Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

VĨNH BIỆT MẸ HIỀN

 

 

THÁI TÚ HẠP

 

Từ khi nhận được tin Mẹ mất tại quê nhà, lòng con xót xa đau đớn tận cùng. Qua những trang kinh vi diệu, những lời giảng dạy của các bậc cao tăng đức hạnh: Tất cả đời sống đều là khổ não. Không thể có hạnh phúc thật sự hoàn toàn bền vững trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Con thẩm thấu ý nghĩa sâu xa thế gian chẳng khác nào căn nhà cõi tạm và không thoát khỏi bốn nguyên nhân của sự khổ đau: sanh lão bệnh tử, con đường cuối cùng là sự ra đi biền biệt vào cõi hư vô, con hiểu điều đó, nhưng khi nghe tin Mẹ vĩnh viễn xa lìa trần thế, con vẫn cảm thấy đau đớn vô cùng. Từ giây phút này, thực sự con đã mất Mẹ. Con không còn diễm phúc để cài lên áo đóa hoa hồng để hãnh diện và sung sướng còn Mẹ trên thế gian. Cũng từ giây phút này, con không còn nghe tiếng cười, tiếng nói hiền hòa trìu mến hỏi thăm từng đứa con của Mẹ bên đại dương thăm thẳm này. Và con cũng không còn nghe tiếng ho khan của Mẹ trên đầu giây nói viễn liên khi trời trở gió, lúc con gọi về thăm Mẹ. Mẹ đột ngột ra đi không kịp nói lời từ biệt. Từ đây, con không bao giờ nhìn thấy mặt Mẹ. Mẹ đã trả lại thân xác cho đất, nước, gió, lửa để bắt đầu một cuộc hành trình khác. Nhưng con tin và cầu nguyện cho Mẹ sớm về nơi Cực Lạc. Vì khi Mẹ còn ở thế gian, Mẹ chỉ là một người đàn bà bình thường chất phát, suốt đời tảo tần buôn bán nuôi con. Mẹ hiền như đất, có ai thương cắm hoa trên đất, Mẹ cũng không lấy làm tự mãn hãnh diện vênh váo với người, với đời. Có ai ném bùn dơ vào đất, Mẹ vẫn không sầu khổ hờn căm. Lòng Mẹ bao giờ cũng bao dung từ ái như mây trời, như biển cả. Con đường Mẹ qua thầm lặng từ nhà đến chợ, từ nhà đến Chùa Tĩnh Hội thắp hương lễ Phật cầu an cho con cháu. Mẹ chỉ có nụ cười mộc mạc quê mùa trao gửi, chia xẻ với mọi người. Suốt cuộc đời Mẹ chỉ biết cam nhận đau thương theo định mệnh an bài. Chính những hạt nhân tình thương Mẹ đã gieo để chúng con ngày nay gặt được quả lành.  Đó là gia tài tinh thần vô cùng hiếm quý. Chúng con cảm thấy sung sướng nhận lãnh tình thương chân thật nơi mọi người. Suốt tuổi đời thơ ấu của con, Mẹ đã mang nặng đẻ đau, chịu đựng bao mùi hôi thúi, lo âu khổ cực trăm chiều, nuôi cho con khôn lớn...rồi con bỏ Mẹ chạy đuổi theo hư ảo cuộc đời...Cho đến khi cuộc đời đầy nanh vuốt xô ngã con xuống những bờ vực thẳm đau thương, con mới thức tỉnh gọi Mẹ thì Mẹ đã vời xa ngàn trùng. Đã nhiều lần, Mẹ thiết tha mong gọi con về ngả vào vòng tay trìu mến thương yêu của Mẹ, nhưng không bao giờ con thực hiện được, vì lòng người thù hận đã ngăn cách Mẹ con ta. Đường bay qua Thái Bình Dương chỉ hơn mười mấy giờ mà con tưởng chừng như xa thẳm còn hơn đường bay của các phi thuyền đến Sao Mộc, Sao Hỏa, đến Cung Trăng? Suốt đời Mẹ chỉ có nụ cười bao dung chia xẻ với mọi người, vì Mẹ chỉ biết yêu thương và không bao giờ hay biết đổi thay màu cờ trên đất nước. Trong chiến chinh hằng đêm, Mẹ thắp hương vái mười phương tám hướng, nguyện cầu trời   Phật gia hộ cho những đứa con Mẹ an lành ngoài mặt trận. Đến khi đất nước tưởng chừng như thái bình an lạc, Mẹ chưa kịp nở nụ cười hân hoan đón con về thì đã vội gạt lệ nhìn những đứa con bị hằn học đẩy xô vào các trại tù nơi rừng thiêng nước độc biên giới Quảng Nam. Như chim trên giàn lửa hốt hoảng bay lên ngút trời xanh. Con nhớ ngày cuối cùng chở vợ con bằng chiếc Honda cũ mèm của con về thăm Mẹ, và nói thẳng với Mẹ sau nhiều đêm suy nghĩ đắn đo, vì con không muốn giây phút đau đớn này xảy ra để nhìn thấy những giòng nước mắt tuôn trào trên đôi má nhăn nheo gầy còm của Mẹ. Nhưng con đã cương quyết phải nói cho Mẹ nghe ý định cuối cùng của con, là chỉ còn hy vọng cho chính đời sống vợ con và cho tương lai ở một vùng đất mới đầy nhân bản và tự do... Con không thể chịu đày đọa mãi ở thành phố này, khi những đứa con của con đã hiển nhiên bị loại ra khỏi đời sống xã hội hiện tại bằng những nhãn hiệu hồ đồ thù hận dài lâu. Con phải ra đi, Mẹ ơi! Cho dù biển lớn đầy thử thách hiểm nguy, đầy máu và nước mắt của hàng vạn người đã vượt qua. Con đường vào cõi chết để tìm sự sống, thập tử nhất sanh. Không còn cách nào hơn, xin Mẹ hiểu và tha thứ cho con, mặc dù Mẹ muôn đời vẫn là “kỳ quan tuyệt vời nhất” trong trái tim con. Buổi chiều đó Mẹ đã khóc...cả bầu trời đều giăng mưa. Thành phố Hội An thân yêu cũng ngậm ngùi chia xẻ nỗi đau thương tận cùng này. Lần cuối cùng con cầm tay Mẹ để tạ tội và Mẹ cố gượng cười trong ràn rụa nước mắt tiễn con đi. Con biết lần chia tay đó là vĩnh viễn con không bao giờ nhìn thấy Mẹ. Chuyến vượt biển của con như một linh tính chiêm bao chẳng lành báo cho Mẹ, tàu của con bị gió bão đánh chìm gần bờ biển đảo Hải Nam, chết mười mấy người, gia đình con may mắn được người ta cứu sống. Và từ đó, con như cánh chim bạt ngàn...

