Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

Chìa khóa mở ra

thế giới hạnh phúc:

LÒNG TỪ VÀ NHÂN CÁCH

 

ĐỨC DALAI LAMA THỨ 14

THÍCH NỮ HẰNG LIÊN dịch

 

 

Càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác, chính mình càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn bởi vì nuôi dưỡng lòng nhiệt tâm, thân thiện đối với người khác, tâm hồn chúng ta tự nhiên trở nên thanh thản. Thực hành tâm Bi như vậy, chúng ta sẽ chuyển hóa bất cứ nỗi sợ hãi hay bất an nào có thể xảy ra trong đời sống và chúng ta sẽ đạt được một sức mạnh tâm linh có thể đương đầu với bất kỳ chướng ngại nào. Đó là nguyên nhân tối thượng để thành công trong cuộc sống.

Mục đích cuộc sống

Có một vấn đề hằn sâu trong kinh nghiệm sống của chúng ta, cho dù chúng ta nghĩ về nó một cách có ý thức hay không, đó là "Mục đích cuộc sống là gì?". Tôi (Đức Dalai Lama) đã kinh qua đời sống chính mình và muốn chia xẻ những tư tưởng của tôi đến với các bạn đang tìm hiểu mục đích cuộc sống, với hy vọng rằng đây là sự hướng dẫn có lợi ích thiết thực.

Tôi cho rằng, mục đích cuộc sống là để cảm nhận hạnh phúc. Ngay khi mới sinh ra, mọi người ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Điều này không phải do hoàn cảnh xã hội, giáo dục hay ý thức hệ ảnh hưởng, mà từ trong cốt tủy của loài, người chúng ta chỉ khát khao với những gì vừa ý. Tôi không Biết vũ trụ bao la với vô số dãi ngân hà, vô số hành tinh và vô số vì sao có ý nghĩa sâu xa nào không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, tối thiểu con người sống trên trái đất này đều phải đối mặt với thử thách trong việc kiến tạo được hạnh phúc cho chính mình. Vì thế, khám phá ra nguyên lý mang lại hạnh phúc tối thượng, thật vô cùng quan trọng!

Phương pháp gặt hái hạnh phúc

Đầu tiên, chúng ta có thể phân hạnh phúc và khổ đau thành hai phạm trù chính: tinh thần và thể chất. Trong hai phạm trù trên, tinh thần (tâm) chiếm phần ảnh hưởng lớn nhất đến hầu hết đời sống của chúng ta. Điều kiện thể chất chỉ đóng vai trò thứ yếu, trừ phi chúng ta lâm trọng bịnh hoặc bị tước đoạt đi các nhu cầu thiết yếu nhất. Khi thỏa mãn các nhu cầu của thân, chúng ta thường bỏ quên các nhu cầu tinh thần về phương diện đạo đức. Tâm thức sẽ ghi nhận tất cả mọi sự kiện trong đời sống, cho dù là việc nhỏ nhoi đi nữa. Vì lý do ấy, chúng ta cần nỗ lực tối đa để đem lại sự an lạc cho tâm hồn.

Càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác, chính mình càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn bởi vì nuôi dưỡng lòng nhiệt tâm, thân thiện đối với người khác, tâm hồn chúng ta tự nhiên trở nên thanh thản. Thực hành tâm Bi như vậy, chúng ta sẽ chuyển hóa bất cứ nổi sợ hãi hay bất an nào có thể xảy ra trong đời sống và chúng ta sẽ đạt được một sức mạnh tâm linh có thể đương đầu với bất kỳ chướng ngại nào. Đó là nguyên nhân tối thượng để thành công trong cuộc sống.

