Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

NHỮNG Ý NGHĨ RỜI

KHI ĐỌC THƠ THÁI TÚ HẠP

LÂM CHƯƠNG

 

 

 

Lúc nào rỗi, cũng có thể đọc văn. Nhưng với thơ, tôi chỉ đọc khi lòng yên tịnh, và chung quanh đều vắng lặng. Mỗi lần, tôi chỉ đọc vài bài. Gặp bài hay, tôi dừng lại thật lâu. Không phải để suy nghĩ. Thơ mà suy nghĩ cái gì? Dừng lại để cái rung cảm của bài thơ đủ sức thấm sâu vào tâm não, để lòng rung động theo cái rung động của tác giả khi sáng tác bài thơ. Cái đó, người ta gọi là truyền cảm. Vì thế, bất cứ ai làm thơ không bằng cảm xúc của lòng mình, chắc bài thơ ấy không truyền được điều gì cho người đọc.

Có người bạn gởi tặng tôi tập thơ Hạt Bụi Nào Bay Qua của Thái Tú Hạp. Chưa đọc vội, vì lòng chưa yên. Lòng không yên, mà đọc thơ, đến châu ngọc cũng rơi rụng, thì Hạt Bụi Nào Bay Qua làm sao bám lại? Cầm tập thơ, tôi nhìn bề ngoài trước. Bởi, thơ vốn thanh bai, được gạn lọc từ cốt tủy của văn, nếu bị khoác bên ngoài bằng chiếc áo lòe loẹt, hoặc cẩu thả, chứng tỏ tác giả thiếu trân trọng với thơ của mình. Thơ của mình, mà mình không trân trọng, thì nội dung đáng ngờ lắm. Hạt Bụi Nào Bay Qua có cái dáng vẻ bề ngoài trang nhã. Màu sắc đơn giản, nhẹ nhàng. Nhìn thấy dễ chịu. Dễ gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng người. Nhưng hãy xếp nó vào tủ sách, để khi nào thư thả, lôi ra thưởng thức từ từ...Hôm nay, lòng đã tạm lắng yên, tôi đọc Thái Tú Hạp. Hạt Bụi Nào Bay Qua dày hơn 250 trang, gói ghém rất nhiều bài. Nhưng lần này, tôi chỉ đọc bốn bài đầu tiên. Phần còn lại, để dành lần khác. Tâm hồn nào chuyên chở nổi một lúc gần 100 bài thơ, chứa đựng biết bao nhiêu là tình ý của tác giả? Hơn nữa, một lúc đọc nhiều bài, sẽ nhàm, không tài nào thưởng thức trọn vẹn được cái hay của thơ.

“Xin Người Hãy Quên Ta” là bài thơ đầu của tập Hạt Bụi Nào Bay Qua.

không còn gì trên những hàng ghế trống

khi người đạo diễn bỏ đi

vở kịch đời dang dở

em còn lạ lẫm gì

dấu vết hai bờ sông cát lỡ

sau mùa nước lũ cuốn trôi đi

ta cũng chỉ cánh chim trời thoáng hiện

bay qua một lần rồi biền biệt tăm hơi

Mới vào, thế giới thi ca của Thái Tú Hạp, tác giả đã đưa người đọc vào cái trống không của chốn hí trường, sau khi người đạo diễn bỏ đi. Vắng ngắt tiếng người. Những hàng ghế trống, vở kịch dang dở, bờ sông cát lỡ. Tất cả chỉ là ẩn dụ. Dùng ẩn dụ để nói lên những mất mát của đời sống bất toàn. Con người không bao giờ ưng ý với hiện tại của chính mình. Luôn luôn cảm thấy mọi sự việc đều không trọn vẹn. Vở kịch đời dang dở. Dự tính thực hiện chưa xong, thời gian đã qua đi. Và, đời người cũng là bức tranh nửa chừng, lem nhem hoen ố. So với thời gian hằng hằng kiếp kiếp, thì giai đoạn xuất hiện và mất đi của con người, cũng chỉ là một thoáng qua, rồi mất hút:

ta cũng chỉ cánh chim trời thoáng hiện

bay qua một lần rồi biền biệt tăm hơi

Mới đọc lướt qua, bài thơ dường như không nói gì đến những ý tứ sâu xa. Nhưng không phải thế. Tư tưởng của một nền triết học Phương Đông đã ảnh hưởng bàng bạc đâu đây. Thấp thoáng như sương sớm. Như bóng chiều. Qua lăng kính của nhà Phật, tác giả nhìn mọi sự hiện hữu trên thế gian đều là ảo ảnh, ảo giác phù sinh. Ta đi không ai biết. Ta về chẳng ai hay. Âm thầm trong vô lượng của không gian và thời gian:

đời không biết đến ta

chẳng biết ta đi

không ai còn nhớ trong biển hồ quên lãng

chỉ có hạt bụi chỗ ta ngồi

Ôi, nhỏ nhoi thay là hạt bụi. Nhà thơ Thái Tú Hạp nhắc đến hạt bụi như nhắc về nỗi bi thảm của thân phận kiếp người. Kể cả tựa đề toàn tập, cũng là Hạt Bụi Nào Bay Qua.

