Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

KHÓM THỦY TRÚC

 

YLA LÊ KHẮC NGỌC QUỲNH

 

Xe dừng trước cửa nhà bố mẹ. Nhìn băng ghế sau, ba đứa con ngủ ngon lành. Người bên cạnh cũng lim dim thả hồn theo mộng. Mừng quá, vậy là khỏi chờ đợi để đưa từng đứa xuống xe xách đồ lề lỉnh kỉnh vào nhà. Tôi khóa cửa xe, hân hoan chạy vù vào nhà, dặn với:

- Anh ngồi đó trông con, bao giờ chúng nó dậy thì gọi!

Cửa nhà mở rộng. Hương hoa thoang thoảng lan nhẹ. Tôi chạy vào góc phòng khách. Đúng như dự đoán, cây chanh của mẹ nở hoa trắng xóa đầy cành. Tuần trước hoa còn đơm nụ. Mẹ đã hân hoan và hẹn sẽ ướp hoa cho món chè thạch quấn quít những sợi trong suot tinh khiết trong dịp cuối tuần cả nhà bên nhau.

Nhà lộng gió. Không có ai Cả. Bước ra vườn sau. Mẹ lom khom xới đất, khe khẽ hát, không nghe tôi gọi. Mẹ vẫn thế, rua chén cũng ngâm nga được: Khi đọc thơ, lúc lại say sưa khúc ca tiền chiến... lang bang từ bài này sang bài khác cho đến khi xong việc. Câu hỏi của tôi làm mẹ giật mình:

- Mẹ làm chi rứa?

- Trồng tulip, giữa tháng 11 rồi!

Vừa nói chuyện, mẹ vừa đào đất, vùi những củ tulip tròn bóng, lớp vỏ màu nâu. Còn vài củ trong chiếc rổ mây. Mẹ bảo đợi mẹ làm cho xong. Tôi bước quanh một vòng khu vườn nhỏ. Hai cây mận lá đã đổi sắc vàng tươi soi bóng bên hồ nước xanh. Lá hoa súng trên mặt hồ đã nhăn lại trông mệt mỏi tội nghiệp. Mấy cụm peony bố tôi đã cắt ngắn và ủ lá khô rồi. Cây mộc lan góc vườn còn cố gắng giữ chút mầu xanh như chưa chịu đầu hàng tiết lạnh đang về. Hai cụm lavender vẫn hoa tím ngan ngát bên những cọng lá xanh bạc lung linh trong gió. Vò nát cánh lavender đưa lên mũi ngửi, mùi thơm dễ chịu. Mẹ thích mùi hương ấy nên đã cương quyết trồng cho được. Chỉ mấy cành lavender từ vườn nhà cậu tôi ở miền Nam nước Pháp, mẹ gầy được hai bụi lớn. Hoa lavender mầu tím ngát tỏa nhẹ hương đã hiện diện trong vườn nhà chúng tôi và bạn bè của mẹ. Chúng tôi đã bị lây hầu hết ý thích cây cỏ của mẹ. Chưa ảnh hưởng thời tiết nhiều, mấy bụi hồng còn tràn sức sống, tươi thắm sắc mầu. Cây “blue sưu” vươn mạnh, mơn mởn, hương tỏa dịu dàng. Cánh hồng mầu cam, mẹ gọi là mầu brigitte rực rỡ nhất khoe sắc thầm. Mẹ bảo những nhà trồng hoa hồng, không biết vì yêu các minh tinh màn bạc hay muốn câu khách mà những hoa đẹp và hiếm đều mang tên Ingrid Bergman, Christine Kauffman, Marlene Dietrich... Mẹ nói tìm hoài không có hoa nào mang tên Natalie Wood cả. Cô đào duyên dáng mẹ yêu thích từ ngày còn đi học qua phim “Fievre dans le sang”.