Từ khi hiện hữu trên thế gian này, chúng ta đã phải đương đầu với vô vàn "vấn đề" khác nhau. Trong những trường hợp đó, nếu chúng ta đánh mất hy vọng và thối thất ý chí, chúng ta sẽ mất đi khả năng đối phó với mọi khó khăn. Trái lại, nếu chúng ta ý thức rằng không chỉ riêng chúng ta mà mọi người đều phải chịu khổ đau thì phương diện nhận thức thực tế này sẽ tăng thêm lòng quyết tâm và khả năng của chúng ta để vượt qua nghịch cảnh. Trên thực tế, bằng thái độ này, mỗi chướng duyên mới chẳng qua chỉ là cơ hội vô cùng quý giá giúp chúng ta thăng hoa tâm tánh.

Từ đó, chúng ta nỗ lực dần dần, phát triển lòng Từ nhiều hơn, chúng ta không những đồng cảm thật sự với khổ đau của người khác mà còn giải tỏa các nỗi đau cho họ. Kết quả, chúng ta sẽ được thanh thản và tăng thêm sức mạnh tâm linh.

Nhu cầu của lòng Từ

Nói một cách tuyệt đối, nguyên nhân mà lòng Từ và lòng Bi mang lại hạnh phúc tối thượng chỉ đơn giản là: bản chất chúng ta thường yêu thích Từ Bi hơn tất cả mọi thứ. Vì thế, nhu cầu của lòng Từ nằm chính yếu ở ngay nền tảng hiện hữu của loài người. Nhu cầu này xuất phát từ sự tùy thuộc hỗ tương một cách sâu xa mà chúng ta cùng chia xẻ cho nhau. Dù cho trình độ và năng khiếu của cá nhân có hoàn hảo cỡ nào đi nữa, nhưng nếu biệt lập một mình thì cá nhân ấy không thể tồn tại được. Tuy nhiên, một người khỏe mạnh và tự lập có thể cảm thấy có một đời sống thịnh vượng, nhưng một người bịnh, một đứa trẻ hay một người già thì phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Dĩ nhiên, phụ thuộc lẫn nhau là quy luật căn bản tự nhiên, không chỉ đối với chúng sanh cao cấp như con người mà ngay cả những loại côn trùng thấp kém nhất đều là các chúng sanh mang tính cách xã hội. Dẫu cho không có tôn giáo, luật pháp hay giáo dục, chúng sanh vẫn tồn tại tương ứng trên nền tảng nhận thức bẩm sinh liên hệ với nhau của chúng. Ngay cả mức độ vi tế nhất về hiện tượng vật chất cũng bị sự phụ thuộc lẫn nhau này chi phối. Các hiện tượng sự vật trên hành tinh chúng ta đang sinh sống như: đại dương, mây, rừng và hoa lá xung quanh ta, tất cả đều phát triển lệ thuộc vào các cấu trúc năng lượng vi tế với nhau. Không có sự tương tác thích hợp này, mọi vật sẽ tự phân hủy và tiêu diệt.

Chính do loài người tồn tại phụ thuộc vào sự giúp đỡ lẫn nhau, nên nhu cầu của lòng Từ trở thành nền tảng sinh tồn của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm thật sự và lòng quan tâm chân thành đến hạnh phúc và lợi ích của người khác.

Chúng ta cần phải tư duy về câu hỏi "Loài người thật sự là gì?" Chúng ta không giống như các loại máy móc nhân tạo. Nếu chúng ta chỉ là thực thể máy móc, liệu chính nó có thể làm giảm đi các khổ đau và đáp ứng nhu cầu cho chúng ta hay không? Như vậy, do chúng ta không phải là sinh vật thuần vật chất, cho nên thật là sai lầm khi đặt trọn niềm tin vào hạnh phúc có tính hướng ngoại. Thay vào đó, chúng ta nên trở về nguồn gốc và bản thể của mình để khám phá ra những nhu cầu chúng ta cần đến.