Dù chỉ thoáng qua trong cõi đời hắt hiu của những buổi chiều thư viện xanh xao, những trang sử hoen úa máu đào, những quê hương nghiệt ngã đau thương. Nhưng không phải vì thế mà đời không ý nghĩa. Nếu con người được sinh ra để học bài học làm người, thì những ngày mật đắng cũng là bài học đầy ý nghĩa.

Đôi lần, nhà thơ dặn hãy quên ta:

em hãy quên ta

như quên buổi sáng

hãy quên ta

trên sân khấu đời vô vị

Dễ thế sao? Đời là cuộc trầm luân, nhưng muốn bỏ cái hiện tại, rời cái đang là..., dứt khoát với những dây mơ rễ má với đời, không dễ! Nói thế, nhưng nhà thơ cũng biết rằng, đấy cũng là một cách nói ước lệ của ngôn ngữ. Cho nên, trong đoạn cuối, Thái Tú Hạp còn ngoái cổ lại, với lời hẹn ước trong niềm hy vọng:

ta hẹn về nơi cắt rốn

mai sau phủ dụ một lời chim

tha cọng cỏ khô về nơi mái ấm

nghe rừng xuân chuyển nắng mới qua tim

Thân đang trôi giạt ngoài ngàn dặm, lời hẹn của ông nghe sao mà xa xôi quá đỗi. Ông hẹn thì cứ hẹn. Ông chưa thể bỏ đi được đâu. Tôi phải níu áo ông lại để nói với ông một điều làm tôi khó chịu. Nỗi khó chịu này, như đang ăn bữa cơm ngon, bất ngờ nhai phải hạt sạn. Hạt sạn ấy là chữ “lẫm” trong bài “Xin Người Hãy Quên Ta”:

em còn lạ lẫm gì

dấu vết hai bờ sông cát lỡ

Bài thơ đang đọc êm xuôi, gặp chữ “lẫm” này, tôi vấp lại như chiếc xe đang chạy ngon trớn, bỗng sụp cái ổ gà. Tôi thử bỏ chữ “lẫm”, và đọc lại nguyên mạch thơ:

không còn gì trên những hàng ghế trống

khi người đạo diễn bỏ đi

vở kịch đời dang dở

em còn lạ... gì

dấu vết hai bờ sông cát lỡ

sau mùa nước lũ cuốn trôi đi

ta cũng chỉ cánh chim trời thoáng hiện

bay qua một lần rồi biền biệt tăm hơi

Nghe êm. Không còn bị hạt sạn làm ê răng. Không còn sụp phải cái ổ gà khi xe đang chạy. Tôi thấy được cánh chim bay ngang và khuất dần ở cuối chân trời. Nếu đọc luôn chữ “lẫm”, tôi có cảm tưởng chính chữ này, như viên đạn bất ngờ bắn vào con chim vừa thoáng hiện, làm bị thương đôi cánh lặc lìa. Mất đi một hình ảnh đẹp. Dĩ nhiên, đó là cảm giác của tôi khi đọc thơ, không phải phê bình. Có thể, ông nhà thơ Thái Tú Hạp, hoặc người đọc khác không cùng cảm giác như tôi.

Hai bài thơ kế tiếp “Người Tù Binh Dũng Liệt” và “Tiếng Chim Trong Ghềnh Núi”, đều nói lên nỗi thống khổ của một thời bi đát, sau biến cố mùa xuân năm Ất Dậu. Tôi ghép hai bài làm một, để thấy liên tục được cái không khí trầm uất của những ngày tù rạc giữa chốn núi rừng. Tác giả diễn tả bằng thể thơ ngũ ngôn. Hơi thơ ngũ ngôn có tính cô đọng, ngắn gọn dứt khoát, có sức thẩm thấu mãnh liệt vào lòng người đọc.

