Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

CÂY DẦU ĐÔI

 

DIÊN KHÁNH

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở một nơi mà tên gọi trong sách địa lý và trong giấy tờ chỉ gồm hai chữ: Diên Khánh; nhưng trong thông dụng thì chỉ có một chữ thôi: Thành. Tất nhiên, khi nói chuyện với người miền xa, như người Bắc, người Lục Tỉnh, tôi thường tự giới thiệu là người Khánh Hòa, hay Nha Trang, để họ dễ nhận ra. Nhưng với người trong tỉnh, hoặc những tỉnh lân cận, thì tiếng Thành vẫn rõ hơn.

Chị ở đâu? Tôi ở Thành. Xe này có chạy lên Thành không? Có, chạy qua Thành, tận Suối Dầu lận.

Trong những trường hợp kể trên, địa danh Diên Khánh sẽ không chính xác. Diên Khánh là một quận gồm nhiều xã còn thành Diên Khánh hay vắn tắt là Thành là một địa điểm của quận Diên Khánh, nằm bên phải quốc lộ 1, cách Nha Trang 11 cây số, trên đường đi về Nam.

Ngày xưa, Diên Khánh là phủ lỵ của phủ Diên Khánh, nên các quan trấn nhậm đã có xây thành trì để phòng thủ. Dưới triều Minh Mạng, năm 1832, hai phủ Diên Khánh và Bình Khang hợp nhất thành tỉnh Khánh Hòa; Diên Khánh trở thành tỉnh lỵ và thành trì được củng cố từ đó. Nhưng qui mô và hình tích thành Diên Khánh mà ta thấy ngày nay thì chỉ mới xây cách nay vừa đúng 100 năm, hoàn tất vào khoảng cuối năm 1893. Cứ theo lời các cụ già trong vùng thì thành vẫn được giữ nguyên hình dạng như khi mới xây xong, chỉ mất đi những chòi canh, những pháo đài, và những dinh thự bên trong.

Hồi còn nhỏ, từ bên ngoài vào trong nội thành để học trường tiểu học, tôi vẫn do cửa Đông ra vào. Mỗi lần đi bộ qua dưới cái cổng vòng cung xây bằng gạch, tôi vẫn cố đi thật nhanh để khỏi bị đè bẹp nếu có sập đúng vào lúc tôi đi qua. Cổng hẹp, hai chiếc xe du lịch phải khéo lắm mới tránh nhau được ngay chỗ cổng. Cổng hẹp mà thành lại dày (có lẽ dưới chân phải đến 15 thước), nên đứng bên này trông sang bên cũng có vẻ hun hút lắm.

Đến khi lớn hơn chút ít, có dịp đi xe lửa chui qua những cái hầm thăm thẳm tối đen, tôi hết sợ và hết rảo bước mỗi khi đi qua cửa Đông. Tôi còn nhớ một lần, hồi ấy có lẽ tôi đã hơn mười tuổi, đi qua đó với anh tôi, tôi còn dừng lại dùng phấn viết hai chữ Cửa Đông lên tường. Anh tôi hỏi: “Em hết sợ nó sập rồi sao?”. Tôi không đáp, nhưng vẫn nhớ mãi chuyện ấy cho đến bây giờ. Hình như trong thâm tâm, tôi vẫn thích sợ cái cổng thành ấy hơn là không sợ. Hình như khi cửa Đông không làm cho tôi sợ nữa, nó đã mất lần sự thân thiết đối với tôi. Thật là nghịch lý, nhưng mà thật. Mỗi lần đi qua đó, tôi không quay lại nhìn như trước kia nữa. Và mỗi lần như thế, tôi cứ ngậm ngùi lo lắng rằng nhiều năm sau nữa, khi tôi lớn lên nhiều nữa, thành người lớn, thành người già, tôi sẽ quên cái cửa Đông ấy đi, tôi sẽ quên hẳn nó đi...

