Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

ĐÀ LẠT

NIỀM THƯƠNG, NỖI NHỚ

 

KIÊM THÊM

 

 

NHẠT NHÒA TRONG TRÍ NHỚ:

Không biết bây giờ người em gái Đài Lạt còn nhớ đến tôi không? Còn có bâng khuâng khi hoa Anh Đào nở rộ, hay ngây ngất trước đóa lan rừng, tìm quên bên hồ Than Thở? Những người em gái Bùi Thị Xuân, màu áo thiên thanh, má ửng hồng, áo đan khép nép, một thoáng yêu thương vừa chớm nụ, đã đam mê "theo chồng bỏ cuộc chơi".

Và rồi Đà Lạt, còn có những chiều về chầm chậm, chuông chùa Linh Sơn vang tiếng kinh cầu, hay chỉ còn biết xót xa để quay nhìn lại Giáo đường im bóng?

Đà Lạt: Thành phố buồn.

Ở đây, đồi núi chập chùng, lối đi quanh co muôn vạn nẻo. Những lối mòn dẫn vào trong láng, trong "buôn" để đắm say nhìn nàng Sơn nữ ngại ngùng nhìn về Phố Thị. Đà Lạt có những chiều cuối tuần xuôi ngược, nôn nao tìm về một điểm hẹn hò, một giây phút gần gũi yêu thương, hay ngỡ ngàng trước một lời giã biệt.

Đà Lạt: Thành phố Tây phương. Những cô gái khép nép sau những ô cửa nhỏ, dáng dấp yêu trong lứa xuân thì, những chiều trốn học để dìu nhau trên đồi Monaine de Marie. Đà Lạt những đêm đốt lửa rừng; ngồi kề bên nhau tìm hơi ấm bên bếp lửa hồng, rồi hát vang giữa rừng khuya, chào mừng một Tráng sinh vừa lên đường, hay một thiếu nữ vừa tuyên lời hứa.

Một sáng khi tôi trở lại Đà Lạt một trời nở hoa: Hoa ty gôn, hoa Pensée, hoa Mimosa, hoa bâng khuâng, hoa tỷ muội, những giàn hoa thiên lý. Những chồi hoa lan đượm màu Vương giả trong những câu chuyện thần kỳ. Những đóa hoa rừng tưởng chừng như hồn hoa Thạch Thảo. Hoa anh đào những độ xuân về, màu rực rỡ "như môi hồng người mình yêu"...

Đà Lạt bây giờ chỉ còn những nhạt nhòa, lãng đãng trong tận cùng trí nhớ. Hồ Than Thở, rừng Ái Ân, vườn Bích Câu, đồi Kỳ Ngộ. Cô sinh viên Đại Học Chính Trị hay chàng trai Võ Bị Liên Quân. Chiều tím hay thung lũng hồng. Những thoáng ngất ngây nhìn "mắt em dìu dịu buồn Tây phương" hay mấy lần lạc loài nhìn lại "phố núi cao; phố núi đầy sương; phố núi cây xanh; trời thấp thật buồn..."

Cuối cùng, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Đà Lạt là điểm cuối cùng của cuộc hẹn hò, và cũng là điểm khởi đầu của một tình yêu. Vì rằng khi khởi công tạo dựng nên thành phố lý tưởng nầy, người khai sinh nó, cũng đã chán ngán một câu chuyện tình của chính mình: Bác sĩ Yersin. Chuyện tình giết người trong mộng bên hồ Than Thở. Từ đó, Đà Lạt trở thành chất diễm tình cho khách lãng du khắp bốn phương trời. Không thể nào và không bao giờ đánh mất thành phố thần kỳ nầy trong niềm thương, nỗi nhớ.

 

KHỞI ĐẦU LÀ MỘT TÌNH YÊU:

Khi người tây phương đặt chân lên đất nước nầy, ghi lại những vết tích đầu tiên, thì đã khởi sự bằng những câu chuyện tình: lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và Hồ Than Thở ở Tây Nguyên. Sự lựa chọn các vẻ đẹp thiên nhiên, đầy thơ mộng, để điểm trang cho những câu chuyện tình sử của mình, thì âu cũng là duyên tiền định.

