Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

VÀI CÁCH BẮT CÁ

Ở MIỀN HẬU GIANG

 

Bác Sĩ HUỲNH HỮU CỬU

 

 

Ở miền Hậu Giang, đồng ruộng rộng, sông rạch nhiều, cá tôm có đủ loại, nên người dân cũng nghĩ ra được nhiều cách bắt cá, bắt tôm khác nhau, trong đó đôi khi có những cách rất độc đáo. Sau đây tôi xin kể một vài cách hầu quý vị, đồng thời xin nhắc lại một vài kỷ niệm xưa ở quê nhà.

GIẬM DẤU

Trước hết xin kể một cách bắt cá chỉ với hai bàn tay thôi, tuyệt đối không cần đến một thứ dụng cụ gì khác, đó là giậm dấu.

Giậm dấu dễ lắm, con nít nhỏ cỡ 10, 12 tuổi như tôi thuở đó có thể đi giậm dấu bắt cá dễ dàng. Muốn giậm dấu thì xuống sông đi dọc theo bãi đất bùn, nước lên đến ngực hay sâu hơn, vừa đi vừa nhún nhún bàn chân cho lún xuống tới khỏi mắt cá một chút. Như vậy mỗi dấu chân thành một cái lỗ trũng, cá sẽ vào ẩn trốn trong đó. Khi đi hết một khúc sông, giậm được khoảng 50 hay 60 dấu chân như vậy, thì quay đầu đi ngược lại, lặn xuống nước, lấy hai bàn tay mò xuống các dấu chân khi nãy để bắt cá. Cứ mò bắt vài dấu thì quậy nước làm ào ào trên mặt sông, hay móc sình từng cục lớn liệng vãi ra phía trước, mục đích là làm cho cá hoảng sợ tìm trốn xuống các lỗ dấu.

Đứng bên bờ nhìn một người đang giậm dấu, thoạt tiên người ta tự hỏi không biết người đó đang làm gì. Tại sao không đi trên bộ lại đi dưới nước, vừa đi vừa nhún, rồi lại đập nước vãi sình tung tóe, lặn lặn hụp hụp? Mặt mày người đó coi cũng rất dị kỳ, sình trong nước quậy đục, sình đóng lên râu, lên lông măng, làm cho mặt mày mọc rong, mọc rêu xanh lét ! Ấy vậy mà cá bắt được cũng khá bộn, bắt được con nào thì bỏ vô một cái nồi đất cột dây chuối thả trôi phía sau lưng. Cá bắt được gồm có cá he, cá chốt, cá rô biển, v.v... Cá rô biển giống như cá rô đồng, màu xanh chàm hơi lợt hơn, kỳ và vi dài và nhọn hơn, tuy sống ở sông nhưng lại kêu là cá rô biển. Cá rô biển muối sả, chiên ăn rất ngon, ăn rất được cơm. Có thể nướng giằm nước mắm tỏi ớt, ăn cũng được. Một buổi trưa đi giậm dấu, nếu gặp mùa gặp tháng, có thể bắt được mười mấy con cá rô biển cùng vài thứ cá khác, dư dả cho một gia đình hai vợ chồng với ba bốn đứa con nhỏ, ăn một bữa cơm chiều ngon lành, no đủ.

CHẬN Ụ

Ụ là một cái ao nhỏ nằm sát bờ sông, có một cái rãnh nước rộng độ hơn 2 thước tây ăn thông ra sông, phía bên rãnh treo một cánh cửa như một tấm phên bằng lá dừa, có thể sập xuống để chận không cho cá trong ụ ra sông. Muốn chận ụ bắt cá thì đợi nước lớn, lấy cám rắc lên mặt nước trong ụ để nhử cá vô ăn, đoạn đứng từ đàng xa, cầm dây kéo cho cánh cửa ụ sập xuống. Phải đứng từ đàng xa, vì nếu đi lại gần, có bóng người rọi xuống nước, cá sẽ hoảng sợ lội trở ra sông mất hết. Sập xong cánh cửa ụ, là chỉ chờ nước ròng. Mực nước trong ụ hạ thấp, lúc đó mới xuống ụ quậy nước lên cho đục, rồi dùng rổ xúc cá. Những con cá he, cá lòng tong, cá lìm kìm, tôm tép bị nước sình làm ngộp, nổi lờ đờ trên mặt nước, xúc rất dễ. Thường thì chỉ bắt được loại cá nhỏ như vậy thôi, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài con cá lớn hơn, như cá trê trắng, cá úc, cá chà vinh.