Cứ theo con đường ngang từ quốc lộ 1 đi vào cửa Đông (ngày xưa là đường Trịnh Minh Thế, bây giờ gọi là Lý Tự Trọng), rồi đi mãi qua phía bên kia thành, ta sẽ gặp cửa Tây. Có lẽ khi mới xây, thành Diên Khánh cũng có đủ bốn cửa Đông Tây Nam Bắc, nhưng về sau, cũng theo lời các cụ già, hai cửa Nam Bắc được bít lại để tiện việc phòng thủ. Trong thời thuộc Pháp, tỉnh lỵ Khánh Hòa được dời xuống Nha Trang, việc bố phòng cho Diên Khánh không còn nghiêm nhặt như trước nữa, con đường xuyên qua hai cửa Đông Tây trở thành trục giao thông chính cho nội ngoại thành và cho cả vùng lân cận phía Tây.

Năm tôi học lớp Tư (Dự bị) trường tiểu học trong thành, hồi ấy tôi bảy tuổi, một hôm thầy giáo bịnh mà không có người dạy thay, học trò ngồi không làm ồn quá, thầy hiệu trưởng phải cho cả lớp nghỉ. Học trò ai về nhà nấy, mà rủ cũng không ai đi, tôi một mình lững thững đi ra phía cửa Tây, đến chỗ cổng nhà thờ Hà Dừa, rồi quay đầu lại nhìn thật kỹ phía bên ngoài thành. Về sau, có dịp đi qua lại hai cửa thành nhiều lần, tôi nhận thấy hai cửa không khác gì nhau, nhưng hôm ấy, lần đầu nhìn thấy cửa Tây, tôi thấy nó khác lắm, khác với cửa Đông nhiều lắm. Nó có vẻ tối hơn, xù xì hơn, và chẳng quen thân gì với tôi hết cả!

Tối hôm ấy, khi nghe tôi kể chuyện đi một mình ra cửa Tây và đến tận cổng nhà thờ Hà Dừa, anh tôi trợn mắt: “Trời ơi, mày dám đi một mình à?”

Các bạn có biết rằng đường từ cửa Đông tới cửa Tây chưa tới một cây số, và nhà thờ Hà Dừa rất gần cửa Tây không? Nhưng vào thời ấy, một đứa trẻ bảy tám tuổi một mình đi như thế cũng đã là mạo hiểm lắm rồi!

Trong đời tôi, thành cổ ở Việt Nam, tôi chỉ mới thấy được có hai: Diên Khánh và thành Huế. Nhưng tôi biết chắc ai gốc ở Huế, hoặc đã từng trông thấy thành trì của cố đô Huế, thì sẽ nhận ra thành Diên Khánh nhỏ quá và không có gì đáng nói. Nhưng Thành là của tôi, cửa Đông là của tôi, nên tôi cứ nhớ hoài.

Cách đây mấy năm, hồi ấy tôi còn ở Việt Nam, liên quân Hoa Kỳ và đồng minh đang đánh nhau với Iraq, báo chí truyền thanh truyền hình trong nước, và cả ngoại quốc nữa, đều gọi trận chiến ấy là chiến tranh vùng Vịnh. Tôi hỏi nhà tôi tại sao trên thế giới có nhiều nơi khác có vịnh, cũng lớn như vịnh Ba Tư, mà chỉ riêng vùng này được gọi là vùng Vịnh. Nhà tôi không trả lời ngay, mà hỏi lại tôi: “Thế tại sao có nhiều nơi khác có thành, mà chỉ riêng quê em được gọi là Thành?” Nhân đó nhà tôi giảng thêm về thói quen của ngôn ngữ trong việc áp dụng ưu tiên: trong tiếng Anh, tiếng Pháp, kilo có nghĩa là một ngàn, nhưng về trọng lượng, nói kilo không thôi, cũng đủ để người ta hiểu là một ngàn gram; micro là rất nhỏ, nhưng khi nói micro không thôi, thì ai cũng hiểu đó là máy vi âm.

Té ra quê tôi đã được ngôn ngữ chọn ban cho ưu tiên của thói quen mà mãi đến khi chiến tranh vùng Vịnh xảy ra, tôi mới có dịp suy ngẫm.

