Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

PHỎNG VẤN

NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP

 

NGUYỄN MẠNH TRINH THỰC HIỆN

 

NMT: Xin anh cho biết vài dòng về tiểu sử của mình?

TTH: Sinh tháng 4. 1940 tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trước năm 1975 Sĩ quan QL/VNCH.  Đã từng phụ trách Chiến Tranh Chính Trị ở cấp Đại đội, Chi khu, Báo chí, phát thanh thuộc phòng Tâm Lý Chiến Quân Đoàn.  Sau tháng 4. 1975 đi tù nhiều năm tại Kỳ Sơn, Quảng Nam.  Nhờ vợ là người Hoa làm đơn bảo lãnh về địa phương để “hưởng ân huệ tống xuất ra khỏi Việt Nam” theo chính sách bài Hoa Kiều kịch liệt trên toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1978.  Tôi thường gọi đùa “Thoát nạn qua kẽ hở lịch sử”. Trong thời gian chờ đợi thủ tục dâng hiến tài sản tại địa phương tôi đã đi xe thồ, làm công nhân hợp tác xã Quế ở Đà Nẵng. Sau đó vượt biển đến trại tỵ nạn năm 1980.  Học Graphics Design & Printing hai năm.  Phụ giúp vợ về các dịch vụ thương mại đại diện in lịch từ Hongkong, Đài Loan, mở nhà hàng Doanh Doanh ở gần Chinatown, Los Angeles kiếm sống qua ngày. Cuối cùng do bạn bè thúc đẩy và khuyến khích từ tinh thần đến vật chất nên vợ chồng đứng ra làm báo Saigon Times. Tình trạng gia đình: Hai trai và một gái.  Hiện cư ngụ tại vùng Rosemead, Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

 

NMT: Xin anh vui lòng cho biết thêm về những  hoạt động văn học nghệ thuật mà anh đã đóng góp?

 

TTH: Từ năm 1956 đến năm 1975, đã liên tục đăng thơ trên các tạp chí Văn Học ở Saigon như Bách Khoa,  Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn Học, Khởi Hành, Gió Mới, Nghệ Thuật, Thời Nay, Mai...

- Bản thảo đã hoàn tất: Người  Đi Chiến Chinh (tạp bút 1968), Quê Hương và Người Tình (thơ 1969), Vành Khuyên  (tập truyện 1972), Yêu Em Một Đời (thơ 1973), Dưới Cội Mai Vàng (thơ  1974).

Ngoài điều hành tuần báo Saigon Times từ năm 1987, chúng tôi còn chủ trương nhà xuất  bản Sông Thu từ năm 1988.

- Tác phẩm đã xuất bản: Truyện Tập  Sông Thu (thơ 1962) vời Thành Tôn và Hoàng Quy, Thèm Về (thơ 1970), Chim Quyên  Lạc Ngàn (thơ 1982), Thơ Văn Việt Nam  Hải Ngoại (tuyển tập 1-1985), Miền Yêu Dấu Phương Đông (Thơ 1987), Thơ Văn Phật Giáo (Tuyển Tập 1993), Hạt Bụi  Nào Bay Qua (thơ 1995)

- Sẽ xuất bản nay mai: Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại (Tập 2), Bên Ngàn Lau Xanh (Tùy bút). Tuyển Tập Thơ Nhạc (Thơ Thái Tú Hạp và nhiều nhạc sĩ), Giở  Trang Vô Tự Trắng Nhòa Sắc Không  (thơ).

 

NMT: Trước 1975, anh sinh sống ở miền Trung nhưng lại hay xuất hiện ở những tạp chí xuất bản ở Saigon. Có phải anh là một trong những người cầm bút thường gọi là “nhà văn trẻ  miền Trung”?

 

TTH: Hầu  như tất cả những tạp chí Văn Học ấn hành ở Saigon đều xuất  hiện những sáng tác của anh em chúng tôi thời đó như Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Phan Nhự Thức, Phương Tấn, Triều Hoa Đại, Đinh Hoàng Sa, Huy Giang, Vũ Hữu  Định, Nguyễn Nho Nhượng, Hoàng Lộc,  Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Dạ Lữ, Nguyễn Đông Giang, Nguyễn Kim Phượng, Hồ Minh Dũng, Mường Mán, Trương  Duy Hy, Hoàng Thị Bích Ni, Trần Quang Lộc, Hạ Quốc Huy, Vương Thanh, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đinh Trầm Ca, Thành  Tôn, Lê Vĩnh Thọ, Vĩnh Điện, Lâm  Quang Phước, Đông Trình, Huy Giang, Lê  Đình Phạm Phú, Hoàng Quy, Thái Tú  Hạp...điều đó đủ thẩm định  sự đóng góp tác phẩm của chúng  tôi trong những sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở Thủ Đô.  Chúng tôi cảm ơn những cảm tình quý vị đã dành cho anh em sáng tác ở miền Trung trong thời điểm trước 75 bằng những khích lệ cụ thể.

 

NMT: Anh bắt đầu cầm bút lúc nào?  Từ những dòng chữ viết đầu tay có  kỷ niệm nào đáng nhớ?

 

TTH: Thật sự tôi không nhớ mình  bắt đầu làm thơ từ bao giờ,  chỉ loáng thoáng ở tuổi học trò, khi biết ngẩn ngơ trước đôi mắt nai của người bạn gái học chung trường hồi đó. Một trong những bài thơ được đăng trên Thời Nay khoảng  56-57 gì đó, “Làm Chim Trong Thành Phố  Nhỏ”... đại khái những câu: “Anh xin làm chim trong thành phố. Hót sớm  mai cho em dậy học bài. Ru giấc ngủ chiều trăng bên khung cửa. Lòng ta buồn  thương nhớ vu vơ...”  Và thêm một kỷ niệm đáng nhớ nữa. Những năm Trung học chúng tôi (Hoàng Quy, Thành Tôn hay làm thơ cho nhau xem và rủ nhau về  quê Đại Bình Trung Phước, quê hương của Hoàng Quy, Tường Linh, Bùi Giáng...Tôi vô cùng thích thú trước cảnh đẹp thiên nhiên nơi núi rừng dấu yêu của bằng hữu, tôi viết  bài thơ “Tình Quê” gởi cho mục Thơ  trên nhật báo Tự Do năm 1957 phát  hành tại Saigon, do Thi Sỹ Vũ Hoàng Chương  phụ trách. Bài thơ dài có đến gần cả trăm giòng thế mà Thi sỹ  họ Vũ chọn đăng nguyên tác không  cắt xén đoạn nào lại thêm lời bàn vô cùng ưu ái và khuyến khích nhiệt tình. Đến cả mười năm sau vào đời, trưởng thành, có  dịp vào Saigon đến thăm Thi Sỹ. Cụ vẫn nhớ bài thơ năm cũ làm cho  tôi vô cùng xúc động những tình  cảm Cụ đã dành cho kẻ yêu thơ  hậu sinh ở miền Trung.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác trong  thời gian ở tù về địa phương quản chế, tôi sáng tác nhiều thơ và văn chương nhưng khi vượt biển vì sợ chính quyền địa phương  tịch thu nên vợ tôi và tôi cặm  cụi viết thật nhỏ vào giấy mỏng may vào vành nón cho đứa con trai đội bình thường, chuyến vượt biển bị chìm tàu chết 13 người, may có  tàu đánh cá HongKong ở gần đó  đến vớt kịp, dĩ nhiên khi lên bờ mỗi người chỉ còn vỏn  vẹn bộ đồ mặc trên người. Tất  cả đồ đạc vốn liếng tinh thần cuối cùng mang theo đã trả về cho cát  bụi.

