Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

VŨNG TÀU –

SÓNG VẪN NHẤP NHÔ

 

BÙI THANH LIÊM

 

 

Đối với những người sinh trưởng ở Vũng Tàu thì thị xã này rất là tầm thường, không có gì đáng được phô trương ca tụng. Có lẽ vì họ sống ở đây lâu ngày đâm ra nhàm chán nên không thấy được vẻ đẹp của thị xã. Tuy nhiên, nếu phải rời xa Vũng Tàu một thời gian, hẳn những người dân biển cũng lưu luyến, thương nhớ cố hương lắm chớ!

Đối với những du khách có dịp về Vũng Tàu nghỉ mát thì đây là một nơi có khí hậu lý tưởng. Về Vũng Tàu để hít thở gió biển, du ngoạn đó đây, hay nằm dài nhàn hạ ở các nhà nghỉ mát ven biển thì có gì bằng. Nhưng thời gian vài tháng hè không biết đủ để du khách có cơ hội tìm hiểu trọn vẹn thị xã này.

Đối với những ai chưa có lần đặt chân đến Vũng Tàu thì có thể coi như họ đã mất đi một dịp biết về cảnh đẹp của quê hương.

Vũng Tàu là một thị xã biệt lập, nằm về cực đông nam của thủ đô Sài Gòn, mũi hướng ra Biển Đông. Vì là một thị xã miền biển nên Vũng Tàu không giáp ranh với nhiều tỉnh khác. Giao lộ chính là quốc lộ 15 nối liền Bà Rịa, Long Thành, Biên Hòa, Sài Gòn.

Từ Biên Hòa về, vượt qua Bà Rịa, Cầu Cây Khế, Cầu Cỏ May, người ta bắt đầu ngửi thấy mùi nước biển hòa lẫn trong không khí. Gió hiu hiu thổi mát mang theo mùi của những chùm rong biển san hô. Bên phải xa lộ là những cánh đồng muối trắng phì nhiêu trải dài đến tận chân trời. Bên trái là những rừng đước rậm rịt, mọc san sát trên những vùng nước phèn. Khu vực này nhà cửa lưa thưa, cách nhau cả cây số, không khí trầm lặng buồn tẻ như những vùng quê miền Hậu Giang.

Tiếp tục hành trình đông tiến, qua những khu xóm Phước Thắng, Thắng Nhất, Sâm Bồ, Thủy Giang, không khí bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Đây là khu tự trị của người Thiên Chúa Giáo miền Bắc di cư. Hầu hết dân ở đây đến từ Hải Phòng, định cư tại vùng này từ năm 1954, mang theo và duy trì thổ âm, tập quán có từ bên kia vĩ tuyến. Họ nương tựa vào nhau và sinh sống, không khác nào một quốc gia nhỏ. Dân Trung Kỳ, Nam Kỳ rất ngại héo lánh đến nơi này, không bị kỳ thị thì cũng làm trò cười vì có giọng nói khác lạ.

Đến Thắng Nhì, xe dừng lại trạm thứ nhất ở Bến Đình. Dân ở đây có vẻ hiền hòa, cởi mở hơn, không có kiểu “bế quan tỏa cảng” như những người tự trị. Bến Đình gần trung tâm thị xã nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Các cửa hàng tạp hóa biết quảng cáo mời mọc hơn, nhà cửa kiến trúc tân tiến hơn, dân chúng ăn vận sạch sẽ trang trọng hơn. Bến Đình có trường trung học Trần Nguyên Hãn chiếm một diện tích khiêm tốn. Trường đã nhỏ lại bị nhiều cây phượng vĩ che phủ nên trông có vẻ khúm núm, giống một ngôi chùa. Phía sau trường là trại gia binh.

Bến Đình có một thắng cảnh là Thích Ca Phật Đài. Chùa được xây theo ven núi, những bậc thang là những hốc đá được đục đẽo thành các bậc tam cấp. Từ dưới chân núi leo lên đến tận đỉnh nơi Phật nằm phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Vào những ngày đầu năm, thiên hạ đổ xô về chùa để cúng bái, hái lộc. Đường đi chật cứng người, có khi không cần phải đi, cứ đứng yên đó mà cũng bị làn sóng người đẩy lên đến tận đỉnh.