Thật ra, trên bước đường Nam tiến phiêu lưu của dân tộc ta, vùng trời Đà Lạt vẫn còn là miền đất xa lạ. Núi rừng hoang vu; quanh năm mây mù giăng mắc. Đâu đây, chỉ lác đác vài thôn ấp nhỏ, mấy chòi tranh thô sơ, và đóa lan rừng khép kín. Vào thời kỳ đó, đất Cao Nguyên vốn dĩ là trú xứ của một viên tù trưởng lừng danh (tên là Yagut); thôi thì tha hồ biên thùy một cõi hiên ngang, đội trời, đạp đất, thỏa chí bình sanh. Và con người đó đã cầm cân nẩy mực, gây sóng gió ở Tây Nguyên trải nhiều thế hệ, "gươm dần nửa gánh, non sông một chèo"

Mãi đến mùa thu năm 1897, thì mọi chuyện đã đổi thay. Đà Lạt cũng bắt đầu tạo dựng lên từ ấy. Khi nhà thám hiểm, cũng là một y sĩ tài ba, ông Yersin đặt chân đầu tiên đã suy nghĩ nhiều đến việc khai thác vùng nầy: Chủ đích của ông ta: Vừa lập thành một địa bàn chiến lược Tây Nguyên; lại vừa ước mơ khai khẩn vùng đất phún thạch phì nhiêu. Ông ta mang theo một người yêu, nữ hầu tước Luxemburg, như hình với bóng. Khi người con gái quá mệt mỏi trong tình trường, thì chỉ mong sao, có nơi an nghỉ thật êm đềm, sau những chuyến viễn du. Và Đà Lạt là nơi lý tưởng. Nàng đã thỏa nguyện. Đà Lạt ra đời, từ huyền thoại đó. Thực ra, Đà Lạt vẫn còn nhiều hấp lực lạ kỳ. Vào thời đó, viên toàn quyền đầy tham vọng, Paul Doumer, với tầm nhìn xa, đã suy nghĩ đến chương trình khẩn hoang lập ấp. Ông nhanh tay tạo dựng hai cơ sở chính: đài khí tượng và vườn ươm cây. Một đường giao thông huyết mạch nơi Đà Lạt với vùng hạ du, xuyên qua đèo Ngoạn Mục. Đà Lạt như một cô gái xuân thì, thu hút bao nhiêu cặp mắt xanh. Tây Nguyên cũng bướm ong từ độ ấy. Người phương Tây thường có lối nhìn nhiều tham vọng, khi viên toàn quyền Paul Doumer bị thu hút vì núi rừng Tây Nguyên, thì ông ta nghĩ đến chuyện về lâu về dài: Lập căn cứ, xây dinh thự, sau cùng là thiết lập cơ sở hành chánh địa phương. Thành phố đã an bài!

Đà Lạt bắt đầu điểm xuyết nhiều cảnh trí nên thơ: hồ Than Thở, rừng Ái Ân, vườn Bích Câu, đập Suối Vàng. Và trong cái bàng hoàng, thảng thốt của rừng cây nội cỏ, những khúc tình ca cũng đã bắt đầu:

Ai đó làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy, nước hồ reo,

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem người giải nghĩa YÊU.

Cũng từ độ ấy, rừng Đa Mê thêm nhiều vườn hoa lan; phi trường Liên Khương dập dìu ong bướm. Sau đó, hồ Xuân Hương, thác Gougah, ghềnh Pongour, thật đã rào rạt chất trữ tình, khiến nhiều kẻ đắm mê "Nắng lên nhẹ, làm hồng môi em. Mắt em buồn, trong sương chiều anh thấy đẹp hơn."

Đà Lạt đã không dừng chân tại đó. Nơi đây đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm văn hóa, vùng trời văn học, nghệ thuật. Đà Lạt là nơi đào tạo những nhân tài đất nước về chính trị, về quân sự, về văn hóa. Đà Lạt cũng là bối cảnh của những thời kỳ trên sóng, dưới nước. Khi chính trị cuồn cuộn ở thủ đô. Những giây phút đó rồi cũng chóng qua, theo màu thời gian, để rồi trả lại Đà Lạt cho những cặp tình nhân, mộng mơ, hẹn hò, hoa bướm...