 

NMT: Hiện nay anh vừa làm báo vừa viết văn, làm thơ. Hai công việc ấy có gì bổ sung cho nhau hoặc có gì trở ngại cho nhau?

 

TTH: Sống đời lưu vong mấy ai diễm phúc được trở lại nghề cũ của mình mà cưu mang được cuộc sống cơm áo. Tôi là một trong những  người may mắn chăng? Ở Việt Nam thực sự chỉ làm báo thuần túy Văn Nghệ không lo cạnh tranh và  không sống bằng ngòi bút của mình. Làm báo ở hải ngoại quá dễ mà cũng thật quá khó. Dễ là ai cũng có  thể làm báo được, viết gì thì viết không bị cắt xén vì kiểm  duyệt. Nhưng rất khó ở lương  tâm người cầm bút. Con đường  từ bạn đến thù quá ngắn. Viết  văn, làm thơ, làm báo, thực sự những công việc nầy đều liên  hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Tờ báo đúng nghĩa theo quan niệm của một người làm báo có lương tâm  nhà nghề, tối thiểu phải cố gắng  có nội dung phục vụ người đọc. Dĩ nhiên một, hai người không thể nào  cáng đáng nổi, phải nhờ vào  sức viết của nhiều nhà văn, nhà  báo tiếng tăm cộng tác. Chúng tôi mong mỏi được đem đến mọi gia đình người Việt lưu vong món ăn tinh thần đúng nghĩa sau một tuần chạy đuổi theo đời sống quá mỏi  mệt và nhiều căng thẳng.

 

NMT: Nguyên nhân khiến anh cầm bút, và có mục đích gì? Để nổi danh? Để tâm sự với chính mình? Hay  tâm sự với người khác? Hoặc  làm công việc mình thích?

 

TTH: Xin anh cho được dông dài một  tí, khi nhỏ tôi sống nhiều với ông  bà ngoại ở làng Cẩm Phô ven thị  xã Hội An (cùng quê bên nội của  giòng họ cố nhà văn Nhất Linh Nguyễn  Trường Tam), ngôi nhà ở dưới  tàng cây đa sầm uất, chuyên buôn  bán cau khô và những thổ sản của  người miền Cao nguyên Trà Mi, Tiên  Phước đem xuống bán ở Hội  An. Phía sau nhà thoai thoải ngọn đồi nhỏ là ngôi chùa Viên Giác. Buổi  chiều tôi hay ngồi một mình ở trước  hiên nhìn nắng chiều xuyên qua vòm lá thẫm, đàn dơi rủ nhau về kêu những  tiếng buồn não ruột, và tiếng chuông chùa khua động trong không gian chiều tịch  lặng, bỗng dưng tôi cảm thấy... không hiểu vì sao tôi buồn...và lớn  lên đôi chút, rung động bất thường đó có lẽ đã đưa tôi vào  thế giới thơ lúc nào không biết. Và rồi tình yêu là yếu tố thúc  đẩy tôi liều lĩnh đi vào cõi thơ như một hệ lụy hạnh phúc suốt  cả một đời. Cho đến bây giờ gần bốn mươi năm qua làm thơ tôi vẫn cho là chuyện mình thích từ  những xúc động ngoại cảnh bắt  gặp.

 

NMT: Theo anh, làm thơ có phải là thực hiện một sứ mệnh nào cao cả? Hay cũng chỉ là một công việc bình thường?

 

TTH: Tôi vẫn cho chuyện làm thơ đâu  có gì quan trọng, nhất là dân Việt Nam mỗi người là một nhà thơ. Qua  kinh nghiệm lịch sử, một số thi sỹ thời tiền chiến đã tự hủy đứa con tinh thần để bắt thơ mang một sứ mệnh. Và chính những  bài thơ sứ mệnh đó đã giết  chết tên tuổi người sản sinh ra nó.

 

NMT: Điều gì gây hứng cảm để anh làm thơ? Và điều gì hứng  cảm để anh viết văn?  Hai cảm hứng ấy có gì khác với nhau?

 

TTH: Ngoại cảnh tạo cho mình cảm hứng. Tình  yêu,

bằng hữu, tình quê hương, cái vô thường của nhân sinh và  sự đổi thay của đời sống. Cảm  xúc đến nhanh và tan nhanh như giọt sương  trên cành lá biếc. Hứng cảm của thơ thoáng chốc cô đọng. Hứng  cảm viết văn nuôi dưỡng dài  lâu như nhà thể thao chạy đường  trường đòi hỏi sự kiên trì  bền bỉ hơn, nên tôi không sở  trường lắm, chỉ thỉnh thoảng viết  được dăm bài tạp ghi, một số  truyện ngắn. Những điều mình dàn  trải tâm tư mà ở khuôn khổ thơ  không cho phép thì hãy mở cửa,  tha hồ bơi lội trong giòng sông mênh mông của Văn. Nhưng với tôi dành  nhiều thời gian sáng tác thơ hơn. Lúc trẻ thì sôi nổi chạy đuổi theo dấu chân Apolinaire,Baudelaire, Chateaubriant, Lamartine... những Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ ZDếnh, Thâm Tâm,  Vũ Hoàng Chương...đầy thơ mộng lãng mạn, đến lúc vào quân đội  đi tác chiến đối diện với tử sinh vô lý thường nhật, rồi biến  cố lịch sử đau thương xảy ra anh  em vào tù, mỗi ngày nhìn thấy những  cái chết phi lý chung quanh, những nghiệt ngã tận cùng phải chịu đựng,  nỗi niềm xót xa thân phận làm người. Như  anh thấy tư duy này bàng bạc trong các tập “Chim Quyên Lạc Ngàn”, “Miền Yêu  Dấu Phương Đông” và “Hạt Bụi Nào Bay Qua”. Đến lúc tuổi càng cao  tôi càng thích thú và yêu mê cõi vào thế giới thanh thoát của đường  thi.

