Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

THÀNH PHỐ SAU NHÀ

 

DUY LAM

 

Thành phố sau nhà, nơi hai vợ chồng tôi đến cư ngụ ở cư xá dành cho người chưa già, 62 tuổi trở lên này, cũng đã được bốn năm, tức là thành phố Santa Ana. Nói sau nhà cũng không ngoa lắm, vì tuy cư xá Biệt Thự Gỗ Ross của chúng tôi, mặt tiền trông ra đường Ross, nhưng cái gọi là hàng hiên của căn phòng chúng tôi, lại trông ra đường số Ba, đối diện với bên kia đường là một cái Club của người Latino khá lớn. Nếu chúng tôi thả bộ, đi thơ thẩn sang phía bên phải dọc đường này, chúng tôi sẽ đi qua cái trung tâm downtown rất đặc biệt của Santa Ana. Trung tâm gồm vỏn vẹn có hai con đường song song nhau là các đường số Ba và số Bốn.

Nhiều bạn tôi hỏi, ông ở cái khu phố Ross, toàn những cư xá dành cho người già, thế là ở khu nào vậy. Tôi đã đơn giản trả lời, đường Ross chỉ là một con đường nhỏ cắt ngang đường First, tức là đường Bolsa nối dài đó. Người họ hàng bề trên là chú Tường Bách cư ngụ ở đầu đường Westminster, có nghĩa là người ở đầu đường, người ở cuối đường, cách nhau khoảng hai mươi phút lái xe, băng qua khu downtown Sài Gòn nhỏ.

Vì Santa Ana gồm đến gần 90% người Latino, nên ngoài một số vài chục gia đình người Việt cùng sống trong cư xá với chúng tôi, không có một khu vực nào quanh đây có nhiều tiệm ăn, tiệm bán hàng của người Việt, cho nên trong suốt mấy năm gần đây,  tôi cứ hay hoặc đi dạo hoặc jogging qua các phố số Ba và số Bốn, nên những hoạt cảnh vui nhộn và đầy ắp một không khí lạc quan rất riêng biệt của người Latino, đã trở nên những cái tôi nhìn thấy, nghe thấy, và chứng kiến hàng ngày.

Mới đầu để giải thích gốc gác phố Ross, người phụ nữ đầu tiên khâu lá cờ vạch đầy sao của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng đọc vài tài liệu về Santa Ana, tôi mới biết tôi lầm. Ross đây chỉ là tên của một người đầu tiên mở cửa hàng lập nghiệp ở Santa Ana mà thôi. Ngay từ thời kỳ chúng tôi mới được cấp một căn phòng tại cư xá này, và dọn từ cái thành phố nhỏ ít người Việt nghe tới, là Lawndale ở vùng Nam vịnh lên đây ở, chúng tôi đã thấy một cao ốc lớn bắt đầu được xây đúng ngay phía bên phải của tầm nhìn hàng ngày của chúng tôi. Đó cũng là cái mốc để chúng tôi định hướng, mỗi khi lái xe hay đi lạc vào những đường nhỏ và chúng tôi có thể bàn tới tình trạng xây dựng của cao ốc này tiến triển đến đâu, để ghi nhận sự qua đi của thời gian của một cặp vợ chồng già tỵ nạn.

