Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

THẾ LỮ

BUỒN ƠI! XA VẮNG...

 

THÁI TÚ HẠP

 

 

Trong một sát-na nào đó, tôi tưởng chừng như đã Ngộ cái ý nghĩa “Tứ Đại Giai Không” của nhà Phật. Và tôi cảm thấy thấm thía những câu thơ biểu hiện về sự thức tỉnh triết lý của kiếp nhân sinh mà nhà thơ Cao Tiêu đã đề cập tới:

 

...Nhìn xem trong cõi ta bà

Dẫu rằng sắc, tướng cũng là hư không

Đời người bóng ngựa bên song

Lẽ sinh tử chẳng qua trong luân hồi...

 

Tất cả chúng sinh đều trở về cõi an nghỉ đời đời nơi Cực Lạc hoặc Thiên Đường? Hay lại tiếp tục vướng mắc vòng quay của kiếp luân hồi vì cái nghiệp còn đeo đuổi? Những ngôi sao tỏa sáng trên thi văn đàn Việt Nam một thời cũng đã lần lượt tắt lịm và lặng lẽ ra đi. Ở cõi hư vô miên viễn nào đó, những thiên tài đã gặp nhau chắc hẳn đã hài hòa từ ái với nhau hơn khi còn ở nhân thế? Những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phan Du, Hoàng Trúc Ly, Quách Thoại, Y Uyên, Nguyễn Bính...và mới đây Thế Hoài, Quách Tấn, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Quang Dũng, Tú Mỡ, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Chế Lan Viên, Trần Huyền Trân, Yến Lan, Thế Lữ...Trong sự hủy diệt của thể xác đó, những tinh anh phát tiết bằng thi văn hy vọng vẫn còn mãi ở thế gian và trong yêu thương của mọi người. Ông Võ Phiến đã nhận định: nhà thơ chỉ tồn tại với thơ. Nhưng cũng có những hiện tượng người vẫn sống mà linh hồn họ tưởng chừng như đã chết từ lâu. Điều nhận xét này, ông Nguyễn Hưng Quốc cũng đã viện dẫn đến hàng loạt những nhà thơ tiền chiến đi theo Cộng sản: ”...Những thành phần văn nghệ sĩ này đều là những người chết muộn. Họ thực sự đã chết sớm, rất lâu, với tư cách là một nhà thơ, trước cái chết của thể xác họ, và với tư cách một sinh vật đảng viên hay cán bộ tuyên truyền của nhà nước. Có người chết tức khắc, chóng vánh, ngay khi người ta đòi biến thơ thành “THÉP”.

Những người yêu thơ của một thời trào lưu bừng nở trăm hoa, mỗi sáng tác là một viên ngọc quý trên thi đàn Việt Nam ”...Phần lớn giá trị của những ngọn đỉnh cao nhất của những nhà thơ tiền chiến đều nằm ngoài, bên kia, xa lắc trước cửa nền thơ gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa...” (Nghĩ Về Thơ của Nguyễn Hưng Quốc).

Chúng ta nên giữ thái độ công bằng để nhìn trên góc cạnh không gian, thời gian, vận chuyển đa hiệu của cao trào thơ cận đại, mới cảm thấy sự ra đi của những tài danh như Vũ Hoàng Chương, Quách Thoại, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Phùng Quán, Thâm Tâm, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Yến Lan và Thế Lữ...là sự mất mát lớn đối với nền thi ca Việt Nam. Theo quan niệm của chúng tôi, thi ca phải trân quý ở cái thế giới vượt thoát lên cao, ra ngoài mọi chủ nghĩa phi dân tộc, mọi chủ thuyết triệt hủy sự sống và giá trị con người, mọi hố thẳm của thù hận, và mọi đau đớn của ngục tù. Ở cái thế giới thơ mộng an bình thực sự đó, chúng ta sẽ rong chơi trong không khí đẫm mật, đầy yêu thương của mùa xuân vi diệu tuyệt vời mà Thế Lữ vẽ nên:

 

...Ánh xuân lướt cỏ, xuân tươi

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng

Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn

Tiên Nga xõa tóc bên nguồn

Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu

Mây hồng ngừng lại sau đèo

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi

Trời cao, xanh ngắt ô kìa

Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

Theo chim, tiếng sáo lên khơi

Lại theo dòng suối bên người Tiên Nga

Khi cao, vút tận mây mờ

Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh

Êm như lọt tiếng tơ tình

Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không

Thiên Thai thoảng gió mơ màng

Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa mây...

(Tiếng Sáo Thiên Thai)

 

Cho đến bây giờ, không ai có thể chối bỏ một trong những thành viên có công lao khai mở phong trào thơ mới ở thời tiền chiến của Thế Lữ, giai đoạn 1930-1945. Ông được xem như là một chiến sĩ biệt kích tiên phong nhưng rất khiêm nhượng thi triển tài năng để phá vỡ thành trì thơ cổ và những tư tưởng phong kiến lạc hậu, nhằm cải cách xã hội theo quan niệm mới mẻ:

 

...Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối

Hoa chăm, cỏ sén, lối phẳng cây trồng

Giải nước đen giả suối, chẳng thông giòng

Len dưới nách những mô gò thấp kém

Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm

Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u...