 

ĐÀ LẠT, THIÊN ĐƯỜNG CỦA KỶ NIỆM:

Khi Hàn Mặc Tử viết "Đà Lạt Trăng Mờ", để cố tìm về những nỗi xao xuyến ảo huyền đang quyện lấy hết sức cả một vòm trời thơ mộng vùng Tây Nguyên, thì cũng sực nhớ ra rằng: Mỗi một cành liễu rũ, mỗi giọt cơn sóng gợn, mỗi giọt sương khuya ở nơi đây, tất cả đã gói trọn một thứ yêu thương liêu trai, điên loạn.

Khi Nguyễn Thị Hoàng đắm say ôm chặt lại "Vòng Tay Học Trò", đam mê những phút thật cuồng si, xác thịt, bất chấp hết cả thị phi, bỉ thử; bất chấp mọi tiếng bất tiếng chì, thì cũng chỉ mong sưởi ấm lại con tim từng nồng cháy không chút dối gian, kiểu cách; điêu ngoa! Đời như mây khói: Uncertain sourire!

Khi Hoàng Nguyên đã nỡ bỏ Đà Lạt ra đi, với bao nhiêu khắc khoải, xót xa, thì cũng mong sao "Ai lên xứ Hoa Đào" ngày xưa của mình, để cố tìm lại nét diễm kiều, mắt môi của người mình nhớ, mình thương. Đà Lạt vốn là chất trữ tình. Người con gái Đà Lạt đã mơ mộng gì? Sau cái dáng hình khép nép đó? Hay là, chỉ ghi lại những vết hằn năm tháng của mong chờ, cuồng hận, si mê.

Khi Phạm Mạnh Cương tự mình ẩn dấu trong "Thung Lũng Hồng", sống tạm dung nơi núi rừng rét mướt, là cốt tìm lại những ai cùng "lận đận bên trời một lứa". Trước sau gì thì Đà Lạt cũng vẫn là vùng trú ẩn an toàn thật ấm nồng, thật say đắm cho những đôi tình nhân, sau khi đã trải qua bao nhiêu hệ lụy, ngược xuôi của cuộc đời?

Và cứ như thế, mà không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật dựng lên ròng rã mấy chục năm qua, cái bối cảnh Đà Lạt bao giờ cũng là "Thiên đường của hạnh phúc."

Một người bị tình phụ rồi ư? Một thiên tình sử não nùng, đắng cay ư?

Muốn lãng quên đi, thì hãy về chốn thiên thai ở Tây Nguyên, như Lưu Thần, Nguyễn Triệu?

Suốt ba chục năm chiến tranh ròng rã, bom đạn đã cày nát trên khắp cơ thể của đất nước, nhưng Đà Lạt vẫn cố lánh xa những lằn tên, mũi đạn, những cuộc tranh chấp thế nhân, những trò huyễn hóa tầm thường nhân thế, để nuôi dưỡng cho kỳ được cái dáng dấp thơ ngây, cao sang, kiểu cách cố hữu của mình. Và cũng chính thế, mà những chuyện đấu tranh, sóng gió dày xéo lên nhau, trong cảnh hý trường đa đoan, nếu trong chúng ta, có một ai nuôi cái tham vọng dựng lên cái bi kịch đó trong khung cảnh rừng núi nầy, thì đó chỉ là những trò hí lộng thật nhạt nhẽo, vô duyên. Phải trả Đà Lạt cho những nét kiêu sa, đài cát của nó. Phải nuôi dưỡng Đà Lạt bằng những huyền thoại yêu đương, cũng như cưu mang những nét đẹp Tây Phương rạng rỡ trên duyên dáng của nó. Như một thiếu nữ đoan trang, như người con gái ở lầu hoa, thì dù cho bao nhiêu mưa gió thế nhân, thì Đà Lạt muôn đời vẫn còn dáng dấp, hình hài khuê các.

Thực ra thì con người Đà lạt không ôm nặng cái nỗi niềm hoai cổ, thê lương, quyến luyến quá khứ, như trí thức kinh thành Thăng Long; cũng không hệ lụy những thứ kiểu cách khép kín, cổ tục, như các nàng thiếu nữ ẩn mình trong kinh thành Huế; lại càng không có những lối sống ồn ào, náo nhiệt, lan vào mưa gió cuộc đời, như con người Saigon hay chan hòa sức sống khỏe khoắn, tươi vui của miền Thùy dương cát trắng; hay nói cho đúng ra, Đà Lạt là sự tổng hợp thật khéo léo tài ba, nhuần nhuyễn của bao nhiêu chất liệu, trên khắp nẻo đường đất nước thân thương.