Đến nay, cao ốc đó đã được hoàn tất và khánh thành, một cao ốc đẹp đẽ với các màu trắng xám và vàng nhạt, được đặt cái tên là Ronald Reagan Federal Building & US Courthouses. Ngồi uống cà phê Capucino ở cái quán Courthouse Boardwalk đồ ăn lặt vặt, tôi đã nói đùa với nhà tôi, nếu mình khai bankruptcy và có nhiều chủ nợ quá, dám sẽ ra tòa ở ngay gần nhà. Ngày hôm qua 9-9-1999, khi bắt đầu viết bài này, tôi lại chạy một vòng ra cái cao ốc mang tên ông Tổng Thống đã từng làm tài tử cao bồi hạng B này, để quan sát lại lối kiến trúc khá là lạ và hai bức tượng, một nam một nữ chỉ khoác lên người một mái tóc và một mảnh áo khoác, dựng trước cao ốc. Tôi thấy chỉ mỗi mình tôi, một ông già Á Đông, đứng ngó nghiêng ngó thẳng hai bức tượng khỏa thân của hai vị thần đang cưỡi trên hai con đại bàng, nữ thần mang một cuốn sách luật, còn nam thần mang một đinh ba. Hai con đại bàng đều đang mổ những con răn, chắc tượng trưng cho những kẻ phạm tội. Chung  quanh, mọi người thản nhiên đi lại, chả ai thèm ngó ngàng tới những công trình điêu khắc này. Trong cái ánh sáng nhẹ đầu thu, nhìn hai hàng cột cao ngất, bốn cột đỡ hành lang hẹp và in nét thẳng trên những khối vàng và xám của tường, xen kẽ với các cây cọ khá cao, và những vườn hoa cây cỏ cắt tỉa công phu quanh cao ốc, tôi nghĩ người Mỹ cũng hay và cũng hơi kỳ, mất công sang sửa dựng các kiến trúc đẹp đẽ, rồi hình như không ai buồn tản bộ xem ngắm, hay ngồi dưới những hàng cây, để hưởng cái đẹp của khung cảnh sạch sẽ ngăn nắp hài hòa.

Bây giờ tôi muốn đề cập tới khung cảnh của hai cái phố ở downtown Santa Ana và rồi nói tới sắc dân Latino và những điểm tôi thích và lưu ý trong ngoại hình trang phục, cư xử bên ngoài và các sinh hoạt của họ.

Cũng hôm qua, khi tôi đi qua, và ngay trên lòng đường khá hẹp giữa các bờ hè lát gạch đỏ nhạt rộng có lẽ ngang bằng mặt đường, những kiosque mái vải trắng căng trên các cột sắt sơn xanh, hai loạt cửa hàng và các sàn gỗ cho các ban nhạc và vũ công, đã được dàn dựng lên san sát, kế tiếp nhau từ đầu đến cuối phố. Quả thật khi sắc dân Latino chiếm đại đa số, họ đầy đủ quyền hạn để muốn làm gì thì làm với những phố phường của họ. Chẳng biết bao giờ người Việt ta mới có cái quyền tương đương ở khu phố Bolsa?  Nhìn các lá cờ và biển quảng cáo tôi biết từ ngày 11 trở đi, một Plaza Fiesta, kỉ niệm độc lập Mễ Tây Cơ, sẽ do Santa Ana Business Association đứng ra tổ chức trong ba ngày liền. Người Latino luôn tổ chức các fiesta đủ loại và những dịp vui đó, họ trưng cờ Mễ Tây Cơ, với những màu xanh dương và đỏ tươi, cũng như ta trưng cờ vàng ba sọc đỏ.

Điều đặc biệt của không khí downtown khiến tôi luôn luôn xúc động nhớ lại những tiếng chuông nhà thờ lớn Hà Nội, cũng như tiếng chuông báo giờ của các loại đồng hồ lớn tại nhà các bác, các chú ngoại tôi, hồi tôi còn nhỏ thường lên chơi với các anh họ và ngủ lại đêm. Đó là tiếng chuông báo giờ, cứ một khắc nửa giờ hay giờ của ngày, vang động rung chuyển, kích thích trái tim của khối người Latino đang chen chúc nhau làm việc, vui chơi, dạo phố.

Cái thú vị là đang khi xe ngừng ở cả chục cái đèn đỏ của một quãng phố không dài lắm, tôi ngồi trong xe chờ, chợt nghe tiếng chuông báo giờ vang động từng đợt trên cao vẳng xuống bao trùm lên tất cả trong cái chấn động của thời gian, ở đây đối với tôi là cái không bao giờ hết của dĩ vãng.