Cá trê trắng là loại cá trê bụng màu trắng thường sống ở sông, khác với loại cá trê vàng bụng màu vàng sống ở ruộng. Cá trê trắng nấu canh chua bạc hà ăn rất ngon, còn cá trê vàng thì thường dùng kho tiêu để tóp mỡ, hoặc kẹp tre nướng trên lửa than, ăn với nước mắm gừng.

Ở làng tôi, nhiều nhà có ụ cá dưới mé sông lắm, đi chơi dài theo sông, cứ cách vài nhà là thấy có một cái ụ. Nhà tôi có đến hai cái ụ, nhưng một cái thì dùng làm chỗ đậu cho một chiếc ghe tam bản, còn ụ kia thì có cửa sập đàng hoàng, nhưng vì trong nhà ít người, nên một năm chỉ chận ụ bắt cá có vài lần. Thành ra thường thường tôi phải đi coi chận ụ bắt cá nơi những nhà khác trong xóm, thỉnh thoảng xuống "bắt hôi" nữa. "Bắt hôi" là sau khi chủ nhà bắt cá xong xuôi, thì cho mình xuống bắt mót những con cá còn sót lại.

CHẤT CHÀ

Chất chà là lấy những nhánh cây còn đủ nhánh nhỏ của các loại cây như chưn bầu, bần, xoài, ổi v.v... để cắm hoặc chất xuống sông thành một đống ở kế bờ sông, cho cá đến ở. Những nơi nước sông chảy mạnh như ở Kinh xáng Xà No chẳng hạn, đống chà là chỗ trú ngụ lý tưởng cho các loại tôm cá. Mỗi đống chà thường vào khoảng 3, 4 thước bề ngang và 7, 8 thước về dài. Khi nước lớn đầy sông thì thấy chỉ còn có bốn cây trụ ở bốn góc, và một vài nhánh chà nhô lên mặt nước mà thôi. Trái lại khi nước ròng , nhứt là lúc ròng sát thì quả thật đó là một đống chà chôm đen sì, nằm chình ình bên bờ sông, đi xuồng hay đi ghe dọc theo sông, gặp một đống chà thì phải bơi hay chèo vòng ra xa một chút để tránh.

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, bạn tôi, nhắc lại là trong thời chiến tranh Việt Pháp, xác người chết trôi trên sông gọi là "thằng chổng", thỉnh thoảng vướng vào một đống chà, lâu ngày thịt rã, xương rớt xuống đáy sông. Có lần bác sĩ Hoàng đi dỡ chà, mò trúng xương tay, xương chân và cả xương sọ nữa!

Chất chà xong, độ một hai tháng sau, khi cá đã tới ở nhiều thì người ta định ngày, thường là lúc nước kém để dỡ chà bắt cá. Đến ngày dỡ chà, người ta lấy "đăng" bao bộc đóng chà lại, rồi đợi nước ròng xuống, nhổ các cây chà đem chất lên bờ sông trước khi lấy rổ xúc cá. Cái "đăng" giống như một chiếc chiếu lớn, mà thay vì cọng chiếu bằng lát thì ở đây là những cọng tre lớn bằng ngón tay út. "Đăng" không dùng thì cuốn lại như là cuốn một chiếc chiếu. Với một đống chà thì cần phải có bốn hoặc năm cái "đăng" lớn mới bao được hết chung quanh. Trước khi lấy "đăng" bao đống chà, người chủ đống chà đôi khi treo một chùm mồi ở giữa để nhữ cá. Chùm mồi có thể là vài con chuột đồng, thiêu cháy da, mỡ chảy thơm phức.

