Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

MÓN “ĐỘC” GÒ CÔNG

 

HỒNG PHAN

 

“Đèn cao Châu Đốc.

Gió độc Gò Công...”

 

Tôi sinh trưởng ở Gò Công nên rất tức mình về câu tục ngữ ấy. Gió Gò Công đâu có độc hồi nào, chỉ hơi... nhiều một chút thôi, vì là vùng biển mà. Tôi nhớ rõ Gò Công có nhiều gió qua hình ảnh hai cái hồ tắm trước trường Nữ và Trường Nam tiểu học quanh năm lăn tăn gợn sóng, và con gái Gò Công khi đi ngoài đường bàn tay lúc nào cũng e ấp vịn vành nón lá, sợ bay, quai nón luôn luôn tua tụi dịu dàng.

Ấm ức thì ấm ức vậy, chứ từ nào đến giờ, tôi vẫn hãnh diện vì tên tỉnh lụy nhỏ bé của mình đã được đưa vào thi ca và âm nhạc. Chữ Gò Công, qua tiếng hát Thái Thanh nghe mới ngọt lịm và dịu dàng làm sao:

 

“Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc.

Gió nào độc cho bằng gió Gò Công.

Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong,

Thuận vợ chồng ta cùng tát biển đông...”

 

Theo thiển ý, Gò Công không nổi tiếng vì gió mà là vì thức ăn. Ai đến thăm Gò Công một lần, nhất là đã lưu lại một đôi ngày để nếm qua các món ngon đặc biệt ở đây cũng đều cảm thấyGò Công bé nhỏ xứ xơ ri. Lưu luyến lòng người phút biệt ly” bạn ạ!

 

Xơ-ri (cerises) là một trái rất đặc biệt chỉ ở Gò Công mới có. Bước vào một vườn xơ-ri ở Cống Bà Chài, ai cũng thấy lòng dịu lại, mềm đi khi nhìn những cây xơ-ri đầy trái chín đỏ, chen lẫn hoa xơ-ri lấm tấm hồng trên những chiếc lá nhỏ xanh tươi. Tàn cây xơ-ri xòe rộng nhưng chỉ cao quá đầu người một chút nên rất dễ hái. Ngắt một trái đỏ nhất nếm thử mà xem, vị ngọt chua lẫn với mùi thơm ngát dễ chịu của trái xơ-ri bé nhỏ này sẽ làm bạn lâng lâng khoan khoái. Trái xơ-ri xanh hoặc vừa chín tới lại ngon một cách khác, rất được phái nữ ưa chuộng. Trông các cô ngồi ăn xơ-ri và  táo ta chấm muốt ớt đỏ, mình chỉ ước gì được nhập bọn để khỏi chảy nước miếng vì thèm. Trong các vườn xơ-ri thường cũng có một vài cây nhãn. Nhãn Gò Công thơm ngon lắm, trái to, nhiều nước, cơm thật dày, ăn vào ngọt mát cả tâm can. Nhãn này thường không có đủ để đem bán ở chợ, vì dân sành ăn cứ vào vườn mua hết. Nhưng bạn chớ buồn nếu mua không được nhãn, vì còn biết bao nhiêu món ngon lành, hấp dẫn khác chờ đợi bạn chiếu cố ở chợ Gò Công, nào mãng cầu ta to miệng chén, nở mạn hết cỡ, có một vị ngọt đặc biệt, lạ lùng qua chút mằn mặn của trái cây vùng biển. Nào đu đủ, quít đường chín cây da láng bóng, vàng ửng, ngọt lịm, quít ta lớn trái, vàng tươi, mọng nước. Nào mận da người sắc xanh như ngọc, phơn phớt ánh hồng; Mận hồng đào đỏ thắm, vị ngọt thơm mời mọc v.v... Chợ Gò Công rất độc đáo ở chỗ các hàng quả bánh chiếm gần hết diện tích chợ. Tỉnh lỵ này tuy không được mệnh danh là xứ dừa, nhưng người dân ở đây rộng rãi lạ lùng khi dùng dừa khô trong các món ăn chơi, bạn đã có dịp nếm thử món bánh bò nước dừa của Gò Công chưa? Miếng bánh bò hấp trắng nõn, láng mướt đem chấm vào chén nước cốt dừa bồng con nguyên chất dừa, không trộn bột, ăn vào cứ ngon lịm cả người. Xôi vò ở đây cũng rất ngon, rất béo vì nhiều dừa, lắm đậu xanh, được dọn kèm với món cơm rượu thơm nức, ngọt nồng, ăn hoài không chán.

