Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

HUẾ, HOA ĐỒNG CỎ NỘI

 

YLA LÊ-KHẮC NGỌC-QUỲNH

 

Hoài niệm bao giờ cũng đẹp. Những ngày sống xa quê hương, lắm lúc xót xa, chới với, ngột ngạt, tôi lại vội vàng trốn chạy vào một nơi dù đã xa mà niềm êm ái vẫn ai ủi được tôi, xoa dịu, ngọt ngào: Khu vườn mướt xanh quê mẹ, đồng cỏ bát ngát đó đây... mà hoa trái quanh tôi là người bạn dễ thương thời thơ ấu. Lại càng luyến nhớ vì không tìm thấy ở đâu ngoài xứ Huế thân yêu...

Bắt đầu nhìn thấy hàng cau Thôn Vỹ, thân vút cao sang cả. Mỗi lúc nắng thật sự đã tắt trên ngàn cây nội cỏ, hàng cau vẫn giữ sáng trên đầu ánh vàng rực rỡ. Bài học thuộc lòng thời nhỏ dại vẫn còn rất rõ... Xuân Diệu bảo "...như những cây nến khổng lồ, có ai kéo về trời để thắp các vì sao?" Xa Huế rồi, không nơi nào tôi nhìn lại được dáng dấp hàng cau thẳng tắp thanh thoát vươn cao lặng lẽ giữa mây trời Chợ Dinh. Dây trầu của Huế ẻo lả yếu đuối quấn quít thân cau như tìm sự che chở nương náu thân thiết không thể thiếu. Lá trầu xanh xanh hình tim rõ nét như nói hết lòng mình chỉ có yêu thương. Dây trầu nhẹ vào thân cau giữ mãi mầu lá xanh non tươi hơn hớn, bao bọc quanh thân cau lên cao mãi dịu dàng mà trìu mến biết bao! Thân mật lặng lẽ dễ thương như chuyện tình câm nín; ngọt ngào như tình càm lứa đôi. Ở Huế hôn lễ không thể không có Trầu Cau. Lá cau trên cao xòe rộng như một chở che luôn luôn hiện diện mà không quá gần gũi dễ dàng... có chút gì như khoảng cách tâm tình của một Huế xưa. Dây trầu ở Huế cho hình ảnh người con gái Huế hiền lành nép mình dưới sự che chở của bóng tùng phu quân. Một lần sau năm 1975, bị điều động đi "thực tế" vì chương trình "bồi dưỡng văn hóa" đòi hỏi, nhìn thấy cả một vườn cau trầu vùng Bà Điểm mà những giàn trầu rậm rạp xanh tốt nằm riêng lẻ một nơi, không gần thật gần như tính chất của cây trầu xứ Huế bên thân cau. Một lần khác, trên hải đảo vùng Hạ Uy Di, lại bất chợt gặp một cây cau, chỉ một, đứng lẻ loi giữa vườn cây cảnh mà tìm mãi không thấy dây trầu ở đâu. Hình ảnh thân quen của quê xưa không tìm đâu trọn vẹn nên nỗi nhớ cứ còn nguyên...

Cùng với nắng hè rực rỡ, những đồi sim quanh núi Ngự Bình, bên chùa Trà Am đơm hoa tím ngan ngát. Mầu tím dễ thương làm thành một vùng bạt ngàn hoa sim mà sắc tím đã thấm sâu vào lòng người Huế không thể nào quên. Hoa sim nở nhiều nhuộm tím một góc đồi mầu sắc nên thơ buồn khi chiều về... gợi nhớ một thấm thía nỗi xót xa trữ tình của Hữu Loan:

 

Những đồi sim, những đồi sim,

Mầu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt

 

để ngậm ngùi với:

 

Áo anh sứt chỉ đường tà...

