Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

HÀ NỘI TRONG KÝ ỨC

 

PHAN LẠC TIẾP

 

 

Bác tôi là một người hoạt bát, tướng mạo uy nghi, ăn nói dõng dạc. Theo những điều được kể lại thì bác tôi còn là một người có chí khí hơn người. Trong cuốn Hữu Bằng Xã Chí của Sơn Trung Đồ Nhật Tân nói về chí khí của bác tôi như sau: “Làm trai thứ nhất khai quốc, thứ nhì khai mỏ...” Và bác tôi đã khai mỏ than ở Hòa Bình, đặt tên là mỏ than Cao Phong. Và để tiện đi lại, bác tôi còn mở một hãng xe hàng cũng đặt tên là Cao Phong chạy đường Hà Nội - Hòa Bình. Mỏ than của bác tôi, như được nói lại, rất trúng, khai thác rất tốt. Thấy thế, Tây ỷ thế mạnh chiếm mất mỏ than này. Bác tôi đưa đơn kiện từ Tòa án Đông Dương, qua Pháp rồi cuối cùng tới Tòa án Quốc Tế. Cuộc kiện cáo kéo dài bao nhiêu năm, qua nhiêu biến đổi của thời cuộc, đến năm 1949, Tòa án Quốc Tế xử cho bác tôi thắng kiện, nhưng mỏ than ấy ở Hòa Bình đang chìm đắm trong chiến tranh, và lúc ấy bác tôi đã già. Nhận được phán quyết của Tòa án Quốc Tế, bác tôi sai anh Hai tôi đọc và dịch lại, rồi cười xòa. Vẫn theo sự kể lại, ngoài việc khai mỏ, bác tôi đã mở nhà máy sản xuất trà, hầu cạnh tranh với trà Chính Thái bên Tàu. Vì theo bác tôi biết thì người Tàu họ mua trà của người Việt mình ở vùng Thái Nguyên, đem về Hà Nội sao tẩm và đóng bao Chính Thái. Họ muốn bán giá nào cũng được. Người mình lại ưa những thứ của Tàu, nên trà của bác tôi không được dân chúng ưa thích, nên cũng thất bại...Nhưng, vẫn theo sự kể lại, thuở ấy, đầu thế kỷ này, lúc Tây mới qua, sĩ phu Bắc Hà phân tán. Kẻ thì nồng nhiệt nêu lẽ Cần Vương, người thì phát động phong trào Đông Du. Một số người khác thì tương kế, tựu kế, học ngay cái hay của Tây để mở mang dân sinh, đất nước. Thuở ấy, ở Bắc Kỳ người ta nhắc đến việc kinh doanh đường biển của ông Bạch Thái Bưởi, cùng lúc ấy là việc khai mỏ của bác tôi... Vì, dù thế nào, giữa một xã hội lạc hậu, chậm tiến, các cụ đã nhìn thấy sự văn minh của Tây, như câu vè thời ấy:

Thằng Tây nghĩ nó cũng tài

Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.Thằng Tây nghĩ nó cũng sành

Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường.

 

