Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

CHA, CON,

XỨ LẠ, QUÊ NGƯỜI

 

NGUYỄN THIẾU NHẪN

 

 

"Trái lê-ki-ma khi chín màu vàng tươi từ vỏ tới ruột. Chỉ có cái hột là màu nâu. Trái chuối già hương khi chín vỏ nó vẫn còn xanh, trong khi ruột thì đã vàng. Anh hai có biết chuyện đó hay không, anh hai?"

Người đàn ông giọng nói đã bắt đầu lè nhè:

"Tôi là tôi chán cái xứ Mỹ này dễ sợ. Phải mà ở Việt Nam hết mấy cái thằng Việt Cộng là tui trở về liền. Trước tui làm nghề biển. Anh hai biết, con tôm mới bắt lên nó xanh chành, dẫy đành đạch, nướng lên đỏ au, nhậu là hết phản. Anh hai biết, mấy con tép rong vớt từ dưới nước lên, ngắt đầu, ngắt đuôi, bỏ vô miệng nhai nhai, kế ực một hơi rượu đế Gò Công là hết biết. Có thời gian tui đi lính đóng ở Saigon. Tới giờ mà vẫn nhớ cái quán Biên Thùy ở chợ Cầu Ông Lãnh. Ngồi nghe mùi cá lóc nướng với mùi tanh tưởi của dòng sông Saigon, nhâm nhi ly rượu nếp than Cẩm Lệ, chờ bà chị chủ quán mồ hôi nhễ nhại, mang con cá lóc nướng thoa mỡ hành lên để cuốn với bánh tráng có đủ các thứ hành, hẹ, rau húng, rau quế, húng cây, húng lũi, lá cách, tía tô, kinh giới, rau răm... thôi thì đủ thứ hầm bà lằng. Nhúng miếng bánh tráng vô tô nước, lấy ra, lấy đũa đè con cá ra dẻ một miếng thịt, lấy đủ thứ rau bỏ lên miếng cá, cuốn lại rồi chấm vào chén mắm nêm. Ôi! Làm sao mà diễn tả được mấy cái món ngon Saigon ở Cầu Ông Lãnh đâm thuê, chém mướn, ngồi đầu cầu, thổi ông sáo, đ. chị dâu... Qua đây cả chục năm rồi mà không sao quên được. Tôi chẳng có chút nào thích hợp với ba cái "phút tu gô (food to go)" của mấy thằng Mỹ. Cứ bắt vợ tui nấu "mắm và rau", bún nước lèo, cá kho quẹt. Com tôm đông lạnh ở bên nầy ăn chán thấy mẹ. Khoái ăn canh khổ qua mà khổ qua bên nầy trái nào trái nấy bự sự, cứ là nhai sừng sực chớ hổng giống như khổ qua bên mình. Nước sông, nước biển gì mà lạnh thấy mẹ."

Dừng lại, uống một hơi cạn lon bia, người đàn ông lại nói tiếp:

"Tui nói mấy đứa con tui tụi nó là những trái chuối già hương: Vỏ thì xanh mà ruột thì vàng. Tụi nó hổng phải là những trái lê-ki-ma. Tui thiệt chán nhỏ con gái. Dẫn nó qua đây lúc nó mười tuổi. Giờ đã hăm ba. Tốt nghiệp "hai sì-cun" (high school), vợ chồng tui năn nỉ nó rán học lên đại học, nó hổng chịu, bỏ đi làm ngang xương để kiếm tiền ăn diện.

Mình nói tiếng Anh, tiếng U như "chó táp nước", nói thiếu điều muốn rụng hai cái tay mà Mỹ nó cũng hổng có hiểu. Lúc còn hưởng trợ cấp, lỡ khai tên nó để đánh "phút-tem" (food stamp), sau "oeo-phe" (welfare) nó truy ra nó đưa ra tòa. Biểu nó hôm ra tòa đi theo vợ chồng tui để mà nói lại cho tụi tui biết mấy cha quan tòa Mỹ muốn cái gì, nó lẳng lặng xách xe đi chơi với thằng bồ. Bữa đó, tui phải "huơ" tiếng Mỹ... muốn gãy cả hai cái tay. Rốt cuộc nó phạt mỗi tháng phải trả lại chính phủ mười đồng. Chán con cái hết sức."

