Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

TÌM PHẬT Ở ĐÂU?

 

MINH TÂM

 

 

Nhân mùa Phật Đản kỷ niệm Đức Thích Ca giáng trần cứu độ chúng sinh, chúng ta hãy thử đi tìm Phật. Hầu hết mọi Phật Tử đều thuộc lòng lịch sử Phật Thích Ca giáng sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì thành Ca Tỳ La Vệ, nước Ấn Độ bấy giờ; ngài lớn lên lấy vợ, rồi xuất gia thành đạo, chuyển Pháp Luân cứu độ chúng sinh, nhập Niết Bàn ở vườn Ta La. Vậy câu hỏi Tìm Phật Ở Đâu thật là dễ, ai cũng trả lời được.

Nếu chữ Phật có nghĩa là Đức Phật Thích Ca, một vị Phật lịch sử, thì câu trả lời sẽ là Phật ở Ấn Độ, cách đây hơn 2500 năm. Nhưng nếu Phật đã nhập Niết Bàn thì làm sao chúng ta tìm gặp Phật được nữa? Và tại sao kinh điển lại có câu "Phật biến nhất thiết xứ", nghĩa là Phật biến hiện ở tất cả mọi nơi? Để hiểu rõ danh từ Phật, ngoài cái nhìn lịch sử thông thường là Đức Phật Thích Ca, chúng ta nên vươn tầm mắt vượt qua lịch sử mà nhìn vào chỗ sâu kín nhiệm mầu mà danh từ ngôn ngữ không đạt đến được, đó là lý cao siêu của chữ Phật

Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc mê, là người đã rũ sạch bụi trần, là vượt ra ngoài ba cõi, là hiểu biết đến chỗ vô cùng, vô tận, là Toàn Trí (Omniscient), là xuất hiện khắp nơi (Omnipresent), là giác ngộ giải thoát, là từ bi hỷ xả, là vô ngã lợi tha, là tình thương, là sự sống... Nếu những ai đạt đến những đức tính quý báu đó, thực hiện được những tinh thần cao cả đó thì được tôn xưng là Phật. Theo giáo lý nhà Phật thì có rất nhiều Phật: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Dược Sư... nhưng mỗi vị Phật Giáo hóa một cõi có nhân duyên với ngài. Thí dụ như Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh ở cõi Ta Bà, Phật Dược Sư giáo hóa chúng sinh ở các cõi phương Đông, Phật A Di Đà giáo hóa chúng sinh ở các cõi phương Tây. Mỗi tam thiên đại thiên thế giới chỉ có một vị Phật Giáo hóa, có Chư Bồ Tát và Thiên Long Bát Bộ hộ trì. Nhưng chính kinh Phật lại nói rõ là Phật biến hiện khắp nơi, có vô số Phật đồng hiện diện ở các cõi, như vậy có mâu thuẫn không?

Nếu đứng về Sự mà nói thì mỗi cõi chỉ có một vị Phật Giáo hóa, các Phật khác đều thị hiện làm Bồ Tát, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, chúng sinh, sông núi, cây cỏ... để hộ trì vị Phật kia. Nhưng nếu đứng về Lý mà luận thì Phật ở khắp nơi, trong mỗi chúng sinh đều có một vị Phật ẩn tàng, đó là Phật Tánh, là Chân Tâm, vì vậy trong kinh có câu: "Tâm, Phật, chúng sinh, tam vô sai biệt". Phật ở ngay trong chúng ta mà ít người biết tới. Theo quan niệm tín ngưỡng bình dân thì ở hai vai mỗi người lúc nào cũng có hai vị thần ghi chép những việc lành dữ của chúng sinh gây tạo; hoặc có nhiều vị Phật Tử mỗi khi làm việc gì cũng nói là có Đức Phật chứng minh, tin rằng Đức Phật có nghìn mắt, nghìn tai, thấy và nghe tất cả mọi điều. Đó là những hình thức giản dị mà giới bình dân thường quan niệm, không ngờ lại đúng với ý nghĩa cao siêu của Phật Giáo. Hai vị thần ghi chép hoặc Phật chứng minh, chính là tượng trưng cho Chân Tâm đã ghi nhận mọi hành động và tư tưởng lành dữ, chính là A Lại Da Thức (Tàng Thức) đã huân tập chủng tử để rồi khi thời gian thuận tiện, đủ duyên cho hạt giống nẩy mầm, nhân quả hiển nhiên, công tội thưởng phạt rõ ràng.