Tôi nhớ có lần thừa dịp chủ đống chà treo mồi như vậy, tôi xách cần câu, lén ra câu và được máy con cá bông thật lớn. Cá bông là một loại cá lóc sống ở sông. Có khi người ta treo một bó lá cứt quạ để nhử cá chà vinh. Cá chà vinh giống như cá he, có con lớn hơn bàn tay, không hiểu tại sao chúng rất thích ăn cứt quạ. "Cứt quạ" là một loại dây leo, thấp, mọc hoang ngoài ruộng, trái tròn như trái cà tô-mát, màu đỏ vàng, hột đen, nhớt như... cứt quạ. Có thể dùng lá cứt quạ vo tròn, móc vào lưỡi câu làm cục mồi câu cá chà vinh.

Xin trở lại nói tiếp về dỡ nhà. Mỗi lần dỡ nhà, phải cần có bốn, năm thanh niên lực lưỡng, vì công việc rất nặng nhọc. Nội việc chở mấy cái "đăng", mỗi cái nặng vài chục ký ra cắm chung quanh đống chà là đã mệt rồi. khi nước ròng, mực nước giựt xuống thấp, thì phải xuống nhổ tất cả các nhánh chà đem chất trên bờ, trước khi lấy rổ, lấy nôm xúc cá, bắt cá. Trước khi xúc cá cũng phải quậy đục nước lên cho cá nổi lờ đờ trên mặt nước, như trong cách trận ụ. Tuy nhiên, chỉ có một số cá nhỏ hoặc tôm nổi lên thôi, còn đa số là cá lớn rất mạnh, không bao giờ nổi như cá bông, cá trê trắng, cá úc, cá ngác, cá he lớn, cá chà vinh, v.v... Có những con cá bông thật lớn, cỡ bằng cái bắp chuối, khi bị chụp thì giẫy giụa đèn đẹt, làm nước văng lên tung tóe, có khi vuột ra khỏi tay người bắt rồi nhảy phóng lên cao. Thỉnh thoảng người dỡ chà bị cá bông phóng trúng đau điếng. Cá trê trắng, cá úc, cá tra có hai ngạnh hai bên mang, rất dài và nhọn, phải biết cách bắt cho khéo, nếu không là bị ngạnh đâm liền.

Muốn bắt một con cá trê chẳng hạn, thì lấy tay lừa nhè nhẹ đến gần con cá, rồi nắm lấy cái đầu cho thật mau, mấy ngón tay phải bóp chặt và nằm gọn phía trong cái ngạnh, để khi con cá vùng vẫy thì ngạnh không thể đâm vào tay được. Tuy biết như vậy, nhưng kẻ viết bài này cũng đã bị cá trê và cá tra đâm ít nhất là bốn, năm lần.

Quang cảnh dỡ chà thật vui. Dưới nước, các thanh niên mình trần, nước da rám nắng đen sẫm, dùng rổ hoặc nôm bắt cá, la hét vang rân mỗi khi được một con cá lớn. Trên bờ, người coi tụ lại đông nghẹt, cũng phụ họa reo hò và giành nhau chụp bắt những con cá ở dưới nước quăng lên. Công việc dỡ chà cứ tiếp tục như vậy và kéo dài hàng một, hai tiếng đồng hồ cho tới khi nước bắt đầu lớn trở lại mới thôi. Kiểm điểm số cá bắt được mỗi lần dỡ chà như vậy cũng được năm, sáu giỏ. Nhưng công việc chưa hết, vì các anh thanh niên còn phải lo nhổ "đăng", giặt sạch, cuốn lại rồi chở về. Các nhánh chà trên bờ sông thì phải đợi nước ròng ngày hôm sau, hoặc một ngày nào khác, đem xuống chất lại y như cũ, để chờ kỳ dỡ chà tới.