Thậm chí lại có người bảo: Đà Lạt vốn không quá khứ; không làm gì có những di sản tinh thần; cũng không bén rễ từ một khả năng tiềm ẩn nào; thế nhưng, trong sức hút khách viễn du, từ bốn phương, tám hướng, thì Đà Lạt đã tự tạo cho mình một niềm san sẻ đồng đều, nối liền quá khứ với tương lai giữ gìn mãi trong vĩnh cửu, miên trường của dòng năm tháng.

Bao nhiêu tâm hồn nhàu nát, chỉ mong trở về Đà Lạt trong một sớm, một chiều nhưng đến nơi rồi lại khôngchịu đựng nổi cái khung cảnh ảm đạm, thê lương mà vội vã ra đi. Đến hay đi, thì Đà Lạt vẫn là chất dinh dưỡng cần thiết của tâm hồn con người, từ vạn nẻo.

Dìu nhau bên vườn Bích Câu; tìm hơi ấm bên nhau cạnh hồ Than Thở; kể chuyện ân tình ấm lạnh bên thác Cam Ly; nép kín bên nhau trong góc Giáo đường, ôi một trời thánh thiện khắp bầu trời mưa giăng mau khắp Đà Lạt. Những thứ đó không đãi đưa, không thần thoại, mơ hồ, vì cảnh trí Đà Lạt tự nó đã tạo cho mọi tâm hồn cái bản sắc lãng mạn nên thơ, tuyệt sắc. Một chuyện tình xảy ra bình thường tại một địa phương hướng khác, nhưng khi đã đưa nhau về sống những chuỗi ngày tại Đà Lạt thì vẻ kiều diễm lại thiết tha hơn, mặn nồng hơn. Thật khó lý luận nổi; cũng không chứng minh nổi:

"Ai đem phân chất một mùi hương,

hay bản cầm ca, tôi chỉ thương"

Trong cái khuôn thước chừng mực của thành phố trong bao nhiêu tháng ngày vừa qua, mãi cho đến hôm nay, không một ai có thể nuôi tham vọng nào để thay cái cung cách hồn nhiên của thành phố. Thành phố của những trường Chánh trị, trường Võ Bị, trường Đại học Kinh Doanh; thành phố của của cô gái tóc thề, đôi má hồng, nụ cười tươi; thành phố mang âm hưởng của nét đẹp tây phương. Thành phố của đồi thông, núi rừng, suối ghềnh, hoa thơm cỏ lạ, thì càng không thể nào khoác lên một lớp áo lố lăng, xa lạ được!

Chính những thứ vừa nói đó, đã mang theo những hấp lực lạ kỳ, lôi cuốn người muôn phương, và lưu lại trong mỗi đáy sâu tâm hồn trĩu nặng của chúng ta vô vàn luyến tiếc. Con người Đà Lạt thường có những ước mộng bình thường, thật đơn sơ, đôi khi đượm đôi chút trữ tình, dấu vết của rừng cây, nội cỏ.

Và dù cho những giận hờn, mất mát, cả đến những đau thương đi chăng nữa thì những câu chuyện tình, những nét yêu thương, những chuỗi ngày thơ mộng trên vùng trời Tây Nguyên này vẫn giữ được những nét kêu sa, duyên dáng, xinh tươi của nó. Thiếu mất đi, như đánh mất đi cả tâm hồn mình.

 

MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ MỘT THỜI ĐỂ CHẾT:

Đà Lạt có những ngày cuối tuần diệu vợi. Cuối tuần cho những chàng trai trường Võ Bị, hay Chính Trị Kinh Doanh. Cuối tuần cho những người em gái Bùi Thị Xuân, Couvent hay Việt Anh, Trí Đức? Những lần ngỡ ngàng đứng trước ngõ người yêu mà bâng khuâng, chờ đợi. "Mời anh vào, mẹ em nhắc anh hoài". Thôi rồi những chàng trai đã thực sự bị mê hoặc vì những đôi má ửng hồng. Màu hồng của thần thoại, liêu trai. Màu hồng của diễm ảo, hoang đường. "Mẹ em mời anh ly rượu mận, cho ấm lòng nhau" Rồi ta đưa nhau xuống phố, như dìu nhau về đến bến bờ yêu đương... Chuyện tình xảy ra như thế. Và dù cho ở góc độ nào đi chăng nữa, những ngày cuối tuần nơi đây vẫn là thời gian dành riêng cho những tuổi lứa đôi, dành riêng cho khách chung tình. Thì dù cho mưa có lạnh, gió có hắt hiu, tình vẫn nồng nàn.