Thật thế, với ngọn dầu lạc lù mù, sánh sao được với đèn điện. Đèn dầu lạc thì le lói, ra trước gió là tắt. Đèn điện thì sáng suốt đêm, sáng cả lúc mưa, lúc bão ở giữa trời. Đi lại, xưa là đi võng, đi cáng, phiền hà diệu vợi. Xe hơi ít người có, nhưng dân chúng Hà Thành có xe điện lanh canh chạy khắp phố phường, phải coi là “Tây nó tài” thiệt chứ. Tiếc là bác tôi sinh bất phùng thời. Trí thì có mà thời thì không. Tuy thế, lúc bé, ở làng quê hẻo lánh, gia đình bác tôi là tượng trưng cho cả một sự thành công. Bác tôi buôn bán giàu có Buôn vỏ từ Nam ra Bắc. Làm đại lý sợi Nam Định để bán lại cho một số tỉnh ở Bắc Kỳ. Với dân làng thì vừa bán chịu sợi để dân làng làm nghề dệt vải. Vải dệt xong lại bán chịu vỏ xó để nhuộm vải thành màu nâu, bán lên mạn ngược và khắp các tỉnh Trung Du. Thầy tôi thì đưa khung cửi máy về làng, cải thiện kỹ thuật dệt vải. Làng tôi các năm 30, 40 phất lên rất nhiều. Nhà ngói xây lên thành nhà Tây hai tầng. Xe đạp nhà nào cũng có mấy chiếc đi lại từ quê ra tỉnh ngày mấy chuyến. Lúc ấy thì bác tôi cho xây lại ngôi từ đường theo kiểu mới, có nhờ kiến trúc sư từ Hà Nội vẽ kiểu. Nhà hai tầng, có hai ban công, từ đó nhìn qua ngọn tre tuốt ra cả Đồng Mát và bao quát khắp làng. Bác tôi cũng cổ xúy đắp lại đường sá và cho lát gạch khắp các lối đi. Nhờ thế từ Hà Nội về quê bác tôi có thể đi xe hơi nhà về tận Ngã Ba. Xe hơi hòm màu tím, đỗ ở giữa làng, mùi ét-xăng thơm lừng. Trong cái tủ ở phòng khách, tôi lục được một chồng sách in quảng cáo về các kiểu ô-tô. Tôi còn nhớ một câu lục bát thế này:Nào ai muốn sắm ô-tô

Tốt thì nhất hiệu Pơ-Giô bấy giờ.Bác tôi thì hoạt bát và kinh doanh như thế, nhưng lại chỉ có một người con trai độc nhất, mà tất cả chúng tôi được gọi là Anh Trưởng. Gọi là “anh”, nhưng anh cũng gần ngang tuổi thầy tôi. Cứ như tôi biết, thì anh được hai bác tôi cưng chiều hết mực, cho đi học trường Tây, nhưng lại chẳng đỗ đạt gì, cả ngày chỉ quanh quẩn với mấy quân cờ tướng, lúc thì nắn nót một vài bài lưu thủy, hành vân qua cây đàn nguyệt. Nhưng cả cờ ca đàn đều làng nhàng, chả có gì đặc sắc. Hai bác tôi buồn. Khi anh em tôi được sinh ra, cũng như anh lớn của bác Hai tôi nữa đều được bác tôi cưu mang, bác bảo “Đứa nào học được cứ ra sức mà học, bác nuôi”. Ý bác tôi mong có con cháu nối cái chí ngang dọc kinh doanh của bác tôi. Trong các con cháu có anh Luông, con bác Hai tôi và anh Hai tôi. Cả hai đều được bác tôi nuôi cho ăn học tại Hà Nội từ bé. Lúc tôi học xong lớp dự bị, được ra Hà Nội ở nhà bác tôi là năm 1945. Nhà bác tôi đông, khách khứa buôn bán tấp nập. Tôi như lạc vào giữa một rừng người, bơ vơ. Tôi lột bỏ cái áo sa đen, để mặc quần xọc, đi giày ba ta, hoặc dép cao su Con Hổ đi học. Chính lúc ấy anh Luông là người để ý đến tôi nhất. Hôm vào lớp học, cô giáo ra một bài luận tả “Hà Nội vào mùa cách mạng”, tôi lúng túng quá. Anh Luông đã giảng cho tôi cách vào bài, cách dàn bài, cách kết luận. Anh bảo, gì thì gì, việc gì cũng phải có đủ các yếu tố nó xảy ra tại đâu, lúc nào, như thế nào... Như câu thơ “Gà vừa gáy sáng rạng đông”, là tả lúc ngày bắt đáu lúc gà gáy sáng, ở nhà quê tôi đã thu thập được lời chỉ dạy ấy, và bài luận của tôi được cô giáo phê là “khá”.Cũng thời gian ấy tôi đã thấy được giữa Hà Nội xa hoa là những người dân từ các tỉnh lũ lượt kéo về và rải rác nằm chết đói ở các hè phố. Tôi cũng đã thấy đoàn ngựa cao, to của Nhật tiến vào Hà Nội. Rồi là quán Tàu kéo sang. Quân Tàu đi trên xe hơi cắm cờ sao trắng, quân Tàu đi bộ, chân quấn sà cạp quảnh gánh, một bên là súng, một bên là quần áo. Quân Tàu đói, phù thủng, lê lết, thật là hèn. Lúc ấy, bọn trẻ con Hà Nội có câu hát, dựa theo điệu của bài Tiến Quân Ca: “Đoàn quân Tàu Ô đi sao mà ốm thế. Bước chân phù lang thang trẽn đường Việt Nam, là sao trắng phấp phới...”. Tôi cũng đã thấy những thanh niên Hà Nội nô nức đi biểu tình, đông nghẹt ở phố Tràng Tiền, tụ họp trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Tôi cũng đã thấy đoàn quân du kích từ chiến khu tiến về Hà Nội. Và từ đó, dân Hà Nội líu lo bài “Nhớ Chiến Khu”:

Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều

Bên đèo tiếng suối reo, đoàn quân réo...Tôi đã thấy quân Pháp từ Hải Phòng, kéo qua cầu Long Biên tiến vào thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 1946. Tôi cũng đã thấy những thanh niên Thủ Đô đội mũ ca-lô vàng, gác ở các đầu phố, trong đó có các anh tôi, bạn bè của anh tôi. Tôi đã thấy Hà Nội sửa soạn tản cư. Dân Hà Nội đục tường từ nhà nọ sang nhà kia để sửa soạn cho ngày toàn quốc kháng chiến. Tôi thấy nhiều quá, và càng lúc càng bị cuốn hút vào những biến động kinh khiếp của chiến tranh. (Các điều ấy tôi đã kể thấp thoáng qua cuốn Quê Nhà, 40 năm trở lại). Ở đây tôi nhớ đến anh Luông, con trai độc nhất của bác Hai tôi. Người đã săn sóc chỉ bảo tôi rất chi li khi tôi vừa từ quê ra tỉnh. Và, giờ đây tôi có đôi phút khả năng diễn tả sự việc, phải chăng tôi bắt đầu từ lời chỉ dẫn của anh Luông tôi.

Anh Luông không cao, có lẽ hơi thấp thì phải. Chân hơi vòng kiềng. Tóc hơi quăn, nói rất là nhanh, và có cái tật là vừa nói vừa lấy tay ấn vào một lỗ tai rung rung, như anh bị ngứa tai lắm thì phải. Lúc ấy, năm 1945, anh đã có gia đình và đã có hai con, một gái và một trai. Cháu trai có tật nói lắp bắp. Anh làm việc tại Viện Đại học Hà Nội. Lương bổng chắc cũng nhì nhằng. Anh đi làm bằng xe đạp, và chị Luông, vợ anh là một cô hàng guốc ngay ngoài cửa chợ Đồng Xuân. Chị cao, gầy, tuy là con gái Hà Nội thật đấy mà răng vẫn là răng đen. Con gái Hà Nội lúc ấy hầu như vẫn chưa lột bỏ hẳn cái áo tứ thân của đồng nội, ăn mặc vẫn nhiều màu nâu hơn là những màu sắc tươi tắn khác, như câu vè lúc ấy:Tân thời chả đáng là bao

Năm xu đôi guốc, một hào đôi hoa.