.

Bên này Thái Bình Dương, con vẫn mường tượng trong tiềm thức ra hình ảnh thành phố Hội An, vòng cung trên địa cầu chỉ một đường bay đến Los Angeles. Con đã nhìn thấy rõ từng con đường thân yêu đưa Mẹ đến chợ, đến ngôi chùa Tỉnh Hội. Thành phố như một ngôi làng đầy thân thương, mọi người sinh sống liên tục từ đời này đến đời khác, như mắc xích hiền hòa, chia xẻ với nhau niềm vui nỗi buồn, sống hòa đồng giữa những yêu thương hiệp chủng. Không phải bây giờ mà tình cảm đã nảy sinh nhân ái từ thế kỷ mười lăm, mười sáu, khi những chuyến tàu buôn đầu tiên của người Trung Hoa, người Nhật, người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cập bến sông Hải Phố buôn bán với người bản xứ và gắn bó tình cảm trăm năm. Nỗi đau của người này, nỗi buồn của người kia, là nỗi đau chung của những người trong thành phố Hội An. Hội An mỗi ngày mỗi già nua, mái phố rêu phong, tường vôi loang vỡ, nhưng chất chứa những tình cảm sâu kín thắm thiết ngàn đời. Cái tình “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã chứng tỏ bằng hiện thực trong thành phố Hội An cổ kính từ mấy trăm năm trước như một truyền thống thân thương. 

Con không bao giờ quên, tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm nơi Mẹ sinh thành, Cẩm Phô. Có ngôi nhà ngói đỏ ở đầu con đường bờ ruộng dẫn vào chùa Viên Giác. Lúc đó con vừa lên mười, con nhớ Mẹ còn trẻ - đối với con, Mẹ bao giờ cũng xinh đẹp nhất trong làng - Ba đi buôn xa ở miệt nguồn, thỉnh thoảng mới về. Mẹ giúp bà ngoại chăm sóc chuyện buôn bán cửa hàng, mở ngay mặt trước nhà, con nhớ đầy cau khô, khoai khô, đậu bắp, gạo, chất đầy căn gác xếp sau nhà...  Con hay theo Mẹ vào lễ Phật trong chùa Viên Giác vào những ngày Rằm và Mồng Một.  Sau khi thắp hương lạy Phật, Mẹ hay chỉ cho con xem những bức tranh Mục Liên Thanh Đề hay những bức tranh nhiều màu sắc khác vẽ lên những hình tượng quỷ sứ tra tấn tội phạm ở địa ngục, với dụng ý răn dạy người sống trên thế gian nên ăn ở phúc đức, từ bi nhân ái với mọi người.  Khi lớn lên, ngược xuôi nhiều địa phương xa xứ Quảng, nhưng con không nhìn thấy có những bức tranh hướng thiện như ở chùa Viên Giác mà con đã nhìn từ thuở ấu thơ.  Suốt cả một đời, Mẹ chưa bao giờ nói nặng lời với con, với mọi người.  Có nhiều lần con theo bạn bè nghịch ngợm hư đốn, Mẹ không la mắng con, chỉ xoa đầu dạy bảo: Con đừng làm như thế nữa, Mẹ buồn lắm... Những buổi chiều quây quần ngồi ăn cơm với ông bà ngoại, vừa xem bầy dơi rủ nhau về ăn trái cây đa ở trước sân chùa Viên Giác. Những đêm trăng treo lơ lửng trên ngọn tre, Mẹ ngồi ru con trên chiếc võng mắc qua hai cây cau sau nhà. Mẹ hát cho con nghe những lời ca dao mật ngọt:

 

Công Cha như núi Thái Sơn

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ Mẹ kính Cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...