Lại dừng lại uống tiếp một hơi bia, rồi lại nói:

"Thằng con trai kế của tui, tội nghiệp lúc vợ tui mới sanh, nó bị té dộng đầu xuống đất, thành thử bây giờ nó khật khùng. Rán cho nó học hết cái "hai-sì-cun", rồi cho nó học nghề. Con cái tụi tui nó học dở là phải. Tui và vợ tui hồi đó cũng i-tờ-rít, i-tờ-rét chớ có khá gì đâu. Đâu có gì mà phải trách móc tụi nó. Nếu ai cũng làm thầy, làm bà, ai cũng kỹ sư, bác sĩ hết thì còn ai làm thợ, làm thuyền. Chỉ mong cho tụi nó ăn học khá một chút để nữa lớn lên có công ăn việc làm khấm khá một chút. Hai thằng nhỏ kế của tui thôi thì hết biết. Quần "a-la-đanh, a-la-đen", tóc thì cột đuôi gà, giày thì mốt miếc lia chia. Mới có mười lăm, mười sáu tuổi mà bồ bịch tùm lum. Một bữa nó làm tui tức muốn hộc máu. Người ta hẹn 5 giờ sáng gọi lại để đi "thô" xe. Thức chờ hoài mà hổng có nghe ai gọi lại. Bốc điện thoại lên thì điện thoại đang bận. Tôi tốc mền qua phòng mấy thằng con, thấy nó đang ôm điện thoại rù rì, rủ rỉ. Giận quá tôi xáng cho nó một bạt tay và đập nát cái điện thoại".

Lại một hơi bia, lại nói tiếp:

"Nói thiệt với anh hai chớ Việt Cộng mà nó sụm bà chè là tui tức tốc trở dìa Việt Nam liền. Má tui bả nhứt định hổng chịu qua đây. Bả nói bỏ mồ mã ông già tui khói lạnh, nhang tàn bả hổng có đành. Con em út tui có thằng chồng công an Việt Cộng cũng đâu có cách nào mà qua bên nầy cho được. Sao mà cái đất nước của mình nó giặc giã liên miên. Hết Tàu tới Tây, hết Tây tới Nhựt, hết Nhựt tới Mỹ, tới Liên Sô. Ôi nghĩ mà ngán ngẫm!

 

2.

Người thanh niên ba mươi tuổi. Có mười lăm năm sống với chế độ Cộng Hòa, mười lăm năm sống với chế độ Cộng Sản. Vừa qua Mỹ theo diện H.O. vì có cha là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong một tiệc nhậu nói với tôi:

"Nói thiệt với anh hai chớ em đâu có muốn qua Mỹ. Em đang đánh đàn ở phòng trà Queen Bee. Ba em là tù cải tạo thành thử ổng được Mỹ nó cho qua đây. Chán thấy mẹ. Em hổng biết lá cờ vàng ba sọc đỏ cho ổng được cái gì. Phải chăng là cả chục năm tù tội. Má em phải vất vả ngược xuôi để nuôi ổng. Tụi em đâu có được vào đại học chỉ vì ổng là sĩ quan ngụy. Em muốn về Việt Nam lắm, anh hai."

Người thanh niên nặc nồng mùi bia, ôm tôi khóc sướt mướt:

"Em muốn về Việt Nam lắm, anh hai."

Anh ta loay hoay lấy tờ napkin hý hoáy viết cái gì đó. Mấy tuần sau, anh ta mang đến cho tôi một bài thơ như sau:

"Con muốn về lại Saigon,

Thăm má tư bán cơm tấm

Ở đường Điện Biên Phủ

Mà hàng ngày má ấp ủ

Cho tụi con no đủ học hành.

 

Con muốn về thăm Saigon

Thăm con nhỏ Hoàng Lee

Mà ngày con đi

Vừa khóc vừa kheo được nhận làm vũ nữ

Nhưng vẫn hứa chờ con về

Lấy Việt kiều thứ dữ

 

Con thèm một chút Saigon

Nhớ má tư nhai trầu nhóp nhép

Hơn nửa khuya chờ cửa ngóng con về

"Mẹ mày!" lại nhậu nữa sao "bòn"?

Con Út tẹo coi dzậy mà ngu quá

Bị người ta "hưởng hết cuộc đời!"

 

Đèn Saigon ngọn xanh, ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu

Con đi xứ Mỹ mù u

Đêm đêm mớ ngủ: "Ai ru ví dầu."

 

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Cầu ở Mỹ thì không lắc lẻo

Sao con đi cứ nhớ quê nghèo

Quê con nghèo có chiều mưa đổ

Để má ru dỗ tiếng ầu ơ

Trời mưa bong bóng phập phồng

Má đi lấy chồng không nỡ bỏ con

Không bỏ con giờ con bỏ má

Ở xứ giàu rồi chắc sẽ quên.

 

Con muốn về thăm Saigon

Không phải để người ta dòm con: Việt kiều

Quán cơm chiều con lại tìm ra má

Để lại nghe: "Con nhậu nữa không bòn?"

À! Con Út tẹo cũng theo người ta về xứ đó."

...

Ủa! Đèn Saigon còn xanh, còn đỏ

Biết đèn Mỹ Tho còn tỏ, còn lu?"

(thơ Hoàng Hà)

 

3.

Người đàn ông cúi đầu, gục mặt xuống mặt bàn lúc tôi bước vào nhà in của anh ta. Tôi và người bạn văn mới quen đã đi xin được hai chục trang quảng cáo cho tờ tuần báo mà chúng tôi dự định sẽ phát hành tại thành phố này trong tháng tới. Người đàn ông sẽ phụ trách đánh máy và layout bài vở cho chúng tôi.

Công việc đang xuôi chèo, mát mái. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức buổi ra mắt mời tất cả các thân hào, nhân sĩ, những thân chủ đăng quảng cáo. Mọi chuyện đang tiến hành tốt đẹp cho tới buổi sáng hôm đó.

Người đàn ông ngẩng mặt lên, khuôn mặt đầm đìa nước mắt lúc tôi đứng trước anh ta. Tôi chẳng biết là chuyện gì. Người đàn ông lại gục mặt xuống mặt bàn, hai vai anh ta rung lên cùng với tiếng khóc uất nghẹn. Khóc đã đời một hồi, người đàn ông ngẩng mặt lên, nói với tôi.

"Tôi xin lỗi là không thể tiếp tục công việc đã dự tính với anh. Xin anh tìm người khác. Tôi mới gặp tai biến khủng khiếp trong đời. Chắc tôi quỵ mất. Làm sao mà đứng dậy nổi nữa, anh ơi!"

Tôi đứng chết trân nhìn người đàn ông, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Người đàn ông lau khô nước mắt, châm một điếu thuốc hút, nói với giọng khô khốc:

"Anh hai biết, lúc vợ chồng tôi ra đệ thất hạm đội rồi tới đảo Guam với thằng con trai hai tuổi. Vợ tôi bị bệnh chết ngay tại đảo tỵ nạn. Tôi đã gà trống nuôi con khi đặt chân tới Mỹ. Từ đó tới giờ tôi vẫn ở vậy nuôi con. Tôi đã sống trong một gia đình ly tán. Tôi không muốn con tôi phải chịu cảnh mẹ ghẻ, con chồng. Tôi đã cố gắng vừa nuôi con vừa theo học nghề in ấn ở một đại học cộng đồng. Tôi đã đạt được ước nguyện. Tôi đã mở nhà in. Tôi đã mua được xe, được nhà. Thằng con tôi rất ngoan ngoãn. Nó sắp vào đại học. Ba cái máy computer ở nhà in này là một tay nó sửa".

Người đàn ông lại gục đầu xuống mặt bàn và khóc. Những tiếng khóc nhỏ nghe rức tim.

Bên ngoài cửa kính đang nắng lóa. Những ngọn thông như đang muốn vươn lên chọc thủng bầu trời. Những đóa hồng đại đóa màu rực rỡ nhìn muốn nhức mắt.

Người đàn ông đã thôi khóc, tiếp tục kể lể:

"Trời ơi! Tôi đâu có ngờ..."

Anh ta lấy tờ báo địa phương trải trên mặt bàn. Anh ta chỉ vào cái ảnh to tướng ở trang nhất. Bài báo có cái tựa: "Một băng đảng người Mỹ gốc Việt vừa bị tóm gọn".

Người đàn ông dí dí ngón tay vào mặt người thanh niên trong tờ báo, nói:

"Nó đó. Tôi đâu có ngờ sự thể lại xảy ra như vậy. Anh biết, nó hiền khô, mù mì mủ mỉ lắm. Tôi nói cái gì nó cũng vâng dạ. Đi học về là thưa, là gửi. Ai mà có ngờ mà nó lại đi làm cái chuyện khủng khiếp tới như vậy... Anh biết không: Nó như vậy đó mà lại là đảng trưởng cái đảng cướp ở đây. Anh biết, mỗi ngày khách hàng đến nhà in của tôi rất nhiều. Ai cũng khoe của, khoe cải. Nó ngồi im lắng nghe, sau đó thảo kế hoạch cùng với mấy thằng đàn em đi đánh cướp. Trời ơi! Tôi đâu có ngờ mà thằng con hiền lành của tôi nó lại làm cái chuyện động trời như vậy."

Người đàn ông lắc lắc cái đầu, nói những lời tuyệt vọng, đau thương:

"Tan nát hết rồi, anh hai. Bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ quê hương, đất nước mà ra đi. Vợ phải chôn xác nơi xứ lạ, quê người. Mình chỉ lo chí thú làm ăn để nuôi nấng con cái cho nó nên người để mai kia đất nước không còn cộng sản, mình sẽ về để gửi nắm xương tàn. Ai mà ngờ."

Người đàn ông khóc rống lên một cách thảm thiết:

"Trời ơi! Tôi có làm gì nên tội đâu mà gia đình tôi tan nát thế này!"

 

4.

Tôi cũng có thằng con năm tuổi lúc tôi đem nó đi vượt biển. Tôi đã ôm nó trong lòng suốt những ngày lênh đênh trên biển. Nó bị say sóng ói mửa tùm lum. Thiếu nước thân thể nó như con khô mắm, mê man bất tỉnh. Lúc tỉnh lại nó thều thào: "Con khát nước quá, ba ơi!" Tôi đã rớt nước mắt khi nghe con nói. Nước đâu có còn sau khi thuyền vượt biên bị hải tặc tấn công hai lần. Đợi đêm đến, tôi đã ăn cắp nước của người đàn bà kế bên để cứu sống con tôi. Tôi đã phải ở trần, lấy cái áo để che cho thằng con lúc được đặt chân lên cầu Jetty ở đảo Bidong.

Tôi đã nhịn ăn, nhịn mặc để giành tất cả cho thằng con nơi xứ lạ quê người. Tôi không muốn thằng con khi lớn lên phải ngu dốt như tôi. Phải chịu đựng những tàn khốc của chiến tranh như tôi, bị những người thắng trận lưu đày biệt xứ như tôi. Tôi muốn nó học hành đỗ đạt để mai kia, mốt nọ nó sẽ trở về góp sức cùng toàn dân xây dựng lại quê hương sau khi cơn bão cộng sản đã tan.

Con người ai cũng có những ước mơ tươi đẹp. Ai cũng muốn sống cho ra cái giống người. Ước mơ có thành sự thật hay không lại là một chuyện khác.

Mùa Xuân xứ lạ, quê người sao mà buồn thảm. Đã năm năm nay, cha con tôi chẳng có cái Tết nào. Đã chẳng có bánh chưng xanh, tràng pháo đỏ. Chẳng có múa lân, đốt pháo. Thằng con tôi chẳng biết đến những đồng tiền lì xì, mừng tuổi đựng trong những bao thư màu hồng điều. Đã chẳng có một cành mai vàng nào trong lọ độc bình. Chỉ có những lạnh lẽo tình người.

Tôi không biết được thằng con tôi sẽ là trái chuối già hương hay trái lê-ki-ma.

Tôi vẫn tin rằng những trái chuối già hương khi chín muồi sẽ vàng từ trong ruột ra tới ngoài da như trái lê-ki-ma.

Tôi vẫn tin rằng mùa lê-ki-ma rồi sẽ nở trên vùng đất đỏ của dải đất hình cong chữ S ôm sát bờ biển Thái Bình Dương khi không còn bóng dáng những người cộng sản ngự trị trên đất nước Việt Nam thân yêu.

San Jose 1991