Dĩ nhiên, điều lợi khác là nếu quên đeo đồng hồ, ta cũng dễ dàng chỉ việc ngửng đầu lên là biết thời gian trong ngày. Tôi cũng nghĩ giá ở khu Bolsa có ai giàu tiền tặng một cái đồng hồ lớn đặt trên một cái cửa chợ Bến Thành, để đồng hồ báo chuông vang động cả tâm thức những người nhớ đến Sài Gòn không bao giờ nguôi ở giữa khu phố Westminster thời hay biết mấy.

Về kích thước, cả hai phố số Ba và số Bốn lòng đường đều rất hẹp và người Latino cũng có cái tật thích từ bờ hè rộng bên này băng sang bên kia, jaywalking, cũng nổi tiếng đến đô báo Orange Register có bài cho biết, cảnh sát Santa Ana phải gia tăng giấy phạt, vì đa số các tai nạn xảy ra đều do những người băng qua đường bất tử tạo ra. Tôi nghĩ tôi phải đứng về phía các bộ hành Latino và đôi ba lần ở khúc phố số Ba gần nhà tôi vừa bước xuống lòng đường để băng qua đại, các chiếc xe hơi ngoan ngoãn dừng lại nhường đường. Có thể làn tóc bạc gần hết của tôi khiến các tay lái xe nể, hay vì các ngã tư gần cư xá tôi ở, các ông bà cụ run rẩy băng qua đường đã là một cảnh tượng rất quen mắt. Dù sao hai cái trung tâm nhà cửa cho quý vị công dân hạng nhất ở khu phố này cũng là điều làm chậm tốc lực của mọi loại xe chăng?

Vì lòng đương hẹp và các vỉa hè rộng rãi thênh thang, nên cái thú window shopping của các lớp người Latino vào những ngày cuối tuần, trong đó thường cũng có hai ông bà già Á Đông tỵ nạn, là hai vợ chồng chúng tôi, cũng hay chen giữa cái giòng người đông vui đó, để diễn lại một thói quen của giới trẻ Sài Gòn những thập niên 50-60, là đi dạo phố Catinat hay Bonard, để xem hàng bày tại các cửa tiệm. Phần lớn các cửa hàng của người Latino đều nhỏ, và đều có cửa kính, bày tất cả những quần áo, đồ trang sức, giày dép đẹp nhất của tiệm ở mặt tiền. Tôi đã đi đếm các cửa hàng hai bên phố số Bốn và thấy rất đông các cửa hàng quần áo La Moda, với các manequin nhỏ nhắn thon thả, thứ hai là các cửa hàng giầy dép, bày cả loạt các loại bốt cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, một vài tiệm bán các loại mũ Stetson kiểu dành cho cao bồi Nam Mỹ, một số tiệm bán đồ ăn cà phê và các văn phòng luật sư lo các dịch vụ di dân, li dị, khai thuế và public notary phiên dịch. Có vài điểm tương đồng giữa các cửa tiệm ở phố này với các cửa tiệm dưới phố Bolsa, và cũng cung cấp các dịch vụ cho những nhu cầu không khác nhau nhiều lắm giữa hai sắc tộc.

Tôi chưa thấy một tiêm K-Mart hay Big Mart nào của hệ thống Mỹ chen chân vào được khu này của người Latino. Vài cửa tiệm bán quần áo hạng trung, bán các hàng Sale (Sale là đã quá nhiều cho nhu cầu và thị hiếu cho người dân ở đây).

Điều khiến lúc đầu để ý tới hơi ngạc nhiên, là tại sao chỉ tại 2 phố mà tôi đếm thấy có tới gần hai chục tiệm romance bridal, trưng bày đủ loại đồ cưới cho cả cô dâu lẫn chú rể, nhưng nghĩ lại tôi mới hiểu ra, vì đa số người Latino theo công giáo, nên mọi lễ nghi hôn nhân đều được làm tại nhà thờ, các loại dịch vụ cần thiết khá nhiều, nói chung so với người Việt.