Đà Lạt có những chiều tan trường về rộn rịp. Tiếng guốc gõ ròn tan trên dốc chùa Linh Sơn, một thứ âm thanh cực kỳ rộn rã, vui như tuổi vừa chớm yêu thương. Những em gái Bùi Thị Xuân, thoáng hiện qua màu áo thiên thanh "thơ ngây ngày nào; chìm khuất trong mưa, mưa bay dạt dào" mất dần trong làn sương chiều, nhạt nhòa khói sóng. Đưa em về cuối ngõ. Ngần ngại nhìn em khi nói câu chia tiếng. Rồi từ đó, chuyện tình cũng lớn dần, nở ra theo màu thời gian, hay đã chết dần theo năm tháng? Và một sáng tinh khôi nào đó, người con gái mới chợt thấy rằng: Mình đã yêu. Hoa vẫn đẹp, nắng vẫn nồng, và tình vẫn tha thiết, cuồng si... Những buổi chiều như thế vẫn diễn ra; những bước chân lãng đãng "anh theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài" sẽ kết thúc làm sao đây?

Đà Lạt có những mùa hè rực rỡ. Ngày hè, chen chân nhau, hò hẹn nhau đến nơi đây, cốt là quên đi những chuyện nhân tình ấm lạnh; đến đây để lãng quên đời, để tiêu sầu nhân thế! Dỗi hờn rồi cũng phôi pha. Hận thù rồi cũng chóng vánh.

Nắng Đà Lạt vừa đủ hanh vàng; mưa gió rồi cũng vơi đi; và người yêu cũng vừa trở lại. Mùa xuân trên đỉnh non cao, quả thật đẹp như bức tranh thủy mạc, chỉ cần vài nét chấm phá thôi, sông núi cũng đã đổi màu.

Bây giờ thì những chuyện đó đã tan biến trong hư vô, hay chỉ còn đôi lứa qua ảo giác của mình. Những hình bóng cũ ấy đôi khi chỉ còn chập chờn trong hư ảo, mông lung. Tất cả kỷ niệm đều chỉ ghi dấu có một lần, trong đời mình mà thôi. Đà Lạt nằm trên mấy từng cao, nên đã vội lùi sâu trong sương khói của thời gian mất đi rồi!

Những người con gái ấy bây giờ còn nhớ đến tôi không? Có còn nhớ lại những vùng trời kỷ niệm tuyệt vời của một thời được yêu, thèm yêu và thỏa thuê hay cay đắng vì tình yêu. Màu áo thiên thanh huyền hoặc của một thời xa xưa nay đã đổi màu, hay còn phong kín lại, như kỷ vật dấu yêu thuở còn con gái? Những lưu bút ngày xanh, những xác hoa bâng khuâng, hoa mimosa ướp tặng nhau trong mối tình đầu? Những chuyện thần tiên ở hồ Than Thở, rừng Ái Ân, vườn Bích Câu, đồi Kỳ Ngộ, thác Cam Ly, vết tích còn xót lại của những ngày âu yếm bên nhau, có đem lại chút bâng khuâng nào khi nhớ lại ân tình cũ? Nhưng câu chuyện cũ thì đã nhạt nhòa trong trí nhớ; những cuộc sống đau thương quằn quại trong hiện tại còn có thể kéo dài, chờ đợi, mỏi mòn, cho đến khi còn hơi thở tàn, để nhắm mắt, buông tay.

Những vết hằn năm tháng của quê hương giờ đây chỉ còn xót lại những cơn mơ hãi hùng.

 

NHỮNG NĂM THÁNG DÀI:

Cùng chung nhịp thở với những biến chuyển dồn dập của đất nước, suốt mấy chục năm qua, Đà Lạt cũng trải qua những bước thăng trầm, những đau thương tang tóc. Có điều khác là: Nơi đây không phải là địa bàn chiến lược, cũng không có những tranh giành, san sẻ, nhũng đổi thay chóng vánh, nên Đà Lạt cũng đã trở thành khung trời khép kín của quê hương.