Leo lên xe đò, về bến xe Vũng Tàu. Trung tâm thành phố, ngã năm Cây Xăng là giao điểm chính. Đường Nguyễn Tri Phương chạy dài từ cánh đồng Đinh Tiên Hoàng đến tận trường Quân Cảnh, trường Thiếu Sinh Quân, núi Lớn. Đường Nguyễn Thái Học chạy dài từ khu chấp pháp đến tận chợ, bãi trước. Đường Trương Công Định xuất phát từ ngã năm, chạy xuyên qua xóm Lưới, xóm Vườn, bãi Sau. Con đường dài và thơ mộng là Hoàng Diệu chạy thoai thoải sườn núi ôm sát ven biển, nối liền bãi Dứa, bãi Dâu, bãi Trước, bãi Ô Quắn, bãi Sau. Qua bãi Sau là miệt Long Hải. Ở đây cát sạch nước trong vì vắng người.

Con đường lớn và sạch sẽ của Vũng Tàu là Lê Lợi, chạy dài từ Bến Đình băng qua trại Thiếu Sinh Quân, khu đất Thánh, sân vận động Lê Lợi, bãi Trước. Đi trên đường Lê Lợi hướng về phía biển, người ta sẽ ngửi thấy một mùi đặc biệt xuất phát từ tư gia của bà giáo Thảo. Hầu hết dân Sài Gòn xuống Vũng Tàu đều ghé ngang đây mua vài gói mắm ruốc về làm quà hoặc cho bạn bè biết mình vừa đi nghỉ mát ở Cấp về.

Trung tâm thị xã có nhiều con lộ nhỏ chi chít nối liền nhau. Những con đường như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản chân đi chưa mỏi mà đường đã đổi tên. Đường Phan Thanh Giản là khu ăn chơi một thời nổi tiếng của Vũng Tàu.

Năm 1965, lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam, lập căn cứ quân sự ở Vũng Tàu. Bộ mặt thị xã bắt đầu thay đổi. Nhà cho thuê, bar, khách sạn... mọc lên như nấm. Vũng Tàu vươn mình, Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ nhờ đồng đô la, nhưng nếp sống của thị xã cũng bắt đầu sa đọa.

Năm 1973, sau hiệp định Paris, Mỹ rút về nước, thị xã trở lại nếp sống hiền hòa năm xưa. Đời sống Vũng Tàu chậm rãi lại, thơ mộng hơn.

Bây giờ, mời bạn cùng tôi trở về những năm đầu thập niên 70, làm một chuyến du lịch vòng quanh thị xã.

Trước tiên chúng ta khởi hành từ Bến Đình bằng xe lam chạy hướng về biển. Đến khu Bến Đá, hẳn có bạn phải nhăn mũi khó chịu vì mùi tanh của cá, mực phơi khô giữa trời. Nhìn về phía trước, ta thấy đường ngoằn ngoèo zích zắc, bên trái là dãy núi Lớn cao chất ngất, bên mặt là mặt biển xanh lam đậm.

Chiếc xe lam tiếp tục ì ạch leo dốc. Lên đến đỉnh cao, trước khi tuột dốc, là chúng ta đang ở gần bãi Dứa. Từ trên cao nhìn xuống, màu xanh tươi mát trải dài một vùng không gian vô tận, thật đẹp và vô cùng thanh bình.