Thành Diên Khánh là một di tích lịch sử, nhưng trung tâm thị tứ của thị trấn Diên Khánh nằm bên ngoài phạm vi tòa cổ thành. Một ngôi chợ bán đủ thứ, và quanh chợ có khoảng ba mươi căn phố cũng bán đủ thứ. Trước 1975, có mấy quán ăn nhỏ của người Việt, còn tiệm ăn lớn có bảng hiệu và bàn ghế nhiều thì chỉ có một, và chủ là người Tàu. Hình như ở đây, cái gì hơi lớn một tí, hơi phát đạt một tí, thì là của người Tàu. Tiệm này bán thức ăn cả Tàu lẫn Việt khá ngon, nhưng điểm đặc biệt là cái tên của nó. Tên chữ nghĩa văn vẻ của nó viết thật to trên tấm bảng treo trước cửa không ai gọi tới, người ta chỉ gọi là tiệm A-Ùi. Ai cũng gọi như vậy. Khách phương xa đôi lần lai vãng, tài xế xe lam chạy đường Nha Trang - Thành, tài xế xe đò chạy đường Nha Trang - Suối Dầu, khách đi xe, người địa phương... đều gọi A-Ùi. Rồi A-Ùi kiêm luôn cái mốc để tính tiền xe: từ A-Ùi đi Cầu Dứa, từ cửa Tây tới A-Ùi v.v...

Hồi còn nhỏ, tôi thường tới A-Ùi mua cà phê cho anh tôi mỗi khi anh nổi cơn làm biếng, hoặc chỉ có đủ tiền mua một phin cà phê, ngượng không muốn tới tiệm. Một lần bước vào tiệm, tôi thấy ông A-Ùi đang cùng mấy người bồi bếp trong tiệm xúm lại trói tay trói chân bà A-Ùi, mà bà ta thì không có một mảnh quần áo nào cả. Bà ta tự nhiên nổi cơn điên đập phá, rồi điên mãi như vậy trong nhiều năm, gia đình đã chạy thầy chạy thuốc cho bà ta rất nhiều, nhưng không khỏi. Khoảng 1970, tôi từ xa trở về thăm quê, đang đi qua chợ thì gặp bà. Bà ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, cung cách không có vẻ gì là điên. Những người buôn bán trong chợ nói cho tôi biết khi bà phát điên cũng như khi bà hết điên, lần nào cũng đột nhiên cả. Đến năm 1979, khi gia đình người Tàu ấy sắp rời Việt Nam, tôi lại gặp bà A-Ùi. Bà hỏi tôi: “Sao cô chưa đi?” Bây giờ thì tôi đi được rồi, nhưng không biết gia đình A-Ùi ở đâu để thăm hỏi.

Đứng chỗ tiệm A-Ùi, tức ngã ba quốc lộ 1 rẽ vào chợ Thành, ngó về hướng Nha Trang, chỉ trong vòng chưa tới một cây số, chúng ta có ba cái mốc nữa, từ gần đến xa: Cầu sông Cạn, Cải Lộ Tuyến và Cây Dầu Đôi.

Có lẽ không có con sông nào mà tên đúng với thực tế bằng con sông Cạn. Trong mùa khô, ngang chỗ quốc lộ 1 chạy qua, lòng sông gần như không có nước. Dòng nước đứt hẳn, không còn một lạch nhỏ nào chảy. Chỉ còn những vũng nước lớn nhỏ rải rác đó đây trên một nền đá và cát thật rộng. Trẻ con có thể chơi đá banh ngay dưới gầm cầu. Hồi còn học trường tiểu học trong thành, có lần tôi và đám bạn học nữ cùng lớp đã nhận lời thách thức của bọn bạn học nam, chia phe đi qua cầu sông Cạn thử xem ai tới trước. Đám con gái chúng tôi đi trên cầu, đi chứ không được chạy; bọn con trai vượt lòng sông và có thể chạy. Rốt cuộc, bọn con gái chúng tôi thua mà chẳng hiểu tại sao mình thua, nếu về sau bọn con trai không tự ý khai ra chuyện họ ăn gian. Cầu xi-măng bằng phẳng dài chưa đến 200 thước, và chúng tôi cũng vừa đi vừa chạy chứ có đi không đâu, thế mà sao họ lại tới trước trong khi lòng sông lởm chởm những đá và đầm vũng nước, lại thêm hai cái dốc lên xuống rất khó trèo. Thật ra bọn con trai dùng mẹo: họ đông quá, chúng tôi không nhớ mặt được, họ làm bộ chạy xuống ở đầu bên này, nhưng đám ào ra trước chúng tôi ở đầu bên kia đã phục sẵn dưới gầm cầu bên ấy, chỉ cần leo một cái dốc thôi.