Vì người Latino nói chung tầm người cũng không cao lớn như người Mỹ bản xứ, nên đa số các quần áo trưng bày tại các tiệm đều là hàng nhập từ các nước Nam Mỹ, với ảnh hưởng khá rõ của thời trang Âu Châu. Vài tiệm còn dùng xen các hàng tiếng Pháp để quảng cáo. Tôi có đọc được một câu đề giá tiền bằng tiếng Pháp A patir de... Một số tiệm bày chuyên một mặt hàng quần áo của các hãng Mỹ lớn như Levi hay Reebook, Stetson. Tôi cũng thấy một vài chục tiệm bán đồ trang sức quảng cáo là Latino Jewelry, đại khái cũng với những kiểu cọ riêng biệt. Về các hàng vàng bán các loại đồ trang sức, hai sắc tộc Mỹ-Latino, cũng bộc lộ sự ưa chuộng ưu tiên các mặt hàng do chính sự khéo tay của người Latino hay Việt tạo ra.

Nếu tả các quang cảnh các phố người Latino mà không nói tới sự hiện diện của một số khá đông các street-vendor thời e không sát lắm. Tôi hay đi qua một số vài chục cái xe bằng gỗ, e không khác các xe bán nước mía hay nước rau má ở Sài Gòn bao nhiêu, và luôn luôn tôi thấy nhiều người Latino dắt các con nhỏ đến mua hoặc một hộp nylon nhỏ, đựng thơm cắt nhỏ ướp đá hoặc xoài, mít, thậm chí còn bán cả cục nước đá bào pha xanh đỏ cho trẻ con nữa. Tại các phố quanh chỗ cư xá chúng tôi ở, cái cảnh mấy người Latino, thương là đàn ông đứng tuổi, đẩy những chiếc xe bán ice cream, với hương vị Latino hẳn nhiên, với tiếng chuông leng keng để gọi và báo cho các trẻ con biết, cũng hay qua lại.

Nhiều lần đi dạo qua các phố quen thuộc, tôi có cảm tưởng như đang sống lại những cảnh được mô tả trong cuốn "La Loi" của một nhà văn Pháp tả các luật đời tại một vùng quê Ý. Đơn giản, tôi luôn thấy các người thanh niên hay thợ thuyền ngồi tại các ghế xi măng trò chuyện và chờ nếu có cần một tay thợ mộc hay cắt cỏ làm vệ sinh đến mướn. Họ chưa hẳn là những người homeless mà chỉ là thất nghiệp, sẵn lòng nhận bất cứ việc gì với đồng lương tối thiểu. Nhân công ở đây sẵn đến độ, tại nhiều cửa hàng đủ loại, ngay trước cửa luôn có những phụ nữ hoặc các cô gái đứng phát các tờ quảng cáo đủ màu cho bất cứ người qua đường nào đi trước tiệm họ đứng. Vì chúng tôi người gốc Á, họ liếc qua biết chúng tôi không đọc được tiếng Tây Ban Nha, nên không phát lầm mấy khi.

Tại các hàng ghế gỗ hay xi măng tại những đường rẽ nhỏ, cái cảnh các gia đình Latino ngồi giải khát, nghỉ chân hoặc uống cà phê hay coca cola cũng cho các phố một vẻ tụ họp gia đình khá đặc biệt.

Trong phần này của bài, tôi muốn đề cập tới con người và vài sinh hoạt của Thành Phố Sau Nhà. Hoạt cảnh đã trở nên quen mắt với nhiều người lái xe hay đi dạo qua vài phố của khu vực downtown Santa Ana, là những bà mẹ rất trẻ, xinh đẹp duyên dáng và đôi khi đẹp, cái đẹp nóng nẩy của phụ nữ Nam Mỹ, đẩy những cái xe trên có một hoặc hai đứa trẻ nằm khoa chân múa tay, trên tay còn bồng thêm một đứa ba bốn tuổi và chạy theo là hai hay ba đứa trẻ lớn hơn cỡ mười đến mười ba tuổi.