 

NMT: Anh làm thơ có dễ dàng không? Hoàn thành một bài thơ, thời gian có lâu  không?

 

TTH: Cũng có khi dễ, cũng có lúc khó khăn tùy theo cảm hứng. Thường thời gian lệ thuộc cảm hứng nhiều  hơn.

 

NMT: Anh có thường hay sửa chữa thơ khi hoàn tất không? Theo kinh nghiệm riêng anh, thơ saukhi sửa chữa sẽ hay hơn hoặc tệ hơn? Và nguyên bản  lúc đầu khi sửa chữa có còn giữ được ý tưởng manh nha ban đầu hay sẽ khác đi?

 

TTH: Tôi vừa trình bày, thơ phải sáng tác theo cảm hứng. Cảm hứng là linh hồn của bài thơ. Tôi sáng tác  rất nhiều song giữ lại chẳng bao nhiêu. Nhiều khi cảm hứng bất chợt đến, tôi viết một mạch xong bài thơ đọc lại vài lần thấy không cần thiết sửa  chữa xem như chấp nhận sự hoàn  chỉnh, nhưng cũng có trường hợp phải sửa chữa vài ba lần tôi mới bằng lòng, dĩ nhiên phải đạt  hơn chớ. Có nhiều đoạn trong một  bài thơ gần cả hai chục năm sau, đọc lại vẫn còn cảm thấy thích thú.

 

NMT: Theo anh, một bài thơ hay phải hội đủ yếu tố nào?

 

TTH: Khó mà thẩm định một bài thơ hay theo nhận xét tuyệt đối chung của  nhiều người, có thể có người cho rằng thơ của Cao Bá Quát, của Thanh Tâm Tuyền, Bà Huyện Thanh Quan hay, có nhiều  người cho thơ của bà Hồ Xuân  Hương, Tú Xương, Tản Đà, Đinh Hùng, Nguyễn Bính xuất sắc. Có nhiều người không thích đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà chỉ thích Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi. Nhưng ở đây,  tôi muốn nêu lên trường hợp  tương đối, một bài thơ hay phải  chuyên chở hồn tính, có nhạc điệu  dễ truyền đạt cảm xúc từ tác  giả đến độc giả. Nhận xét và phát biểu một cách nhà quê: Một  món ăn hợp khẩu vị được chấp nhận là món ăn ngon chứ không  phải do cách thức trình bày món ăn đẹp đẽ màu sắc hấp dẫn trên những chén đĩa chạm trổ ngọc ngà sang trọng.

 

NMT: Anh có để ý đến thể loại của bài thơ mình sẽ sáng tác lúc ban đầu?

 

TTH: Khi cảm hứng chợt đến mình vội vã ghi lại thành thơ. Sự sáng tạo của thơ xảy ra một cách đột  nhiên và không suy tính. Đôi khi có những trường hợp ngoại lệ, nguồn cảm hứng của thơ triền miên dẫn dắt nhà thơ cuốn hút vào sự  mê đắm và cấu trúc nên thể  điệu thơ có vần hoặc tự do tùy ý. Chỉ ghi lại cảm xúc rồi biến  hóa thành thể loại sau.

 

NMT: Thơ Tự Do và thơ có vần, anh thích làm thể loại nào? Và loại nào khó hơn?

 

TTH: Đa số bạn bè biểu lộ tình cảm đối với tôi nhiều hơn trong những bài thơ có vần điệu ở ngũ ngôn và lục bát. Trong những tập thơ đã ấn hành, số lượng những bài thơ có vần điệu thường chiếm đa số. Lúc tôi mới bắt  đầu làm thơ chẳng khác nào người học lái xe, phải qua những quy luật, đến khi lái giỏi rồi tha hồ nhấn ga, thả tay, nghe nhạc...Tôi vẫn thích thơ có vần điệu dễ nghe hơn, cho dù chúng  ta làm mới từ ngữ.

 

NMT: Anh có suy nghĩ nào về công việc làm mới thi ca? Theo anh thế nào là  làm mới thi ca?

 

TTH: Tôi có theo dõi một số nhà thơ hiện nay họ đang cố gắng khai phá một  hướng đi mới của thi ca Việt Nam. Không phải hơn hai mươi năm sau mới có hiện tượng “thực hiện cuộc  cách mạng thi ca mà anh gọi làm mới  thi ca”. Trước đây đã có những  quá trình tiến triển của thi ca Việt  Nam để mong bắt kịp trào lưu tiến bộ của thi ca thế giới, như chúng  ta đều biết, những khuynh hướng  tả chân, lãng mạn, tượng trưng,  hiện sinh, siêu thực...nhưng cuối cùng những bài thơ đích thực xúc động mang hồn tính tuyệt vời của nghệ thuật mới chính là nét đẹp  giá trị của thi ca, cho dù sáng tạo dưới bất cứ một thể loại và khuynh hướng nào. Tất cả đều phải thử thách  qua thời gian và sự thẩm định của nhân gian. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ  - có lẽ bảo thủ - những bài thơ lục bát ngắt câu ngắt đoạn sẽ trường thọ và được những  người yêu thơ đón nhận dễ dàng!?

 

NMT: Thơ mới và thơ hay có phải là một? Hoặc có nhiều phân biệt giữa hai danh từ này?

 

TTH: Không nên có sự nhầm lẫn thơ  mới và thơ hay là một. Thơ mới  chưa hẳn là thơ hay và thơ cũ chưa  hẳn là thơ dở. Ông Robert Payne đã  sưu tầm vài trăm bài đường thi chuyển dịch ra Anh ngữ, ấn hành năm  1947 để cho người Mỹ đọc dưới nhan sách “The White Pony - An Anthology of Chinese Poetry”. Chỉ một bài thơ Lộc Trại của Vương  Duy đã có đến vài chục nhà thơ  trên thế giới chuyển dịch ra nhiều  ngôn ngữ. Về Anh ngữ, đại khái tôi đan cử một số tên tuổi mà  tôi còn nhớ: W.J.B Fletcher, Gary Snyder, H.C Chang, William Mc Naughton, Chang Yin-nan và Lewis C. Walnisley, Michael  Bullock... chuyển ra Pháp ngữ như Francoi Cheng,  G. Margouliès, tiếng Tây Ban Nha của Octavio Paz... chưa  kể đến các ông Tản Đà, Chi Điền,  Đỗ Bằng Đoàn - Bùi Khánh Đản, Đào Hữu Dương, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố, Vũ Hoàng Chương, Đào Mộng Nam...