Ngoài cái lý ẩn tàng sâu kín trong Tâm, chúng ta có thể tìm thấy Phật qua Chánh Pháp của Phật để lại, vì Pháp chính là Phật. Chánh Pháp mà còn thì Phật còn, nhưng nếu Chánh Pháp biến thành Tà Pháp, những ý nghĩa cao siêu của Phật bị diễn tả sai lạc, những lời dạy dỗ của Phật biến thành mê tín dị đoan thì bóng dáng Phật đã bị vô minh che kín mất rồi. Chính Đức Thích Ca đã căn dặn các đệ tử:

"Hãy tuân theo Chánh Pháp mà tu, hãy giữ gìn giới luật mà sống, thì Như Lai lúc nào cũng gần gụi. Nếu không theo Chánh Pháp, không giữ giới luật, thì có Như Lai bên cạnh cũng chẳng giúp được gì".

Chúng ta cũng có thể tìm thấy Phật qua hình dáng các vị Cao Tăng tu hành chân chánh, giới đức tròn đầy; các vị là Trưởng Tử của Như Lai, đại diện cho Phật để chúng sinh có chỗ quy ngưỡng; nhưng nếu là Kiêu Tăng phạm giới, không giữ lục hòa, thì Phật sẽ ẩn, ma sẽ hiện. Các vị Kiêu Tăng chính là người phá Phật, hại Pháp mạnh hơn tà ma ngoại đạo nhiều lắm.

Chúng ta có thể tìm thấy Phật khắp nơi, chỗ nào có Tình Thương ngự trị, có Từ Bi Hỷ Xả hiện tiền, có chân lý hiện hữu, là có Phật ở ngay đó. Một người nào, bất cứ xuất gia hay tại gia, mà trong một khoảng thời gian phát Tâm Bồ Đề, khai mở Chân Tâm, tu hành tinh tấn, thực hành Từ Bi Hỷ Xả, thì ngay trong phút giây đó, người ấy đã là Phật, vì Phật là Giác. Nhưng sau phút giây giác ngộ, người ấy trở lại sống tầm thường, ích kỷ thì Phật lại tiềm ẩn, để chờ cơ hội phát huy. Phật chỉ khác chúng sinh ở chỗ Phật vĩnh viễn giác ngộ, lúc nào cũng sáng, còn chúng sinh thì chỉ lòe sáng trong giây phút, rồi lại chìm đắm trong bóng tối vô minh.

Một hiền phụ hy sinh cơm áo, thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, chẳng ngại đói rét, nhọc mệt để lo cho các trẻ mồ côi, một lính cứu hỏa xông pha vào nhà cháy để cứu người bị kẹt, một thanh niên nhảy xuống sông cứu người chết đuối, một y tá quên mình chữa chạy cho bệnh nhân, một tù nhân cải tạo chịu đói để chia xẻ nắm cơm cho một người bạn đồng cảnh ngộ... tất cả những hành động đầy tình thương đó đều là những việc làm của Phật, của Bồ Tát, và trong giây phút mà Từ Bi Hỷ Xả ngự trị, quên mình (Vô Ngã) để cứu người (Lợi Tha), thì những vị đó chính là Đức Phật Thích Ca, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân. Chúng ta chẳng cần tìm Phật ở đâu xa, ngài luôn luôn ở ngay trong cuộc đời, nhưng chúng ta không thấy, vì chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên sử dụng trí tuệ để quan sát những gì tiềm ẩn trong hoặc đằng sau những việc làm đó.

Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả chúng sinh, cầm thú, thảo mộc. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, lan rộng rì rào trong gió, róc rách trong tiếng suối reo, chim hót, hoa nở, trăng tròn. Sự sống đó chuyển mình trong vũ trụ cao xa cũng như trong thâm tâm sâu kín. Nếu lắng tai, chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của sự sống đó, tiếng của Chân Tâm, của Lương Tâm, của Phật. Trong kinh Pháp Hoa có diễn tả tiếng tằng hắng, tiếng gẩy móng tay của Phật chấn động cả tam thiên, đại thiên thế giới, chính là tiếng của Chân Tâm, Phật Tánh vậy. Vì đã thông cảm với sự sống nhiệm mầu nên một vị Thiền Sư, mỗi sáng ra thăm vườn lại vuốt ve những mầm lá xanh tươi và nói: "Một ngày kia, chúng cũng thành Phật".