Người Mỹ bản xứ khi ra đường đi shopping thường dắt theo một hai đứa trẻ là nhiều và gia đình nào có đến bốn con đi theo đã được kể là gia đình đông con, trong khi các bà mẹ Latino có khi mới qua tuổi teens đã mang vài đứa con đi theo. Có lẽ họ quá đông con và không có phương tiện tài chính để mướn người trông ở nhà nên chỉ có cách mang tất cả con cái theo. Đôi khi, cả hai vợ chồng trẻ đều mang theo bầy con và vài trường hợp đặc biệt cả các bà mẹ có tuổi cũng cùng đi.

Vào những ngày nghỉ, phố phường đông chật những gia đình đông đảo gồm hai ba thế hệ cùng đi như vậy, nên rõ ràng có điểm giống nhau giữa người Việt ta hồi xưa của những thập niên 30-40 và người Latino, đó là tinh thần gia đình rất cao của họ. Tất cả các sinh hoạt xã hội vui chơi giải trí đều là những nơi tụ tập của các gia đình.

Tôi cũng suy nghĩ về sự mắn con và đông con của các bà mẹ trẻ Latino, và tôi suy luận một sắc tộc đa số theo công giáo chắc không ai dùng các biện pháp ngừa thai, nên một gia đình đông con là điều rất quý. Một anh bạn người Việt của tôi làm cùng sở với các kỹ sư gốc Latino đã đưa ra nhận xét về tâm lý gọi là macho của lớp đàn ông Latino, nghe hơi lạ tai, nhưng không phải không có lý. Anh nói bọn đàn ông Latino hễ lấy vợ, mà sáu tháng sau vợ chưa có bầu thời họ có vẻ ngượng ngùng xấu hổ và mang mặc cảm có lỗi rất kỳ. Chỉ làm cho vợ mới có bầu liên tiếp, đẻ nhiều con, người đàn ông mới chứng tỏ với xã hội hay đại gia đình cái nam tính rất đáng trọng của họ. Dĩ nhiên anh không đề cập tới cái sexual drive của phe đàn ông Latino hay cái nét nóng đa tình của phe nữ Nam Mỹ.

Riêng với tôi, nhìn những bà mẹ trẻ đẹp Latino, bế ẵm, đẩy xe, và chăn dắt các đứa con trai, gái đỉnh ngộ, tôi cảm thấy rất gần với cái phong thái sống nặng tình  gia đình của họ. Hồi xưa, mẹ tôi đi đâu xa cũng tay bồng, tay xách, nách mang và lo cho cả đến bầy con bảy đứa chúng tôi, quả thật đã điều kiện hóa bọn chúng tôi. Một gia đình khó có thể là gia đình người Việt đúng nghĩa, nếu không có ít nhất năm con trở lên. Nghèo mà vui.

Điều rất thú vị cho sự quan sát của tôi, nhất là sự thưởng thức cái sắc đẹp mang một vẻ gần gũi của các kiều nữ Latino, là các cô gái rất thon thả mảnh mai, nhưng lại giống lớp người nữ trẻ Việt ở hải ngoại là thân hình nẩy nở đều đặn và phát và phát triển đúng chỗ, có nghĩa với làn ngực kiêu hãnh và dáng đi uyển chuyển, thường làm căng chiếc áo tricots và những chiếc quần jean ôm thật sát thân hình, bộ y phục rất được các cô gái trẻ hoặc teens ưa chuộng.

Với chiều cao một thước 72 của tôi, đối với người bản xứ, tôi là người cao dưới trung bình một chút, nhưng đi dạo giữa những người Latino tôi lại là người cao trên trung bình. Dáng người nhỏ nhắn của sắc dân này không làm tôi choáng váng như khi ra chơi bãi bể Redondo, tôi đã chỉ cho các lũ cháu trai con của Thun mấy cô gái Mỹ to lớn, đẹp ác liệt đi patins ở roulettes và mặc tòng teng một cái bra và hot pants. Sở dĩ ông bác già phải nhắc bầy trẻ, vì tôi để ý chúng khá dửng dưng trước các thân hình ngồn ngộn của phe đẹp Cali lượn lờ trước mắt.