Ở địa hạt thi ca Việt Nam thực sự một bài thơ hay tự nó đã  hiển nhiên tạo một chỗ đứng  rạng rỡ trên thi đàn và trong lòng  người ngưỡng mộ. Đã gần trăm năm sau chúng ta đọc Đoạn Trường  Tân Thanh thấy vẫn thích và mới lạ, trong khi có thể chúng ta không nhớ được  một bài thơ nào của một vài thi sĩ thời thượng sáng tác thơ mới đầy bí hiểm hiện nay. Sự hiện hữu của trái đất đã có hơn 4.5 tỷ năm mà cây lá suối nguồn vẫn mới lạ. Thiên nhiên, tình yêu, quan niệm nhân sinh vẫn là  đề tài bất tận. Ông cha ta đã dùng lúa gạo thổi thành cơm nuôi sống từ hơn bốn ngàn năm, cũng lúa gạo đó chúng ta chỉ nên thay đổi cách nấu hay phương tiện hiện  đại hơn là dùng than củi. Tính chất nguyên ủy là hồn thơ không nên triệt  hủy.

 

NMT: Có phải cung cách bí hiểm, suy nghĩ  phức tạp xử dụng nhiều kỹ thuật là những cung cách làm mới thơ?

 

TTH: Khi làm thơ mà phải chú trọng quá nhiều đến kỹ thuật, tôi nghĩ bài  thơ đó sẽ mất tự nhiên thiếu  hồn tính. Tuy nhiên ít nhất bài thơ  được yêu thích vẫn nên có  nhạc tính, tôi muốn nhắc đến vần  điệu. Ví dụ như cụ Phan Khôi được ca ngợi nhà thơ mới tiền phong của  Văn Học Việt Nam, trong bài Tình Già, cụ vẫn giữ vần điệu đấy  chứ.

 

...ôn chuyện cũ mà thôi

Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi...

 

Đến bài thơ dễ thương của Tản Đà:

 

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,

Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi.

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai,

Ước cũ duyên thừa, có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ nay xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

(Tống Biệt)

 

Những bài thơ của Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Xuân Tâm, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Chu Mạnh Trinh... Cần gì phải  bí hiểm phức tạp, khó chuyển đạt sự xúc động của mình đến người khác.

 

NMT: Anh có thấy khác nhau nhiều không giữa thơ để đọc bằng mắt và thơ để ngâm bằng miệng?

 

TTH: Đôi khi thơ nên đọc bằng mắt để sự trầm lắng hòa nhập vào những tư duy sâu sắc của tác giả. Riêng  tôi có cái khoái là khi làm xong một bài thơ ưng ý, đọc lên một mình để nghe cái âm hưởng vọng từ  đáy hồn nguyên ủy. Đọc thơ hay  hát thơ cũng thú vị lắm chứ. Ý  anh muốn đề cập đến thơ tự  do, thơ mới bây giờ và thơ ở  trong khuôn khổ luật bằng trắc và nhạc tính trong thơ chứ gì? Tôi vẫn thích  thơ có vần điệu hơn. Tôi thích đọc thơ hơn là ngâm, nếu hát thơ được thì quá tuyệt.

 

NMT: Có người nhận xét ở  thơ Thái Tú Hạp, cả ở những  bài thơ tự do, vần điệu vẫn được tôn trọng. Do đó, chỉ tự do ở  số chữ trong câu không giới hạn thôi. Còn, nguyên chất vẫn là thơ  có vần, theo anh, điều ấy đúng không?

 

TTH: Có lẽ ảnh hưởng từ thuở ấu thơ tôi nghe bà ngoại ru cháu bằng  những câu ca dao đằm thắm êm ả  giữa buổi trưa nắng hạ tĩnh lặng,  những câu ca dao đó cho đến bây  giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong  tiềm thức, đại khái như:

 

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây bờ bán nguyệt cho nàng rửa chân...

 

...Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

 

...Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều...

 

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều... bà tôi đã hát thơ từ dạo đó,  lớn lên đi vào cõi thơ bằng những âm điệu vang vọng trong hồn từ thuở  xa xưa, đủ mọi thể loại, nhưng cho  dù, ở thơ tự do tôi cũng đều chú trọng đến vần điệu.

 

NMT: Anh làm thơ nhiều bài có ý tưởng Phật Giáo và phong vị thiền. Có phải vì chán cuộc sống này hay tìm  được một ý hướng nào hay từ đề tài nói trên?

 

TTH: Thưa anh, tôi xin đưa vấn đề xa  hơn một chút. Thời Trung học nhà tôi gần ngôi Chùa cổ Hội An. Tôi thích cái không khí tĩnh mịch, yên lặng, nên hay rủ bạn bè vào chùa ngủ những đêm trăng sáng. Tiếng chuông khua trong  chiều cô liêu, sân chùa thoảng mùi hương ngọc lan, mùi trầm hương từ  chánh điện. Tôi cảm thấy tâm hồn  an bình êm ả vô cùng, lòng yêu thương như giòng sông Thu tỏa rộng hòa nhập với đại dương. Nhờ thời  gian lui tới nơi chốn thanh tịnh đó, tôi đã biết yêu thơ của các thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Hương Hải, Không Lộ...biết những tên tuổi lừng lẫy của  Đường Thi qua những tài danh lỗi  lạc như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Vương Duy, Lý Thương An, Đỗ Phủ...mới biết thế giới của André Gide, Hemingway,  Kafka, Jean Paul Sartre, Nietzsche Heidegger...cho dù tôi  chỉ mới đứng ở bờ mé  của biển học mênh mông tuyệt vời  đó...và đang chỉ là hạt cát ngu  dốt trên bờ sông Hằng.

Tôi đã vô hình chung thẩm thấu ít nhiều hơi thở của tư tưởng Phật Giáo thế là tôi thầm lắng đi vào cõi thơ lãng đãng những mùi trầm hương và những đóa hoa sen giữa nguyệt hồ. Càng trải qua những biển dâu tang điền, tuổi càng ngất ngưỡng ở cửa  tri thiên mệnh, tôi càng chiêm nghiệm lẽ vô thường, mọi hiện hữu đều sinh diệt như những ảo ảnh không thật, như huyễn hóa, như bọt  sóng, như sương trên cành. Và tôi hiểu chỉ có con đường trở vào cõi tâm mới là nơi chốn an bình. Đích thực là thế giới thanh tịnh của Chân Như.

 

NMT: Thơ phải chân thành thì mới có xương máu cốt tủy thật. Khi anh làm thơ, có thái độ ấy không?