Nhưng chuyện liên hệ đến cầu sông Cạn mà tôi, và có lẽ cả lớp Nhất trường Diên Khánh năm ấy, không bao giờ quên được là chuyện ông Trần Quý Cáp bị xử tử.

Cứ theo sách vở thì ông Trần Quý Cáp bị xử tử lúc đang làm Giáo Thụ Diên Khánh, năm 1908. Thực dân Pháp và triều đình khép ông vào tội phản nghịch (xách động chống thuế ở Trung Kỳ). Pháp trường xử chém ông là một bãi cát ven bờ sông Cạn.

Gần nghỉ hè năm ấy, chúng tôi vừa thi tiểu học xong, nên không còn bài vở gì để học, thầy M. dẫn cả lớp đi du ngoạn. Khi đến cầu sông Cạn, thầy bảo chúng tôi đứng dồn cả lên lối đi dành cho bộ hành về phía thượng lưu, rồi chỉ xuống bãi cát phía bên trái, nói:

- Đây là một địa điểm lịch sử.

Chúng tôi nhìn thầy chờ giải thích. Thầy lấy thuốc ra châm hút vài hơi rồi mới nói tiếp:

- Ông Trần Quý Cáp đã bị xử chém ở chỗ đó.

Có mấy tiếng nhao nhao hỏi:

- Có phải ông Trần Quý Cáp ở Nha Trang không thầy?

Có mấy tiếng cười. Thầy M. cũng cười:

- Sao trò lại nghĩ là ông Trần Quý Cáp ở Nha Trang?

- Vì con thấy đường Trần Quý Cáp dưới đó.

Thầy M. giảng:

- Ông Trần Quý Cáp là người Quảng Nam, vì ông là danh nhân, nên được đặt tên đường khắp nơi. Nhưng ông bị xử tử ở đây vì hồi ấy ông làm quan ở đây.

Thầy lại chỉ xuống bãi cát bên chân cầu:

- Đấy, chỗ kia... Các trò có thể hình dung được cảnh pháp trường không?

Không ai trả lời thầy, vì tất cả đang bận hình dung. Chợt A., đứa bạn gái ngồi cạnh tôi suốt năm lớp Nhất, nói:

- Thưa thầy, ông nội con có kể lại là ông có đi coi vụ xử đó. Ông nội con nói là xử ở bãi Phú Lộc.

Hình như thầy M. hơi lúng túng:

- Ở đây chứ... Hồi ấy thầy... thầy chỉ mới một tuổi, thầy không có đi coi. Nhưng về sau thầy nghe nói lại là ở bãi này. Hồi ấy chắc chưa có cây cầu này đâu.

Câu chuyện chấm dứt ở đó. Và mãi về sau này, tìm đọc lại đoạn sử liên hệ, tôi chỉ được biết là ông Trần Quý Cáp bị xử tử ở bờ sông Cạn, chứ không thấy xác định ở chỗ nào, ở bãi chân cầu như thầy M. nói, hay ở bãi Phú Lộc cách đó mấy cây số.

Vượt khỏi cầu sông Cạn về hướng Nha Trang chừng 150 thước, chúng ta sẽ gặp ở phía bên trái một ngã ba rất rộng. Đầu trong của Cải lộ tuyến đấy! Cải lộ tuyến là con đường tắt, mới làm khoảng cuối thập niên 60, mục đích là để tránh kẹt cho những xe chạy suốt trên quốc lộ 1 khi phải qua thành phố Nha Trang. Đoạn đường này ngắn, chưa đến mười cây số, nhưng khi mới làm xong rất rộng và rất tốt, đầu phía nam gần chỗ cầu sông Cạn, đầu phía bắc kết vào quốc lộ 1 phía ngoài đèo Rù Rì chừng vài chục thước.

Tôi không nhớ đích xác gia đình tôi đi xe qua đoạn đường mới này lần đầu tiên là vào ngày tháng năm nào, nhưng chắc chắn chỉ sau ngày khánh thành một vài tuần thôi. Tất cả những tấm bảng chỉ dẫn hai bên đường đều rất tươi màu, có tấm còn ướt sơn, có tấm còn đang viết dở... Chuyến ấy, chúng tôi đi từ Quy Nhơn về Thành. Xe vừa qua hết Cải lộ tuyến, sắp lên cầu sông Cạn, tôi nghe thằng con đầu của chúng tôi nói với em gái kế nó:

- Đầu kia họ viết Cải lộ tuyến, đầu này họ viết Cải tuyến lộ.

