QUẾ TRÀ MI ĐẶC SẢN QUÝ GIÁ CỦA MIỀN TÂY ĐẤT QUẢNG
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
Quế Trà My thứ cay thứ ngọt
Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh
Phân du, Bạch chỉ đành rành
Cân tiểu ly mới xứng, ngọ liên thành mới cân.
(Ca dao QN-ĐN)
Nhắc đến quế, người dân QN-ĐN rất đỗi tự hào với cây quế Trà My. Nó thực sự là một thứ đặc sản quý giá mà thiên nhiên ưu đãi ban cho người dân sống ở miền rừng núi trùng điệp ở phía tây đất Quảng. Từ bao đời nay, cây quế đã gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương, mà dẫn chứng cụ thể nhất là nó đã đi vào dòng văn học dân gian, được thể hiện sinh động qua ca dao cũng như những truyền thuyết, chuyện kể vô cùng hấp dẫn và lý thú.
Một chút về lịch sử:
Từ thế kỷ 16, 17... thời thịnh đạt của thương cảng Hội An, các lái buôn nước ngoài trên những chuyến tàu viễn dương ghé lại cảng Đại Chiêm đã chú ý đến các mặt hàng đặc sản, trong đó có quế. Theo lời của một khách buôn Quảng Đông thời Tây Sơn khởi nghĩa thì ở Đàng Trong"... nhục quế, trầm hương, trân châu rất tốt, giá cao hạ nhiều ít không nhất định". Như vậy, cách đây hàng mấy trăm năm, quế Trà My đã thu hút các thương nhân ngoại quốc và nó thực sự trở thành một mặt hàng đầy quyến rũ đối với họ. Các vua nhà Nguyễn cũng quan tâm đến quế Trà My.
Ngay những năm đầu thế kỷ 19, triều đình Huế có những quy định về việc thu thuế quế. Đại Nam Nhất Thống Chí ghi:"... nguồn Thu Bồn huyện Quế Sơn mỗi năm nộp một thanh quế vào hạng thượng thượng, nguồn Chiên Đàn thuộc huyện Hà Đồng mỗi năm nộp 3 thanh quế thượng thượng hạng". Khi thực dân Pháp sang nước ta, cây quế Trà My cũng không ngừng phát triển. Hồi ấy, vào kỳ khai thác; quế được bày bán ở các chợ vùng cao như Trà My, Phước Sơn. Tuy nhiên, nguồn quế chính và dồi dào hơn cả vẫn là Trà My. Còn theo thống kê chính thức của Sở Thuế vào năm 1890 con số quế xuất cảng ở Đà Nẵng là 27,719 tấn.
Trước năm 1975, do ảnh hưởng chiến tranh, sản lượng quế Trà My ngày càng giảm dần. Những năm cuối 1950 và đầu 1960 được xem là có số quế xuất khẩu cao nhất. Theo tài liệu thống kê của Phòng Thương mại Đà Nẵng năm 1959, quế được đưa ra Đà Nẵng để xuất cảng sang Mỹ và Hồng Kông là 1990 tấn, trong đó, thị trường Mỹ chiếm tới 1445 tấn, một con số kỷ lục lúc bấy giờ!
Quế với người Trà My:
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, không đâu có điều kiện về đất đai, khí hậu... thích hợp cho cây quế phát triển như huyện Trà My. Từ xa xưa, người dân địa phương chia quế ra làm hai loại: quế rừng và quế nhà. Quế rừng là loại quế mọc hoang trong rừng, người dân chỉ cần bứng về trồng thành khu vực riêng. Cứ thế, mỗi gia đình có thể có hàng nghìn cây. Ngoài quế rừng là quế nhà hay còn gọi là quế vườn. Quế vườn được ươm trông vô cùng công phu, tỉ mỉ. Mùa trồng quế thường trú với mùa mưa, khoảng tháng chín, tháng mười hàng năm. Trong những tháng mưa dầm ấy, cây non đủ thời gian bén rễ, bám sâu vào lòng đất.
Đã thành tập tục, người Trà My lấy quế làm thứ cây trồng chính. Còn lương thực chỉ làm vừa đủ ăn. Mọi đồ dùng trong nhà như nồi đồng, mắm muối, cá khô, vải vóc... đều từ lợi nhuận của quế mà ra. Rõ ràng, quế là nguồn sinh sống chủ yếu của người dân địa phương. Và, nguồn lợi này trước kia đã nhanh chóng lọt vào tay thương nhân người Hoa. Ở thị trấn Trà My nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa chốn núi rừng trùng điệp thế mà ngay từ thời Pháp thuộc nhiều gia đình người Hoa đã lên sinh cơ, lập nghiệp, đủ biết họ nhạy bén đến nhường nào! Lớn nhất phải kể tới hiệu Phước Ký rồi Thoại An, Hồng An, Phước Hưng... Họ không trực tiếp mua quế mà thông qua "các lái" người Việt làm ăn tại Trà My để làm đại lý thu mua.