 

TTH: Anh đề cập đến thơ xương máu cốt tủy, tôi chạnh nhớ thi  sỹ Bích Khê và Hàn Mặc Tử:

 

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da...”

(Hàn Mặc Tử)

 

“Hồn tôi như đỉnh hương

Bốc lên mình thánh giá

Ý xuân mát đến xương

Ngậm tuyết phun lã chã...”

(Bích Khê)

 

Đó là những áng thơ trác tuyệt của thế giới thơ tượng trưng  của Hàn Mặc Tử và Bích Khê hai thi tài xuất chúng của nền thi ca Việt  Nam tiền chiến. Chân thành đến như  thế mới truyền đạt tinh túy của tác giả đến người đọc.

Riêng tôi, khi làm thơ dĩ nhiên cũng phải có sự chân thành cảm xúc mới sáng tác được chứ. Và sự chân thành đó chẳng khác nào xương máu cốt tủy để hình thành những đứa con tinh thần.

Tôi rất khó với chính tôi. Vì  có một số bài thơ sau một thời  gian ngắn đọc lại tôi cảm thấy chán quá nên vứt bỏ luôn. Những bài còn lại ít nhất cũng cưu mang  “chút” hồn, đó chính là những  “sát na” chân thành nhất mà mình bắt  gặp. Với tôi làm thơ là để giải tỏa những cảm hoài, nhớ  nhung và cô đơn cùng tận.

 

NMT: Có người đã ví von giữa hai danh từ thơ - triết học và triết học - thơ để nối liền hai phạm trù khác nhau. Riêng anh, anh thơ triết học hay triết học thơ? Xin giải thích để độc giả chia xẻ?

 

TTH: Thơ chuyên chở tình cảm, triết học suy diễn từ lý trí phân tích. Lớn lên trong thời điểm chiến tranh bùng vỡ ác liệt nhất từ 1960-1975, bị cuốn hút vào cuộc chiến như cơn lốc kinh hoàng. Nhiều nhà thơ Việt Nam - trong đó  có tôi - đã đi tìm cho chính mình một lối thoát bằng đức tin tín  ngưỡng, tình yêu, hay thái độ  triết lý phản kháng đối thoại với  hư vô, với sự bi thảm cô đơn  không lối thoát. Làm thơ giải tỏa  những tư duy với chính mình. Khác với Phạm Công Thiện, Bùi Giáng,  Rabindranath Tagore muốn đưa triết học vào  thi ca - triết học thơ - Hay những thiền  sư Việt Nam từ trong cõi thơ đã  ngẫu nhiên hàm chứa những tư  tưởng sâu sắc của triết học  - thơ triết học.  Theo thiển ý nhận định - có vẻ chủ quan - của tôi, lịch sử triết học (trong phạm trù triết học Tây Phương) triết gia Martin Heidegger người Đức (1889-1976) đã đưa thi ca vào triết học như một thực thể hiển nhiên, và đặt thành vấn đề... Khi ông muốn khai triển cái bề sâu thẳm ẩn tàng tinh tế tuyệt diệu của ngôn ngữ thi ca qua tác phẩm của thi sĩ Holderlin... Riêng với thế  giới thơ nhỏ bé của tôi, diễn  tả theo sự xúc động của mình  trước những rung động tình yêu,  quan niệm từ ái về nhân sinh, về sự tỉnh  thức trước thời cuộc, rất  tự nhiên như hơi thở...Tôi không  nghĩ với những nhạy cảm bắt  gặp, ẩn dụ những tư tưởng triết lý cao xa. Đó chỉ là những hạt bụi  vô nghĩa của một người làm thơ  tầm thường nhất.  Tính chất thơ trong triết học lại là một vấn đề khác không phụ thuộc lãnh vực văn chương thuần túy đa cảm, nó phản ảnh hồn tính dân tộc một cách sâu sắc kỳ diệu của giòng thi ca dân gian chơn chất và giản dị. Khi người nông dân ngẫu hứng đặt nên những câu hò, ca dao trên ruộng lúa chắc chắn anh ta không nghĩ nó hàm chứa những ý tứ cao xa của triết học.  Ví dụ như:

 

...Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

 

...Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng...

 

...Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư...

 

...Có tiền mua tiên cũng được...

 

Tính chất triết học có thể do sự suy diễn qua kiến thức của các nhà học giả, những triết gia... phân tích đề cao và phong phú hóa ngôn ngữ và ý tứ thi ca của nhân gian mà thôi.

 

NMT: Làm thơ tình tự quê hương  là một phần rõ ràng của thơ Thái  Tú Hạp. Điều gì đã khiến anh xúc động để làm công việc ấy?

 

TTH: Thời gian phục vụ trong quân ngũ tôi có cơ may đi qua nhiều địa danh quen thuộc tại vùng I Chiến Thuật từ  Khe Sanh, Ái Tử, Phá Tam Giang... đến vùng  A Shaut A Lưới, Thượng Đức, dãy núi Sơn Gà thuộc quận Đại  Lộc, Trà Mi, Tiên Phước, Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, An Điềm... tôi đã từng  ngẩn ngơ trước cảnh hùng vĩ tuyệt  đẹp của thiên nhiên, chưa kể những cảnh trí mộc mạc của đời sống  thôn dã, hình ảnh giã gạo dưới ánh trăng vằng vặc, những cô thôn  nữ tát nước bên đình làng,  tiếng trẻ thơ chạy đùa trong sân  trường tỏa nắng, tiếng chuông chùa hiu hắt ngân dài trên giòng sông êm  đềm... Tất cả đã làm cho hồn tôi chùng xuống rung động... và tôi đã ghi lại.

 

NMT: Những biến cố của quốc gia dân tộc đã ảnh hưởng thế  nào trong thơ của anh?

 

TTH: Tôi là nạn nhân và chứng nhân trước những cảnh tượng đau  lòng giờ thứ 25 khi những người CS Miền Bắc tiến vào thành phố trước sự hốt hoảng của mọi người dân miền Nam. Tôi không thích bạo lực nên tôi rất xúc động trước  những bi cảnh con người đối xử với con người như một loài súc vật. Có lẽ tôi ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật Giáo nên cho rằng dân tộc Việt Nam trả nghiệp  của tiền nhân nặng nề quá. Tôi liên tưởng đến dân tộc Chàm,  Hời, đến những cung điện đền tháp một thời vang bóng đã chìm sâu trong điêu tàn đổ nát. Làn  sóng di tản kinh hoàng trước lửa đạn. Những nghiệt ngã đau thương  trong các trại cải tạo. Những thảm cảnh khủng khiếp của thuyền nhân trên  biển cả. Biến cố của thời điểm lịch sử khó mà phôi phai được trong hồn Dân Tộc. Tôi đã đưa  vào thơ trung thực một số hình ảnh  của bối cảnh lịch sử bi tráng đó.

 

NMT: Là người lính, người tù, người vượt biển và người  ly hương - Anh tâm đắc ở vai trò nào nhất trong đời sống thi ca?

 

TTH: Hầu như ở mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn người lính, người  tù, người vượt biển và người  lưu vong tôi vẫn có những xúc cảm riêng biệt. Trong chiến tranh, tôi đã  thường trực đối diện với  những cảnh tượng khủng khiếp  đầy chết chóc ở chiến trường. Chắc  anh còn nhớ - Đại Lộ kinh hoàng  tại Quảng Trị - hình ảnh đau lòng của cả Dân Tộc. Đến khi vào tù, chính những lớp người đã  từng thể hiện tình người trong cuộc chiến dã man đó bây giờ  là nạn nhân của cuộc thanh trừng tồi tệ nhất. Những đau thương  nghiệt ngã trong trại tù là những hiện cảnh bi hùng xót xa. Chứng tích  đen tối của trang sử sau cuộc chiến vãn hồi trên quê hương Việt Nam. Vượt biển chẳng khác nào đi vào cõi chết  để tìm lẽ sống “thập tử nhất sinh”, theo tài liệu chính xác ghi nhận từ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc  có đến 50% chết trên biển Đông. Cứ  1 triệu người có đến 500 ngàn  thuyền nhân bỏ thây trên biển cả. Chính tôi đã nhìn thấy bốn chiếc thuyền,  mỗi chiếc gần 200 người ra đi cùng  thời điểm với chúng tôi ở  Đà Nẵng. Khi mới ra khỏi hải phận Việt Nam đã chìm hết 2 chiếc và chiếc  của tôi cũng bị gió bão đánh chìm chết 13 người, may có thuyền  đánh cá HongKong ở gần đảo Hải  Nam đến vớt kịp. Dĩ nhiên, những  cảnh tượng đó làm cho tôi vô cùng xúc động. Đến cảnh sống lưu vong trăm ngàn đắng cay trong thân  phận người tỵ nạn. Ở xứ  người mà tâm tư cứ hướng về quê hương vì nơi chốn chứa  chan bao kỷ niệm êm đềm. Qua những phân tích đó không những riêng tôi mà những người Việt Nam cùng  cảnh ngộ - tôi nghĩ - đều đồng  ý trước những bi thảm chung của dân tộc sao gọi là tâm đắc? Tôi không tâm đắc ở hoàn cảnh nào cả, mà tôi chỉ xúc động thực  sự.

 

NMT: Anh suy nghĩ về cuộc chiến vừa qua như thế nào? Và có thay đổi theo từng thời kỳ của cuộc sống  mình không?

 

TTH: Cuộc chiến vừa qua chẳng khác nào  vết chém trong tim Mẹ Việt Nam. Với  vai trò một người lính tham chiến  trong bản năng tự vệ, sinh tồn nhiều  hơn là mục tiêu hờn căm... uống máu quân thù..., tôi thường hay  mang tâm trạng không thích chiến tranh quá  độc ác, vì bom đạn nước ngoài  không phân biệt anh em và đồng bào. Tôi không thích CS Miền Bắc đưa quân vào gây chiến ở miền Nam và tôi cũng không ưa gì những nhà hoạt đầu  chính trị thường trực gây xáo  trộn ở Thủ đô. Đã hơn 20  năm nhiều người cho rằng “lịch  sử đã sang trang”, thế hệ sinh trưởng  thời điểm tháng 4.75 bây giờ  đã trưởng thành đang vươn tới  trào lưu tiến bộ chung của nhân loại, đôi khi họ không cần đếm xỉa đến ý thức hệ Cộng sản, Quốc  Gia là gì? Nhưng với chúng ta thì  khác. Đau thương như vết chàm khó phai.  Nhất là công việc làm báo của tôi hàng ngày, tôi phải tiếp xúc thường trực với  cộng đồng, tham dự những sinh hoạt  về văn hóa, xã hội, chia xẻ những  tư duy với anh em cựu tù nhân chính  trị còn giữ được liêm sỷ và phẩm cách người lính trong QL. VNCH đang chịu ngàn đắng cay thiệt thòi  nơi xứ sở vừa định cư. Lịch  sử đang còn tiếp diễn dưới  những hình thức tân tiến hơn bạo lực của vũ khí. Tôi chán ghét  những người đầu cơ danh vọng quên cả nguồn cội Dân Tộc, và Tổ  Quốc Việt Nam thân yêu. Sống kiếp lưu  đày tôi càng dị ứng chính trị vì bản chất thủ đoạn của nó.

 

NMT: Anh nghĩ thế nào về lằn ranh quốc  cộng. Tới bây giờ, nó còn hiện  hữu hay dần dần bị triệt tiêu bởi  tình hình thế giới và trong nước  đã biến đổi?

 

TTH: Theo thiển ý của tôi, chỗ đứng  hiện tại mà mình đang chọn để  tạm dung đã khẳng định thái độ  chính trị. Nhà văn Nga Aleksandr Isayevick Solzhenitsyn đi loanh quanh rồi cũng trở về cố  quốc.

Tôi nhắc lại với anh tôi không thích chính trị vì tính chất thủ đoạn,  ở gần với người bạn như  lưỡi dao lam thì ghê quá. Tôi vẫn mong mỏi một ngày nào đó những  người Việt Nam lưu vong trên khắp  cùng thế giới sẽ đoàn tụ với  quê hương trong cảnh sống thanh bình và  tự do thực sự. Nơi đâu có  ánh sáng của tình thương lan tràn  thì bóng tối sẽ tiêu tan. Tôi hy vọng  như thế. Vì bản chất người Việt  Nam hiền hòa và đôn hậu.

 

NMT: Thơ tình, theo anh có dễ làm không? Khi  anh viết loại ấy, có nghĩ đến  một đối tượng nào không? Chữ  em có khi nào để chỉ người tình  và có lúc không phải là người  vợ?

 

TTH: Trong những tập thơ đã ấn hành  hầu như có đến phân nửa đề  cập đến tình yêu. Trước khi gặp  nhà tôi, thơ vương vấn tình yêu  vu vơ, chợt đến chợt đi ở  tuổi học trò...Đến khi cá đã cắn câu...thì y như thế giới chỉ  còn lại một người. Vì nhà tôi  đã theo tôi suốt cuộc tử sinh, đắng  cay em chịu mặn nồng em mang...Tôi đan  cử bài thơ “Mùa Xuân Yêu Em” để  chứng minh bất cứ thời gian, không  gian nào cũng có “nhà tôi bên cạnh”. Dĩ  nhiên chữ em không ngoài là “người  tình trăm năm” mà tôi đã ưu  ái dành tặng...