 

...Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều...

 

Con đâu ngờ tiếng hát Mẹ ngày xưa là nỗi lòng xót xa của con bây giờ. Không phải lòng con đau chín chiều mà lòng con bây giờ như bãi vắng hoang vu không tìm thấy những cánh hoa vàng ngày xuân sum họp. Hàng triệu buổi chiều đã tắt lịm trong hồn con. Mất Mẹ là mất tất cả. Con chỉ ân hận là bao nhiêu năm qua để Mẹ sầu nhớ chờ mong. Đến lúc Mẹ nằm xuống con cũng không được về nhìn thấy Mẹ một lần để vĩnh viễn từ ly. Lửa Tam Muội đã bùng vỡ ngùn ngụt trong lòng người u minh si hận. Nhưng Mẹ đã dạy cho con từ lúc vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời: Hãy đem tình thương đến với mọi người và chỉ có nụ cười mới hóa giải thù hận. Con người không ai thoát khỏi những cửa ải sinh lão bệnh tử. Mỗi ngày chúng ta đang bước dần đến cái chết, đang chờ chúng ta ở cuối đường. Khi nằm xuống buông tay, tất cả ngọc ngà châu báu, danh vọng, chức tước, quan quyền, nghèo hèn, sắc đẹp đều trả về cho cát bụi. Chỉ còn tình thương hy vọng nhân gian còn nhắc nhở.

Mẹ đã nhiều lần nói với con: Hãy lấy sự chân thật, tử tế ăn ở với mọi người. Và hãy như mây trên đỉnh đèo Ải Vân, những phân hóa vì ý thức hệ, chủ nghĩa, thời gian qua đi cũng chỉ như những viên sỏi dưới chân đồi. Lịch sử đã chứng minh, không có bạo chúa nào áp đặt sự tôn kính vào đầu dân chúng mãi được. Qua Vạn Lý Trường Thành, hôm nay du khách có cảm giác như đang còn nghe vang vọng trong hư vô bao nỗi oan nghiệt hờn căm của dân lành. Các sư sãi có bao giờ mang gươm, súng để bảo vệ hay thị uy, thế mà giáo lý của Đức Thế Tôn đã vượt qua hai ngàn năm trăm bốn mươi mốt (2541) năm thử thách với đời, với lòng nhân thế, mỗi ngày hương Từ Bi càng tỏa khắp địa cầu. 

Cho dù xuôi ngược nơi chốn nào trên khắp thế giới, con vẫn nhớ về Hội An vì trong miền đất quê hương thân yêu đó có Mẹ an giấc ngàn thu.  Đám Tang Mẹ ở quê nhà và Lễ Phát Tang ở Chùa Diệu Pháp thành phố Monterey Park ở Hoa Kỳ đã được Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Chư Tôn Đức và mọi người đến chia xẻ tình cảm thương mến Mẹ, đã làm cho chúng con vô cùng xúc động, ngôn ngữ đã trở thành vô nghĩa, khách sáo trước những tình cảm chân thật mà tất cả mọi người đã dành cho Mẹ, dành cho gia đình các con trong giây phút đau thương tận cùng.  Xin đa tạ ơn đời.  Đa tạ ơn Người. Con sẽ đọc Kinh Thủy Sám hằng đêm để sám hối và cầu siêu Mẹ.

Những tháng năm con tiếp tục lên đường với hành trang từ ái của Mẹ.  Ý niệm như bánh xe quay chập chùng lập lại, con hiểu “Ngũ uẩn phù vân không khứ lai”, thân ngũ uẩn này chẳng khác nào như mây bay qua bầu trời, có nghĩa gì đâu.  Nhưng khi đã hình thành thực thể hiện hữu giữa đời, con gắng giữ cho tâm trọn vẹn Chân Như.  Khi tâm lắng đọng là lúc đóa hoa Từ Bi vươn lên tỏa ngát hương trầm.  Mọi người đã đến với Mẹ, đã chia xẻ nỗi buồn với con.  Con đã trân quý nhận lửa từ que diêm nối kết thành mặt trời, băng giá đã vỡ trong những những đêm dài bệnh hoạn hờn căm.  Mẹ đã vĩnh viễn ra đi, nhưng Mẹ vẫn trìu mến sống mãi trong trái tim con đến tận chân trời viễn xứ.

  

Los Angeles, ngày 8-3-1998

Ngày Mẹ mất tại Hội An, Quảng Nam