Hãy gát lại vấn đề phức tạp về sự hình thành và tiến hóa của vũ trụ, chúng ta ít nhất đồng ý với nhau rằng mỗi chúng ta đều là sản phẩm của cha mẹ chúng ta. Nhìn chung, sự thụ thai của chúng ta không phải được diễn ra trong bối cảnh thỏa mãn tình dục của cha mẹ mà là lòng ao ước và quyết định của cha mẹ muốn sanh con cái. Sự quyết định như vậy đặt nền tảng trên bổn phận trách nhiệm và tình thương rộng lớn, lòng yêu thương tận tụy của cha mẹ trong việc chăm sóc con mình cho đến ngày trưởng thành và biết tự lo cho bản thân. Như vậy, ngay từ giây phút thụ thai, tình thương yêu của cha mẹ đã trực tiếp liên hệ đến sự tạo ra người con.

Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của mẹ chúng ta từ những giai đoạn đầu tiên của sự trưởng thành. Theo một số nhà khoa học, tình trạng tinh thần của người phụ nữ đang mang thai trầm tĩnh hay băn khoăn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

Sự biểu lộ lòng Từ vô cùng quan trọng trong thời gian sinh sản, bởi vì điều chúng ta làm đầu tiên là bú sữa từ bầu vú mẹ, tự nhiên chúng ta cảm thấy thân thiện gần gũi mẹ và mẹ chúng ta cũng có thái độ yêu thương chúng ta qua việc mớm thức ăn cho chúng ta. Nếu người mẹ có tâm giận dữ hay phẫn nộ, dòng sữa thiêng liêng sẽ không còn tươi mát nữa.

Kế đến là giai đoạn quan trọng về sự phát triển của não bộ từ lúc mới sanh cho đến ít nhất ba hoặc bốn tuổi. Trong suốt thời gian này, tình yêu thương chăm sóc vuốt ve thân thể trẻ là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển tốt của trẻ. Nếu đứa trẻ không có sự giúp đỡ, ôm ấp, ẳm bồng và yêu thương, thì sự phát triển của trẻ sẽ bị tổn thương và não bộ sẽ không trưởng thành hoàn toàn.

Nếu không có sự chăm sóc của người khác, một đứa trẻ không thể tồn tại được, cho nên tình thương yêu là chất bổ dưỡng quan trọng nhất cho trẻ. Niềm hạnh phúc thời thơ ấu, sự giảm thiểu tối đa những nỗi sợ hãi và sự phát triển mạnh mẽ về lòng tự tin của trẻ phụ thuộc trực tiếp vào tình thương yêu.

Ngày nay, có nhiều trẻ em trưởng thành trong những gia đình không hạnh phúc. Nếu trẻ em không nhận được tình yêu thương thật sự, lớn lên chúng rất hiếm khi yêu thương cha mẹ của chúng, thậm chí không có thương yêu là khác, và chúng sẽ khó yêu thương bất cứ người nào khác. Đây là điều vô cùng đau buồn!

Khi trẻ em lớn lên đến tuổi đi học, chúng cần có sự giúp đỡ của thầy giáo. Bởi vì, người thầy không những truyền trao kiến thức nhà trường, mà còn gánh vác trách nhiệm sửa soạn hành trang cho các em bước vào đời. Nhờ đó, học sinh cảm thấy tin tưởng, tôn kính những lời thầy dạy và ghi nhớ trong tâm trí chúng những ấn tượng khó phai mờ. Trái lại, một thầy giáo dạy học không quan tâm một cách chân tình đến tương lai hạnh phúc của học sinh thì những lời dạy của họ được xem là nhất thời và bị quên lãng theo thời gian.

Tương tự, bịnh nhân được chữa trị trong bịnh viện với một bác sĩ có tấm lòng nhân hậu, người ấy sẽ cảm thấy dễ chịu, và người bác sĩ tha thiết đem lại sự chăm sóc đặc Biệt cho bịnh nhân. Đó chính là phương pháp trị bịnh hữu hiệu nhất, không phân biệt trình độ, năng khiếu và kỹ thuật của người bác sĩ. Bên cạnh đó, một bác sĩ thiếu nhân tính, biểu lộ tình cảm không thân thiện, không kiên nhẫn hoặc thiếu quan tâm, bịnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng, cho dù vị bác sĩ ấy có khả năng giỏi, chuẩn đoán bịnh lý chính xác và cho toa thuốc hợp lý. Hiển nhiên, tâm lý của bịnh nhân sẽ tạo ra sự khác biệt về chất lượng và sự hoàn thiện cho sự bình phục của bịnh nhân.