Những tài tử lạ hoắc với thế hệ chúng tôi. Nhưng luôn bị ảnh hưởng của mẹ nên những lần gặp được những tên tuổi ấy chúng tôi đều muốn làm cho niềm vui của mẹ được tròn đầy. Em tôi đã làm mẹ cảm động khi mang về được video tape “Littie women” bộ cũ, rất xưa, khi mà nữ tài tử Elizabeth Tayor còn 15, 16 tuổi. Cô đào June Alyson trẻ thơ trong vai Jo thích văn chương và say sưa với tác phẩm đầu tay của mình. Mẹ thích nhất là cảnh Jo ngồi viết dưới cội cây tàng xòe rộng, thả những lá vàng rơi rơi, phủ đầy mặt cỏ và bám lên chiếc váy màu nâu trải rộng trên nền cỏ mượt xanh. Đẹp lạ lùng! Trí nhớ của mẹ quá tot để chúng tôi hội đủ chi tiết về ý thích của mẹ không thể nào quên. Chúng tôi thường vui lây với niềm vui nho nhỏ, đơn sơ của mẹ. Nhìn mắt mẹ reo vui bên những mẫu chuyện đắc ý, những cánh hoa ưa thích, những cuốn phim gợi một thời xa xưa... chúng tôi cũng cảm thấy sung sướng. Một vòng khu vườn nhỏ xinh xắn với sự chăm chút quanh năm của mẹ. Trở lại thì mẹ đã trồng xong luống tulip có bảng nhỏ cắm trên đất “Dưới đây có củ tulip”. Thấy lạ, tôi hỏi thì mẹ giải thích: Sợ những nhát cuốc tàn nhẫn của bố, năm ngoái, bố thản nhiên bảo mẹ:

- Ra mà xem này, dưới đất vườn mình có mấy củ gì mà có mầm xanh xanh...

Mẹ biết ngay là công trình của mẹ bị phá rồi. Mấy củ tulip bị cắt làm hai làm ba, nằm lăn lóc, trông thật tội nghiệp... mẹ tức muốn khóc luôn.

Từ đó tôi không lạ khi thấy các cây trong vườn mang đầy “biểu ngữ” như “xin hỏi trước khi tỉa cây”, mẹ có kinh nghiệm nhiều lần vì bố chủ trương cây phải cất bớt thì chồi non mới làm cây “trẻ” ra. Mẹ ngao ngán khi nhìn những cây hoa hôm qua đang xanh tot, hôm nay bỗng trụi lủi. Mẹ mỉa mai:

- Cây “trẻ” như còn ở tiền kiếp! Lần khác, một cây mang tấm giấy ghi “không được dời chỗ cây này” vì bố luôn đem cây này đổi chỗ với cây kia vì chủ quan cho là hợp lý” hơn. Mẹ lại lầu bầu:

- Rứa có tức không?

Chúng tôi nghe kể, bố mẹ gặp nhau trong nỗi vui tròn đầy của hai bên nội ngoại. Tuổi tác nằm trong “tam Hợp” vợ chồng sẽ ăn đời ở kiếp. Mẹ thường cười nói với chúng tôi:

- "Tam hợp" mà "Tứ khắc".