Kể từ năm 1946, Hội nghị chính trị Đà Lạt không thành, nơi đây đã nghiễm nhiên trở thành Hoàng Triểu cương thổ. Giữ gìn cho được cái thế biệt lập của mình, Đà Lạt như người con gái lầu hoa, chẳng mấy khi dây dưa chuyện nhân tình thế thái. Thuở đó, những người dân miền duyên hải, chốn thùy dương, chỉ xem Đà Lạt như một mảnh đất xa vời, đầy huyền thoại. Nơi đây chỉ dành riêng cho một thiểu số giàu sang, muốn tu tâm dưỡng tánh, trì chí dưỡng khí, hoặc thích chuyện cầu nhàn, hưởng lạc, theo gót Lão Trang. Cái sắc khí Tây Phương cũng đã ăn sâu vào lớp thanh niên Đà Lạt kể từ độ ấy.

Năm 1954, đất nước chia đôi, chiến tranh nghiệt ngã. Khi lớp sóng người di cư từ Bắc và Nam, thì Tây Nguyên đã trở thành vùng đất tân canh của họ. Đà Lạt đổi sắc thêm hương, mời đón khách từ bốn phương trời; nhưng kỳ thật thì cảnh trí nơi đây không náo nhiệt như bao nhiêu thị thành vùng duyên hải. Bản sắc phóng dật ngày xưa còn đó; không gian mờ nhạt còn đây, thì Đà Lạt vẫn tránh hết mọi cuộc xáo trộn, bon chen, biến chuyển dập dồn.

Năm 1963, Đà Lạt lại một phen trở mình. Thoạt đầu phong trào đấu tranh của Phật Giáo chống kỳ thị tôn giáo và nhân quyền. Chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, chùa Tuệ Quang biến thành những trung tâm tranh đấu. Cũng tuyệt thực, cũng đòi tự thiêu, nhưng những chuyện đó cũng chỉ thoáng qua, như một dư âm, không mấy thu hút. Người Đà Lạt không mấy quan tâm đến thế sự, ẩn mình sau khung cửa kín, ngỡ ngàng như cô gái Tây Nguyên. Khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa thành lập, đã có thời Đà Lạt trở thành một trung tâm chính trị cho tướng lãnh, nhưng đó chỉ là chuyện một thời trong một đời. Đà Lạt còn là một thời vang bóng.

Năm 1968, Đà Lạt cùng chung số phận với 36 tỉnh thành miền Nam, bị đe dọa trước cuộc tổng tấn công, và nổi dậy của miền Bắc xân lăng. Đà Lạt nếm mùi ác khí. Những tên du kích, răng đen, mã tấu, dép Bình Trị Thiên đã từ các ngõ Trại mát, Lạc dương, Cam ly, Đức trọng, mưu toan việc chiếm lấy và nhuộm đỏ Đà Lạt. Cũng máu đổ, thịt rơi, nhưng chỉ thoáng qua trong chừng gang tấc.

Năm 1972, khi chiến trường Tây Nguyên sôi động, Đà Lạt toan trở thành một hậu cứ an toàn, nhưng với địa thế hiểm trở, vận chuyển khó khăn, phương tiện ngặt nghèo, vẫn không thực hiện nổi. Nhưng từ đấy, thì khói lửa thật sự tràn đến Đà Lạt. Người dân nơi đây đã bắt đầu cảm thấy những hậu quả ghê gớm của chiến tranh. Họ bắt đầu nghĩ đến một chuyến đi, trong phút chốc hay trong vĩnh viễn. Những chuyến di tản, những cuộc chia ly, đã tạo cho Đà Lạt không khí u buồn, tang thương kể từ độ ấy. Bây giờ thì Đà Lạt không còn là nơi hẹn hò nhau cuối tuần, dậy lên những yêu thương lãng mạn, hay vẽ ra những huyền thoại thần kỳ. Mỗi người dân đã đoán trước những biến chuyển mới rồi cũng không buông tha Đà Lạt, cũng như không buông tha cho đất nước khốn khổ này. Bỏ Đà Lạt mà đi, như cắt cuống rún của mình. Thôi thì đành vậy.