Nếu chúng ta chấp nhận cái lý Phật là sự sống khắp nơi, trong mỗi chúng sinh đều có Phật, thì chúng ta không còn dám sát sinh nữa, ai dám giết Phật? Đó là lý do căn bản của giới thứ nhất do Đức Phật đặt ra: Giới sát, cấm giết hại chúng sinh. Phật tử đã không sát sinh mà còn phải lo phóng sinh, cứu mạng sống cho cầm thú, tôn trọng sinh mạng muôn loài, do đó nên ăn chay, không làm điều ác, chỉ làm việc lành, giữ thân tâm trong sạch. Vì Phật ở ngay trong Tâm, một vọng niệm xảy ra là Phật đã biết; nếu chúng ta chấp nhận Phật ở trong Tâm thì không bao giờ dám có tư tưởng sái quấy. Một khi tư tưởng sái quấy đã không có thì tất nhiên không còn hành động tội lỗi nữa. Đó là lợi ích hiển nhiên của cái lý nhiệm mầu: Phật ở khắp nơi.

Đạo Nho có câu: Thận Kỳ Độc, nghĩa là giữ gìn cẩn thận tư tưởng và hành vi, ngay khi chỉ có một mình. Vì sao? Đâu phải một mình, còn Trời Phật, Thánh Thần soi xét, đèn Trời chiếu rõ, không sao chối cãi được. Nho giáo cũng chủ trương đạo Hiếu, con cái phải hiếu với cha mẹ: Phụ Mẫu tại đường như Phật tại thế, vì hiếu với cha mẹ tức là phụng sự Đức Phật, là phổ biến Tình Thương, Đạo Phật còn mở rộng Tình Thương từ cha mẹ, anh em đến mọi loài chúng sinh, nên kinh điển có câu: "Bố thí cho chúng sinh tức là cúng dường mười phương Chư Phật". Nếu đem cái lý Phật ở khắp nơi, trong chúng sinh nào, dù là hành khất hay cầm thú, cũng có Phật thì câu kinh này thành ra quá dễ hiểu. Bố thí tiền bạc, bố thí tình thương là bớt lòng ích kỷ, là diệt trừ chấp ngã, là lợi tha, là bình đẳng, là thương yêu giúp đỡ, đó chính là những việc làm, những đức tính mà Đức Phật thường nhấn mạnh, đề cao. Do đó, bố thí đứng đầu Lục Độ. Mở rộng Tình Thương, khuếch Tiểu Ngã thành Đại Ngã, phá bỏ mọi ranh giới phân chia giai cấp, chủng tộc, quốc gia, không còn nhân ngã bỉ thử, không còn tranh chấp hận thù, chỉ có một thực tại đầy ánh sáng của Giác Ngộ. Đó là Đức Phật ở khắp nơi.

Kính mong Chư Phật Tử hãy bỏ tư tưởng rằng Phật ở Ấn Độ, ở Chùa, Phật ở trong tượng, trong ảnh, trong kinh, mà hãy cố gắng tìm Phật hiện diện trong tất cả muôn loài chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, đều có hạt giống Phật. Hãy làm cho hạt giống Phật nẩy mầm, đơm hoa, kết quả, đừng làm cho hạt giống đó bị vùi lấp, khô cằn. Nếu nơi nào còn những tội lỗi xấu xa thì hình ảnh của Phật còn bị vô minh che khuất, chỗ nào mà tình thương phát triển, chân lý hiện tiền thì chỗ đó vô minh bị diệt, Đức Phật hiện ra, hào quang rực rỡ, an lạc tuyệt vời.

 

ĐI CHÙA LỄ PHẬT

Có người than rằng: Tại sao ở nước ngoài ít người năng lui tới chùa lễ Phật, tụng kinh? Trong số những người tới chùa, ít người thực sự tu hành, theo nghĩa tu là sửa đổi, mà vẫn thói nào tật ấy? Tới chùa để cầu xin Phật, để cúng dường Thầy, để gặp bạn bè nói chuyện vui (hoặc chuyện không vui) như vậy làm sao Đạo Phật phát triển và tồn tại được?

Sự thật đau lòng là như vậy. Chỉ vì một số Phật tử chưa hiểu rõ giáo lý, cứ chấp chặt một vài hiểu lầm, thành ra đi chùa hoài mà lợi ích không được bao nhiêu. Chư Tổ đã dạy:

Đó là nấu cát muốn thành cơm, muôn năm chẳng được.