Ngay cả trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường cùng nhau đàm thoại; nếu người nói có thái độ chân tình, chúng ta sẽ thích nghe và hưởng ứng theo. Toàn bộ câu chuyện sẽ trở nên thú vị, mặc dù chủ đề có thể là không quan trọng. Ngược lại, nếu người nói có thái độ lạnh nhạt hoặc khô khan, chúng ta cảm thấy khó chịu và muốn kết thúc nhanh chóng. Do vậy, từ việc nhỏ cho đến những sự kiện quan trọng nhất, lòng yêu mến và tôn trọng người khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc của chúng ta.

Mới đây, tôi gặp một nhóm khoa học gia ở Mỹ. Họ cho biết tỷ số người bịnh tâm thần ở nước họ khá cao, khoảng 12% dân số. Trong suốt các cuộc thảo luận của chúng ta, thật rõ ràng nguyên nhân chính của phiền muộn không phải do thiếu nhu cầu vật chất, mà do bị mất mát tình thương của người khác.

Vì thế, như bạn có thể hiểu được những điều tôi vừa trình bày, có một điều vô cùng rõ với tôi là: dù chúng ta ý thức về nó hay không, từ khi chào đời, nhu cầu lòng Từ luôn hiện hữu trong máu huyết của chúng ta. Ngay cả, tình cảm của một con thú hay một người mà chúng ta thường cho là thù địch thì cả trẻ em lẫn người lớn đều bị nó cuốn hút một cách tự nhiên.

Tôi tin rằng, không có ai sanh ra mà không cần đến tình thương. Điều này cho thấy rằng, con người không thể bị giới hạn trong phạm vi thuần vật chất, dù cho một số trường phái tư tưởng hiện đại nỗ lực chứng minh tính đơn thuần vật chất của của con người. Không có một đối tượng vật chất nào, dù đẹp đẽ bao nhiêu và có giá trị cỡ nào đi nữa làm cho chúng ta cảm nhận được thương yêu. Bởi vì nguồn gốc sâu xa và bản chất thật của chúng ta nằm trong tự tánh chủ thể của Tâm.

Phát triển lòng Từ

Một vài người nói với tôi rằng: Từ Bi là đức tính tốt đẹp và tuyệt diệu, nhưng chúng không thật sự liên quan đến đời sống của chúng ta. Họ cho rằng thế giới chúng ta không phải là một nơi mà niềm tin về sức mạnh của lòng Từ có ảnh hưởng hay là một sức mạnh thực sự. Họ tuyên bố bản chất con người phần lớn là sân hận, đến nỗi nhân tính luôn luôn bị sân hận ngự trị. Tôi không đồng ý điều này!

Loài người chúng ta tồn tại cho đến nay khoảng 100.000 năm. Tôi tin rằng, trong suốt thời gian ấy, nếu tâm con người bị sân hận chi phối thì toàn bộ dân số của chúng ta đã bị giảm thiểu. Nhưng hiện nay, mặc dù trải qua chiến tranh, chúng ta vẫn thấy dân số càng ngày càng gia tăng mãi. Điều này cho tôi thấy rõ ràng rằng Từ Bi chiếm ưu thế trong thế giới chúng ta. Và đây là lý do tại sao những sự kiện không hài lòng lại là "điều thú vị". Các hoạt động mang tính chất Từ Bi là một phần quan trọng trong đời sống hằng ngày, đến nỗi chúng trở thành hiển nhiên và do đó, chúng ta hoàn toàn không để ý đến.

Trên đây, tôi đã chủ yếu bàn luận về lợi ích tinh thần của lòng Từ và sự đóng góp của nó trong việc tăng cường sức khỏe. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, sự ổn định về tinh thần và sự khỏe mạnh của cơ thể là hai yếu tố liên quan mật thiết với nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sân giận và lo âu làm cho chúng ta thêm bịnh hoạn. Ngược lại, nếu tâm trí yên tĩnh và tràn đầy tinh thần lạc quan, thân thể chúng ta không thể nào rơi vào trạng thái bịnh tật.