(Nhớ Rừng)

 

Trong mỗi đời sống đầy nhiệt huyết của thanh niên, dọc ngang cung kiếm oai hùng ”...Xuống Đông đông tĩnh, lên Đoài đoài tan...” như những tráng sĩ trên mình ngựa rong ruổi khắp cùng non cao hải tận, oanh liệt ngang tàng...Thời cuộc đổi thay, cho đến một hôm nào đó khi gió rừng phong chớm lạnh. Tráng sĩ cảm thấy se lòng vì nhớ nhung, dừng ngựa lưng đèo, soi mình trong giòng suối vắng, mới khám phá tóc mình đã tuyết pha, tấm áo giang hồ đã tơi tả trong thời gian xông pha nơi gió bụi: “Thì ra tuổi đã ngất ngưỡng ở cửa tri thiên mệnh...” người chiến sĩ già quạnh quẽ đi vào cõi thầm lặng của thế gian, diện bích mà tiếc nuối tuổi đời qua mau, nhưng mộng vẫn chưa thành, hai bàn tay trắng bắt những bóng mây trời ảo vọng:

 

...Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Tay say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?...

(Nhớ Rừng)

 

Người về trong cõi quạnh hiu, hồn xác rã rời chuyện nhân thế, đã nghe chừng quên lãng những cảnh náo nhiệt, ngựa xe cờ xí một thuở vàng son:

 

...Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...

(Huyện Thanh Quan)

 

...Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,

Tự tương ma tẩy nhận tiền triều

Đông phong bất dữ Chu lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.

(Xích Bích Hoài Cổ - Đỗ Mục)

 

Kích gãy bờ sông vùi dưới cát

Biết đến triều xưa khi rửa xong

Gió đông tan mộng Chu Công Cẩn

Hai Kiều Đồng Tước khóa thanh xuân

 

Cát bờ sâu - kích giáo chìm

Rửa ra mới hiểu căn nguyên tiền triều

Chu Lang, gió chẳng thuận chiều

Nên Đồng Tước khóa hai Kiều tuổi xuân

(Nhớ Xưa Trận Xích Bích - Ái Cầm)

 

...Ngàn năm sực tỉnh lê thê

Trên thành son nhạt - chiều tê cúi đầu...

(Huy Cận)

 

Không là tráng sĩ phiêu hốt, trận tiền lưu danh trong sử sách, chỉ là một người bình thường vương vấn chút mơ thôi, và một tâm hồn bé nhỏ của người nghệ sĩ mang “Cây Đàn Muôn Điệu” xuôi ngược trần gian để cho nhân thế bớt ưu sầu.

 

...Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể

Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ

Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca...

 

Người nghệ sĩ đi đến đâu đều được mọi người đón tiếp nồng nhiệt đến đó, vì ông không mang đến chủ nghĩa vô thần này, lý thuyết vong bản khác, ông chỉ đôn hậu mang đến vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng của non nước, của thi văn, tư tưởng, dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân...ông mang đến tình yêu cho mọi người, có thể vì đồng điệu trong cõi thơ trần thế, nên chúng tôi nghĩ về Thế Lữ bằng tâm lượng hồn nhiên sông biển:

 

...Cơn gió nhẹ lướt qua làn sóng

Nắng chiều xuân rung động trên cành

Mấy hàng lau yếu nghiêng mình

Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu?

(Hồ Xuân Và Thiếu Nữ)

 

...Hôm qua đi hái mấy vần thơ

Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ

Cảnh tĩnh, trong hoa chim mách lẻo

Gió đào mơn trớn liễu buông tơ...

 

...Anh đi đường anh, tôi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi

Đã quyết không mong sum họp mãi,

Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

 

Non nước đương chờ gót lãng du,

Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,

Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc

Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

 

Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,

Đem chí bình sinh dãi nắng mưa

Thân đã hiến cho đời gió bụi,

Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

 

Rồi có khi nào ngắm bóng mây

Chiều thu đưa lạnh gió heo may

Dừng chân trên bến sông thu vắng

Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây...

(Giây Phút Chạnh Lòng)

 

Ngoài cái mơ ước cải hóa xã hội, Thế Lữ còn đưa hồn thơ vào cõi mê cung thoát khỏi trần thế. Ông đi tìm thế giới không có thực. Cái thế giới hư vô đã có lần ông Phạm Công Thiện thường nhắc nhở tới. Có thể người đời cho ông là viễn mơ, không thực tế, nhất là những người yêu thơ lác đác như “Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài giời mưa bụi bay” (Vũ Đình Liên) ở hải ngoại, bây giờ, trong khi mọi người Việt lưu vong phải chạy đuổi theo đời sống như những toa tàu không biết mệt, thì thơ ông rất ư càng xa lạ. Tuy nhiên vẫn được xem như viên đá quý trong tâm thức những người yêu thơ của những thế hệ đang bước vào tuổi già:

 

...Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền

Êm như hơi gió thoảng cung tiên

Cao như thông vút, buồn như liễu

Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên...

 

...Lời oanh trên liễu, yến bên hồng

Hạc ở trong không, phụng dưới tùng

Bỗng chốc cùng nhau cao tiếng họa

Đờn tiên rộn rã khắp tiên cung...

(Vẻ Đẹp Thoáng Qua)

 

Thế Lữ, một nhà thơ đầy nhân tính và khai phóng lẫm liệt đến như thế, nhưng đến khi bị cuốn hút vào cơn bão lửa của thời đại sau 1945-1954 thì chính ông đã dứt khoát lên tiếng “vô thừa nhận” những đứa con tinh thần lừng lẫy nhất trong giòng Văn Học Dân Tộc Việt Nam. 

Ông đã mất tại Saigon cuối năm 1988. Thành phố mà trước 1975 đã có rất nhiều người yêu thơ ông và mang đến khắp tận chân trời viễn xứ.

Tất cả như chiếc lá vàng úa, bay vèo trên thảm cỏ xanh, hay tan rữa trong mặt hồ tĩnh lặng. Có còn chăng trong lòng nhau là những giây phút giao động khi nhắc đến những bài thơ của ông một thời vang bóng:

 

...Tiếng đưa hiu hắt bên lòng

Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn...

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn

Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu

Mây hồng ngừng lại sau đèo

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi...