Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

HUẾ, MỘT ĐÊM MƯA

 

TRÚC CHI TÔN THẤT KỲ

 

 

Một vũng nước trong mười dòng nước đục

Một trăm người tục một chục người thanh

Biết ai gan ruột với mình

Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên quân

(trích một câu hò Huế)

Mưa rả rích trên sân. Ngày trước lâu lắm rồi, nó là một cái sân đất nện. Bây giờ, em gái tôi cho lót gạch, nên tiếng mưa ngoài hiên có những âm thanh lạ. Mà nhịp điệu cũng khác. Không còn những tiếng trong trẻo trên những vũng nước con con, khi khoan thai, lúc dồn dập. Nhưng mà tiếng những giọt nước rơi đều trên những tàu lá chuối  bên hè thì nghe vẫn là những âm thanh ngày cũ. Ngày thơ ấu, ngày còn cắp sách đến trường, ngày ghé thăm cố quận sau những năm tháng đem cái say sưa, cái hăm hở khi mới bước vào cuộc sống mà đổ vào những chốn khác đầy ánh sáng của tương lai, mà xây dựng cho nhiều thứ nay cũng đã đổ nát ngay chính trong lòng mình cho đến ngày về đêm nay, gối mái tóc bạc lên kỷ niệm mà nghe mưa. Buồn.

Đâu đây trong gian nhà trống trải này tôi còn nghe được giọng ru em khàn khàn của người vú già đã từng ấm, từng lạnh với gia đình tôi qua ba thế hệ, ba thế hệ nổi chìm theo lớp sóng phế hưng bên ngoài bốn bức tường này à ơi đêm khuya thắp dĩa dầu đầy à ơi dĩa dầu đầy khô hết mà nước mắt đầy không khô. Cái điệu ru con ấy, buồn đến chết cả người, ngày xưa vẫn quyện lấy cái chấm sáng xanh lè của một ngọn đèn “Hoa Kỳ” được vặn nhỏ lại bằng hạt đậu, cách chỗ tôi nằm bây giờ không đến hai bước và bây giờ, một cánh bèo còn sót lại sau cơn sóng gió kia của lịch sử là tôi, đêm nay, giạt vào cái bến cũ này, chong mắt nhìn sững vào bóng tối ngoài mùng, bên tai đôi tiếng muỗi vo ve, nhìn sững vào một mớ ảo ảnh của ngày qua nơi cố lý đang nhảy múa, đang dật dờ trong gian nhà cũ ẩm hơi mưa. Nằm nghe quanh chiếu rộn tang thương. Câu thơ của Vũ Hoàng Chương đang thấm vào tôi, thấm đến lạnh cả người.

Tôi tung chăn ngồi dậy, bật đèn.

Ánh điện dọi ra cái bể cạn ngoài sân. Cái bể cạn này được xây cùng lúc với toàn thể nhà vườn khoảng thập niên 20. Như vậy là nó gần 80 tuổi. Tám mươi năm! Cũng nhiều đấy chứ. Bao nhiêu là đám mây trời góp sương trên Thái Bình Duơng mà đổ vào lòng nó. Bao nhiêu là bong bóng nước mưa đã nổi lên, đã vỡ tan, đã biến mất trên khỏang mặt nước rộng không quá sáu thước vuông. Có nhiều gương mặt quen thuộc, thân yêu đã từng soi bóng vào đấy những sáng có nắng xuân tươi mát hay trưa hè vắng lặng. Trong số ấy, cũng có khá nhiều bóng dáng nay đã lên đường về chân trời cũ, nói như Hồ Dzếnh. Một trong những cái bóng còn lại là tôi đêm nay thao thức mãi mà soi mình vào một hiện tại có nhiều nét mới mà cũng chập chờn rất nhiều hình ảnh cũ.

Chiều hôm qua, hai anh em tôi thả một vòng xung quanh nhà và vườn, tôi hỏi em tôi:

“Cái bể cạn này ngày xưa không có non bộ. Em mới làm?”

Em tôi, gốc Huế đã đành, nhưng mà lưu lạc ở bên kia bờ vĩ tuyến từ năm 1947, buông một câu tiếng Bắc nguyên chất:

“Vâng ạ.”

Mấy hòn tiểu sơn được gắn liền với nhau bằng một lớp hồ trộn cát vàng thật mịn có chỗ còn mới quá, điểm dăm vết xi-măng chưa có rêu. Nghĩ đến nét duyên dáng mặn mà trên gương mặt một người đàn bà trạc năm mươi mà tôi thấy thoáng đâu đó ở khu Bolsa mấy hôm đi sắm sửa các thức trước khi về nước, tôi mỉm cười mà nói với em tôi:

“Phải qua mùa mưa thì cái tiểu cảnh này mới cũ được, mới đẹp được. Có nhiều thứ, như rượu vang tốt, càng già càng đậm đà, mặn mòi.”

“Em có biết uống rượu đâu mà phân biệt được đậm với nhạt. Nhưng mà ngoài cái chuyện mới cũ ra, anh thấy hòn non bộ của em có đẹp không? Của người cháu nội ông Cả Lé trên Thành Lồi xuống làm cho em đấy. Anh biết ông Cả chứ?”

Sao lại không? Cái ông Cả này đã nổi tiếng một thời nhở ở cái tài góp nhặt vật liệu của đất trời mà tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nuôi dưỡng được cái “tĩnh” trong lòng của nhiều vị hưu quan không còn mơ đến danh, màng đến lợi, những cuộc đời đã bị sóng gió trên cái biển hoạn ấy nó làm tình làm tội đến điều. Nghe thuật lại rằng trước khi chết - khoảng đầu thập niên 30 – ông đã dặn kỹ con cháu là quan quách tuyệt đối phải đóng bằng mộng và chốt, không được dùng đinh sắt, cúng vái bên mộ không được đốt vàng bạc, bởi vì kim với hỏa là hai thứ tối kỵ trong những hòn non bộ do ông tạo ra, vốn chỉ dùng đến nhiên liệu thuộc mộc, thủy  và thổ. Người nghệ nhân ấy tin rằng, ông chết đi nhưng mà kim và hỏa gần huyệt của ông nó có thể ảnh hưởng đến cái khí mà ông đã truyền vào những hòn non bộ rải rác trong nhiều khu vườn cũ ở đất thần kinh, do chính tay ông tạo ra. Chuyện nghe được từ hồi tôi còn nhỏ. Theo cha tôi đến thăm một vị hưu quan dùng những năm tháng còn lại vào việc nghiên cứu kinh Dịch. Không biết có thật hay không. Nhưng mà cứ tin rằng có thật, cho đời thêm được một nét đẹp. Xưa nay tôi vẫn quí cái đẹp trong tấm lòng thành, trong cái thuần túy, trong những giọt mồ hôi và biết đâu lại không có cả một dòng nước mắt, mà những nghệ sĩ chân chính đã từng gửi vào tác phẩm của chính mình.

“À mà cái thế của mấy hòn núi đá này nó nghiêng nghiêng, anh thấy cũng lạ lạ.” Tôi vừa nói vừa đưa tay khua nhẹ một cụm bèo tấm trên bể cạn. Đã lâu không có dịp vọc nước.

Em tôi cười hóm hỉnh:

“Anh cũng tinh đấy. Em kể cho anh nghe nhá. Dạo cuối hè, không rõ nắng nôi ra sao hay tại lâu đời quá, cái bể cạn nó bị nứt. Em phải thuê người trám lại hai ba chỗ. Luôn thể em nghĩ đến chuyện xây non bộ. Một công hai việc. Hôm em mời anh Liêm, người cháu ông Cả đến xem cũng là đúng vào hôm em nhận được thư anh báo tin anh sắp về nước. Mừng quá, em vui miệng kể cho anh Liêm nghe. Thế là anh ấy chọn ngay cái đề tài, cái cảnh rất là hợp tình hợp lý. Nó có một cái tên đặc biệt lắm”

Vẫn nét cười nghịch ngợm trong mắt, em tôi im lặng. Tôi tò mò:

“Tên chi?”

Em tôi chầm chậm ngắt rời từng tiếng:

“Lãng… Tử Hồi Đầu”

Tôi trợn mắt, vờ giận dữ mà xổ ngay giọng Bắc:

“Con này láo thật! Dám trêu tao. Anh về thăm nhà. Về lo việc nhà. Chứ còn suốt cả cuộc đời tôi, tôi sống theo cái sở thích của tôi. Có ân hận áy náy gì mà cô lại bảo anh phải hồi đầu với hồi đuôi!’

Em tôi cười ngặt nghẽo:

“Thì để em nói hết hẵng nào. Mà ai bảo anh hỏi. Mấy hòn đá được xếp nghiêng này nó ở cái thế mà anh Liêm gọi là vọng cố hương. Anh chả vọng cố hương là gì. Còn lãng tử  hay không thì có anh biết lấy anh chứ có giời mà biết được.”

Cái tinh nghịch của em tôi cũng làm tôi vui lây:

“Cô học ở đâu cái lối nói ỡm ờ này vậy? Rảnh, anh kể chuyện đời anh cho cô nghe. Chả có gì lạ, chỉ có một đôi chỗ sái với cái… văn phạm của người đời. Thành thử”

Chờ một lúc không thấy tôi nói gì nữa, em tôi hỏi:

“Thành thử sao anh?”

Tôi tủm tỉm:

“Anh đã nói để hôm nào rảnh mà. Mà ai biểu cô hỏi làm chi. Bây giờ nồi chè đậu ván của cô nó đang chờ anh ở trong nhà. Với lại có nhiều thứ chuyện mà kể hết ra thì là sái văn phạm.”

Em tôi đưa tay tạt nhẹ mấy giọt nước trong bể cạn vào người tôi:

“Anh quỉ quái thật!”

Hai anh em tôi cười dòn bên bể cạn. Từ hôm về Huế cho đến chiều hôm qua, tôi lại mới có dịp cười ngon lành như vậy. Tôi đang cố nhớ lại, nghĩ đến những tiếng cười khác của ngày cũ trong gian nhà này. Nhưng mà cái ánh điện này, cái thứ ánh sáng này của khoa học lại đưa tôi về nét leo lắt vàng vọt của một cây đèn dầu phụng (lạc) ngày trước. Tôi thao thức mãi trong cái tịch liêu nơi nhà cũ giữa một đêm thu có mưa Huế dai dẳng, rót xuống thôn Vĩ Dạ này bao nhiêu là nỗi niềm khắc khoải, bao nhiêu là bóng dáng chập chờn Gối loan trằn trọc năm canh… Câu mở đầu cho một bản Nam Bình này, rung lên từ đầu môi của một ca cơ tài danh, có một lối hát tình tứ cơ hồ níu được những gót bước lang thang của tôi, vốn là một kẻ không bao giờ muốn cho tơ lòng mình bén rễ ở một bến một bờ nào cả, dù chỉ là rễ bèo nơi chân sóng, câu Nam Bình này mà tôi vừa nghe cách đây chừng hai trống canh, giờ này tự nhiên mà ai hoài quá. Điệu nhạc này, thoát thai từ cung điện Chiêm Thành để biến thành lớp sóng âm trang trọng mà dư ba đã dứt hẳn bên lầu Ngũ Phụng trên cửa Ngọ Môn, đang khiến tôi nghĩ đến cái hận vong quốc trong cõi lòng của nhúm người Chàm lơ thơ sống ở vùng Bình Thuận, Phan Rang va Phan Rí, sống vất vưởng như những oan hồn mà nghiệp dĩ không tạo nổi một chốn nghỉ ngơi, dù chỉ là nghỉ ngơi tạm thời.

Tôi nhồi kỹ một cối thuốc. Châm cũng rất kỹ để thấy rằng cái đậm đà của một hơi khói thuốc mặn mà lúc này là cả một liều thuốc an thần. Nó dẹp được một thứ sóng gió quả là bất kỳ trong tôi.

Bịn rịn một lúc lâu với mấy người nhạc công lúc tiễn họ ra cổng vào khỏang giữa hai cơn mưa, tôi trở vào nhà, tai còn nghe được giọng trong trẻo của người ca cơ ấy:

“Tụi em chừ… nhiều khi vì đồng tiền… chơ còn người biết nghe ca Huế mình có khi cả năm không gặp được một ai. Nước Non Nghìn Dặm của mình thấm thía rứa mà có bữa mới bắt vô sắp nông* thì họ húp bún bò xùm xụp, còn la to lên mà đòi thêm tương ớt nữa. Nhiều khi cũng tủi lắm anh nạ. À, cái bài Gối Loan Trằn Trọc nớ, mạ em vẽ (dạy) cho em khi em mới có mười tuổi. Lâu lắm mới gặp người đòi nghe cho được. Cám ơn anh. Dạ thôi, xin phép anh.”

Thật ra, chính tôi là người phải cám ơn mấy người nhạc công, người ca cơ ấy. Về Huế chuyến này, lụt lội, không đi thăm thú cho được đủ những nơi ngày xưa tôi không có dịp để chân tới, nhưng mà, qua lời giới thiệu của một người hết sức quan tâm đến nền cổ nhạc nước mình, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, tôi lại được thưởng thức tài nghệ của một nhóm nghệ sĩ tài danh bậc nhất ở cố đô. Họ đã đội mưa lặn lội đến tận nhà tôi mà nhấn một tiếng đàn tranh, nắn một tiếng đàn nguyệt, búng một tiếng đàn bầu, cất tiếng mà mà ngân một bài Cổ Bản, một câu mái nhì. Mà kể như vậy thì không chi cũng bõ cái công ngồi xếp vó mười mấy tiếng đồng hồ trên máy bay.

“Nước  Non Nghìn Dặm của mình” hai tiếng “của mình” nghe ấm cúng quá, thân mật thiệt. Mà tôi cũng hiểu rồi. Nếu không vì đồng tiền thì có biết bao nhiêu người lại không bỏ ngay cái nghề của mình, dù là nghề tay phải đi nữa, để mà… Và câu tâm sự khá chua chát của một người tài hoa đã phải nuốt chút hận vì cái bạc bẽo của người đời đối với nghệ thuật của mình, câu nói ấy vô tình đã làm sống dậy trong lòng tôi hình ảnh của những giờ phút vinh quang mà cách đây cũng đã lâu lắm rồi tôi đã thấy tận mắt, của Arthur Rubinstein tại Salle Pleyel, của Jacqueline Dupré ở Festival Hall, của Yehudi Menuhin ở Royal Albert Hall. Vinh quang trong những đợt vỗ tay kéo dài hằng mấy phút không ngớt đã đành, mà vinh quang ngay từ lúc cử tọa nín thở mà chờ những ngón tay bậc thầy ấy vẫy vùng trên bàn phím, bộ dây.

Giữa cái vắng lặng của gian nhà cũ mà tiếng mưa thu rả rích trên những tàu lá chuối rách nát ngoài hiên càng làm tăng thêm vẻ tịch liêu, buồn cho tương lai khá mờ mịt của cổ nhạc Huế, tôi lại nhớ đến lời thở than của một nhạc công sau đêm nghe ca trù ở Hà Nội:

“Vâng, thỉnh thoảng cũng có một vài người ở nước ngoài về, muốn nghe chúng tôi đàn hát. Nhưng mà họ nghe vì tò mò thôi. Ít ai biết đến cái hay của sênh phách, của tiếng trống, của đàn đáy. Thú thật với ông, lắm lúc cũng nản.”

Người thanh niên đàn đáy đã thổ lộ tâm tình với tôi vào một phút nghỉ tay mà nhắp một hớp trà Bắc Thái khá đậm. Trước đó mấy phút, tiếng đàn đáy ấy đã níu chặt lấy một giọng ca trong trẻo, già dặn. Giọng ca của một ca cơ thanh tú mà mớ tóc mun đã được lồng gọn trong một cái bao nhung đen vấn quanh đầu, buông một cái đuôi gà có đến hai ba cái dấu hỏi rất lững lờ. Người ca cơ ấy, có một tấm nhan sắc dễ làm xiêu lòng một kẻ trót mang trong người rất nhiều hệ lụy với ảo ảnh của thanh sắc là tôi, người ca cơ ấy cũng là tay phách đã nắm được cái chân truyền của một bộ môn nghệ thuật đang nghiêng vào cái bóng xế của chính nó.