Tuy nhiên, cũng có một sự thật rằng tất cả chúng ta đều có bản chất bẩm sinh: tự cho mình là trung tâm, chính bản chất này ngăn cản Từ tâm của chúng ta đối với người khác. Do vậy, muốn có hạnh phúc thật sự thì phải đạt được tâm tịch tĩnh và tâm tịch tĩnh này chỉ phát khởi từ thái độ lòng Từ. Nhưng làm cách nào để phát triển lòng Từ? Hiển nhiên rằng thật chưa đủ khi chúng ta chỉ suy nghĩ về sự tuyệt vời của lòng Từ, mà chúng ta cần phải thực hiện với nỗ lực tối đa để phát triển lòng Từ. Chúng ta phải tận dụng tất cả những sự kiện trong đời sống hằng ngày để chuyển hóa tư tưởng và cách cư xử của chúng ta.

Trước nhất, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của "lòng Từ" là gì. Nhiều hình thức về thái độ lòng Từ bị con người nhầm lẫn với tham ái và chấp thủ. Chẳng hạn như, tình thương cha mẹ dành cho con cái thường kết hợp mạnh mẽ với nhu cầu tình cảm riêng tư, vì vậy tình thương này không phải là lòng Từ hoàn toàn. Lại nữa, trong hôn nhân, tình yêu giữa vợ và chồng, đặc biệt ban đầu, khi mới yêu nhau mỗi bên không thể hiểu biết về bản chất sâu xa của nhau nhiều, nên càng lệ thuộc vào chấp thủ hơn là tình yêu chân thật. Tham ái của chúng ta quá mạnh đến độ chúng ta quan niệm hễ người nào chúng ta thương yêu đều tốt cả, nhưng thực tế người mà mình thương yêu đó có thể có nhiều tính xấu. Hơn thế nữa, chúng ta thường có khuynh hướng thổi phồng các tính tốt "nhỏ" của người mình thương thành "to lớn". Vì vậy, khi thái độ của người mình thương thay đổi, thì mình cảm thấy hụt hẩng, thất vọng và cũng thay đổi thái độ theo. Điều này chứng tỏ rằng tình yêu nam nữ do nhu cầu cá nhân thúc đẩy hơn là bằng thái độ quan tâm thật sự đối với cá nhân khác.

Lòng Từ chân thật không chỉ là sự phản hồi tình cảm, mà còn là một tấm lòng tận tụy kiên định đặt nền tảng trên lý trí. Vì thế, thái độ lòng Từ thật sự đối với người khác không hề bị thay đổi, cho dù người ta cư xử trái ngược.

Dĩ nhiên, phát triển lòng Từ không phải là việc đơn giản! Trước tiên, chúng ta hãy khảo sát những sự kiện dưới đây:

Cho dù người dễ thương và thân thiện hay người khó ưa và phá phách, nói tột cùng, họ vẫn là con người giống mình, do đó họ cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hơn nữa, họ có khả năng vượt qua khổ đau và đạt được hạnh phúc như chúng ta. Giờ đây, khi bạn nhận thức rằng, tất cả chúng sanh đều giống nhau về ước muốn hạnh phúc và có khả năng đạt được hạnh phúc, bạn lập tức có thái độ đồng cảm và thân thiện với họ. Bằng cách làm quen tâm bạn với lòng yêu thương rộng lớn, bạn sẽ phát triển thái độ trách nhiệm với người khác. Đó là mong muốn giúp họ một cách tích cực vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của họ. Điều này được áp dụng cho tất cả mọi người như nhau, không có ý lựa chọn đối tượng nào cả, miễn sao họ cũng là những con người cảm nhận hạnh phúc và khổ đau như chúng ta đã từng. Không có nền tảng logic nào để phân biệt giữa họ, hoặc thay đổi thái độ quan tâm của mình đối với họ khi họ cư xử ngược lại.