Các loại bánh khoai mì nướng, bánh chuối, bánh khổ qua (làm bằng bột năng, nhân đậu xanh, da sần sùi như trái khổ qua), bánh bèo, bánh da lợn... đều được bà hàng chan nước cốt dừa rất rộng tay, ăn ngon hết sẩy. Món cớm dẹp của Gò Công cũng tuyệt vời không kém vì dừa nạo được trộn vào nhiều không tiếc tay đến nổi màu trắng sữa của dừa gần lấn át cả màu xanh của cốm.

Các hàng điểm tâm mặn cũng nhiều vô số. Trước hết phải kể đến món bánh giá rất đặc biệt của quê tôi. Món này cũng có khi gọi là bánh vá vì người bán múc bột vào trong cái vá tròn, sâu để chìm trong mỡ sôi mà chiên. Trong bột có giá, đậu xanh, thịt nạc băm, gan heo, và mặt bánh nhìn thật hấp dẫn với hai chú tôm đỏ tươi, giòn rụm bên mấy hạt đậu phọng ngậy béo. Chiếc bánh giá vừa chín được cô hàng dùng kéo cắt làm tư, sắp lên tô bún có giá, rau thơm, mỡ hành, đậu phọng rang giã nhỏ, rồi rước nước mắm tỏi ớt, kiệu chua lên, ân cần mời bạn. Bánh xèo chợ Gò Công cũng rất giàu có vì trong lớp vỏ vàng giòn đặt những tôm, gan, thịt, đậu xanh, dừa nạo, ăn kèm rau sống đủ loại và cải “ngồng cu” (cái tên thật bất hủ, bạn nhỉ?) xanh mướt, cay nồng, chấm nước mắm cay có pha chút cà cuống thì vô cùng thích khẩu.

Nếu bạn đã tới Gò Công mà quên nếm thử một tô bún suông thì quả là một thiếu sót vào loại lớn. Cái suông trong tô bún chỉ toàn tôm là tôm, rất dai vì tôm được quết kỹ. Nước dùng ngọt lìm lịm, đỏ ối gạch tôm, trôi vào đến đâu biết ngay đến đó. Sài Gòn mình ngày xưa có quán Thanh Thế nổi tiếng nhờ món suông, nhưng tôi dám cá suông chợ Gò Công ngon hơn một bực.

Quà xế trưa của Gò Công cũng rất ư là phong phú. Gần chợ có một cái thum nhỏ (kiểu kiosque) chuyên bán thịt phá lấu ngon trứ danh. Chỉ ghét là cái món ngon nhất: bao tử khìa không bao giờ có đủ để bán. Khách có bực mình thì chỉ có nước qua cái thum kế bên làm đỡ một tô mì  thánh thôi chứ biết sao hơn. Về mì Gò Công, phải công nhận là chỗ nào cũng ngon, một chín một mười. Mì Chú Cưng số dách mà mì Chú Cẩu gần bên cũng đắt hàng không thua. Đã vậy hai chú còn cạnh tranh nhau quyết liệt ở món bánh neo nhỏ xinh như ngón cái, màu nâu sậm bọc một lớp đường trắng đục, có một mùi thơm lạ thơm lùng, không bánh neo nào sánh nổi. Bánh được trang trọng bày trong hai cái ve keo lớn trước tiệm mời gọi khách qua đường. Về phía ao Trường Đua có một xe mì cũng lừng danh lắm, được gọi là Mì Miễu Bà, bạn hiền còn nhớ không? Tôi chịu nhất là mấy hủ củ cải trắng xắt hạt lựu trộn lẫn với ớt khoanh đỏ tươi mà dù được ngâm giấm vẫn không mất vị cay, nồng. Vẽ vời hơn một tí, bạn có thể rủ một hai người bạn đi xe lam đến một làng nhỏ cách chợ Gò chừng mười cây số để ăn Mì Hòa Nghị. Chỗ tuy quê mùa nhưng tô mì ngon tuyệt, ăn đứt mì Cây Nhãn ở ngoại ô Sài Gòn.