Xin nói thêm về một cách chất chà "bỏ túi", đó là chà lu, hay chà hũ, con nít nhỏ cũng thực hiện được: lấy một cái hũ nhỏ, đục lủng đáy, lót lưới, nhét nhánh chà vô rồi đem đặt dưới nước, chỗ đầu cầu dưới bến sông. Độ một tuần, xuống bưng hũ chà lên thì thế nào cũng bắt được vài con cá rô biển.

XOM CÁ BỐNG

Dỡ chà bắt cá là công việc nặng nhọc bao nhiêu, thì đi xom cá bống nhẹ nhàng khỏe re bấy nhiêu. Xin cứ tưởng tượng một người đàn ông trên vai mang giỏ tre, tay cầm gậy chống chống phía trước, chân bước từng bước, chậm rãi như là đi dạo chơi. Và có điều lạ là người ấy đi dưới nước, đi giữa sông, nước lên tới ngực. Đó là hình ảnh của Dượng Mười tôi cầm chỉa đi xom cá bống ở giữa lòng con kinh đào làng Tân Bình. Con kinh đào này rất nhỏ, bề ngang chỉ độ trên mười thước tây, lúc nước ròng sát thì dòng nước ở giữa kinh chỉ còn rộng độ chừng hai, ba thước, gặp chỗ cạn thì nước chỉ lên tới ngực, tới cổ thôi.

Dượng Mười tôi cầm chỉa như cầm một cây gậy, xom xuống đáy con kinh, hễ xăm trúng nhằm một con cá bống thì cắm chặt cây chỉa lại chỗ đó, đoặn lặn xuống gỡ cá bắt lên. Tôi còn nhớ cây chỉa ấy là một cây chỉa ba, mỗi lưỡi chỉa đều có một cái nhạng, cá bị đâm trúng khó vuột thoát. Đi xom cá như vậy thường bắt được cá bống tượng, một loại cá bống lớn, từ bằng bắp tay trở lên tới bằng bắp chân, hay ẩn trong những hang hốc hay gốc cây mục dưới dòng sông. Đầu cá bống tượng rất lớn, mình ngắn, vẩy nhỏ, màu hơi tím hồng. Miệng cá rất rộng, hai mang đều phùng ra thì trông tựa như con lân. Gọi là cá bống tượng có lẽ vì cá rất lớn - lớn giống như con tượng tức là con voi - so với cá bống cát, cá bống trứng hay một một loại cá bống khác nhỏ con hơn nhiều, chỉ bằng ngón tay cái hay ngón chân cái, gọi là cá bống dừa.

Cá bống tượng chưng tương, thêm kim châm (một loại bông huệ phơi khô), bún tàu, đậu phộng, rắc tiêu, để thêm hành ngò, ăn ngon không chỗ chê.

BẮT CÁ NHẢY HẦM

Sau tết là mùa lúa chín, đồng ruộng khô ráo, chỉ trừ những vũng, những ao nhỏ và những đìa là còn nước thôi. Nhưng rồi những vũng nước ấy cũng cạn lần, kế đó nước trong các ao cũng rút xuống. Các loại cá sặc, cá rô, hoặc cá lóc bị kẹt trong những vũng nước cạn lúc bấy giờ thật là dễ bắt, chỉ cần lấy rổ xuống xúc. Có khi nước chỉ còn là một lớp sình mỏng, cá đưa lưng cựa quậy trông thấy rõ ràng. Nhưng thường thì đó là những con cá nhỏ thôi, vì những con cá lớn, nhứt là cá lóc thì chúng sẽ biết sớm rời bỏ vũng nước đang cạn lần, để di chuyển đến một nơi sâu hơn, có nhiều nước hơn. Thường thường cá lóc di chuyển theo một con đường mòn trũng thấp, có chút nước lấp xấp, hoặc có khi "lóc" ngay trên cạn. "Lóc" nghĩa là con cá uốn cong thân mình qua mặt rồi qua trái thật nhanh, rồi dùng đầu và đuôi đập xuống đất để lấy trớn và trườn tới. Có lẽ cá lóc là loại cá "lóc" mau lẹ và giỏi nhất nên có tên như vậy.