Cho phép tôi nhấn mạnh thêm rằng, việc phát triển lòng Từ hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta, với điều kiện là chúng ta có thời gian và sức chịu đựng. Dĩ nhiên, thái độ tự cho mình là trung tâm, sự chấp thủ có tính phân biệt về cảm giác của một cái ngã tự hiện hữu hay tồn tại độc lập, đã ngăn cản mạnh mẽ sự phát triển của lòng Từ. Thực sự, lòng Từ chân thật chỉ có thể hiển lộ khi các loại cố chấp trên bị loại bỏ. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta không thể bắt đầu và phát triển lòng Từ ngay bây giờ được.

Cách thức bắt đầu phát khởi lòng Từ

Chúng ta nên bắt đầu bằng cách chuyển hóa các chướng ngại của lòng Từ như sân hận và thù hận. Như chúng ta biết, sân hận là cảm xúc vô cùng mạnh mẽ có thể chế ngự tâm chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể chận đứng chúng được. Nếu không, những cảm xúc đối nghịch này sẽ gây phiền phức cho chúng ta. Không nỗ lực mạnh mẽ đối trị chúng, chúng sẽ ngăn cản sự tìm kiếm hạnh phúc của lòng Từ.

Đầu tiên, thật hữu ích khi khảo sát sân hận có giá trị gì hay không? Thỉnh thoảng, khi chúng ta bị nản lòng trước những hoàn cảnh khó khăn thì sân hận dường như rất có ích, trong việc mang lại cho chúng ta năng lực, lòng tự tin và quyết đoán hơn.

Ở đây, chúng ta nên khảo sát trạng thái tinh thần một cách cẩn thận. Trong khi sự thật rằng sân hận làm tăng thêm năng lực, nhưng nếu kiểm tra lại bản chất của năng lực này, chúng ta sẽ khám phá ra đó là năng lực mù quáng. Chúng ta không thể chắc chắn rằng kết quả của nó sẽ là tốt hay xấu. Chính vì do sân hận đã che khuất phần quan trọng nhất của não bộ, đó là lý trí. Như vậy, năng lực của sân hận không đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Nó có thể gây ra thương tổn lớn và thái độ cư xử đáng tiếc. Hơn nữa, Nếu sân hận gia tăng tột độ, người ta sẽ trở nên điên loạn, hành động theo đường hướng gây tổn hại cho chính mình cũng như cho người khác.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển một năng lực mạnh mẽ tương đương với năng lực của sân hận và hơn thế nữa, một năng lực chế ngự để khắc phục những tình huống khó khăn.

Năng lực chế ngự này không những xuất phát từ thái độ Từ Bi mà cũng xuất phát từ lý trí và lòng nhẫn nại. Đây là năng lực hùng mạnh nhất đối trị sân hận. Bất hạnh thay, nhiều người đã nhận định sai về những phẩm chất này như dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi cho rằng điều trái nghịch này là sự thật. Chúng là những dấu hiệu thật của sức mạnh nội tại. Bởi vì, tính chất của lòng Từ vốn thiện lành, thanh tịnh và nhu hòa nhưng rất mạnh mẽ. Chính những người thiếu lòng kiên nhẫn là những người thiếu niềm tin và bất an. Như vậy, theo tôi, dễ sân hận là một tính chất yếu đuối hoàn toàn.

Vì thế, khi xảy ra vấn đề gì, chúng ta hãy cố gắng khiêm tốn, giữ thái độ thành thật và cho rằng kết quả đó là công bình. Dĩ nhiên, nhiều người có thể cố tình lợi dụng bạn và nếu thái độ thờ ơ của bạn vô tình khuyến khích những áp lực bất công thì bạn phải có lập trường hay quan điểm cứng rắn. Tuy nhiên, điều này nên được thực hiện bằng lòng Từ và nếu cần thiết, bạn nên bày tỏ quan điểm của bạn cũng như dùng biện pháp đối phó mạnh mẽ nhưng không nên sân hận và cố ý bất thiện.