Tôi đoán đọc đến đoạn này mấy văn thi sĩ của cái nhóm Xưởng cà phê sẽ ồn ào góp ý một buổi sáng chủ nhật nào đó là DL lại bị ám ảnh về sex rồi, dù sắp vào tuổi 66-67 và thường được ví như cái xe tàng của tôi đã chạy quá một trăm năm chục nghìn miles. Tôi sẽ bào chữa như thường lệ, tôi không sợ tôi bị ám ảnh vì sex vì là một chuyện bình thường, chứ nhìn một người đẹp mà lòng không động mới thật là nguy và phải nói là "hết thời" như nhà thơ TrHcCh cứ hay cười cười nói với bọn trẻ hơn chúng tôi khi chúng tôi trêu ông nhắc đến trong thơ số mấy cái bras của các nữ sinh viên thời ông còn rất trẻ.

Hôm qua buổi sáng hai vợ chồng tôi có đi một vòng quan sát Plaza Festival và thấy người Latino vui chơi ngày Độc Lập của Mễ cũng không khác người Việt ta những ngày lễ Tết là bao nhiêu. Rất đông các gia đình kéo nhau đi ăn các món ăn đặc biệt của người Mễ tại cả vài chục cửa hàng ăn trong khu hội chợ. Các món thịt nướng đủ loại và cả món lòng xào và taco burito được các phụ nữ xào nấu làm hương thơm tỏa ngát mùi luôn cả một khu phố số Bốn. Chúng tôi chả dám phiêu lưu vào một quán ăn để chọn đại một món mà chẳng hiểu hương vị mình có chịu hay không. Nhà tôi chọn mua một món đồ trang sức bằng bạc, khiến tôi nhớ đến hồi trẻ (1957) sang chơi Juarez và cả bốn sĩ quan đồng minh trẻ ào vào một tiệm trang sức tại cái chợ ồn ào và lớn hơn chợ Bến Thành, để gọi là mua vài món kỉ niệm, nhưng kỳ thật để quây chung quanh một kiều nữ xinh đẹp bán hàng. Từ hồi đó chúng tôi đã nhận ra một sự thật là phe nữ Latino đẹp thật, đôi khi còn đến độ mê hồn. Những năm gần đây các người đẹp Nam Mỹ đã lần lượt chiếm các giải Hoa Hậu và Á Hậu tại các Miss Universe Pagent.

Cũng vào chiều hôm qua 12.9, cái băng văn thi sĩ Xưởng cà phê sau khi họp mặt cà phê cà pháo xong, đã kéo nhau đến điểm hẹn, một tòa báo Việt tại Moran, để đón hai anh chị Tạ Tỵ, được con trai đưa lên đây từ San Diego, để theo anh Tạ Tỵ họp mặt với anh em cầm bút cầm cọ cho đỡ nhớ.

Trong bữa cơm anh em đãi hai anh chị Tạ Tỵ tại Thiên Đường của Đồ Bể, anh Tạ Tỵ đã có ngỏ vài lời với mọi người và anh đã làm cho cái bọn cầm bút mà người ngoài cứ cho là rất blasé và đôi người trong chúng tôi cũng nghĩ về mình như vậy, xúc động trước những tâm tình khá là sentimental của anh. Anh nói, xa anh em cả năm nay, sống tại San Deigo buồn quá, tuổi già cô độc cả ngày, từng phút, từng giây cứ ngồi nhớ và nghĩ đến anh em bạn văn, ôn lại từng cử chỉ lời ăn tiếng nói, tâm tính và những nét đặc biệt trong cá tính từng người. Có xa anh em mới thấy quả thật không gì vui được gần nhau họp mặt như thế này, để trò chuyện cho bõ những giây phút cô độc tưởng như kéo dài vô tận.

Để đánh tan phần nào ảnh hưởng của những lời lẽ bộc lộ tình cảm của người bạn cầm bút cầm cọ vong niên, tôi đã giục anh bắt chước tôi cầm bút viết về cái thành phố Mỹ xa lạ là San Diego, nơi anh hiện sống và cảm thấy khung cảnh nên thơ và khí hậu hiền họa của nơi này chẳng ăn khớp gì với sự trống trải của tâm hồn anh.