Chúng tôi xin mạn phép nêu ra sau đây một vài hiểu lầm căn bản mà thôi:

1) Hiểu lầm về Phật:

Một số Phật tử kính Phật, thờ Phật, lạy Phật, coi ngài như một thần linh có quyền ban phước, giáng họa, tới chùa lễ Phật để cầu xin đủ thứ: Tài lộc, tình duyên, con cháu đỗ đạt, hết bệnh, sống lâu... Cúng Phật chút hương hoa cho là đủ rồi. Nếu lời cầu xin được thành tựu thì cho là Phật chứng, chùa thiêng và mang thêm lễ vật tới tạ ơn. Nếu lời cầu xin không thành thì cho rằng chùa không thiêng, thôi không tới nữa. Thật là oan cho Phật, tội cho chùa.

Phật là người đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, toàn trí nhưng không toàn năng. Ngài thấu hiểu mọi việc, nhưng chính ngài không làm trái luật thiên nhiên được. Nếu ngài toàn năng thì ai xin gì ngài cũng cho hết, ngài dùng thần thông đưa tất cả chúng sinh về Niết Bàn, khỏi cần tu hành chi cho mệt.

Đức Phật từ bi thương xót, muốn cứu độ chúng sinh, nhưng ngài chỉ là một bực đạo sư, một người dẫn đường chỉ lối cho mọi chúng sinh tự cất bước mà đi. Phật tử tới chùa lễ Phật để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ, thề nguyện sẽ theo gương Phật mà tu sửa thân tâm, theo gót ngài về nẻo giác. Những lời cầu nguyện hợp với lý vô thường, luật nghiệp báo nhân quả thì sẽ thành tựu, còn những lời cầu xin ích kỷ, trái luật thì sẽ không được như ý. Nếu Phật có đủ năng lực làm toại nguyện tất cả mọi lời thỉnh cầu thì thế giới này đã biến thành cõi Cực Lạc, đâu còn gọi là Ta Bà đau khổ nữa.

2) Hiểu lầm về Pháp:

Pháp đây, nói thu hẹp là Giáo Pháp, là lời Phật dạy, là những định luật thiên nhiên mà Đức Phật đã chứng ngộ như: Vô thường, vô ngã, nhân duyên, nghiệp báo v.v... Một số Phật tử chỉ hiểu Pháp là những bộ kinh in sẵn để đọc tụng, hoặc những lời thuyết Pháp; đến chùa đọc kinh, nghe pháp cho là đã đủ mà chẳng hiểu những nghĩa lý ẩn tàng trong kinh, nghe pháp rồi chẳng mang ra áp dụng.

Tụng kinh là để hiểu rõ cái lý Phật dạy trong kinh, trì chú là để nhất tâm trừ nghiệp chướng, chứ không phải chỉ để đọc như cái máy. Hiểu nghĩa rồi còn phải mang ra thực hành, nếu chỉ đọc mà không áp dụng để sửa cho đời tốt thêm thì chẳng khác nào người đếm bạc cho ngân hàng, chẳng có lợi chút gì.

Phật dạy:

Sống thuận theo Pháp, nghĩa là thuận với những luật thiên nhiên, không ích kỷ, không tham, sân, si, không làm việc ác, chỉ làm việc lành, giữ tâm trong sạch,

chứ không phải chỉ tụng kinh là đủ.

Phật còn dạy thêm:

Chớ có chấp Pháp, Chánh Pháp còn phải bỏ, huống chi là Tà Pháp.

Qua sông hãy bỏ bè, đi vững hãy bỏ gậy. Pháp chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh, mà phương tiện thì chỉ dùng trong khoảng thời gian cần thiết thôi. Cứu cánh mới là chủ yếu.

3) Hiểu lầm về Tăng:

Chư Tăng là đệ tử xuất gia theo Phật, giữ các giới luật, tuân theo Lục Hòa, có nếp sống thanh tịnh, cao thượng, thay mặt Phật mà dạy dỗ và làm gương cho những Phật tử tại gia noi theo. Hãy bỏ ra ngoài các vị Tăng phạm giới, không xứng đáng làm Trưởng tử Như Lai, không tròn phẩm hạnh Chúng Trung Tôn. Những vị Tăng Ni tu hành chân chính, giữ trọn giới luật, vẫn chỉ là người chưa phải các vị Thánh. Các ngài cũng đang đi trên đường Phật dạy, chắc chắn là đi xa hơn các Phật tử tại gia rất nhiều, nhưng các ngài chưa chứng đắc, chưa hoàn toàn giải thoát. Các ngài cũng như chúng ta, đang dò dẫm trên con đường tự tu, tự sửa; nhưng đường đời lắm chông gai và cạm bẫy, nếu lỡ có sụp hầm, sa hố thì phải thành tâm sám hối, lấy kinh nghiệm đó mà sửa mình. Các ngài đang tu, tất nhiên còn sơ sót, lỗi lầm. Phật tử không nên quá chú trọng đến những lỗi nhỏ nhặt rồi chỉ trích, chê bai, xa lánh chùa. Luật Nhân quả đã định: Ai tu, nấy chứng; ai tội, nấy mang, không bao giờ sai trái.

Một điều hiểu lầm về Tăng nữa là một số người quá ỷ lại vào những Tăng Ni, đến chùa cúng dường nhờ Thầy chú nguyện cho là đủ rồi, tự mình chẳng chịu làm gì nữa. Đối với các bậc Tăng Ni tu hành đạo cao, đức cả, những lời chú nguyện của các ngài tất nhiên có sức mạnh nhưng chưa đủ; phải cần thêm tự lực của Phật tử đi song song với lời chú nguyện của chư Tăng, cộng với tha lực của Phật gia hộ thì mới mong đem lại kết quả tốt. Ngài Mục Kiền Liên sắm sửa phẩm vật cúng dường Chư Tăng để xin chú nguyện cho mẹ là bà Thanh Đề đang đọa địa ngục. Nhưng chính bà Thanh Đề cũng phải thức tỉnh, sám hối, niệm Phật; tự lực cộng với tha lực đầy đủ, mới thoát cảnh khổ.

4) Hiểu lầm về chính mình:

Chớ nghĩ rằng mình quá tội lỗi, xấu xa, nghiệp chướng nặng nề rồi chán nản không tu hành gì nữa. Cần hiểu rõ lời Phật dạy:

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều là một vị Phật sẽ thành.

Vậy dù ở trong tình trạng đen tối nào, chúng ta không nên thất vọng. Chỉ cần bỏ lòng ích kỷ (Chấp Ngã) rồi thành tâm sám hối, quy y Tam Bảo, giữ giới, làm lành lánh dữ, tinh tấn sửa đổi. Nếu ngã thì đứng dậy, nếu sụp hố thì leo lên. Một lòng tin tưởng vào lời Phật dạy, gần gũi những bậc tu hành chân chánh. Với thời gian, chúng ta sẽ bớt khổ, thêm vui và có ngày được giải thoát.

Điều quan trọng nhất là tránh sự ỷ lại, mong cầu, mà cần hết sức tu học. Ai uống nước người ấy biết nóng lạnh, ai uống thuốc thì người ấy khỏi bệnh, ai tu nấy chứng. Phật chỉ là đạo sư, không cứu nổi những ai không thực hành lời ngài dạy. Pháp chỉ là phương tiện dùng xong thì bỏ đi. Tăng chỉ là những bậc Thiện Tri Thức rất đáng quý trọng nhưng cũng chỉ dạy dỗ mà không cứu nổi chúng ta. Chính chúng ta phải tự cứu lấy mình, tự độ lấy mình. Tha lực Chư Phật và đức độ Chư Tăng phải cộng với tự lực của chúng sinh mới đưa đến Niết Bàn, giải thoát.

Chúng ta đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, cúng dường Chư Tăng nhưng đừng quên tự lực phát nguyện tu hành, sửa đổi nếp sống, hồi hướng công đức, thì việc đi chùa, lễ Phật mới giữ trọn ý nghĩa cao siêu, mầu nhiệm. Chính mình có tinh tấn tu hành thì Đạo Phật mới phát triển theo đúng ý Phật, với chân lý mà Phật đã tìm ra và chỉ dạy. Có như thế thì người đi chùa mới cảm thấy hứng thú, thoải mái vì càng hiểu Phật lại càng tôn kính Chư Phật; càng tôn kính Chư Phật lại càng hiểu Phật hơn. Có như thế thì chùa chiền Phật Giáo ở hải ngoại mới hy vọng lâu bền trong khi chờ đợi ngày về xây dựng lại quê hương.

Minh Tâm

Trích "Tìm Phật ở đâu?", NXB Văn Nghệ, Hoa Kỳ.