Em gái nó quay đầu lại nhìn và reo lên:

- À... à... Cải tuyến lộ, nhưng đầu kia cũng Cải tuyến lộ vậy!

Những đứa em của chúng chỉ ngồi nghe vì còn đang học mẫu giáo, không đủ trình độ tham dự một cuộc tranh luận chữ nghĩa cao cấp như vậy. Nhà tôi đang bận lái xe nhưng cũng hỏi:

- Có thật hai bảng khác nhau không em?

Tôi không trả lời được, vì không nhìn thấy. Chuyến trở về, chúng tôi lại quên để ý. Ít lâu sau, có dịp đi qua đoạn đường ấy, tôi chỉ thấy tấm bảng ghi Cải lộ tuyến ở chân bắc đèo Rù Rì; chỗ gần cầu sông Cạn không có tấm bảng nào cả. Tôi hỏi nhà tôi, Cải lộ tuyến và Cải tuyến lộ, cái nào đúng hơn, thì nhà tôi đáp lừng khừng, cái nào cũng được!

Vượt khỏi Cải lộ tuyến chừng 50 thước nữa, chúng ta sẽ thấy bên vệ đường phía mặt ba thân cây thật to, chụm sát vào nhau, vươn thẳng lên trời. Hai thân thật lớn, kín sát mặt đất chắc phải trên thước rưỡi, một thân nhỏ hơn một chút. Có lẽ đây là một cái nhánh mọc ngay ở mặt đất. Hai cây chính rất cao, có thể trên 20 thước, cành không nhiều, lá cũng không rậm, nên có thể nhìn thấy rõ ngọn dù rất cao.

Câu Dầu Đôi đấy! Đây là một địa danh, có lẽ không được ghi vào sách địa lý nào cả, nhưng người Thành, người Nha Trang, ai cũng biết. Đó là một cái mốc trên đoạn đường Nha Trang-Thành, hành khách cần biết để tính tiền xe: Mả Vồng, Chợ Mới, Cầu Dứa, Phú Vinh, Bình Cang, Võ Cạnh, Cây Dầu Đôi, A-Ùi.

Nhưng riêng đối với tôi, Cây Dầu Đôi không phải chỉ là một cái mốc hay một địa danh. Đối với tôi, Cây Dầu Đôi là một kỷ niệm vô cùng thân thiết. Tôi biết đến Cây Dầu Đôi khi còn rất nhỏ, trước khi biết đến chợ Thành, cửa Đông, cửa Tây... Tôi sẽ nói cho các bạn biết tại sao.

Từ sau ngày lập gia đình, tôi đã có dịp sống ở nhiều nơi không phải là quê nhà, nơi năm bảy tháng, nơi một vài năm, cũng có nơi lâu đến cả chục năm. Và ở bất cứ đâu, tôi cũng được nghe những địa danh bằng tên cây: Cây Mai, Cây Gõ (ở Sài Gòn), Hàng Sanh (ở Gia Định), Cây Duối (ở Mỹ Tho), nhưng không ở đâu tôi thấy còn những cây ấy hết cả. Cũng như tại thành phố Winnipeg đây, nơi gia đình tôi đang cư ngụ, có một khu gọi là Seven Oaks (bảy cây sồi), trong khu vực có một bệnh viện lớn tên là Seven Oaks Hospital, nhưng bây giờ không còn thấy một cây sồi nào trong khu vực hoặc gần bệnh viện ấy.

Nhưng Cây Dầu Đôi của tôi vẫn còn đó. Không ai biết chắc Cây Dầu Đôi mọc lên ở chỗ đó từ bao giờ, nhưng chắc đã lâu lắm rồi, có thể từ cuối thế kỷ trước cũng nên. Tôi nghe cậu tôi nói ông đã thấy cây dầu ấy từ hồi còn nhỏ, lúc ấy cây dầu chỉ mới cao chừng năm sáu thước. Nếu còn sống đến nay, cậu tôi đã ngoài trăm tuổi.