 

Hoa sim phai mầu theo với gió thu về. Những quả sim lại đơm cành với sắc tím đậm hơn gọi là "tím than". Quả xin có vị ngọt và rất nhiều hạt vẫn là món quà tuổi nhỏ... làm tím đôi môi và thêm vui cho giờ tan trường. Rổ sim chín đến nay vẫn còn hiện diện trong các hàng bán từ vườn nhà như nải chuối ươm vàng, trái mít chín tới, quả thơm vỏ xanh xanh, quí giá hơn như vài ba trái quít Hương Cần vỏ xanh, gần cuốn nhuốm chút ánh vàng, bóc vỏ mùi thơm bay xa mời mọc, bên cạnh những Hạt Xoay trong lớp vỏ nâu mịn như nhung, ngọt đầu lưỡi... nơi các bến đò ngang, góc phố nhỏ... không biết có thêm được thu nhập gia đình chút gì không mà mỗi lần nhìn thấy, lòng lại rưng rưng. Quả sim đã chín mà hoa sim vẫn đơn lẻ nở muộn lác đác lưng đồi xa xa, rủ mắt tìm kiếm và vẫn gợi nhớ mầu tím dễ thương thuở nào.

Lung linh trong gió chiều quanh các lăng tẩm, rừng hoa "hổ người" thấp thoáng đó đây mà mầu trắng phơn phớt tím góp thêm cho mầu tím thơ mộng ngàn đời của Huế. Hoa nhẹ khép e ấp khi tà áo lướt qua hay bước chân chạm nhẹ, e thẹn như hình ảnh của thiếu nữ Huế "...ngiêng ngiêng hoài cái nón, hỏi mãi cứ làm thinh". Bên cạnh cái khép nép này, Huế còn nhớ nhiều đến sự mỏng manh nhẹ nhàng chen thân giữa ngàn hoa nội cỏ là cả rừng hoa Cỏ May, hiện diện khắp nơi không lựa chọn sang hèn. Hoa bám nhẹ tà áo làm thành đường viền hay hay cho chuyện tình thơ mộng. Một chiều ngồi gỡ cỏ may cho nhau để âu yếm đặt tên cho con gái "nàng Cỏ may", bạn nhỏ tôi.

Loài hoa không biết tên mà quyến rũ tuổi học trò nhiều nhất, lấy được cảm tình của tuổi mới lớn không ít và tên gọi là do sự tưởng tượng, muốn ôm giữ một thời tuổi trẻ dễ thương "hoa Bâng khuâng". Bâng khuâng mầu tím biêng biếc tươi non dịu hiến, khiêm nhường nép mình bên sườn đồi thấp, trong khu vườn nhỏ, trên thảm cỏ trường Đồng Khánh, thật sự đã làm bâng khuâng lòng người. Nghĩ gì? nhớ gì?, thương ai? chờ ai?... Mầu tím giữ lại câu trả lời để tiếp tục bước nhẹ vào vào đời đôi lúc mầu tím chuyển đổi sang mầu đen thẫm cũng còn tìm quên được trong niềm bâng khuâng của thời xa xưa mầu tím xưa xin hãy còn như cũ.

 

để ngàn sau đẹp mãi ý bâng khuâng,

hoa nhỏ cánh mềm tim tím từng bông,

e ấp nhớ mối tình không thuở nào...

 

Có khi nào dừng chân bên đồi Vọng Cảnh mà không man mác buồn với từng cụm hoa lau trắng phau phau mềm mại nghiêng nghiêng giữa trua. Khúc quanh dòng Hương lên Điện Hòn Chén, hoa lau từng vạt lã ngọn rì rào theo gió trên thảm cỏ mượt xanh, in hình trên mặt nước phẳng như gương thì rõ ràng không nơi nào có được bức tranh thủy mạc ấy. Truyền xuôi dòng. Lòng lâng lâng. Cái tĩnh lặng nên thơ giữa trời nước mênh mông, êm ả ngự trị để chỉ còn ta với ta. Chỉ có Huế ngày nào mới cho được giây phút tuyệt vời lặng lẽ mênh mang. Xa Huế đã bao lâu. Chuyển đổi với bao miền. Hoa lau cũng nhiều lần trở lại với mắt nhìn ở một nơi chốn nào đó. Nhưng không một lần tìm thấy lại nét thủy mạc của bờ lau bên dòng nước biếc của những ngày áo trắng lang thang. Nỗi nhớ quê vì vậy cứ canh cánh bên lòng.