Con gái Hà Nội đi guốc. Và chị Luông tôi là cô hàng guốc. Phải chăng chị đã đóng góp một cách cụ thể vào vẻ đẹp của con gái Hà Thành. Chị ngồi trước một gian hàng nhỏ, la liệt các kiểu guốc đủ kiểu. Đôi guốc gỗ một, gỗ vông, quai da là của đàn ông chân chỉ. Guốc gỗ, sơn then, phẳng đáy vẫn là của đàn ông, loại đàn ông có ăn có học. Bên cạnh đó vẫn có các đôi dép da trâu cũ, cho các bà nhà quê. Nhưng phần lớn guốc của chị là guốc cho các cô. Guốc cao gót sơn then đen bóng, quai chéo, đóng bằng cái đinh tán lớn, là guốc cho các bà, các cô tân thời. Một vài đôi guốc gót thật là cao, gót nhọn, người ta bảo “gái nhảy mới đi loại guốc này”. Nhưng vui mắt nhất là các đôi guốc cho trẻ con, đủ cỡ, đủ màu. Êm ả như đôi guốc sơn dầu có vẽ hình con cá vàng trong lòng guốc, ấy là guốc cho các cô gái nhỏ, lên bảy, lên mười. Sặc sỡ màu sơn xanh đỏ, quai tím, quai vàng là guốc cho các em còn bé, lên ba, lên năm... Chị ngồi thoăn thoắt, vừa bán vừa cầm cái búa đóng quai vào guốc.Nhát búa nào cũng chỉ một nhát là đinh lút cán, đinh không cong queo. Chị buông búa, lấy con dao to bản và có hình như một quả xoài, chị đưa một đường, phần quai guốc thừa rơi ra ngọt xớt. Lúc ấy tôi mới ngoài 10 tuổi, ra cửa hàng của chị để xem chị bán hàng thì ít mà để chị gọi quà cho ăn thì nhiều. Thấy tôi, chị cười, “ăn bún nhá...” Không để tôi trả lời, chị gọi ngoái ra phía sau, gọi bà bán bún: “Này, cho em tôi một tô bún riêu...” Bát bún riêu cua, loại bát loe miệng, thắt lại ở giữa gọi là bát chiết yêu. Những lọn bún nhỏ, trắng ngần cuốn lại với nhau như những quả trứng, một mảng gạch cua màu nâu được múc khéo léo nằm ngay giữa bát, bên cạnh vài miếng cà chua đỏ nấu hơi nhừ. Vài cọng húng xanh ngắt được bày lên. Bát bún bốc khói nghi ngút. Nước bún thì nóng mà các lọn bún lại lạnh, nên ăn bún vào mùa đông cũng ngon vì thấy được vị ngọt, nóng và hơi cay của nước canh. Mùa hè nuốt lọn bún lạnh vào thấy mát cả ruột Và hàng bún chả nữa. Những gắp chả được lật qua lật lại. Mỡ nhỏ xuống các miếng than hồng, bốc khói bay thơm lừng...

Năm 1946, cả Hà Nội tản cư. Chúng tôi có quê, nên về quê lánh nạn. Tôi thích lắm. Được trở lại quê nhà sung sướng bao nhiêu. Những hôm trời không có trăng, nhìn về Hà Nội một vùng ánh sáng, mà nhớ đến câu hát một thời “Hà Nội mà cháy khói lửa ngập trời”.

Chị Luông tôi từ Hà Nội về quê, có đem theo được một số hàng là guốc đủ loại. Tất nhiên, không thiếu hộp đinh, cái búa và con dao hình quả xoài. Chị đem ra chợ Nửa bày bán. Tết đến, hàng của chị thật đông, bán chưa đến hôm chợ Tết chị đã hết hàng. Vì không có ai làm guốc cung cấp cho chị nữa, chị thu dọn hàng. Nhưng năm ấy, năm 1947, Tết đến, dù là Tết kháng chiến làng tôi rộn ràng tiếng guốc của chị Luông tôi. Tôi cũng có một đôi guốc mới. Nhưng sau Tết, sau những đêm liên hoan đón mừng bộ đội, cả vùng lại rộn rịp lo tản cư. Người thành thị thì lặng lẽ “dinh tê” về thành. Cuộc sống mỗi lúc mỗi thêm khắc khổ và lo lắng. Anh Luông tôi thì ở lại Hà Nội chiến đấu “quyết giữ Hà Nội thủ đô ta”. Nhưng mấy tháng sau, anh cũng như các thanh niên thuộc trung đoàn Thủ Đô đã bỏ Hà Nội. Anh Luông tôi đã về lại được quê gặp được vợ con. Anh lại ở ít ngày rồi lại phải “theo anh em đi công tác”. Chị Luông tôi và hai con và bà cụ thân sinh ra chị sống giữa làng Nửa mà lo lắng, bơ vơ. Guốc đã bán hết, lấy gì mà sống. Một đêm, tôi thấy chị thổi cơm thật khuya, nắm lại. Quần áo buộc lại gọn gàng vào mấy cái bị. Và sáng ra, lúc tôi tỉnh dậy, nhà đã vắng. Tôi biết gia đình chị đã lặng lẽ dinh tê về Hà Nội.