Năm 1975, Đà Lạt đã thực sự thất thủ vào chiều ngày 1 tháng 4/75, khi tỉnh trưởng Tuyên Đức. Viên thị trưởng Đà Lạt ra lệnh di tản khỏi thành phố, trước khi quân địch tràn vào. Cuộc di tản Đà Lạt dọc theo quốc lộ 11, đi về ngõ Phan Rang, rồi theo quốc lộ 1 về Phan Thiết, và cứ thế mãi. Cuộc di tản đã gặp hai trở ngại lớn: Việt cộng chận đứng ở khu rừng Lá, rồi sau đó bị cướp bóc ở Hàm Tân. Hình ảnh cuối cùng của người dân Đà Lạt là chính mình đã được thấy những người sinh viên ưu tú của trường Võ Bị Liên Quân và trường Chiến Tranh Chính Trị mở đường ra đi. Đó cũng là nét đẹp thân thương cuối cùng còn sót lại trong niềm thương, nỗi nhớ.

Đà Lạt cũng ngày xưa thân ái, bây giờ thì không còn nữa. Người em gái ngày xưa cũng đã lưu lạc đến một phương trời nào?

 

HỒN TÍNH ĐÀ LẠT:

Đừng đào tìm đâu ra những di tích lịch sử oai hùng, hiển hách của một thời dựng nước và giữ nước, những phong ba dồn dập, hay những tai ương khổ ách, những thủy họa, thiên tai trên vòm trời Đà Lạt, một khi mà tuổi của thành phố chỉ suýt soát với cuộc đời của chúng ta hôm nay. Cũng đừng hoài công khai thác đâu đây, những chuyện tình lâm ly, diễm lệ những đau thương, tủi hổ, giận hờn, hay những bi kịch, những hùng ca, ai vãn hay não khúc, trên bề rộng lẫn chiều sâu của thành phố. Và cũng đừng tạo dựng ra bản chất thật toàn vẹn của một nền văn học, nghệ thuật, hay một nếp sống tinh thần với đầy đủ những thứ điển hình lẫn cá tính ở vùng trời Tây Nguyên này.

Thành phố Đài Lạt là một vùng tân lập, tân khai, chỉ là điểm hội tụ mới nhất của đất nước, cốt trông chờ khách, viễn du từ bốn phương trời, ở vạn nẻo đường quay về. Về đây để vun xới, để tô bồi cho hương sắc của quê hương. Với những nét đặc trưng kỳ thú đó, thì hồn tính của Đà Lạt cũng đã giúp cho những người làm công tác văn học nghệ thuật có thêm nhiều chất liệu cần thiết, lấy đó làm bối cảnh nên thơ, diễm kiều ngay trong bản sắc của nó.

Thực ra, thì Đà Lạt đã qua nhiều phen thử thách, dạn dày, ly hợp vừa qua, nhưng rồi đã tự thấy rằng: Không thể nào thoát được cái nếp sống tinh thần cố hữu của mình được.Triều đại nào rồi cũng thế, chế độ, chính trị nào rồi cũng thế.

- Hãy trả lại những thân yêu, mặn nồng, đôn hậu cho người em gái bé bỏng của tôi ở vùng trời Tây Nguyên.

- Hãy để cho núi rừng, ghềnh suối Lâm Viên còn giữ mãi những nét đẹp hùng vĩ, yêu kiều, đậm đà, những gì đã điểm tô cho tự tình dân tộc.

- Hãy để cho người áo trắng say sưa xây dựng giấc mộng đẹp trên các núi đồi; những tà áo thiên thanh điểm tô cho phố phường Đà Lạt.

- Hãy dành những sáng chủ nhật tinh khôi cho những cặp nhân tình; hay những mùa hè chói chang cho khách viễn du quay trở lại.

- Hãy nâng niu những gì còn sót lại, hay những kỷ niệm ngọc ngà, mà trong mỗi chúng ta, những người lưu vong nơi đây, còn gắn bó ít nhiều với miền đất lành, suối trong, thông cao, hồ rộng.

Tâm tình của người ra đi thường vùi lấp trong muôn nghìn kỷ niệm. Biết đâu trong dư âm ngày tháng cũ, ta lại tìm thấy những nụ cười , khóe mắt, làn môi xa xưa. Biết đâu, lại nhận ra "Áo em ngày nọ; phai nhạt mấy màu. Âm vang thuở nào, bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau..."

Với những nhận định tổng quát trên đây, chúng ta cũng đã tìm thấy được những đặc thù, đặc trưng của Đà Lạt. Trên góc độ khám phá nào chăng đi nữa, trữ tình hiếm có trên đất nước thân thương.