Hoa trang dơm cành quanh năm. Mầu hồng đỏ, mầu trắng hay vàng cam... hoa nhỏ li ti kề sát bên nhau, thân mật, khắng khít thành một đóa trang to xòe rộng đầy bàn tay. Mỗi lần theo bà ngoại cắt một bông hoa thôi đã đầy độc bình sành nơi thảo am góc vườn. Hoa trang thường được chọn cho lọ hoa trên bàn thờ. Hoa trang không hương nhưng dễ trồng, ít chăm sóc, nhanh chóng làm thành một bụi tốt tươi hoa bốn mùa khoe sắc, Hoa trang còn được gọi là những đóa mẫu đơn thân quen trong vườn nhà. Đóa mẫu đơn lớn cung cấp ngàn cánh nhỏ xinh xinh để tuổi nhỏ dùng dây chỉ nhỏ xỏ xâu làm thành những vòng đeo tay, dây chuyền làm đẹp vòng cổ và đôi hoa tai làm rạng rỡ khuôn mặt trẻ thơ. Trang sức giản dị từ hoa cỏ thiên nhiên cho những ngày kỷ niệm nhẹ nhàng dễ thương thật khó quên. Hoa trang thường được chọn cho lọ hoa trên bàn thờ. Lại gợi đến nhớ đến một loài Phượng không là phượng vĩ, không đỏ thắm mà man mác sắc vàng hay đỏ pha chút mầu vàng chưa đủ ánh đó da cam. Cánh hoa nhỏ hơn phượng vĩ nhiều. Hoa chỉ đặc biệt dùng vào việc cúng kiếng. Cây nhỏ có nhiều cành mảnh khảnh mềm mại, lá nhỏ li ti. Lúc nở cũng lưa thưa mọc đối nhau trên cành. Hoa lá và cả trái đều có múi thơm ngai ngái. Không một thiết trí bàn thờ nào của Huế lại quên được cánh phượng này. Rời Huế, trên bước đường "Nam tiến" Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn... mỗi tổ chức giỗ Tết, cúng kỵ bao giờ cũng nhắc nhở tới bình hoa phượng đặc biệt cho tế lễ chỉ riêng cho Huế. Khi tiết xuân sắp về, mưa phùng giăng giăng, Huế dễ thương dịu mát thì Hải Đường đơm bông mầu đỏ rực rỡ. Cánh hoa nở rộ bụ bẫm với nhị vàng rưng rức, để bình hoa tế lễ thêm mầu sắc. Hải đường không hương nhưng bền sắc mầu, lâu tàn và dễ chăm sóc. Cây lớn, khỏe và lá to xanh rợp cành làm râm mát góc vườn. Đầu xuân, hải đường làm đẹp bình hoa tế lễ. Bình hoa lễ thể hiện diện trên bàn thờ rồi, tách nước trà bốc khói thơm thơm hương hoa Mộc, hoa Sói... loại hoa được ông ngoại chăm chút đặc biệt trong vườn cây kiểng trồng tỉa công phu... Những cánh hoa mộc li ti làm thành chùm nhỏ mầu trắng, nằm khiêm nhường bên cánh lá nhỏ dầy, chắc và tràn sức sống... Hương hoa mộc ngát thơm bắt đầu khi hoàng hôn trở về. Ánh trăng tỏa sáng khu vườn trước sân, xôn xao bước chân con trẻ tung tăng và hương hoa mộc nhuộm thơm không khí thanh mát đêm về. Khuya dần, tất cả chim vào giấc ngủ, chỉ còn tiếng sáo trúc dìu dặt chơi vơi vọng ra từ phòng học của các di cậu tôi

 

... Đêm khuya rồi, trăng đã cao,

Ánh vàng lai láng, hoa lá xôn xao

Hương mộc tỏa ngát vườn đào,

Chơi vơi tiếng trúc lạc vào giữa mây...

