy đến Dương Thiệu Tước đến Phạm Đình Chương, không ai đến đây mà không để lại một số giai điệu để đời, từ “Bà mẹ Gio Linh” đến “Nước non ngàn dặm ra đi” của Phạm Duy.

 

Về miền Trung, miền thùy dương bóng dừa ngàn thông

Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài

Ôi quê hương xứ dân gầy ôi bông lúa con sông xưa thành phố cũ

Về miền Trung, người về đây sống cùng người dân

Lửa chinh chiến cháy bùng thôn làng điêu tàn

Đêm hôm nao tiếng ai hò trong thôn xóm

Với tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng

 

Hò ơ hờ, hò ớ hờ

Người đi trên đống tro tàn

Thương cha nhớ mẹ hương vàng về đâu

Người đi nước mắt dưng sầu

Thương thân thiếu phụ nát đầu hài nhi hò ớ ơ...

 

Hay Dương Thiệu Tước với tuyệt tác “Đêm tàn bến Ngự,” Đan Thọ với bài “Em về qua xóm nhỏ” phổ thơ Phan Lạc Tuyên mà điệp khúc vẫn còn giá trị cho tới ngày nay (“Anh chiến binh tiền tuyến ơi, Về giải phóng quê em...”) Còn Phạm Đình Chương nữa chi:

 

Em sinh em bé tên là Hương Giang

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than

Hò ơ... Đêm Đông Ba buồn ra Cửa Phủ

Bến Văn Lâu thuyền vó đơm sâu ớ hò ơ hò

Quê hương em nghèo lắm ai ơi

Mùa Đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn

Trời rằng Trời hành cơn lụt mọi năm à a á

Khiến đau thương thấm tràn

Lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ới hò...

 

Để rồi kết thúc bằng một điệp khúc thật lai láng:

 

Hò ơi, ai là qua là thôn vắng

Nghe sầu như mùa mưa nắng

Cùng em xót dân lều tranh chiếu manh

Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn

 

Quê miền Trung thôi hết điêu tàn

Cho em vang khúc ca nồng nàn

Ngày vui tan đao binh

Mẹ bồng con sơ sinh

 

Chiều đầu xóm xôn xao đón người tùng chinh

Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn-viên!

Dựng mùa vinh-quang xây đời tự do!

 

Nguyễn Ngọc Bích