Xe đổ dốc thật nhanh. Đến cuối dốc, một cảnh đẹp khác hiện ra. Bên trái, từng dãy vi-la của sĩ quan được xây theo triền núi, mái lợp ngói, tường cao, cổng kín. Bên phải là bãi Dâu, sóng đập vào thành đá, sủi bọt trắng xóa. Xe chạy không lâu thì đến cầu Dinh Ông Thượng. Khác với cầu Đá hay Bến Đình, nơi có nhiều ghe đánh cá cắm neo gần bờ nghỉ ngơi, cầu Dinh Ông Thượng được xây lên với mục đích duy nhất là được phục vụ du khách. Dọc hai bên cầu, phía gần bờ, sóng vỗ rì rào như suối reo; nhưng nếu tiến xa hơn, gần đầu cầu, sóng trở nên giận dữ, vỗ ầm ầm trên thành xi măng, tạo ra những luồng gió mạnh, mang theo nước biển mằn mặn và rét buốt. Ấy vậy mà bọn trẻ con địa phương không hề ngán, ngày nào chúng cũng xếp hàng ngay mõm đá đầu cầu, thay phiên nhau cắm đầu xuống biển, lượn theo con sóng trôi vào bờ, men theo hốc đá leo lên đứng xếp hàng chơi tiếp. Đã có nhiều đứa nhảy xuống chưa kịp ngóc đầu lên thì bị sóng vỗ, đầu đập vào mấy ngọn đá ngầm ẩn sâu bên dưới, chết không kịp ngáp, nhưng chúng vẫn không chừa trò chơi nguy hiểm này.

Qua Dinh Ông Thượng là bãi Trước, hai bên đường là hàng hàng lớp lớp cây bàng. Ở đây có nhiều nhà hàng, nhà nghỉ mát, cửa hàng hải sản. Nhiều tàu đánh cá neo gần bờ, xả dầu trên mặt biển, làm cho nước biển loang loáng một màu cáu bẩn. Ở đây phòng cho thuê rẻ rề. Nhưng nếu bạn không có tiền thuê phòng, bạn chỉ cần mướn một cái ghế bố trên bờ, rồi nằm dài phơi nắng cả ngày cũng sướng chán.

Xe tiếp tục lộ trình hướng về Bãi Sau. Khi đến cầu Đá, ngay trạm quan thuế, bên trái là dinh ông Thiệu. Tư gia của cựu Tổng Thống thật sang trọng. Xe men núi Nhỏ leo dốc, đến đỉnh ngắm xuống, bên dưới là bãi Ô Quắn, có chiếc tàu sắt rất lớn bị đắm phía gần bờ. Theo các cụ lớn tuổi kể lại, chiếc tàu này là của một nhóm người buôn lậu thời Pháp thuộc, một hôm bị bão đánh dạt vào bờ rồi mắc cạn luôn từ đó. Đã gần trăm năm rồi mà không ai buồn để ý đến việc kéo chiếc tàu này về tu bổ để tái xử dụng. Bên trái có Hòn Bà. Đây là ngôi chùa nằm trên biển cách bờ chừng vài cây số. Vào những lúc nước ròng, bạn có thể đi bộ trên mấy tảng đá, ra đến tận ngôi chùa. Ở đây có vài vị sư ẩn dật. Họ không tiếp khách nhưng cũng không phản đối việc du khách ghé thăm chùa. Vì sống trên mặt biển quanh năm nên các vị sư trông có vẻ khỏe mạnh cường tráng, da dẻ hồng hào, mặt mũi tinh anh.

Xuống dốc, xe lao đi vun vút. Con dốc ngắn mà cao làm bác tài không dám đạp thắng sợ lật xe. Tốc độ rơi nhanh quá làm ta có cảm tưởng mất trọng lực, người nhẹ nhàng bay bổng.

Bãi Sau mang vẻ Tây Phương nhiều hơn tất cả các bãi biển khác của Vũng Tàu. Trên bờ, các cô các bà trong các bộ áo tắm hợp thời trang nằm dài phơi nắng trên những tấm khăn lớn trải trên cát. Bãi Sau nắng rất gắt vì dọc bờ biển không có trồng cây. Đi dọc trên bãi biển, ta có thể ngửi thấy đủ loại mùi dầu chống phỏng nắng. Ở đây, năm giác quan của ta bị kích thích mãnh liệt. Bãi biển tràn ngập người, màu sắc quần áo chói chang nhức mắt, tiếng cười nói ồn ào náo nhiệt; mùi nước biển, mùi cát cháy, mùi dầu nắng, và mùi của những thức ăn miền biển thơm phức quyện vào nhau, chui vào khứu giác làm cho bụng đói cồn cào và nước bọt ứa ra bên mép. Cuối cùng là hệ thống xúc giác được cảm thấy rõ rệt nhất. Đứng trên bờ nóng như thiêu, nhảy xuống biển mát rượi cả người, nước trong veo nhìn thấy tận đáy.

Tắm mệt, lên bờ, không còn gì sướng bằng nằm dài trên ghế bố, kêu một lon bia, vài con ghẹ chấm muối tiêu chanh và một đĩa sò huyết. Chỉ tưởng tượng cái cảnh cầm từng con sò lớn, dùng nĩa banh hai cái vỏ ra, bên trong lấp ló một lớp thịt tai tái, khói bốc ra mang theo mùi thơm quyến rũ. Dùng cái thìa to, nậy nguyên tảng thịt đó, để nó nằm gọn trên thìa, vắt tí chanh, rắc tí muối, tí tiêu. Trước khi đưa vào miệng phải đưa lên mũi để ngửi, để hít hết cái mùi thơm vào phổi. Khi cho vào miệng, chớ có nhai vội, hãy để cho chất nước sò ngấm vào lưỡi, để cảm thấy ngọt, mặn, chua, cay hòa lẫn. Thịt sò huyết dai, thơm, ngọt và bùi. Nếu nhỡ có vắt chanh hơi nhiều làm thịt bị chua. Không sao! Sẵn có bia đó, nốc một hơi trước khi thưởng thức con sò huyết kế.

Những món ăn miền biển phải nói Vũng Tàu là nhứt. Nếu bạn có tiền, muốn ẩm thực món gì cũng được. Những món như tôm hùm, hào, sứa, cua đỏ, ghẹ xanh là thường rồi; nói đến món ngon vật lạ phải kể đến rắn biển, rùa biển, vi cá mập, gân cá voi...

Tắm mệt, ăn no rồi chỉ còn nước nằm dài trên bờ đưa tầm mắt nhìn về phía đại dương sóng nhấp nhô. Trời nắng chang chang, gió hiu hiu thổi, rừng thông sau lưng gió hú từng hồi và sóng vỗ rì rào tạo thành một điệu nhạc êm dịu, đưa ta chìm vào giấc ngủ dễ dàng.

Xế chiều, thức dậy, chúng ta có dịp ngắm hoàng hôn trên mặt biển. Trời mờ tím. Ánh tà dương soi bóng, lấp lánh những tia ngũ sắc trên mặt sóng nhấp nhô. Mặt trời vừa lặn cuối chân trời, ráng chiều ửng hồng, những vệt dài tỏa đều thành một cánh quạt khổng lồ. Những đám mây phản chiếu ánh nắng, nước biển... tạo thành một bức tranh trừu tượng nhiều màu sắc.

Vũng Tàu tuy nhỏ bé nhưng ngoài biển, còn có nhiều nơi đáng được thăm viếng, thám hiểm, chẳng hạn như hai hòn núi Nhỏ, núi Lớn nằm kẹp hai bên thị xã.

Cái tên núi Nhỏ không có nghĩa là “nhỏ” đâu. Đi hết một vòng núi cũng mất cả ngày trời. Núi Nhỏ không có đường cho xe chạy. Leo bộ là một cực hình. Con dốc lúc thoai thoải, lúc bằng phẳng, lúc chúi xuống, lúc dựng lên. Trên đỉnh núi Nhỏ có tượng Chúa Kitô với lối kiến trúc hao hao giống tượng Nữ Thần Tự Do ở Hoa Kỳ. Trong ruột tượng có cầu thang hình trôn ốc chạy xoáy tít lên đến tận đỉnh. Có lên đỉnh mới thấy cái tượng này vĩ đại đến chừng nào, nguyên thân người chỉ bằng ngón tay của bức tượng là cùng. Đứng trên cao, chúng ta có thể thấy rõ toàn bộ thị xã nằm chen chúc bên dưới. Nhưng muốn nhìn cho rõ hơn, chúng ta phải dùng đến kính viễn vọng của hải đăng. Ngọn hải đăng cũng nằm trên núi Nhỏ, có tầm vóc lớn không kém gì tượng Chúa. Với viễn vọng kính khổng lồ của hải đăng, ta có thể phóng tầm nhìn đến tận Bà Rịa, Cần Giờ, Long Hải. Núi Nhỏ còn có nhiều đường hầm được đào sâu dưới lòng núi, vốn là căn cứ địa của Tây hồi xưa. Xen kẽ giao thông hào là những họng súng đại bác bị hoen rỉ, dây leo lá phủ chằng chịt.

Núi Lớn là căn cứ quân sự của bộ Phòng Không quân lực VNCH, thường dân không được phép tới lui. Nhưng nếu bạn có người quen hướng dẫn, bạn sẽ có dịp ngắm những rừng cây rậm rạp. Tàng ẩn trong rừng là muông thú các loài; từ những loài thú dữ như chó sói, độc như rắn rết, bò cạp... cho đến các loài thú hiền như khỉ, thỏ, nai, cáo, sóc, chim...

Trở về thị xã, trung tâm thành phố. Nếu bạn là dân chơi, muốn đi đến những chỗ giải trí thứ thiệt, phải hỏi dân thổ địa mới biết được. Những chỗ kín đáo như hẻm 11, sân vận động Lam Sơn, rừng Chí Linh là địa bàn hoạt động của chị em ta. Vũng Tàu ít nhất cũng có cái nét e lệ của tỉnh nhỏ, chớ không quá lộ liễu sỗ sàng như Sài Gòn.  Còn nếu bạn là dân nhậu, nên đi hạ “cờ tây” ở xóm Sâm Bồ, Thủy Giang. Món nhậu ở Vũng Tàu có thể không ngon bằng Sài Gòn, nhưng thử tưởng tượng một chiều mưa rơi lất phất, gió rít từng cơn, ta ngồi ở quán cóc đầu làng với một dĩa dồi chó và xị rượu đế, tâm hồn ta sẽ chùng lắng xuống. Chung rượu uống vào sẽ thấy ấm hơn, miếng dồi sẽ ngọt và thơm hơn. Thử hỏi cảnh này dễ gì kiếm được ở chốn đô thành.

Vào những ngày giáp hạ năm 1975, cộng quân từ miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 mở những đợt tổng công kích miền Nam. Cùng chung số phận với các tỉnh miền Nam, Vũng Tàu bắt đầu cuộc đời đen tối từ ấy.

Ngày 30-4 là ngày ghi dấu quả cảm của hai đơn vị chiến đấu thuộc quân lực VNCH: Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù và Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Tinh thần quyết chiến của Tiểu Đoàn 6 tại khách sạn Palace đã làm cộng quân điên tiết. Chúng dùng B-40 câu lên nóc khách sạn. Quân ta anh dũng hy sinh, vài chiến sĩ bị thương đã dùng súng lục tự sát.

Cũng trong ngày 30-4 đó, Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu dũng cảm đến hết đạn rồi mới chịu đầu hàng. Nghĩ cũng lạ! Những người lính trẻ tuổi chưa từng ra trận bao giờ, nhưng vẫn chiến đấu oai hùng; trong khi một số đàn anh có bổn phận rèn luyện tinh thần cho giới trẻ thì hành động ngược lại.

Đã hơn 13 năm qua, Vũng Tàu rơi vào tay kẻ thù, trở thành một thành phố du lịch và dầu khí. Các khu vực dành cho quan thầy Nga và các du khách ngoại quốc được xây cất hàng loạt. Hàng cây bàng bị đốn dần và thay vào đó là những hàng cây “nhớ bác”.

Vũng Tàu như một hải phận quốc tế. Đã có nhiều ngoại nhân ghé nghỉ ở đây như Pháp, Mỹ và bây giờ là Nga. Họ đến rồi đi, làm thay đổi bộ mặt của Vũng Tàu trong thời gian họ chiếm đóng. Vũng Tàu trở thành dạn dĩ, trơ trẽn hơn, không còn tìm đâu được vẻ thơ mộng hồn nhiên cũ.

Mong một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ có thể cùng nhau trở về quê hương yêu dấu trong tự do, độc lập, dân chủ thực sự trên toàn cõi Việt Nam. Ngày ấy bạn và tôi lại có dịp ngắm bãi biển Vũng Tàu hiền hòa với những con sóng nhấp nhô bên dòng đời mãi trôi.