 

Ông bà ngoại những lúc thanh nhàn đối ẩm, hương hoa Sói tinh khiết thoang thoảng từ bình trà bốc khói nhẹ nhàng mỗi sáng chiều, hiền hòa bình lặng ấm cúng giữa vườn quê thanh bình. Hoa Sói ngày ấy là hình ảnh những hạt cườm tấm mầu trắng đục nằm khít khao hai bên thân cành nhỏ mầu xanh non tràn trề sức sống. Chậu hoa Sói của ông tôi bốn mùa đơm hoa, ngát hương bên những chiếc lá từa tựa lá chè có răng cưa viền quanh đều đặn xanh ngăn ngắt, đẹp lạ thường! Một loài hoa li ti nhỏ khác cũng quyến rũ mắt nhìn không kém: hoa Ngâu. Lá và hoa ngâu nho nhỏ xinh xinh. Trái ngâu mầu vàng non, hình thuẫn nhỏ, chín vàng mọng, có cơm mỏng, ngọt dịu dàng, thơm thoang thoảng. Hai chậu hoa ngâu được ông tôi tỉa thành cặp nai ngơ ngác nhìn nhau. Tất cả những cây kiểng được chăm bón công phu ấy luôn tươi mát, ít bị chói chang ánh mặt trời, ngay cả những lúc mặt trời đỏ hồng đôi má, xoi mói nhìn xuống ngàn cây nội cỏ... vì sự chở che tròn đầy của giàn Thiên lý bốn mùa xanh xanh. Những giây hoa thiên lý mảnh mai quấn quít quanh giàn tre quyến rủ đàn ong suốt ngày say hương. Hoa thiên lý nở từng chum xanh xanh mà khi nở trọn cũng chỉ là mầu xanh vàng nhẹ nhàng, dịu mắt và hương hoa cũng chỉ thoang thoảng dịu dàng. Làm sao không nhớ tô canh bông lý nước trong vắt với những cánh hoa be bé xinh xinh, gợi thèm. Bà ngoại nấu canh bông lý với cua đồng (người Huế gọi là con rạm), nước ngọt thanh, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi mãi, mẹ ca tụng món ăn Huế của bà ngoại không ngớt lời... Ngày bé chưa biết thưởng thức. Lớn lên biết cái ngon của "tô canh bông lý" thì đã xa Huế và tìm đâu ra giàn thiên lý thoảng thoảng hương, xanh dịu dàng như ánh mắt trìu mến của bà ngoại?

 

Chim sâu nhỏ, hoa thiên lý xanh,

Hót chuyền cành, hương ngát ngày xưa,

Chuyện ngày ấy mong manh nắng lụa,

Êm tơ trời, em nhớ tôi không?

 

Nhớ hoa lý lại không thể quên Huế luôn có những loại hoa mềm mại ẻo lả, thanh thanh luôn đòi hỏi nương tựa bên giàn tre nhỏ. Hoa leo bám nhẹ thân tre vươn lên mơn mởn, dưới ánh mặt trời ban mai. Giàn Đậu ván của Huế dễ thương với những hoa trắng tím mong manh lung linh trong gió. Cô gái nhẹ tay hái đậu mà thả hồn mơ mộng tận đâu đâu, hái luôn cả hoa lẫn trong quả mà không hay, vẫn là hình ảnh dễ thương chốn vườn quê ngày nào. Có nơi nào được thưởng thức một chén chè Đậu Ngự ngọt thanh, thoang thoảng hương. Hạt đậu ngự mềm thơm, nguyên nửa hạt đậu mầu vàng xanh chín tới trong chén nhỏ với nước đường phèn trong vắt, gợi thèm... vừa đến đầu lưỡi đã tan biến cho vị ngọ lan nhẹ tận đâu đâu. Hoa ấy trái ấy làm nên nét đặc thù của Huế. Đậu nào là đậu Quyên và đậu nào là đậu Ngự để Huế luôn luôn ấp ủ nhớ hoài như một riêng tư trọn vẹn chỉ có với Huế: thanh tao, nhẹ nhàng mà bền bỉ:

 

Huế của nghìn đời quyến luyến

Ngọt ngào mãi hương đậu ngự đang mùa,

Còn dăm hoa nhỏ lưa thưa,

Mầu tím vẫn bồi hồi xao xuyến lạ!

Như muốn hỏi có ai qua,

Mà quên được cả trời hoa lá ấy.