Bạn nên nhận thức rằng, cho dù kẻ thù của bạn dường như muốn làm hại bạn nhưng cuối cùng hành động không tốt ấy chỉ làm hại cho chính họ mà thôi. Để kiểm soát tính ích kỷ, bốc đồng và trả thù của mình, bạn nên nhớ lại ước muốn thực hành lòng Từ và tinh thần trách nhiệm của bạn, nhằm giúp người khác tránh khổ đau do hành động của họ gây ra.

Như vậy, chính nhờ các biện pháp mà bạn sử dụng được chọn lọc chín chắn nên chúng rất hữu hiệu, đúng đắn và có tác dụng mạnh mẽ. Sự trả thù dựa trên năng lực mù quáng hiếm khi đánh đúng vào mục tiêu xóa bỏ hận thù.

Bạn hữu và kẻ thù

Tôi nhấn mạnh thêm rằng, việc suy nghĩ đơn thuần về tính chất tốt đẹp của Từ Bi, lý trí và nhẫn nại thôi thì chưa đủ để phát triển chúng. Chúng ta phải chờ những khó khăn xảy ra, rồi nỗ lực thực hành chúng.

Ai là người tạo cơ hội này? Dĩ nhiên, không phải là bạn bè chúng ta mà đó là kẻ thù của chúng ta. Họ là những người gây ra nhiều phiền phức cho chúng ta nhất. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn học hỏi, chúng ta nên xem kẻ thù là những ông thầy tốt nhất của mình. Đối với người yêu thích Từ Bi, thực hành lòng khoan dung là cần thiết và kẻ thù là người không thể thiếu được. Như vậy, chúng ta nên biết ơn kẻ thù của chúng ta vì chính họ là người có thể giúp chúng ta nhiều nhất trong việc phát triển tâm an lạc của mình. Cũng thường có những trường hợp trong đời sống cá nhân hay cộng đồng, do hoàn cảnh đổi thay, kẻ thù đã trở thành bạn hữu.

Sân hận là tính chất luôn luôn có hại. Nếu chúng ta không luyện tập tâm của mình và cố gắng làm giảm đi những năng lực xấu thì chúng sẽ tiếp tục gây trở ngại và làm rối loạn các nỗ lực phát triển tâm an lạc của chúng ta. Do đó, sân hận mới là kẻ thù thật sự của chúng ta. Đối với những năng lực này, chúng ta cần phải đương đầu và đánh bại chúng vì chúng không phải là những kẻ thù tạm thời trong đời sống của chúng ta.

Dĩ nhiên theo bản chất tự nhiên, tất cả chúng ta đều thích có bạn. Tôi thường đùa rằng nếu bạn thật sự ích kỷ thì bạn hãy nên mở rộng tình thương. Bạn nên chăm sóc người khác, quan tâm đến hạnh phúc và lợi ích của họ, giúp họ, phục vụ họ, tạo nhiều tình bạn và mở những nụ cười thân thương. Kết quả sẽ như thế nào? Khi bạn cần sự giúp đỡ, bạn sẽ gặp vô số người tiếp sức. Ngược lại, nếu bạn không chú ý đến hạnh phúc của người khác, về lâu về dài bạn sẽ là người mất mát. Và có thể nào tình bạn phát sinh từ những cuộc cãi vả và sân hận, ganh tỵ và tranh đua căng thẳng không? Tôi không nghĩ như vậy. Chỉ với lòng yêu thương mới có thể đem lại cho chúng ta những người bạn thân thiện và chân thật nhất.

Trong xã hội vật chất ngày nay, nếu bạn có tiền bạc và quyền lực, dường như bạn sẽ có nhiều bạn bè. Nhưng họ không phải là bạn bè của bạn mà là bạn bè của tiền bạc và quyền lực. Khi bạn không còn địa vị và giàu có, bạn sẽ thấy thật khó khăn để tìm ra dấu vết của những người bạn thấp kém này.