Tôi đã huyên thuyên trình bày cái lý luận riêng của tôi về cái hiện tượng tâm lý chung của người lưu vong, khi cứ ngày qua tháng qua sống nơi đất lạ, thành phố lạ, con người cảnh sống lạ, tìm cách bằng cách viết ra, hoặc qua một cố gắng của tâm thức biến những cái lạ dần dần thành quen. Thật cứ như mình đi lang thang trong những phố phường rộng rãi đẹp đẽ xứ lạ, nghe tiếng nước người thoảng bên tai và lâu lâu lại móc lên một góc phố, một khóm hoa, một công viên, một vài kỷ niệm xưa cũ của những thành phố đã sống qua ở Việt Nam, để rồi một hôm khác đi qua cũng góc phố đó cảm thấy cảnh vật không xa cách, không xô đẩy hay từ chối mình. Cái khoảng cách giữa cảnh lạ xứ người và tâm trạng vọng cố hương với cả loạt kỷ niệm u hoài và ám ảnh của dĩ vãng, hình như cần phải được lấp đi, hầu giữa ta và ngoại cảnh cái hố sâu khoảng cách ghê gớm không làm tâm ta bị tha hóa. Nếu ta thất bại không biến những cái lạ dần thành quen với ta một cách nào đó, dù chẳng phải là gắn bó thân thiết, cái bản âm dĩ vãng mờ mờ nhạt nhạt cứ như lệch đi chẳng ăn khớp gì với cái bản dương quá sáng quá rõ của đất lạ, thành phố lạ, dù ta cứ tay hơi run, tâm hồn hồi hộp với một sự ước mong tha thiết, cứ đẩy đi xê lại, hầu một giây nào đó bản âm dĩ vãng và bản dương hiện tại ăn khớp với nhau: tất cả sẽ rõ và cái ánh sáng tỏa ra từ nỗ lực hầu như vô vọng đó, khiến một lúc nào đó tâm hồn ta được yên ả nghỉ ngơi, đời sống không còn chông chênh không nơi bấu víu và nội tâm ngoại cảnh chẳng còn là đối kháng nhau như bóng tối và ánh sáng. Cho nên, tôi nhắc anh viết nhiều về những thành phố của dĩ vãng và luôn cả về San Diego về Garden Grove. Viết ra được những uẩn ức trong lòng mình, may ra rồi mới được nghỉ ngơi thoải mái. Cái lạ dần thành quen, dĩ vãng và hiện tại sẽ hòa hợp làm một.

Anh Tạ Tỵ đã nghe tôi nói với ít nhiều hờ hững, cũng như đa số anh em bạn văn đã lịch sự nghe tôi suốt buổi sáng Chủ Nhật. Thật sự tôi chẳng hiểu khi tôi viết ra trên giấy tất cả những suy nghĩ và xúc động của mình về thành phố Sau Nhà, Santa Ana, nơi tôi đã sống gần bốn năm nay, liệu sẽ có một ai thông cảm với tôi? Số phận của những gì mình viết ra nhiều khi cũng thật khó đoán nổi. Je sème au vent, đồng ý, nhưng cái người gieo hạt là tôi có nghĩ rằng những tư tưởng xúc cảm của mình tung ra theo gió, tản mát sẽ tan biến, mất hút trong cảnh lạ nơi đất lạ, và cuối cùng trong cái ánh sáng hoàng hôn nhá nhem của cuộc đời, bóng của người gieo hạt cuối cùng chỉ ngã dài một khoảnh khắc trên nền đất khô khan trơ trụi, để rồi tất cả sẽ nhường cho bóng tối, cái bóng tối xa lạ hãi hùng đang chờ đợi. Tôi nghĩ viết đến đây tôi mới hiểu thấm thía hết nỗi buồn của anh Tạ Tỵ, người họa sĩ bạn vong niên của tôi đang sống ở San Diego.