 

Hoa đậu màu tím xanh lát đát hai bên giây đậu thật mảnh mai, lá đối nhau đều đặn, lá đối nhau đều đặn, bò khắp giàn tre quê mẹ, rợp mát vườn rau thơm lá nhỏ mà ngát hương... Lá rau răm đặc biệt nhỏ, dài, ốm, vút nhọn, bén sắc gợi hình ảnh đôi mắt "lá răm" sắc sảo cho cái liếc "dao cau" dạt dào tình Huế mà có dạo nào là tiêu chuẩn nhan sắc để tuyển chọn cung phi mỹ nữ của chốn cố đô. Đã gọi là "rau thơm" của Huế thì phải ngát hương, đậm đà vị thơm ngon cho lát thịt phay ăn với mắm mòi chưng, đặc sản quê Huế; thêm khu vị cho món mít trộn mà nghe mùi răm đã rợi thèml tô cơm hến của Huế làm sao thiếu vị rau thơm Huế bên cạnh sợi bắp chuối, chuối cây xắt rối... và càng không thể thiếu mùi thơm của rau tía tô trên tô dấm nuốc mà phải là "nuốc chưng" mới đúng Huế. Thật đẹp mắt với mầu sắc hài hòa gợi thèm của tô dấm nuốc, bún thật trắng, sợi bắp chuối hồng hồng, dưa gang dòn thái chỉ, những sợi trứng tráng mầu vàng mơ, thịt luộc xắt rối nước trong veo, trên lớp rau thơm xanh xanh là một thìa mè rang thơm lừng, và khi nước dùng cua gạch hồng hồng, bốc khói cho vào tô sau cùng, thì tuyệt! làm sao không nhớ rau thơm của Huế cho được!... Hiện diện trong vườn rau nhỏ còn có vạt rau lá lốt tươi tốt, bên cạnh bụi cây rau Ngót, lá xanh ngăn ngắt, trái mầu trắng nhỏ khiêm nhường len lỏi bên cành. Cây Mồng Tơi, lá mơn mởn... Món canh rau "thập toàn" của Huế là cả một trời thân mật dễ thương "rất Huế": những lát mướp ngọt xanh xanh, thơm thơm, lá ngót, lá sân, lá lốt, lá mồng tơi... đôi lúc thêm vài lát măng vòi, mít non... nghĩa là tất cả rau quả vườn nhà có th họp mặt để cho ta một thưởng thức trọn nghĩa Tình Quê.