Gia đình chị đã về Hà Nội, còn anh Luông tôi thì đi biệt tăm. Cuộc chiến mỗi lúc mỗi gần. Rồi Tây về càn quét. Rồi du kích đêm đêm bắc loa kêu gọi mọi người đi đào đường để cho xe tăng địch khỏi đi lại được. Rồi các người khả nghi bị giết. Tiếng súng lẻ loi ban đêm. Những ai có máu mặt, có uy tín một chút là sợ hãi, chưa biết khi nào du kích đến bắt đi. Một hôm anh Luông tôi ở đâu về, cùng với mấy người bạn nữa. Người thì có cái sáo, người thì có cái kèn Harmonica, người thì có cái đàn Mandoline. Tất cả đều là thanh niên Hà Nội, và trong đó có một chị, tóc cắt ngắn, mặc áo nâu nhưng thắt chẽn ở lưng. Họ về, Thầy tôi bảo làm cơm đãi. Ao cá trước nhà, ban sáng cá nổi lên bóp bọt. Lấy cái lưới xúc lên. Con thì rán, con thì nấu với khế chua và thì là. Họ ăn vui lắm. Cơm xong, các người khác đi ra đình làng để sửa soạn cho buổi nói chuyện và liên hoan ban tối. Anh Luông tôi ở lại, nằm đắp chăn lên cơn sốt. Cơn sốt xong, anh lại tỉnh như không. Thầy tôi gọi anh lên nhà trên, nói với anh điều gì đó, tôi không biết. Nhìn vẻ mặt hai người lúc đi ra hiên, tôi chắc là không vui. Thầy tôi vào gian bên, mở tủ ra, lấy lọ thuốc ký ninh màu vàng, đưa cả cho anh và nói: “... ấy là chú thấy thế thì nói thế. Anh nên suy nghĩ cho kỹ. Thời buổi nào thì cũng lấy nhân nghĩa làm trọng. Chứ cứ như thế này... thôi, chú cho cả lọ thuốc này, cất đi mà dùng. Nhớ là khi phải dùng đến nó thì nhớ đến lời chú nói mà về...” Anh Luông tôi cầm ống thuốc, cất vào túi áo trong “cám ơn chú”, rồi lấy ba lô đi ra đình. Anh đi lặng lẽ, buồn bã, bước những bước lặng lẽ từ cổng trong tới cổng ngoài. Trước khi rẽ mặt ra đường cái, anh dừng lại, ngoảnh lại nhìn tôi, anh đưa tay vẫy vẫy, rồi bước đi. Tôi đứng đó rất lâu. Khi nhìn lại, tôi thấy Thầy tôi vẫn đứng ở trước hiên nhà, vẻ mặt lặng lẽ. Không hiểu sao trong tôi lúc ấy bỗng trống vắng thế nào. Và đó là hình ảnh cuối cùng tôi có với anh Luông. Anh, sau đó, nghe đâu đi vào mặt trận Hạ Lào, và không bao giờ về nữa. Không biết anh có dịp dùng đến các viên thuốc ký ninh quý hiếm mà Thầy tôi đã để dành cho anh?Như bao nhiêu thanh niên thời đại, anh Luông đã vì yêu nước mà ra đi. Bao nhiêu người đã ra đi và chẳng trở về. Làng tôi sau đó phải trải bao nhiêu là cay đắng, tang thương. Tôi lớn dần lên và trở ra Hà Nội học lại. Chị Luông tôi lại là bà hàng guốc ở cửa chợ Đồng Xuân. Mỗi lần đến thăm chị, tôi không còn dám ngồi ăn bún nữa, mà chị cũng chẳng mời nhiều. Chị đã coi tôi là người lớn.  Chị khi vắng khách có hỏi tôi: “Từ quê, em có tin gì của anh không...” Chị thở dài buồn bã... “Anh đi như thế đã mấy năm.”