Buổi trưa, nếu thèm một món quà lạ miệng, người bạn Gò Công sẽ đưa bạn đến xe ngựa cũ, nơi có một lò bánh bàng (bánh bía) nho nhỏ, đúng lúc bánh mới ra lò. Cái bánh đặc biệt ở chỗ nhưn đậu xanh của bánh khô, rời chứ không ướt dẻo như bánh bàng những nơi khác. Cam đoan ăn một lần bạn sẽ ghiền nó ngay. Gần lò bánh bàng có một nhà làm kẹo cổ vịt, là một loại mè xửng hình giống như cổ con vịt chặt khúc, được gói trong giấy bóng trắng hoặc đỏ. Những món quà lạ này không hề có đủ để bày bán ở chợ, chỉ có những “thổ địa” Gò Công mới biết chỗ đi mua mà thôi. Người bán chỉ làm tà tà, sản xuất đủ sống, mua chậm là hết hôm sau trở lại vậy. Cái phong thái đặc biệt này của một số dân xứ Gò Công kể cũng đáng yêu, phải không bạn?

Gò Công quê tôi cũng rất giàu về thủy, hải sản. Ở ngoại ô, hầu như nhà nào cũng đào ao nuôi cá phi hoặc cá tra. Kho cá tra ăn ngon không thể tả, nhất là ở cái ức dầy mỡ béo ngậy. Dĩ nhiên là bạn phải điều tra “lý lịch” của con khô thật kỷ, để biết chắc “thuở sinh tiền” nó được nuôi bằng cám và cơm.

Biển Tân Thành cách Gò Công chừng 15km, là nơi cung cấp đồ biển tươi cho tỉnh nhà. Cát biển ở đây hơi nâu, đầy vỏ ốc luốc đủ màu, nang mực và vỏ nghêu, sò trắng muốt. Sò huyết Gò Công tuy nhỏ con nhưng nướng lên thơm lừng và rất ngọt thịt, rất được dân nhậu ưa chuộng. Một món nhậu khoái khẩu khác, rất độc đáo của Gò Công là con móng tay. Nó thuộc một loại nghêu, hình dài, ốm cỡ ngón tay út, võ ngoài trắng nõn, thịt ngọt, dòn, nhậu rất hao bia.

Tôi nhớ mãi ngày con bé, những lần cùng cả nhà đi tắm biển đêm. Sau khi bơi lội, nghịch nước thỏa thuê, bọn nhóc chúng tôi lên bờ, tranh nhau ngồi trên mấy tấm chiếu ba tôi trải sẵn trên cát, nhồm nhoàm thưởng thức món cơm vắt với thịt gà xào mặn trứ danh của má. Bãi biển đêm rất vắng nên hàng quán chẳng có gì ngoài món chè tàu thưng, xe bánh mì cá mòi và bà cụ bán hột vịt lộn với một thúng trấu để giữ trứng nóng lâu. Vậy mà đối với chúng tôi, biển Tân Thành là cả một thế giới kỳ lạ, vui tươi vô cùng.

Dọc đường về, ba thỉnh thoảng lại ngừng xe cho chúng tôi xem lũ ma chơi chập chờn ẩn hiện trong mấy chòm mả xa xa. Đứa nào cũng run nhưng làm bộ tỉnh, trố mắt nhìn mãi mấy đốm sáng huyền ảo, lập lòe. Về đến Gò Công, phút giây hạnh phúc nhất của lũ nhóc thì là khi ba đậu chiếc Traction cũ kỹ trước rạp hát Bình An, ba mua cho bọn tôi mỗi đứa một con tôm tẩm bột chiên nóng phỏng lưỡi, một gói đậu phọng rang gói thành hình chóp, và cho má một con khô mực cán mỏng dài gần cả thước trọn vẹn món này vì “tụi quỷ” lần nào cũng bu lại ăn chực, rồi xuýt xoa mãi vì cay.