Cá lóc chẳng những "lóc" trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu trong khi di chuyển đi tìm nơi có nước sâu để sống. Những đêm có sương xuống nhiều thì cá di chuyển nhiều hơn. Chính mắt tôi nhiều lần trông thấy những con cá lóc lớn đang "lóc" nhanh dưới một cái mương đã khô cạn, cạnh đường lộ hoặc ở ruộng. Người dân đồng quê biết cá hay đi tìm chỗ nước sâu như vậy, nên đào hầm trên con đường di chuyển của cá để cho chúng rớt xuống. Cũng có thể đào hầm ở phía bên kia bờ đất, chỗ cá hay nhảy, để khi cá nhảy qua là lọt vào cái hầm. Có lẽ vì vậy mà gọi là bắt cá nhảy hầm.

Thường thì cái hầm rộng độ chừng hai gang tay, sâu độ sáu hay bảy gang, cá lọt xuống hầm rồi thì khó nhảy ra được. Có khi người ta đem chôn ngay chỗ đó một cái khạp nhỏ (một loại lu bằng sành, hông khạp thẳng đứng) để làm cái hầm. Mỗi ngày ra thăm hầm buổi sáng sớm, khi trời đang còn đầy sương trắng xóa, nếu hên thì mỗi hầm có thể có hai, ba con cá lóc lớn, từ đàng xa đã nghe tiếng chúng nhảy "tung tung". Cá lóc nhảy hầm vào mùa khô không hiểu tại sao rất mập, nướng trui ăn rất ngon. Có khi lấy sình non bên bờ ruộng  đấp chung quanh con cá, rồi lấy rơm nổi lửa lên nướng ngay tại chỗ. Khi lớp sình đen cháy khô, đổi ra màu xám trắng và nứt nẻ cả ra thì con cá đã chín. Banh cá ra, thịt trắng phếu như bông bưởi, khói nóng bốc lên thơm phức, quả thật không có gì ngon và bổ dưỡng mà lại tinh khiết cho bằng món ăn này. Thường thì ăn theo lối gói với bánh tráng nhúng nước, ăn với rau húng cây, húng lũi, lá quế, chấm nước mấm chanh ớt, và nhiều khi ăn với những ngọn rau đắng tươi xanh vừa mới hái ở bờ ao, bờ đìa gần đó.

TÁT ĐÌA

Như trên đã nói, đến mùa lúa chín, đồng ruộng trở nên khô cạn, chỉ còn những ao, đìa là nơi có nước. Đìa là một cái ao lớn, trung bình rộng cỡ hai, ba chục thước. Chung quanh đìa, nhờ có nước nên các bụi môn, bụi cây mắc cỡ, cây trái nổ cùng các thứ cây cỏ dại mọc xanh tốt. Trên mặt đìa thì nào là bèo cám, bèo cái, rau muống, lục bình che phủ, còn ở dưới nước thì đủ các loại cá lóc, cá trê vàng, cá trê trắng, cá rô mề, cá sặc rằng, cá sặc bướm, v.v... Đó là chưa kể rùa, lươn, rắn nước, tôm tép lớn nhỏ đủ thứ. Đồng ruộng khô cạn cả rồi, tất cả cá tôm đều phải đổ dồn về đây sinh sống. Vì vậy chủ đìa chỉ cần tát nước lên và bắt trọn hết.