Rồi cuộc chia đôi đất nước. Bao nhiêu người đi Nam, chị, gia đình chị không đi. Chị chẳng yêu gì Cộng Sản cả nhưng chị muốn chờ anh Luông tôi. Chị ở lại. Và chúng tôi đi Nam. Thấy chúng tôi đi, gia đình nhà bác tôi đi, chị bồn chồn, chị nói trong nghẹn ngào... “Anh Luông, anh Luông sao mà chẳng có tin tức gì vậy... anh có về không?” Chị ở lại, những người kháng chiến trở về. Những thanh niên của Hà Nội. Bạn bè của anh tôi lần lượt về. Kẻ còn người mất. Nhưng anh Luông tôi thì không bao giờ về nữa. Anh đã bỏ mình đâu đó trên đường đi Lào. Nỗi thất vọng của chị Luông được gửi qua mấy dòng bưu thiếp vào Nam, rồi thôi. Chị trở thành góa phụ của một chiến sĩ văn hóa đã bỏ mình trong cuộc chiến kháng Pháp. Cháu tôi, thằng Khang dù chẳng mong muốn đã được là con của người chiến sĩ đã hy sinh ấy. Trong gian khổ và đắng cay, thôi thì được cái gì hay cái đó. Suốt mấy chục năm qua, và qua một cuộc chiến mới, cháu tôi đã lớn lên, cháu đã được những gì đã phải làm những điều gì? Bây giờ, sau hơn 40 năm xa cách, khi cuộc chiến đã tàn, tôi đã trở lại miền Bắc đã thăm lại Hà Nội, thăm lại làng xưa, người cũ. Tôi nhớ đến anh Luông. Dù đã được người này, người khác nhắc nhở: “Chú nên ý tứ. Dù gì thì Khang, con anh Luông cũng có chút chức phận, là Đảng viên...” Người khác nói: “Giờ thì khác, đã khá, có lúc buồn lắm. Dãy nhà thờ đấy, chia năm xẻ bảy. Từ cái bát hương đến câu đối, thôi thì tranh giành, chia chác đến đau cả ruột...” Biết thế, tôi vẫn muốn đến thăm chị Luông và Khang. Dù thế nào chị ấy vẫn là chị tôi, Khang vẫn là cháu tôi.Gia đình chị ở ngoại ô Hà Nội, trong một khu mà sau khi rẽ từ đường lớn, chúng tôi đi vào những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo bên các ao bèo và rác bẩn. Một căn nhà ngói khá tươm tất, đấy là nhà của Khang. Nhà vắng, Khang không có nhà. Anh em tôi đi qua một cái sân nhỏ, vào nhà sau: “Chị Luông ở đây...” Vén bức mành mành lên, mắt tôi hoa lên, chưa nhận được rõ, nhưng tôi nghe có tiếng hỏi: “Ai, ai đấy?” Đúng là tiếng của chị Luông. Cùng lúc ấy, mắt tôi đã thuần với vẻ u tối trong căn nhà, chị Luông vén tấm màn nhìn ra. Chúng tôi khựng lại, khựng lại bao lâu tôi không biết. Rồi tôi lên tiếng trước. “Chị Luông, em đây, em từ Mỹ về thăm nhà, đến thăm chị đây...” Chị Luông vén làn tóc xõa, mở to mắt rồi kêu lên: “Trời ơi! Em, em về thật à...” Chị lần ra mép giường, rồi tiếp tục kêu lên: “Trời ơi, sướng quá, phúc đức quá, bao nhiều năm xa cách...” Hai anh em tôi kéo cái ghế nhỏ ngồi đối diện với chị. Tôi lấy bao thư, trao chị chút quà. Chị cầm lên, nhìn thoáng qua rồi bỏ xuống bên cạnh giường. Chị lại nói: “Trời ơi, phúc đức quá...”, rồi chị bỗng bưng mặt và nức nở. Nỗi xúc động của chị òa vỡ và tuôn chảy bồi hồi. Một lúc lâu chị buông tay xuống vén lại mái tóc lòa xòa. Chị cười, chị nói: “Anh chẳng về, chẳng sống mà về... “ Rồi chị lại nức nở: “Biết thế tôi đã đi Nam, đã đưa cháu đi