Đêm nào nằm cả nhà không đi tắm biển, chú Sáu tôi lại tổ chức một chuyến đi hứng tôm. Má tôi bận rộn chuẩn bị bánh tráng, rau cải, lá hẹ, tương chấm, chén đũa... để sẵn trong ghe của chú. Ba tôi thì lo châm dầu cái đèn măng sông và cái rề sô, xong bưng hết xuống ghe. Đêm trăng sáng vằng vặc, ghe lướt đi trên sóng nước êm đềm. Người lớn thì thả hồn mơ mộng trên dòng sông loáng ánh trăng đêm, còn đám con nít chúng tôi thì chộn rộn ồn ào, chẳng chịu ngồi yên trong khoang. Đứa nào cũng ham chen ra đằng mũi, để có dịp với tay hái mấy trái bần rạch gie ra gần đụng mui ghe. Khi chú Sáu hứng được mớ tôm đất đầu tiên, má tôi đốt rề sô, xối nước mưa trong khạp rửa tôm, rồi trút vào nồi hấp. Cả gia đình vừa thưởng thức món gỏi cuốn hấp dẫn nóng sốt tại chỗ vừa chuyện trò cười giỡn vang rộn cả một khúc sông. Tiếng ồn ào không hề kinh động lũ tôm, chúng vẫn rủ nhau chui vào lưới, để rồi sau đó vào bụng mọi người, ăn hoài không hết. Chỗ tôm còn dư được má tôi đem ướp rượu trắng để hôm sau làm mắm tôm chua hoặc mắm chà, hai đặc sản tuyệt vời của quê tôi.

Thời niên thiếu của chị em tôi ở Gò Công thật là hạnh phúc, một phần  lớn nhờ ở khu vườn sum sê hoa quả của ba tôi. Mỗi sáng sớm, chúng tôi rủ nhau ra vườn hái trái chín cây. Đứa nào cũng khoái săn ổi cửu ngoạc (cửu nguyệt: 9 trăng {tháng} có trái) chín thơm lừng trên cây. Có khi tụi tôi phải giành giựt với lũ dơi và chim trao trảo, vì biết chim luôn chọn trái ngon nhất để mổ. Kế đến là mãng cầu gai, sa bô chê, vú sữa, xoài cát, đi đến đâu tụi tôi đuổi dơi, chim đến đấy. Nhưng thú nhất là khi hái nấm rơm. Nấm búp nhỏ cỡ đầu ngón tay, vừa nhú lên từng chùm sau cơn mưa được lặt hết, đem hấp lên giả làm ốc gạo, chấm nước mắm cay ngon ra phết. Nấm lớn hơn được má rửa sạch, cắt đôi, nêm chút muối tiêu, tra tí mỡ hành, gói bằng lá nghệ non nướng lên đãi cả nhà. Ôi, đối với tôi, nấm rơm tươi bọc lá nghệ nướng là món ngon độc nhất vô nhị trên cõi đời này. Mùi lá nghệ thơm nức mũi quyện vào trong tai nấm, bạn ơi, ăn vào thấy ngọt lịm cả tâm hồn. Bạn thử làm một đũa đi, rồi sẽ như tôi, tâm phục ông bà mình đã khám phá ra món ăn thích khẩu nầy và lưu truyền cho cháu.

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại được may mắn xơi món đuông dừa chiên bột. Con đuông sống khi nhúc nhích nhìn thật ớn, vậy mà sau khi được lăn bột, chiên lên vàng óng, giòn rụm thì ngon không chi sánh bằng, nhất là khi được cuốn rau sống, cải xà lách, chấm nước nắm cà cuống, đưa cay với ít rượu nếp than. Mỗi lần ăn đuông như vậy chỉ có tụi nhỏ là sung sướng, còn ba tôi thì buồn bã, bí sị vì thêm một cây dừa xanh tốt gục chết tức tưởi vì lũ độc trùng. Chính tụi tôi cũng tiếc nhưng khi nhai rau ráu cái phần tuyệt ngon trong bộng cây dừa gọi là củ hủ thì quên hết hận thù, trái lại còn... thầm cám ơn mấy con đuông nữa mới chết!