Bây giờ tôi kể cho các bạn nghe kỷ niệm của tôi. Tôi mồ côi cha từ năm lên ba. Sau ngày cha tôi qua đời, gia đình tôi bắt đầu sa sút. Hằng ngày mẹ tôi phải dậy thật sớm để xuống Nha Trang đứng bán hàng cho một sạp vải. Đến năm giờ chiều mẹ tôi mới về tới nhà. Suốt hơn 10 năm trời, chiều nào cũng như chiều nào, tôi đều đi đón mẹ từ Nha Trang về. Vài năm đầu, tôi đón mẹ ở cổng. Năm sáu tuổi, tôi đón mẹ ở A-Ùi. Bảy tuổi trở lên, tôi đón mẹ ở Cây Dầu Đôi. Khi tôi tự ý dời chỗ đón xa đến tận Cây Dầu Đôi, mẹ tôi cũng có rầy la chút ít, nhưng về sau, hễ thấy tôi đứng chờ ở đó, mẹ tôi xuống xe cùng tôi đi bộ về nhà. Mấy anh chị tôi có nói thì mẹ tôi gạt đi:

- Em nó có thương mẹ thì mới ra đó đón. Với lại mẹ cũng muốn đi bộ một đoạn cho khỏe. Cả ngày quanh quẩn trong sạp, tù túng quá...

Thế là từ đấy, suốt năm sáu năm trời, trừ những chiều mưa hay những ngày mẹ tôi không đi bán vì bệnh hay bận việc cúng giỗ, chiều nào tôi cũng ra đứng chỗ Cây Dầu Đôi chờ mẹ, để được cùng mẹ đi về nhà. Trên đoạn đường non một cây số ấy, mẹ kể cho tôi nghe những chuyện ở sạp vải, ở chợ Đầm, và tôi kể cho mẹ nghe những chuyện ở nhà, ở trường.

Một hôm mẹ tôi về muộn hơn thường lệ đến cả tiếng đồng hồ. Chị cả tôi nóng ruột chạy ra, thấy tôi đang đứng dựa gốc dầu mà khóc. Chị mủi lòng cũng khóc theo, nhưng cố nói đùa:

- Ê, lớn rồi đừng khóc nữa! Lỡ có thằng bạn học nào đi qua nó thấy, mai nó đồn rùm cả trường nghe cho mà xấu hổ.

Rồi chị đẩy tôi vào sát gốc dầu, lấy tay gang để đo:

- Chị nhớ hồi em mới ra đây đón mẹ, em chỉ cao ngang cái bướu này, bây giờ em đã cao hơn nó cả gang rồi, thấy không?

Phải, chị tôi nói đúng. Tôi cao lên, cây dầu cũng cao lên. Nhưng hình như cây dầu chỉ cao lên thêm ở phần trên ngọn thôi. Cục bướu mà chị tôi dùng làm mức để đo tôi hồi ấy, mãi về sau này cũng chỉ cách mặt đất độ một thước thôi.

Trước khi sang Canada định cư, vợ chồng tôi có đưa các con về Thành từ biệt bà con. Một buổi chiều, tôi rủ nhà tôi đi dạo loanh quanh trong vùng, nhưng chủ ý là trở lại thăm Cây Dầu Đôi lần cuối cùng. Dạo ấy, ngang chỗ Cây Dầu Đôi phía bên kia đường có một ngôi quán bán chè. Chúng tôi vào đó ngồi, gọi chè ăn, để có thì giờ nhìn cây. Nhưng mái quán thấp, mà cây thì quá cao, chúng tôi phải ra đứng trước cửa quán mới trông thấy ngọn cây. Tôi kể lại chuyện đứng chờ mẹ cho nhà tôi nghe. Tôi nhớ tôi đã kể nhiều lần rồi, nhưng vẫn kể lại. Trước khi quay về, nhà tôi kéo tôi băng qua đường, bước lại sát gốc dầu, chỉ vào cục u trên thân cây, hỏi:

- Cái bướu này phải không? Bây giờ em cao hơn nó không phải chỉ một gang, mà hai ba gang rồi đấy.

Nhà tôi cười, tôi cũng cười theo, nhưng trong lòng không thấy vui.

Mẹ tôi qua đời đã lâu. Nhưng cây dầu vẫn còn đó. Và có lẽ nó sẽ còn ở đó mãi mãi. Bây giờ dù có muốn, tôi cũng không thể nhìn thấy nó. Có bao giờ tôi lại được nhìn thấy Cây Dầu Đôi của tôi không?