Trước mùa thu hoạch quế hàng năm, khung cảnh Trà My trở nên nhộn nhịp khác thường. Đồng bào các dân tộc Xơ-đăng, Cơ-dong, Co... thuộc vùng trung và cao Trà My đã chạy tìm các lái người Việt Nam ứng trước đồ dùng cần thiết. Rồi, các lái người Việt cũng không đông lắm, chừng đôi ba mươi người, lên tận các bản làng lấy quế trừ nợ. Họ dựng những lán trại tạm thời ở phía ngoài để ở trong một, hai tháng theo thời gian ghi trong giấy phép do đồn Pháp ở Trà My cấp. Khi đủ số lượng hoặc thấy quế quá nhiều, họ bèn thuê dân địa phương gùi xuống. Công gùi tính riêng, cũng được trả bằng hiện vật. Việc đổi quế lấy đồ dùng giữa lái buôn người Việt và đồng bào dân tộc cứ diễn ra quanh năm, hết mùa này đến mùa khác, tạo thành mối quan hệ khắng khít, chặt chẽ. Tới lúc này, người Hoa mới mua lại quế của các các lái người Việt. Quế mua còn là quế tươi. Do đó, họ phải thuê thợ gia công, uốn quế. Tùy theo số lượng ít nhiều, họ thuê từ vài thợ đến vài chục thợ. Thợ uốn quế chia làm hai loại: loại làm tháng và loại làm khoán. Thời ấy, quế uốn nhỏ hơn bây giờ. Dụng cụ rất đơn giản, chỉ ba thanh gỗ nhỏ gác dọc và tám thanh tre gác ngang. Mỗi lần phơi quế là mỗi lần uốn, thế nào để thân vỏ quế tạo thành hình số 3. Thông thường, quế nhỏ uốn 4 lần, quế lớn uốn 5-6 lần. Cứ 100 miếng làm thành một kẹp. Sau khi uốn xong, người Hoa hoặc mang trực tiếp đi Hồng Kông bán hoặc bán lại cho các hãng ở Hội An.
Quế với y học:
Các nhà khoa học đặt tên cho quế Trà My làCinnamonnum Cassia, thuộc họCinnamonnumlà dòng họ của bốn loại quế mọc ở Đông Phương. Với lượng dầu cao, quế Trà My hơn hẳn các loại quế ở Nghệ An, Thanh Hóa và nó sớm trở thành một nguồn dược liệu vô cùng quý giá. Nền y học cổ truyền dân tộc có nhiều bài thuốc hiệu nghiệm để chữa một số bệnh mà trong đó có sự hiện diện của quế. Ví dụ như quế kết hợp với Lão sơn sâm, Huỳnh Liên, Huỳnh Bá, Bôi mẫu trị bịnh đẹn lông ở trẻ em; quế còn được dùng với một số vị thuốc khác để chữa chứng Hạ Mã Phong... Đối với Tây y, quế lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chế các loại thuốc trị bệnh đau bụng, nhức đầu, đau mình mẩy, khó thở... do hương vị đặc biệt, quế còn được dùng pha rượu mùi nhằm cho ra mùi thơm ngon và có tác dụng tốt đối với cơ thể, nhất là trong mùa lạnh. Ngoài ra, kinh nghiệm lâu đời của người Co, người Cơ-dong, người Xơ-đăng ở huyện Trà My là khi bị những bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, trúng gió... họ cào vỏ quế hòa với nước sôi theo tỉ lệ nhất định, quấy đều cho tan trong nước rồi uống sẽ thuyên giảm. Dĩ nhiên, quế chọn làm thuốc phải là quế rừng loại tốt, có nhiều dầu, nhiều năm tuổi.
Điều khá thú vị gần đây, người ta còn tận dụng gỗ quế trị chứng phong thấp. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng khi về làm vợ Chế Mân, Huyền Trân Công Chúa mắc bệnh này. Vốn yêu thương vợ, vua Chiêm đã sai thuộc hạ lấy gỗ quế Trà My đẽo thành đôi guốc để Hoàng Hậu, tức Huyền Trân Công Chúa mang. Nhờ vậy, bệnh tình của nàng dần dần khỏi hẳn. Từ sự tích này, người dân địa phương tin rằng ai đi guốc bằng gỗ quế Trà My sẽ trị được chứng phong thấp. Xuất phát từ cơ sở đó, đã có người đứng ra kinh doanh mặt hàng này, và có dạo bán đắt như tôm tươi!
Ngày nay, cây quế Trà My là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng trong tỉnh. Mỗi năm, sản lượng quế thu hoạch bình quân hơn 500 tấn. Song song với khai thác, việc trồng mới cũng được đẩy mạnh. Tuy quế là nguồn lợi lớn đối với huyện và tỉnh, thế nhưng, cuộc sống sinh hoạt của những người trực tiếp làm ra thứ sản phẩm quý giá này vẫn còn nhiều khó khăn, chật vật. Đó là một bài toán khá nan giải. Dù sao chăng nữa, chúng ta cũng hi vọng cây quế Trà My sẽ càng ngày càng phát triển và đời sống của người dân ở vùng cao này dần dần sẽ được cải thiện hơn.