rừng sương trắng bủa vây

nuốt mặt trời buổi sáng

toán tù binh đốn cây

lạnh lùng như chiếc bóng

Đọc những câu này, tôi thấy lại tôi một thời khổ nạn. Người tù binh rách rưới giữa cái lạnh mù sương buổi sáng. Tai ương đè nặng xuống đôi vai còm cõi. Kêu trời, trời ở quá cao, kêu không thấu. Và giữa đời, cũng chẳng biết kêu ai. Cho nên:

góc núi sầu ai hay

giữa trùng vây đày ải

Rồi những mùa sau. Những mùa xuân sau nữa. Trải qua bao nhật nguyệt nắng mưa. Mặt đất thấm đẫm mồ hôi của người tù. Chế độ khổ sai đã vắt cạn sinh lực của kẻ thất thế. Bao nhiêu thân xác âm thầm từ giã thế gian, đi về lòng đất. Đá tảng muôn đời vẫn nín thinh, nhưng:

rừng xanh tàn nụ biếc

cây lá sững sờ đau

Thời thế đổi thay. Bể dâu đất bãi sông bồi. Con chim gãy cánh, giờ nằm trong lòng đất. Cỏ mộ hoe vàng hiu hắt, để:

người còn lại mai sau

ngẩng đầu lên với núi

núi cao ngậm ngùi đau

trăm năm hoài nhớ tiếc

Khi thế nước đã đến hồi suy mạt, con người cũng bị xô vào nỗi lầm than. Một người bị tai vạ, sự liên hệ níu theo nhiều người khác. Bà mẹ già đi tìm lại đứa con, như đi tìm lại núm ruột của mình. Đi tìm lại đứa con, bây giờ, không khác gì tìm lại dấu chim bay. Nhà thơ vẽ lên cái cảnh:

trên dốc đèo đá dựng

bà mẹ già thăm nuôi

qua trại tù khép vắng

đứa con mẹ về đâu?

Mẹ già không phải là hình ảnh người đàn bà đau buồn duy nhất trong bài thơ. Còn một người nữ nữa, cũng não nề không kém:

trên cánh rừng thẳm sâu

người vợ hiền qua trại

nắng chiều động bờ lau

ngậm ngùi như chiếc lá

Thế đấy. Người vợ hiền đi tìm lại một phần đời chia xa cách trở của mình, nhưng chỉ thấy nắng chiều đọng bờ lau, ngậm ngùi như chiếc lá.

Trong cả hai bài thơ, tác giả trăn trở hoài về những mất mát đớn đau của những người tù bất hạnh, giữa núi rừng u uất. Thơ Thái Tú Hạp, có những đoạn xuất sắc, làm tôi xúc động đến không ngờ:

giòng suối vẫn quạnh hiu

đời vô thường bóng nắng

chiều qua bên trại tù

tóc rừng thu bạc trắng

Ôi! Tóc rừng thu bạc trắng. Tuyệt! Hơi thơ phảng phất nỗi sầu thiên cổ. Tôi tưởng tôi như người khách, một chiều nào đó, về ngang qua chốn cũ, đứng lặng nhìn sương xuống, trắng cả rừng thu. Làm sao nói hết nỗi sầu vạn đại đang tràn lên khóe mắt của người đời nay? Câu thơ làm khách xúc động rùng mình như nhuốm bệnh. Trong đoạn này, nhà thơ Thái Tú Hạp không nói gì đến con người, nhưng qua ý thơ, người đã hòa mình với thiên nhiên làm một. Ông chỉ mượn cảnh để nói lên nỗi buồn thê thiết trong lòng người. Như trong truyện Kiều:

cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

(Nguyễn Du)

Ước chi ông nhà thơ Thái Tú Hạp dừng lại ở tóc rừng thu bạc trắng, để khách còn giữ được nỗi bồi hồi sau khi chấm dứt bài thơ. Để khách còn:

ngỡ lòng mình là rừng

ngỡ hồn mình là cây

Nhớ nhà châm điếu thuốc

khói huyền bay lên mây

(Hồ Dzếnh)

Với cách gieo vần liên hoàn của thơ lục bát, tự nó đã mang đầy nhạc tính, âm điệu nhẹ nhàng. Phần nhiều, những người làm thơ, bài đầu tiên thường là thơ lục bát. Nhưng nếu không khéo, dễ biến thành vè, dễ làm người đọc rơi vào tình trạng nhàm chán. Nói theo kiểu võ công, qua bài thơ lục bát, ta có thể thấy được “nội lực” của tác giả. Nhà thơ Thái Tú Hạp, làm thơ đã mấy mươi năm rồi, ông có thừa kinh nghiệm để vượt qua những cái tầm thường nói trên. Bài lục bát “Đi Xe Đạp Thồ Gặp Người Tình Cũ”, đã chứng tỏ điều đó. Không vì hạn định số chữ của mỗi câu, mà tứ thơ của ông bị gò bó trong khuôn khổ chật hẹp. Ông gieo vần một cách thoải mái tự nhiên, không hề gượng gạo:

mời em lên chiếc xe này

đường qua phố nhỏ thân gầy guộc thương

Đó là hai câu mở đầu của bài “Đi Xe Đạp Thồ Gặp Người Tình Cũ”.