 

mùa xuân yêu em

 

dành tặng Ái Cầm

 

mùa xuân từ thuở yêu em

núi non xứ Quảng cũng mềm bước  đi

hàng cây nẩy lộc thầm thì

nghe như giòng suối từ bi cội nguồn

mùa xuân từ độ bao dung

tiếng chung thủy ở. Tiếng đường  mật vui

tiếng hờn ghen. Tiếng ngậm ngùi

tiếng đau dao cắt. Tiếng mùi mẫn  yêu

lúc khuya sớm thuở quê nghèo

lúc chinh chiến lửa phận treo tuổi  mình

lúc ngã ngựa. Khi tàn binh

lúc non cao vẫn trọn tình thăm nuôi

trùng dương u thảm phận người

quẩn quanh hải đảo tiếng cười  đắng cay

xa rồi thác lũ trời tây

đời hư ảo thoáng chim bay cuối  ngàn

đất trời thơm ngát lộc non

cho ta xuân thắm vô vàn yêu em

 

NMT: Anh đã thực hiện tuyển tập “Thơ Văn Hải Ngoại”. Vậy, anh có nhận  xét gì về văn học VN ở hải ngoại?

 

TTH: Có ba giai đoạn được ghi nhận hiện tượng nở rộ Văn chương Việt Nam ở hải ngoại.

 

- Giai đoạn sau 75: Một số nhà thơ,  văn thành danh trong nước, tiếp tục  viết lách, khi đến miền đất mới  định cư, thể hiện những bức  xúc rã rời của tâm trạng người  ly hương băn khoăn trước tương  lai mờ mịt. Những tên tuổi như  Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Thanh Nam, Phan Lạc  Tiếp, Phạm Công Thiện, Du Tử Lê, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Võ Đình,  Viên Linh, Nghiêm Xuân Hồng, Vi Khuê, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Nhất Hạnh,  Tuệ Nga, Nguyên Sa, Nguyên Vũ, Thi Vũ, Lê  Tất Điều, Kiêm Thêm, Lôi Tam, Mặc Đổ, Trang Châu, Cao Tiêu, Đỗ Quý  Toàn, Hoàng Khởi Phong, Nhất Tuấn, Nguyễn  Đạt Thịnh, Huy Lực...

- Giai đoạn thuyền nhân: Thời điểm gây xúc động lớn trên thế giới  về thái độ quyết tâm rời quê hương tìm tự do bằng tất cả hình  ảnh bi thảm nhất trong lịch sử hiện  đại. Chúng ta ghi nhận có Mai Thảo, Nhật Tiến, Khánh Trường, Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, Thái Tú Hạp, Hồ Trường An, Đỗ Tiến Đức, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Huy Oanh, Đặng Phùng  Quân, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Văn Sâm, Hà Thúc Sinh, Hoài Điệp Tử, Hoàng  Anh Tuấn, Tuấn Huy, Hồ Thành Đức,  Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Ngọc Ngạn,  Ngô Thế Vinh, Cung Vũ, Luân Hoán, Nguyễn  Đức Bạt Ngàn, Huyền Không, Phạm  Quốc Bảo, Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Xuân Hoàng, Lâm Tường Dũ, Triều Hoa Đại, Cao Xuân Huy, Nghiêu Đề, Định  Nguyên, Lâm Hảo Dũng, Thường Quán...

- Giai đoạn cựu tù nhân chính trị:  Những chứng liệu xác thực,  trở thành những bản cáo trạng bản chất và hiện tượng chế độ độc hiểm tại Việt Nam, qua những  tên tuổi đáng tin cậy ghi nhận như Duy Lam, Hà Thượng Nhân, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Cao Mỵ Nhân, Nguyễn Sỹ  Tế, Thanh Tâm Tuyền, Lâm Chương, Đặng  Trần Huân, Huy Trâm, Trần Dạ Từ  - Nhã Ca, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Phan Nhật Nam, Mai Trung Tĩnh, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Chí Kham, Hoàng  Lộc, Tạ Tỵ, Thảo Trường, Duy Năng,  Nguyễn Thạch Kiên, Nguyễn Chí Khả, Lê Mai Lĩnh, Huy Phương, Nguyễn Xuân Thiệp...

Ngoài ra từ sau 75 ở hải ngoại, một  lực lượng sáng tạo, trẻ trung với nhiều khai phá mới mẻ khởi sắc lên đến hàng trăm tên tuổi, chúng ta ghi nhận như Nguyễn Hưng Quốc, Lê Bi, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phạm Việt Cường, Hoàng  Mai Đạt, Phan Tấn Hải, Vĩnh Hảo, Trần Trung Đạo, Trần Diệu Hằng, Nghiêu Minh, Trần Long Hồ, Lê Thị Huệ, Trần Mộng Tú, Trần Thị Lai Hồng, Lê Giang Trần, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Trọng Tuyến, Trần Sa, Trịnh Y Thư,  Huỳnh Liễu Ngạn, nguyễn Thị Long An, Ngô  Nguyên Dũng, Trần Vũ, Vũ Kiện, Võ Kỳ Điền, Ngô Tịnh Yên...và thực tình tôi không nhớ hết, tuy nhiên đáng ca ngợi hiện tượng trăm  con sóng vỗ vào bờ tô điểm phong phú cho dòng văn học Việt Nam lưu vong. Điều đó chứng tỏ tinh thần  yêu nước, yêu văn hóa của người Việt lưu vong trên khắp cùng thế giới rất mãnh liệt và đầy niềm tin vươn  tới tương lai.

 

NMT: Anh có bi quan hay lạc quan khi nghĩ đến  tương lai của nền văn học ấy? Sẽ  hội nhập vào dòng chính ở xứ  sở tạm dụng, hội nhập với dòng văn học ở quê nhà hay vẫn là  một dòng riêng với đầy đủ  bản sắc?