Làm sao quên cây Vả vườn nhà, lá to tròn hơn cả lá sen. Cây không to mà quả chi chít dưới gốc. Chỉ một trái đủ làm cho đĩa rau sống ăn với thịt phay hay chiếc Bánh Khoái vàng mọng thêm khẩu vị đậm nét Huế rồi. Chỉ một cây thôi, cũng đủ cung cấp thêm khẩu vị cho bửa cơm quanh năm xứ Huế: vả ăn sống, và kho tôm thịt, vả trộn tôm thịt, muối mè lá lốt, xúc bánh tráng là món gỏi thường thấy trên mâm cơm xứ Huế và cũng là món quà trưa, hấp dẫn vô cùng. Đến xứ người trong khu vườn của người Ý có loại trái cây từa tựa nhưng giống trái sung nhiều hơn, người ta ăn lúc trái chín mềm, ngọt suông, không đậm dà như trái vả: dòn, chan chát ngọt, đặc biệt Huế. Những quả Hồng Quân hay bầng quân mầu đỏ, chín cây cũng hấp dẫn không kém cho khẩu vị trẻ con. Lắm lúc môi trở thành tím đỏ, áo quần đầy vết nâu không làm sao giặt sạch được. Mầu nâu đỏ của trái ví như nước da hồng hào mạnh khỏe của những thiếu nữ mặn mà duyên dáng: nước da bầng quân. Thân cây bầng quân đầy gai nhọn là rào cản cho sự lep trèo nghịch ngợm của tuổi chúng tôi. Loại trái cây có nhựa mủ khác còn có thể kể đến trái Bứa. Bứa vỏ dày, múi nhỏ, kết cấu từa tụa trái măng Cụt. Vỏ bứa có mầu vàng ươm ươm. Mủ trái bứa dây vào tay khó rửa. Múi bứa ngọt nhưng hạt dính chặt vào cơm, không tách ra được mà cắn nhằm vào hạt, vị đắng thấm tận cổ. Cây bứa to cao nhiều cành nên dễ leo. Trái không thuộc vào loại ngon nhưng sao với tuổi học trò đều có sức mời mọc nếm thử. Bứa thua xa với vị ngọt lịm của măng cụt, tên "chữ" là Giáng Châu mà có lẽ chỉ có Huế mới dùng gọi. Giáng Châu, vỏ mầu nâu đỏ, dày, ôm lấy chùm núi trắng muốt, dễ tách rời, ngọt ngào hấp dẫn thèm muốn của trẻ con mà thời xưa như là "trái quí", hiện diện sau bữa ăn như món tráng miệng hiếm hoi mà mỗi một chúng tôi chưa bao giờ được đến hai trái! Một loại trái cây khác cũng có hai tên, trái Bòn Bon. Tên gọi dễ thương dân giả ấy lại là quả Nam Trân ở một nơi nào kiểu cách sang cả. Kết cấu từa tựa trái dâu, vỏ mầu vàng nhung, gần cuống có hình như dấu tay in nhẹ, trăm trái như một. Những múi bòn bon dòn ngọt thơm. Hạt mầu xanh xanh nhìn thấy rõ từ lần cơm trong veo; đặc biệt hạt tách ra dễ dàng chứ không như Dâu dù là dâu Truồi, cơm và hạt không muốn rời nhau bao giờ. Dâu ở Huế có nhiều loại nhưng có một thứ gợi nhớ mãi, không thấy ở vùng nào ngoài Huế, cũng không thấy mọc trong vườn nhà xứ Huế. Hằng năm, giữa mùa hè, người ta bầy bán từng chùm mầu vàng cam rực rỡ, bắt mắt vô cùng. Trái dâu nho nhỏ xinh xinh mọc thành chuỗi dài. Vỏ dâu ghép khít với ba mảnh, chỉ cần búng nhẹ, vỏ tách làm ba, để lộ múi dâu mọng nước, căng tròn, mầu vàng hổ phách ngon lành, vẫn dính vào cành mảnh mai nhỏ và xanh như sợi chỉ làm thành một chuỗi dâu dài, đẹp lạ lùng. Trông hấp dẫn, gợi thèm là thế nhưng khi môi vừa chạm nhẹ, múi dâu vỡ ra thì vị chua... chua đến rùng mình, nhăn mặt, nhắm mắt: Dâu Sặc! Không hiểu tên gọi bắt đầu từ đâu? Có lẽ vị chua vô cùng khiến phải vội vàng nhắm mắt lại, nuốt ực một cái, cô họng khép lại, tạo thành tiếng ho nhẹ làm đỏ viền mắt và hồng cả đôi môi... Vậy mà chuỗi dâu chua cũng hết nhẵn làm "sặc" tuổi nhỏ bao lần bên tiếng khúc khích cười dễ thương vào giờ ra chơi. Quả dâu mọng nước nhắc tôi đến hình ảnh một loại trái mà vị chua chất ngọt không làm tôi nhớ nhiều mà chính những cánh hoa bé nhỏ li ti làm nên kỷ niệm như tên gọi cho riêng tôi "hoa Quê Hương": hoa Khế. Người ta trồng khế thành hàng, thành dãy cũng không có rừng khế. Khế chỉ mọc đơn lẻ cạnh bờ ao, xa xa tận cuối vườn, lắm lúc lặng lẽ như mì soi bóng bên giếng nước cuối vườn. Khế có nhiều loại: chua, ngọt và không chua ngọt lắm như khế thành. Trái khế nhành chín vàng mọng nước. Mơn mởn với năm cạnh no tròn, còn giữ mầu lục tươi trên đều khế. Mầu lục non điểm tựa nhẹ cho toàn mầu vàng ngọt ngào chín tới. Đẹp mắt và gời nhìn làm sao! Khế ngọt có ít nước. Khế chua thì chua quá, chỉ nhiều công dụng cho vại khế "xâm" của bà mẹ Huế quán xuyến, biết dự trữ, khéo léo cho tô canh khế xâm nóng hổi "và" với cây cải non mềm mại xanh non và cay cay, làm ấm lòng trong bữa cơm gia đình giữa mùa đông Huế giá rét... Trong tôi hoa khế bao giờ cũng là loài hoa dễ thương nhất, đậm đà hình ảnh quê hương nhất. Mầu đỏ tím tím của đài hoa bao quanh cánh hoa mầu tắng rất nhỏ có khi chum chúm hình tim hoặc khi nở tròn như những cánh hoa lý lăn tăn thật dễ thương. Chưa kể những lúc đài hoa còn đỡ lấy những trái khế xanh non bé tí tẹo. Tất cả làm nên cành khế có cả lá, hoa và trái phủ kín cọng cây khế cũng mầu tím đỏ sạch bóng như ướt nước. Hoa khế không rực rỡ nhưng nhiều khi rợp cả cây, hoa quá nhỏ đòi hỏi sự nâng niu, nương nhẹ mà phải thật sự chú ý mới thấy hết sự kết hợp tinh tế và hài hòa của trời đất. Mầu tím đỏ làm tươi mát thêm mầu trắng tinh khiết, bên cạnh mầu xanh non dịu dàng của lá, một chùm hoa khế trong tay nâng niu và nương nhẹ, gìn giữ như tình cảm quê hương bằng bạc mà sâu lắng biết bao. Loài hoa đơn sơ nhu mì giữ cả tình tôi với Huế mãi hoài không quên. Không biết có họ với loài khế hay không, một loại trái nhỏ xinh xinh, có nhiều khến như thế, trên cây, trái chuyển đổi nhiều mầu sắc mà mầu nào cũng tươi mát từ khi trái xanh non, ươm vàng và lúc chín đỏ: trái Hạnh Đào. Ngắt một nhánh có lá nhỏ bên trái ươm chín mầu vàng hay đã chín muồi mầu đỏ, phảng phất hương vị ngọt chua chua tựa như nước trái khế. Nhìn từ trenncây mảnh khảnh, nhỏ nhắn, trái hạnh đào như những điểm mầu đẹp mắt nổi bật trên nền lá xanh biếc nơi góc vườn bà ngoại như những sắc mầu tươi đẹp của tuổi thơ... Mùi hương trái hạnh đào nhắc nhớ đến mùi thơm của quả Trần Bì hay hồng bì, trái nhỏ, hình thuẫn, vỏ và cơm mùi thơm thơm vị the the là loài trái giải cảm thời xa xưa của Huế. Trần bì hiện diện trong vườn nhà như một thảo quả thiên nhiên, mọc đâu đó như loại cây dại mà sự khám phá chỉ là tình cờ.