Thật thế, chúng tôi cũng phải bật cười vì ý kiến của bố mẹ thường là những điểm lý luận nằm trên hai đường thẳng song song. Nếu có lần nào phản lại với định luật hình học ấy là những lúc mẹ tôi tạm quên ý kiến của mình, không bàn cãi, mặc cho mọi chuyện xảy ra... sau đó nếu không tot đẹp thì người ta lặng lẽ theo ý mình... và mẹ yên lặng chờ đợi. Bố mẹ chỉ gặp nhau ở một điểm là đều thích làm vườn, yêu cỏ cây. Nhưng cây của bố tôi thích thì mẹ tôi không. Bố chỉ thích toàn cây xanh. "Suốt đời evergreen", mẹ thường mỉa mai. Mẹ thì thích cây phải có hoa, có hương; mầu sắc là yếu tố làm cho khu vườn sống động, tươi vui, đẹp mắt, chỉ một mầu xanh là mầu xanh thủy trúc. Một cây thông thì được. Vườn nhỏ mà trồng toàn thông thì đơn điệu, buồn chết. Hai người hai ý nên vườn nhà cũng chia “lô”. "Lô" này của mẹ và “lô” kia của bố. Theo phong trào, bố làm "Non bộ". Bố say sưa mua sách nghiên cứu; vẽ họa đồ; sắm đồ nghề... Chưa khởi công mà chi phí đã khẩm. Bố tính nhẩm không tiết lộ với ai. Mẹ nhìn qua là biết ngay, chỉ lặng lẽ mỉm cười. Công tác này mẹ ủng hộ, với điều kiện là phải tôn trọng “lãnh thổ”. Bố không được xâm phạm đến phần đất trồng hoa hồng của mẹ. Thỏa hiệp được ký kết bằng miệng. Mẹ tham gia lựa kiểu, chọn bơm nước phun... sao cho tia nước đủ làm róc rách, nhẹ nhàng, thanh thoát... không ồn ào, phô trương, bố làm theo ý mình: nước sẽ tràn qua kẽ đá rơi xuống mặt phẳng thứ nhất, lan tràn mặt đá thứ hai và làm chao nhẹ mặt hồ nhỏ, đủ chan hòa cho cây cỏ hai bên non bộ. Mẹ đồng ý và không bàn thêm. Biết bàn thêm cũng không thêm được gì. Bố độc tài lắm à, nhưng lại luôn luôn tỏ ra “dân chủ”. Bao giờ cũng hỏi ý mẹ, nhưng rồi lại làm theo ý mình. Có lần mẹ lầu bầu thì bố bảo "người ta hỏi ý kiến chứ ai xin quyết định đâu”. Mọi quyết định sau cùng vẫn là của bố. Mẹ đôi lúc bất mãn nhưng rồi hai người vẫn "sát cánh" bên nhau để làm vườn. Thảo luận xong trên họa đồ, bố bắt tay vào việc. Yên tâm vì thỏa hiệp lãnh thổ đã ký kết, mẹ đi làm. Chiều về, mẹ hỡi ơi vì diện tích tăng theo tỷ lệ nghịch: vùng đất làm hòn non bộ tăng mà diện tích trồng hồng của mẹ giảm... mẹ ngao ngán, giận,

bỏ vào nhà, không nghe bố hăm hở khoe:

- Từ sáng đến giờ làm giỏi chưa?

Vào nhà, mẹ chăm sóc cây của mẹ: cây lan hài, hình chiếc giày be bé xinh xinh, màu vàng chanh tươi mát. Lá cây sạch bóng, xanh ngắt, đầu lá nhọn thon. Cây phượng vỹ, bố tôi mang hạt từ chuyến về thăm bà nội ở Huế năm qua. Lá phượng đã ra xanh non li ti. Bố thường trêu mẹ, không khéo ít nữa cả vườn đầy phượng vỹ không chừng... Bao giờ mẹ cũng trầm trồ cây chanh. Mẹ yêu hoa chanh nhất. Mẹ thường ngâm nga:

 

Hoa chanh nở ở vườn chanh,

Cha mẹ mình với chúng mình chân quê,

Hôm qua em ở tỉnh về,

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(NB)

Mẹ đã cười và cốc lên đầu em tôi khi em dám trêu mẹ:

- Chanh của mình nở ở phòng khách mà mẹ! Có thấy hương đồng cỏ nội gì đâu.

Mẹ vừa ngắt mấy lá úa trên cây vừa thì thầm nói chuyện với cây. Mẹ vẫn bảo cây cũng thích trò chuyện. Lang thang từ cây nọ sang cây kia, mẹ quên hết giận hờn. Bố vào nhà lại thấy bàn chuyện trồng cây. Mẹ thường chăm tưới cây vườn, nhất là vườn hồng của mẹ. Có lần mẹ đang tưới cây, hoa rồi đưa cao vòi nước tưới rộng vào dẫy cây thông nằm sát bờ rào. Bố tôi từ trong nhà chạy ra, la ơi ới, chọc mẹ:

- Ế, coi chừng tưới làm sao mà mấy cây thông của tui nở hoa hồng hết thì tui đền đó nghe!

Mẹ bật cười quay vòi nước về phía bố.

- Cho thành hoa hồng luôn!

Bố rụt vai chạy vô nhà trốn biệt.