Chướng ngại chính là những thuận duyên trong đời sống của chúng ta. Chúng ta quá tự tin rằng mình có khả năng giải quyết tất cả mọi việc và cảm thấy không cần bạn bè nhưng khi sức khỏe và địa vị suy tàn, chúng ta chợt tỉnh ngộ. Thật là sai lầm làm sao! Chính lúc đó, chúng ta biết ai là người giúp đỡ chúng ta thật sự và ai là người vô dụng hoàn toàn. Vì vậy, để chuẩn bị cho những giây phút đó, để có những người bạn chân thành, những người thật sự giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cần, chúng ta phải trau giồi lòng nhân ái với tất cả mọi người.

Mặc dù, có thể sẽ có người cười khi tôi nói rằng chính bản thân tôi rất thích có thật nhiều bạn hữu. Tôi rất thích những nụ cười thân thiện. Vì thế, tôi phải học hỏi cách có nhiều bạn và làm thế nào để có nhiều nụ cười hơn, đặc biệt là những nụ cười chân thành thật sự. Có nhiều loại nụ cười, như cười mĩa mai, cười giả tạo và cười xã giao. Có nhiều nụ cười không đem lại cảm giác thỏa mãn. Có nhiều nụ cười tạo ra sự nghi ngờ hay sợ hãi. Những nụ cười ấy có phải là nụ cười chân thật hay không? Nụ cười thật sự sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác tươi mát. Tôi cho đây là nụ cười độc nhất vô nhị của loài người. Nếu đây là những nụ cười chúng ta muốn, chúng ta hãy dùng lý trí để tạo ra nó.

Lòng Từ và cuộc đời

Để kết thúc vấn đề, tôi xin nói thêm vài ý ngoài chủ đề của bài tiểu luận này để trình bày quan điểm rộng hơn là: hạnh phúc của từng cá nhân có thể góp phần vào sự cải thiện của toàn cộng đồng loài người một cách có hiệu quả và có chiều sâu. Bởi vì tất cả chúng ta cùng chia xẻ nhu cầu lòng Từ như nhau, nên có thể chúng ta cảm nhận rằng tất cả người nào chúng ta gặp, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều là anh em trai hay chị em gái của chúng ta. Dẫu cho gương mặt mới lạ hay áo quần và cử chỉ khác nhau, vẫn không có sự khác biệt nào cả giữa chúng ta với người khác. Thật là ngớ ngẫn khi dựa vào những khác nhau bên ngoài, vì tính chất căn bản của loài người đều giống nhau.

Tột cùng, nhân loại là một và hành tinh nhỏ bé này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Nếu chúng ta muốn bảo vệ ngôi nhà này thì mỗi người chúng ta cần phải nhận biết về ý nghĩa sống động của tình thương phổ quát (Từ Bi). Chỉ với thái độ này, chúng ta mới có thể chuyển hóa được những động cơ ích kỷ làm cho loài người lừa dối và hành hạ lẫn nhau. Nếu bạn có một trái tim rộng mở và chân thành, tự nhiên bạn cảm thấy tự tin và có giá trị, không làm người khác sợ hãi.

Tôi cho rằng, ở mỗi cấp bậc xã hội, từ gia đình, bộ tộc, quốc gia cho đến quốc tế, chìa khóa cho một thế giới hạnh phúc và thành công có tầm vóc là làm tăng trưởng lòng Từ. Chúng ta không cần theo tôn giáo, cũng không cần tin theo một ý thức hệ nào. Điều cần thiết nhất là mỗi chúng ta phải tự phát triển nhân cách tốt của mình.

Tôi cố gắng cư xử với bất cứ người nào tôi gặp như là một cố nhân. Điều này mang lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc thật sự. Đó là một trong những cách thực hành lòng Từ!

Thích Nữ Hằng Liên dịch Việt

Dịch từ: Dalai Lama, the Fourteenth. "Love, Kindness and Universal ResponsiBility".

New Delhi: Paljor Publications, 1997, pp. 31 - 46.