Nam...”Rồi chị ho sặc sụa, như lộn cả ruột gan lên, và vẫn dàn dụa nước mắt. Tôi cầm bàn tay chị. Bàn tay nhăn nheo và sần sùi, khô cứng. Tôi nói từ tốn: “Số kiếp cả. Em đã mấy phen tưởng chết. May còn sống được...” Chị ôm ngực, như cố trấn áp cơn ho, cơn đau. Tóc xõa ra che kín cả mặt. Một hồi lâu chị ngồi yên lại và chị nhìn tôi, cười. Nụ cười lệch lạc. Chị bảo: “Thế hôm nay nghỉ à...” Tôi hơi choáng váng và băn khoăn thấy chị nói thế. Chị lại nhìn tôi, cười, chị bảo: “Này, ăn bún nhá. Bún mới ra đây. Để chị gọi bún cho em ăn. Bún nhà nhất chợ Đồng Xuẩn đấy...” Rồi chị cười hả hả rồi chị ho. Mắt chị lạc thần. Chị lại tiếp tục nói lâm nhâm, tôi nghe câu được, câu chăng... “Anh cũng sắp về rồi đấy, em ạ...” Anh em tôi lùi ra một chút, và biết là chị vừa mê sảng.Giữa lúc ấy thì Khang về. Khang nhạy vào, vừa hốt hoảng, vừa bỡ ngỡ nhìn chúng tôi, và lễ phép thưa: “Thưa hai chú, tới thăm mẹ cháu. Có nghe chú về, cháu chưa lên chào, chú đã đến. Xin chú thứ lỗi cho chúng cháu...” Bao nhiêu năm xa cách, đứa nhỏ rụt rè, nói lắp, con của anh Luông tôi, giờ là một vị trung niên râu tóc hơi dài, má cao, da đen nhơm nhớp mồ hôi. Khang mời chúng tôi lên nhà. Vừa lúc ấy vợ Khang cũng vừa về đến. Chưa vào đến sân đã thấy tiếng chị tất tả chào. Khang giới thiệu vợ anh với chúng tôi. Qua tuần trà nước, tôi có nói: “Cháu ra sau xem mẹ cháu ra sao. Nhớ là chú có chút quà để trong bao thư trong giường mẹ cháu.” Vợ Khang tất tả đi ngay. Một thoáng đã trở lại, trên tay cầm bao thư. Chị nói: “Chú từ bên Mỹ về, xa xôi, tốn kém quá lại còn cho mẹ cháu quà…” Tôi đảo mắt lên tường, lác đác một vài cái bằng khen, đỏ lòe màu cờ. Tôi nhìn lên bàn thờ. Đôi cây nến chơ vơ. Hình anh Luông tôi ở giữa. Đúng là anh. Tấm hình này lúc bé tôi có thấy: Anh mặc áo vest trắng, thắt cà vạt đen, ngồi nghiêng người chồm ra phía ống ảnh, hơi cúi cúi nên mắt ngước lên. Rõ nhất là làn tóc rợn mấy lớp, kiểu của con trai Hà Nội năm chục năm qua. Tôi nhìn rất lâu. Tôi muốn thắp một nén hương lên bàn thờ anh, muốn nói với anh vài lời, nhưng không hiểu sao tôi lại ngần ngại, lúc ấy thì Khang đang cúi xuống rót nước. Tôi nhìn thấy cả làn tóc trên mái đầu Khang, tuy có rối và khô nhưng rất giống mái tóc trên tấm ảnh của anh Luông tôi trên bàn thờ. Tôi nhìn ra sân. Mảnh sân gạch cũ. Mấy chậu cây khô ít được săn sóc. Và cuối sân là bức tường vôi long lở. Có tiếng con chim sáo thảng thốt ở đầu hồi. Lòng tôi như lạc đi, như vừa tìm thấy một thời khắc nào xa cũ lắm. Tôi nhớ đến anh Luông quá. Khang cất tiếng mời tuần nước thứ hai. Tôi hỏi qua về gia cảnh. Khang thưa “... Dạ thì nhờ bố cháu mất, chúng cháu cũng được có đôi chút hơn người. Cháu đi làm. Vợ cháu cũng đi làm, lại tranh thủ mở được cửa tiệm nhỏ nên cũng đỡ vất vả…” Anh Cả tôi chen vào “Là hai anh chị đều là Đảng viên nên con cháu gái lại được đi Nga học. Cháu học giỏi lắm, học về văn chương Nga, sắp tốt nghiệp trở về...”