Có những lúc bố mẹ trông rất đề huề, hạnh phúc. Những lúc cả hai thích thú mỉm cười trao đổi vài ý tưởng ngộ nghĩnh trong sách đọc của mình. Nhìn kỹ, hai loại sách hoàn toàn khác nhau. Bố đọc triết lý, mẹ cho là khô khan, chán phèo. Mẹ đọc tiểu thuyết, bố chọc là chuyện "xe cán chó, chó cán xe". Trao đổi chút chút thì không sao, nhưng nếu đi sâu vào vấn đề thì thế nào cũng có bất đồng. Thường là mẹ yên lặng trước không thèm cãi nữa, bỏ đi chỗ khác. Nhưng tính lại hay quên nên không lâu lại trở về với một sự việc khác mà phần mở đầu thường là hào hứng.

Mẹ tôi có đức tin và muốn khuyến khích mọi người trong nhà. Mẹ bảo đức tin khiến con người sống thiện, tìm cách cho mình và tha nhân sống vui, xây dựng nhân ái... trước những khó khăn cho người cho mình. Có những lúc, mẹ bảo chỉ biết cầu nguyện. Bố không như thế. Cầu nguyện ai? Ai giúp mình? Chỉ có mình mới gỡ rối cho mình được thôi và để thì giờ cầu nguyện tìm giải pháp. Mẹ không đồng ý nên dù đã ổn định ở xứ người vẫn dành

thì giờ đọc kinh mỗi tối như những ngày gia đình còn khó khăn, chia lìa: Bố trong trại cải tạo. Các con trai còn lênh đênh trên biển cả. Những ngày ấy, tối nào tôi cũng ngồi sau lưng mẹ, hướng lên tượng Phật Bà Quan Âm có đôi mắt hiền vời vợi từ bi. Mẹ nhẹ nhàng nghiêm túc soạn chuông mõ, sách nghi thức, tụng niệm. Tôi lây mẹ để chuẩn bị một tinh thần thanh thoát cho buổi cầu kinh. Hồi kinh cầu an trầm trầm theo giọng đọc của hai mẹ con hình như làm ấm lại căn phòng vắng lặng, lạnh lẽo khi bố và các anh em xa nhà. Tôi theo mẹ như một thói quen. Có những ngày học thi bận rộn, dù buồn ngủ tôi cũng không bỏ qua một buổi cầu kinh nào. Đọc quen đến nỗi, có vài đoạn tôi thuộc lòng biết chỗ nào là bắt đầu bài kinh mới và chỗ nào là sắp chấm dứt buổi cầu kinh.

Nhớ một lần, ông nội từ Huế vào để cùng đi thăm bố ở trại cải tạo Xuyên Mộc. Ông tôi là một Phật Tử thuần thành, hơn nữa là một cư sĩ (mẹ học hỏi nhiều kinh điển từ ông tôi). Ông vui mừng biết hai mẹ con kinh kệ chuyên cần. Tôi kể với ông:

- Con thích nhất là kinh Bát Nhã và nhất là câu "Yết đế yết đế ba la yết đế”.

Ông tôi sung sướng xoa đầu tôi ngợi khen. Nhưng khi biết được sự thật phũ phàng, ông cười ngất:

- Vì con biết sắp chấm dứt buổi cầu kinh và được đi ngủ.

Sau này bố tôi cứ lấy thí dụ ấy để củng cố lý luận của mình: Làm việc gì mà mình không hiểu, làm cho xong chuyện thì phỏng có ích gì. Mặc dầu cũng nhiều lần, tôi xác định rằng buổi cầu kinh vào những năm biến động cho gia đình và cho cả nước ấy dạy tôi rất nhiều. Những lần chắp tay cầu nguyện, tôi học được đức khiêm nhường sâu xa - con người thật nhỏ bé - bất lực với chung quanh - vô thường rình rập đâu đó. Lòng phải thật lắng, thật thiết tha, thật thành tâm và chi có "tâm" mới chuyển hóa được mọi trắc ẩn của cuộc đời... Bố tôi vẫn giữ ý mình và chỉ tin ở mình. Lâu dần mẹ tôi không bàn cãi nữa và lặng lẽ tiếp tục củng cố niềm tin của mình. Mẹ vẫn thường thì thầm bên tai chúng tôi "giữ tâm cho tốt,