Làm sao quên hàng Thầu Đâu hay tên gọi văn vẻ Sầu Đông dẫn lối vào vườn sau của bà ngoại, chùm hoa tim tím phớt nhẹ mầu trắng nhàn nhạt. Nỗi nhớ lại ùa về, mỗi lần cây Lilac vườn nhà trổ hoa. Lá thầu đâu nhỏ mềm, chỉ nhớ có mỗi công dụng là giúp cô hàng ủ cho những trái xoài luôn tươi với vỏ ngoài mịn màng ươm vàng ngào ngạt hương. Trái thầu đâu mầu xanh trái nho và mầu vàng lúc chín trên cây. Chắc đâu đó trên quê người cũng có thầu đâu nhưng chưa một lần nhìn thấy nên vẫn bồi hồi kỷ niệm xa xưa...

Cả một trời cây trái của Huế như rõ ràng trước mắt. Cái gì thuộc quê Huế cũng gợi nhớ cho tất cả người Huế đi xa. Có chủ quan nhưng biết làm sao khi mọi xúc cảm là tiếng nói từ con tim tràn ngập tình Huế. Huế mình cho dù những khó khăn nhất của khí hậu, đất đá, nắng mưa đều quá độ nhưng người Huế vẫn thấy đó là nét đặc thù làm nên tình nghĩa quê hương không tìm thấy nơi đâu và thừa sức quyến rũ để mãi mãi trọn vẹn trong tim những kẻ xa quê:

 

Hai mùa mưa nắng Quê Hương,

Muôn đời gợi nỗi nhớ thương ngọt ngào,

Con đường lá đổ lao xao,

Mỗi mùa hoa trái hương nào mãi đây.

 

Yla Lê-Khắc Ngọc-Quỳnh