Ngồi lắng nghe nhịp phách, tiếng đàn, giọng ngân đang quyện lấy nhau trong một bản hòa âm mang nặng cái nghiệp dĩ của những thứ không thể lìa nhau được, ngồi nghe  tiếng trống chầu, khi gắt gỏng, lúc hiền từ, tôi đã nghĩ đến một cuộc tình có những vướng víu thiết tha của duyên mới bén, e ấp mà không dám thú nhận, dại dột, si mê.

Giữa một đêm thu của Hà Nội đã đi ngủ sớm, người ta đã đưa cái roi chầu mà nhờ tôi điểm cho cái mối tình ấy, vốn là cái quấn quít của dây tơ, nhịp phách và giọng hát của con người, khi thấy bàn tay tôi cao hứng mà nhịp theo những khổ nhặt khoan của một bài Hát Nói có một đôi câu khá dài đã chuyển sang lối bắt gối hạc… khéo dối khách… ứ ư ừ… mà trêu ngươi… cho Tư Mã khóc…  ừ ư ừ… Nhưng mà tôi đã cạn ly rượu bỏ dở từ lúc những nhịp phách dòn bắt đầu dội vào lòng tôi nhiều lớp sóng cảm hoài, mà khua tay, mà chối từ.

Nói cho ngay, cả cuộc đời tôi, dối lòng mình cho mấy rồi thì cuối cùng tôi cũng rụng vì cái quyến rũ của thanh sắc, dù chỉ là cái quyến rũ nhất thời. Nhưng mà vào cái lúc sương thu Hà Nội đang len dần vào căn phòng có nhiều những âm thanh não nuột, tôi không muốn đùa với nghệ thuật. Tôi không muốn đem những bước chập chững của tôi trên đầu ngọn roi chầu mà giỡn với cái thuần thục của những ngón tay điêu luyện, giọng hát lão luyện. Làm như vậy là vô lễ với nghệ thuật của người ta.

Nếu như là ngày trước kia, ngày còn trẻ, thì tôi cũng không ngần ngại chi mà không cầm lấy cái roi chầu ấy mà học thêm, mà luyện cho kỹ một cái thú mà tôi đoan chắc là nó có thể đưa mình đi đến chỗ say sưa tận cùng của một lối thưởng thức âm nhạc. Nhưng mà bây giờ, gánh thêm một cái đam mê nữa, vay thêm một món nợ mà không biết mình có trả được hay không, tôi bắt đầu thấy ngài ngại ở cái tuổi mà cái sầu vạn cổ mỗi ngày nó thêm chĩu nặng trên cái kiếp người trăm năm, nói như bài Tương Tiến Tửu. Bởi vì đời là một ông chủ nợ rất khắc nghiệt, mà những người mê cái Đẹp của âm thanh, của sắc màu như tôi, vốn liếng có là bao… ngoài một chữ Tình. Châu báu của lòng tôi, tôi phung phí quá nhiều rồi. Còn chi! Sòng đời thua đến trắng hai tay… Để rồi đêm nay ngồi nghe từng trận mưa đều đều đổ xuống mái cũ, tôi chợt hiểu tại sao câu thơ ấy của Nguyễn Bính đang dội vào lòng tôi những nhịp sóng sầu lãng đãng… nhịp nhàng… liên miên… bất tận…

Bởi vì, chút tình còn lại trong lòng một người đã mòn gót ở nhiều chốn thuộc về tha hương, bây giờ ngồi ngay trong nhà cũ của mình mà nhớ thương  bao nhiêu là người cũ cảnh cũ, tôi biết trao cho ai, gửi vào đâu bây giờ!