Quê tôi, Gò Công, nơi đó có đủ thức ăn ngon lành, dễ kiếm, chỉ khi nào đi xa khỏi mới thấy thèm nhớ khôn nguôi. Mỗi lần nhớ Gò Công, tôi đều nhớ đến những món ăn độc đáo của quê nhà, nhớ tới héo hon khổ sở. Có lẽ Gò Công và món ngon là hai thực thể không tách rời ra được, ít nhất là với một kẻ phàm ăn như tôi.

Còn nữa, mỗi lần nhớ tới Gò Công là tôi lại nhớ tới mẹ hiền. Má tôi, người nội trợ đảm đang, một đời thương yêu con cháu nên luôn luôn nghĩ cách làm đủ mọi món ngon lành “cho tụi nhỏ nó vui”, nhất là trong những dịp bãi trường, con cháu lớn nhỏ đi học xa đều về đoàn tụ. Cả đời tôi sẽ không quên được món cháo đậu xanh má nấu với thịt gà nước hoặc ốc cao, chàng nghịch... (tên những loài chim đặc biệt sống ở ven sông tỉnh nhà).Tô cháo vừa ngọt thơm vừa béo bổ lạ lùng. Cháo gạo nhum màu tím hồng thơm nức mũi, ăn với tôm rang nước dừa đậm đà béo ngậy cũng là một món ngon mà không biết đến chừng nào tôi mới được nếm lại lần nữa. Còn món cua lột lăn bột chiên mà mỗi lần nhớ đến là mỗi lần tôi thèm chảy nước miếng nữa chứ. Tội nghiệp má tôi, năm nào tới mùa còng lột cũng cặm cụi làm mấy hũ mắm còng đem lên Sài Gòn cho chị em tôi có cái mà ăn, phòng khi quá bận học hành thi cử không kịp nấu bếp. Lần nào bà từ Gò Công lên thăm các con cũng xách nách mang, đùm đề bao nhiêu là món quà từ quê nhà yêu dấu. Món nào cũng ngon trứ danh. Nào bánh dừa đậu đen vuông xinh xẻo, gói bằng đọt lá dừa nước trắng ngà, bánh ít nhưn dừa, nhưn đậu béo bổ. Nào chả lụa Hòa Đồng, nem chua chợ Dinh ngon tuyệt vời, nào mắm tôm chua trộn đu đủ hườm với những lát tỏi trắng ngần và ớt cay đỏ thắm, nào me dốt, me chín, chuối khô, mứt gừng dẻo. Thôi thì mùa nào thức ấy. Nghĩ mà thương cho cánh tay gầy yếu của mẹ hiền!

Ngày xưa, lúc còn trọ học ở Sài Gòn tôi chỉ thấy nhớ thôi, vì dù ở xa, món ăn Gò Công tôi vẫn được mẹ già chu cấp đầy đủ. Giờ đây, quê hương đã ngàn trùng xa cách, mẹ già ở lại bên kia bờ Thái Bình Dương.

Nhớ Gò Công, tôi bồi hồi nhớ cả một thời niên thiếu huy hoàng, nhớ cha mẹ và chị em thân yêu, nhớ đến ngẩn ngơ từng món ăn đặc biệt quê nhà, bởi trái dừa nước ngọt ngào thơm mát, nhớ con cá bống dừa tinh nghịch ẩn nấp trong trái dừa bị chuột khoét rơi rụng xuống mương, nhớ cả cơn gió... độc.

Nhớ nhiều, nhiều lắm, và nhớ đến quay quắt, nghẹn ngào, vì không biết đến bao giờ tôi mới được tái hồi quê cũ: Gò Công.