 

Mấy hôm sau, vợ chồng Khang lên chỗ tôi tạm trú thăm vợ chồng tôi. Cả hai ăn mặc chỉnh tề. Chồng thì mặc com-lê cà-vạt. Vợ mặc áo dài. Lúc đến nhà anh Cả tôi, như đã hẹn, tôi đi chơi chưa về kịp, cả hai vợ chồng vẫn ngồi đợi cả giờ. Tôi xin lỗi về sự trở về chậm trễ này. Khang nói, cẩn trọng: “Thưa chú thím. Chú thím về thăm Tổ Quốc và bà con thật là quý lắm. Chú thím đừng ngại gì cả, xưa khác, bây giờ khác. Hơn nữa, dù thế nào cháu vẫn là con của bố cháu, là cháu của của chú...” Mọi người cười vui. Khang lại tiếp lời: “Giờ đất nước đã đổi mới, nước ta và nước Mỹ đã có bang giao. Biết đâu có khi chúng cháu lại được qua công tác bên Mỹ, và sẽ có dịp được đến thăm chú thím và các em...” Mọi người lại cười và có ai nói: “Thật đấy. Biết thế nào được...” Vợ chồng tôi chỉ cười vui, đưa đẩy câu chuyện. Đã biết lời phát biểu của Khang rất có thể xảy ra thật, mà tôi vẫn chột dạ, lo lắng thế nào. Khang cười, nói như có vấp váp, nhưng có đôi chút lôi cuốn, phảng phất giọng nói của anh Luông. Tôi cười và nói: “Thôi thì gặp nhau thế này đã là quý lắm. Bao năm chiến tranh tàn khốc quá. Sống được là may. Nay lại được gặp nhau, được nhìn nhau thế này... Thôi hãy biết thế...”

Chúng tôi tiễn vợ chồng Khang ra về. Hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe gắn máy. Lúc Khang dắt xe ra lề đường, cúi xuống đạp máy, rồi ngẩng lên, lấy tay gãi gãi vào mái tóc bên tai, giống hệt như anh Luông ngày nào. Tôi nhìn ra, Hà Nội buổi chiều, những mái nhà đen thẫm, ngói lô xô, một mảnh trời vàng rực. Một làn gió đâu đó thổi tới thoảng chút hơi lạnh lúc ngày sắp tắt. Lòng tôi bàng hoàng. Tôi nhớ đến anh Luông quá đỗi. Anh nằm xuống ở góc rừng nào. Trong những ngày đau ốm trên đường hành quân, anh chắc đã dùng đến các viên ký ninh mà Thầy tôi đã cho. Anh đã nghĩ gì, đã nhớ gì đến lời căn dặn, anh đã nghĩ gì đến vợ con...