Chỉ có một quãng đường từ nhà tôi, gọi cho thơ mộng là ở cuối thôn Vỹ, lên đến cầu Trường Tiền mà nhiều lần tôi đã phải quay gót lui tới để tìm nhà một người bạn cũ, một gốc mít, một cây nhãn, như một kẻ nghèo khó quanh quẩn tìm đồng xu cuối cùng trong tay vừa mới lỡ đánh rớt xuống đường. Chỉ có một quãng đường mà đã biết bao là đổi thay ngoài đời, bao nhiêu là mất mát trong lòng. Thì thôi nhắc làm chi bao chuyện khác trên cái xứ Huế này.

Tựa mình vào thành cầu Trường Tiền cách đây mấy hôm vào một buổi chiều tạnh mưa, hết nhìn xuống giòng Hương hình như đã vắng hẳn hai tiếng bát cạy, chỉ còn những con đò gắn máy, tôi lại đưa mắt về phía núi Ngự Bình ẩn hiện sau những đám mây chiều xám xịt giữa một bầu trời ẩm hơi mưa, tôi sực nhớ hai câu của Lưu  Vũ Tích:

Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự

Sơn hình y cựu chẩm hàn lưu**

À, thì ra lòng mìng cũng vậy đó, cũng là cái tâm sự của người đời muôn thủa đã bao lần (kỷ hồi) xót xa, ngậm ngùi cho chuyện đã qua, còn nhìn ra thì dáng núi muôn thủa vẫn gối đầu (chẩm) lên giòng sông lạnh. Động từ chẩm quả là tuyêt diệu, tạo ra được cái TĨNH của núi sông bên cạnh cái ĐỘNG của việc đời. Mà đâu đó, trong một tập thơ của anh Bùi Giáng, tôi cũng đã bắt được một cái tứ na ná hai câu của Lưu Vũ Tích:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Dạ thưa là giọng nhỏ nhẹ của một nữ sinh Đồng Khánh. Khỏi nói. Còn cái thần trong hai câu trên đây của anh Bùi Giáng, nó đột ngột hiện ra ở hai chữ bây giờ. Bởi vì muốn sống với xứ Huế bây giờ, hẳn anh đã phải thao thức với Huế nghìn trước, băn khoăn với Huế nghìn sau. Chỗ hàm súc mà cũng là chỗ tuyệt bút trong thi tài của anh Bùi Giáng nó hiện ra trong những điều anh không nhắc đến. Anh đã lược hết mọi thăng trầm, vinh nhục của bao lớp người ở chốn này, anh đã gạt qua một bên bao nhiêu là thịnh suy, hưng phế, tồn vong từ khi mảnh đất này còn là châu Ô, châu Lý cho đến… bây giờ. Anh đã để cho mạch thơ của người xem thơ anh, tự nó khơi lấy những cảm hoài riêng của mình.

Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn  núi Ngự bên bờ sông Hương

Hay thiệt! Hai câu không có thương nhớ chi cả mà xốn xang lạ lùng. Xốn xang hơn cả trận mưa này càng về sáng càng nặng hột, càng tầm tã. Bên ngoài cửa sổ, từng đợt mây chầm chậm trải rộng, trải dài ra mãi giữa một bầu trời màu chì. Và ngoài xa hơn nữa là một vệt chân trời mới hé, màu thủy ngân. Chừng sáu tiếng nữa là tôi lại phải rời Huế rồi. Theo thói quen, tôi lục quyển sổ tay định ghi lại tâm trạng của mình giữa một đêm mưa nơi cố quận. Nhưng mà vừa cầm lấy cây bút, tôi đã xếp quyển sổ lại. Chữ đâu mà ghi cho hết cái nức nở của một tiếng đàn bầu, cái ngọt ngào của một giọng hát, cái đạt, cái thoát của nhà thơ “điên” vùng Ngũ Phụng Tề Phi. Trưa nay, máy bay rời Phú Bài, cánh bèo này lại nổi trôi… tha hồ mà bồng bềnh tâm sự với Huế bây giờ.

Chú:

*sắp nông là chỗ gần cuối một bản Nam Bình, nhạc trỗi lên cao. Thí dụ: trong bản Nưóc Non Nghìn dặm, sắp nông bắt đầu ở câu Dặn một lời Mân quân nghe chuyện.

**trích bài Kim Lăng Hoài Cổ của Lưu Vũ Tích