Thời thế đổi thay một cách dị thường, con người cũng thay đổi theo mệnh nước. Chớp mắt đã thấy mình không còn là người của hôm qua. Người thầy của chữ nghĩa, bây giờ là hiện thân của người phu xe đạp thồ.

Ông Tú ngày xưa cũng đã từng nói lên cái ý của “Thiên thượng phù vân như bạch y. Tu du hốt biến vi thương cẩu” rằng:

sông kia rày đã nên đồng

chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

đêm nghe tiếng ếch bên tai

giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

(Tú Xương)

Sự đổi thay nhanh đến mức con người không kịp thích nghi với hoàn cảnh. Nghe tiếng ếch kêu mà tưởng tiếng ai văng vẳng gọi đò. Còn nhà thơ Thái Tú Hạp, trước sự đổi thay, chỉ ngậm ngùi trông về quá khứ:

ta giờ như cánh chim qua

thời xưa sương khói phai nhòa mắt đau

Cũng có lúc ông ngán ngẩm cho tình đời, và than thở cho phận mình, nghe thê thảm làm sao:

đời phai nhạt nghĩa bao dung

hàn sinh một kiếp đường cùng độ thân

Trong thơ lục bát, rất khó tạo nên những cái đột biến của âm điệu và cách dùng chữ. Như trên đã nói, Thái Tú Hạp làm thơ đã mấy mươi năm rồi, với một nội lực thâm hậu, ông có thừa bản lãnh để biến chiêu, tạo thành những đường gươm tuyệt kỷ:

phố đìu hiu cánh tay chia

cỏ hoa cũng nát hồn bia đá tình

Hai câu này, theo tôi, là hai câu xuất sắc nhất trong bài lục bát “Đi Xe Đạp Thồ Gặp Người Tình Cũ”. Đọc thơ lục bát, thường người ta chưa đọc hết câu, mà có thể đoán ra trước âm điệu hoặc chữ dùng phía sau, nhưng:

cỏ hoa cũng nát

không ai đoán được tiếp theo là:

hồn bia đá tình

Đó là nói về kỹ thuật, còn về ý thì:

đưa em vòng phố mưa hồng

đóa sầu nở giữa hư không ngậm ngùi

Khó mà nói cho rõ thế nào là tuyệt, thế nào là không tuyệt. Đọc thơ chứ không phải đọc bản cáo trạng, nên không thể hỏi, mưa gì là mưa hồng, đóa sầu sao lại nở giữa hư không? Nhưng phải thừa nhận rằng, ta đã bắt được cái ý của tác giả: còng lưng đạp xe chở người tình cũ, như chở nỗi buồn đang lớn dần trong lòng mình, tỏa ra giữa hư không.

Bài thơ chấm dứt bằng cách trở về với thực tại:

 một vòng phố rộng cho nhau

trăm năm nhen chút lửa sầu hôm nay

 Người ta nói, tư tưởng lớn thường gặp nhau. Người làm thơ đời nay, cách suy nghĩ cũng không khác người đời xưa, có khác chăng là trong cách dùng chữ. Hai câu kết của nhà thơ Thái Tú Hạp, làm tôi liên tưởng đến cụ Nguyễn Du:

 sầu đong càng lắc càng đầy

ba thu dồn lại một ngày dài ghê

(Kiều)

 Ngồi nhẩn nha đọc thơ. Viết lăng quăng vài cảm tưởng của mình, không khéo lại đi lạc đường. Viết về thơ của cổ nhân, nếu sai, cũng không ai sống dậy được mà rạch ròi cải chính. Ông nhà thơ Thái Tú Hạp còn đang sờ sờ ra đấy. Đem thơ ông ra mà tán hươu tán vượn kiểu này, thật là bất tiện. Khi làm thơ, ông có những ý tứ sâu xa và cảm xúc rạt rào của riêng ông. Tôi đọc thơ ông, không thể nào thấu trọn lòng tác giả. Và cảm xúc của ông, khi truyền đạt đến tôi, nó cũng bị thay màu đổi sắc theo tâm hồn khác biệt của tôi. Còn điều này nữa, tập thơ chứa đựng cả trăm bài, tôi chỉ đọc vài bài, đã vội nói lên cảm tưởng, không thể nào tránh khỏi những sai lầm. Nhưng ở đây, tôi phát biểu như một người đọc thơ. Còn phần nhận định toàn tập, xin dành cho các nhà phê bình văn học.