tất cả chỉ từ tâm". Bố không hoàn toàn đồng ý nhưng nhiều lúc vẫn theo mẹ đi chùa. Mẹ lễ Phật còn bố lang thang quanh chùa, tìm những nét đẹp trong điêu khắc các tượng và thưởng thức cảnh đẹp cây cỏ hoa lá... Mẹ cười dễ dãi, tôn trọng tự do cua nhau. Không viển vông để bắt hai người cùng nhìn một hướng nữa. Làm sao ở đời lại có một nửa khác tuyệt đối giống mình. Rồi mẹ lại nhắc nhở chúng tôi đến chân lý sống “Đừng quên chung quanh còn có người khác”. Chủ trương như vậy, nên trong thực tế ý thích của hai người có lúc thật khác nhau mẹ cũng vui vẻ. Bố thích cơm nhão. Mẹ thích cơm khô. Lên xe mẹ thường xin lỗi bố để vặn nhỏ bài nhạc của bố vì sợ phải đi bác sĩ tâm thần. Bố trả đũa: Đừng nghe T.T rên siết mà tối bị ác mộng... Nhưng có những lúc cả hai đều say sưa với những bản "blue" ray rứt cả lòng. Tiếng hát cua NaT King Cole vẫn còn quyến rũ, giọng của Elton John cũng được ưa thích... Cũng vì vậy, khóm thủy trúc mẹ ưa thích vẫn có chỗ đứng “trang trọng” giữa hồ bên hải đảo tí hon theo “design” của mẹ. Chúng tôi vẫn lấy đó làm bài học nhường nhịn cho nhau và phải nhớ chung quanh còn có người khác nữa mà chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau bài học “thủy trúc”.

Chiều thứ bảy, đầu tháng bảy. Cả nhà bên nhau. Quây quần ở sân sau, ngắm vườn nhà. Hoa mận đầy cành khoe sắc trắng dưới nắng vàng. Hai khóm peony đơm hoa mầu hồng nhung rực thắm cả góc vườn, che rợp cả gốc cây mộc lan kết hoa trắng tím tràn sức sống. Trước mặt chúng tôi, vườn hồng của mẹ đang độ khoe sắc - đẹp não nùng (chữ của mẹ). Bố đưa tay bật nut điện. Nước từ hai hòn non bộ vụt phun. Bụi nước tung cao, bay tản mạn không trung làm mát rượi cả một vung. Hoa súng đủ mầu vươn lên mặt nước bên những lá tròn xanh, sạch bóng. Mặt hồ chao nhẹ, lấm tấm bụi nước rơi. Đàn cá nhỏ tung tăng đớp nước. Những lá sen trong hồ bên phải vươn cao lung lay theo bụi nước rơi rơi. Vài cánh lá tròn xanh tràn sức sống, đọng vài giọt nước long lanh êm ả làm sao... hứa hẹn những cánh sen hồng thơm hương giữa mùa hè ấm áp. Bước chân con trẻ tung tăng trên nền cỏ mịn màng xanh mười. Mọi người thoải mái thật sự tận hưởng những ngày đầu hè ấm cúng tươi vui bên khu vườn rực rỡ sắc mầu. Tiếng chuyện trò rộn rã reo vui. Nhìn thấy nét hân hoan trong mắt mẹ, bố lại gần:

- Kết quả của cả năm "cãi cọ giận lẫy" đó phải không mẹ?

Mẹ mỉm cười, không nói. Được thể bố làm tới:

- Cây thủy trúc của mẹ vẫn còn đẹp... đã nói mâu thuẫn là cơ sở của tiến bộ. Cãi cọ là gia vị cho cuộc sống mặn mà, là màu sắc tô điểm cho cuộc đời thi vị. Tưởng tượng suốt đời, người này nói người kia gật thì làm gì có sáng tạo... Đồng ý chưa nào?

Mẹ mỉm cười và phản ứng như một người bằng lòng vui vẻ thua cuộc:

- “Cãi cọ” gì được, chỉ ức hiếp người ta!