Tát đìa là một dịp vui ở đồng quê. Từ sáng sớm phải bắt đầu tát, vì một cái đìa thường thường phải mất khoảng hai giờ đồng hồ hay hơn nữa mới tát cạn. Tát đìa thì dùng gàu dai. Gàu dai là một cái gàu nhỏ giống như một cái thúng, nhưng đáy túm dẹp lại, trên miệng có cột bốn sợi dây luộc dài để cho hai người đứng ở hai bên nắm lấy kéo và giựt. Động tác là như thế này: trước hết mỗi tay nắm lấy một dây gàu đưa ra phía trước, đoạn thả cái gàu xuống mặt đìa để múc đầy nước, kế đó giựt mạnh gàu lên cao qua bờ đìa để đổ nước ra ngoài. Cái gàu lên lên xuống xuống, nhịp nhàng thoăn thoắt coi thật vui mắt, nhìn mãi không chán. Thường là một đôi thanh niên nam nữ đứng tát, vừa kéo gàu vứa chuyện trò, đùa giỡn, nói bóng nói gió, hoặc treo ghẹo nhau thật là tình tứ. Bên bờ đìa, những người đi coi bu quanh rất đông, cũng cười giỡn nói chuyện ồn ào, ai cũng thủ sẵn những rổ, những giỏ lớn giỏ nhỏ và những thùng thiếc để chờ xuống đìa bắt cá.

Cặp trai gái đứng tát một chặp, thấm mệt, thì có một cặp khác nhảy vô thay thế ngay. Cứ tát như vậy, lần hồi mực nước trong đìa xuống thấy dần cho tới khi cạn hẳn, lúc đó những con cá rô, cá trê, cá lóc nhỏ đã thấy rõ, lội qua lội lại quăn queo trên lớp sình, những con cá lóc lớn hơn thì đã lặn trốn sâu ở phía dưới.

Thế là chủ đìa cùng bạn bè, người nhà xuống bắt trước, con nít chúng tôi được theo sau "bắt hôi". Cho bắt hôi, nhưng cấm không được theo sát lưng chủ đìa phía trước, vì phải đợi cho người ta bắt thật kỹ, thật hết đã, rồi mình mới được theo sau, cách xa ít nhất phải là hai thước. Tuy nói vậy chớ chủ đìa chỉ cần bắt những con cá lớn thôi, còn cá rô, cá sặc hoặc cá lóc nhỏ họ đâu thèm. Có khi họ còn cố ý bỏ sót lại một vài con cá lớn sộn để "thí" cho đám nhỏ phía sau. Ôi, bắt cá tát đìa thật là vui ! Ai cũng lội ngập trong sình, đen thủi đen thui, mặt mày tóc tai lấm lem cùng khắp, riết rồi có khi chỉ còn thấy có cặp mắt mở theo láo mà thôi, còn tất cả thì sình là sình.

Bắt được nhiều cá cũng rất ham. Cứ lấy hai tay quờ quạng, mò trong lớp sình sền sệt như tô cháo đặc, một lát là bắt được một con, cứ hễ đụng nhằm một vật trơn láng mà lạnh ngắt thì đúng là một con cá. Mò đụng con cá rồi thì phải lấy tay lừa nhẹ ngay chỗ đầu, nắm chặt lại. Cá mình nhớt, lại ở dưới sình nên trơn, dễ vuột lắm, nhưng vuột thì cũng không chạy đi đâu được, cứ việc mò theo là bắt được ngay. chỉ cần cho khéo, sợ cá rô, cá trê đâm lủng tay mà thôi. Có lần tôi đi bắt hôi, đi sát ngoài vách đìa, tay mò đụng một con cá lóc. Tôi cũng lấy tay rờ dài lên phía đầu, rồi nắm chặt lại kéo lên. Nhưng trong một thoáng, tôi ngạc nhiên vì tại sao con cá dài quá, kéo hoài mà vẫn không lên hết. Coi lại thì đó là, eo ơi, một con rắn! Tôi hoảng hồn vụt mạnh con rắn qua một bên, tay chân run rẩy. Nhưng không sao, vì đó chỉ là một con rắn nước. Vả lại nó cũng bị sình làm ngộp gần ngất ngư, chỉ nằm ngo ngoe chút đỉnh, chờ người khác tới bắt!

Trên đây tôi vừa kể một vài cách bắt cá ở đồng quê, cùng nhắc lại một vài kỷ niệm xưa cũ. Một lần khác, sẽ xin nói về những cách câu cá như câu rê, câu cắm, câu giựt v.v... và những cách làm cần câu, lưỡi câu, cùng những cách làm mắm sặc, mắm ruột, và cách làm nước mắm đồng.