 

TTH: Tôi có dịp đọc một số tài  liệu đề cập đến sự du nhập  Phật Giáo vào xứ sở Hoa Kỳ từ  hơn nửa thế kỷ trước do những  nhà sư Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ trong  các thư viện ở Los Angeles. Lúc đầu  cũng đầy dãy sinh khí tôn giáo do thiện nam tín nữ Phật Giáo thuộc  các cộng đồng Á Châu mang đến. Nhưng  dần dà qua vài thế hệ chùa chiền  cũng giảm thiểu và số tín đồ Phật Giáo cũng vơi đi phần nào. Ngay  thế hệ con cháu chúng ta - đối tượng  tiếp nhận và nuôi dưỡng - thực sự đau lòng là đã quên tiếng Việt thì làm sao đủ kiến thức  đọc sách vở mang nội dung văn học Việt Nam? Khó có thể giữ bản sắc  đặc thù của giòng văn học Việt  Nam ở hải ngoại. Chỉ còn chút hy  vọng cuối cùng chúng ta nên đầu  tư tiếng Việt vào con cháu ở trong mỗi gia đình cũng như những trung tâm  Việt ngữ. Cụ Phạm Quỳnh đã từng nói: “Chữ Quốc ngữ còn, nước Việt còn...” hãy cố gắng  giữ nước Việt trong hồn lưu vong. Đó là chuyện nuôi dưỡng tiếng Việt. Vì nếu không biết tiếng Việt thì làm sao phát huy và bảo tồn văn hóa Việt  Nam ở hải ngoại, mấu chốt của vấn đề bi quan hay lạc quan ở điểm đó. Còn  chuyện hội nhập với dòng văn học ở quê nhà hay vẫn giữ một dòng  riêng còn tùy thuộc ở kiến thức và nhận thức chỗ đứng trong phạm trù ý thức hệ. Khó mà suy đoán  tương lai, vì thế giới thay đổi  từng giây từng phút theo quỹ đạo  tiến bộ chung của nhân loại. Việt Nam  cũng chỉ là một con ốc trong guồng máy lớn. Biết đâu một ngày nào đó Việt Nam không còn biên giới trong và ngoài nước.  Nói theo nhận định sâu sắc về văn hóa của nhà văn nổi tiếng của Pháp, ông André Malraux “văn hóa là cái gì còn lại lúc chúng ta đã quên tất cả...”

 

NMT: Khi chọn thơ để làm tuyển tập, anh yêu thơ của ai nhất?

 

TTH: Khi tôi dự tính thực hiện tập 1 Tuyển Tập Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại, tôi hoàn toàn không vì định kiến,  bỏ quên những tài thơ, những nhà văn xuất sắc. Cho đến nay tôi vẫn giữ nguyên thái độ độc lập về mọi phương diện, mọi lãnh vực. Tôi yêu quý tất cả mọi người đã đến rong chơi trong thế giới Văn chương tuyệt vời nầy. Tôi  quan niệm chính chúng ta những người bạn tri âm tri kỷ đồng thuyền đồng hội cùng nghiệp dĩ mà không thương  yêu lẫn nhau thì bảo ai thương chúng  ta.

 

NMT: Và trái lại, anh ghét loại thơ  nào nhất, và thi sĩ nào bị anh khó  chịu nhất?

 

TTH: Tôi yêu những bông hoa xinh đẹp và tôi ghét những con sâu làm héo uá cánh hoa.

 

NMT: Anh có đọc sách vở báo chí phát hành từ trong nước. Anh  có thể có một vài nhận xét?

 

TTH: Vài năm trước tôi có đọc “Thiên Đường Mù”, “Bên Kia Bờ  Ảo Vọng” của Dương Thu Hương, “Tướng  Hồi Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài, “Nỗi Buồn  Chiến Tranh” của Bảo Ninh, “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo...Thơ Bút Tre (những  bài thơ đầy châm biếm chế độ),  Nguyễn Duy (Tổ Quốc nhìn từ xa), Trần  Vàng Sao (những bài thơ phản kháng), Bùi Minh Quốc “Đêm Chong Đèn Nhớ  Lại”...Kịch có Lưu Quang Vũ “Hồn Trương  Ba Da Hàng Thịt. Gần đây có “Marie Sến”  của Phạm Thị Hoài. “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội” của Nguyễn Văn Trấn. Tôi rất mến phục thái độ “uy vũ  bất năng khuất” của những tác giả trong nước. Cũng như tôi đã từng quý mến những cây bút thép trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm do cụ Phan  Khôi chủ xướng ở miền Bắc  thời kỳ 1956-1957.

 

“Dù sợi tóc còn cứa vào nhân phẩm

Tôi còn thét to, dù khản tiếng,  tàn hơi...”

 

“...Sét nổ, trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá...”

 

Cho dù không đạt thành công nhưng đã tạo nên một không khí phản ứng đáng kể lôi cuốn những nhà trí thức uy tín nhập cuộc, ánh sáng loé lên cuối đường hầm  nhưng đã khích động thêm nhiều phong trào phản kháng sau đó làm cho  nhà nước CSVN phải suy nghĩ.

 

NMT: Nếu phải so sánh hai nền thi ca, ở trong và ở ngoài, anh sẽ phân tích như thế nào để tổng hợp thành  một kết luận chính xác?

 

TTH: Muốn tổng hợp thành một kết  luận chính xác, chúng ta phải dựa trên tài liệu đầy đủ như thế mới tránh khỏi tình trạng hồ đồ kém giá trị và thiếu lương tâm  của một người nhận định thuần  túy văn học nói chung một cách khách quan. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải quan niệm Văn chương có một ngôi vị cao hơn, tuyệt đối  không là phương tiện của chính trị. Chính  trị chỉ có giai đoạn, Văn chương  tự nó đã khai phóng bay bổng lên  đỉnh cao trí tuệ của loài người. Theo tôi thơ chỉ nên mang những tuyên  ngôn của tình yêu và hòa bình.

 

NMT: Nhà văn Mai Thảo khi nhắc đến thơ bây giờ đã tỏ ra rất bi quan vì cho rằng bây giờ văn chương  đã xuống giá với sự bàng quan không chú ý tới của độc  giả. Anh có đồng ý với ý kiến  trên không?

 

TTH: Qua nhận xét của nhà văn Mai Thảo, chúng ta liên tưởng đến thi sỹ  Tản Đà sinh năm Mậu Tý 1888 tại  làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, Tỉnh Sơn Tây. Cách đây hơn một  trăm năm mà nhà thơ Tản Đà đã  tiên tri đến hoàn cảnh văn chương ở vào thời điểm bi quan thê thảm  lúc đó không khác gì hiện tình  sinh hoạt văn nghệ Việt Nam nơi hải ngoại  bây giờ:

 

...Cuộc trần thế kiếm ăn chẳng dễ

Rẻ rúng thay là nghệ làm văn!

...Văn chương hạ giới rẻ như  bèo

Kiếm được đồng lãi thực  rất khó

...Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền

Văn ế bao giờ cho bán hết

Phen nầy có nhẽ gánh lên tiên!...

 

Kiếm sống ở cái xứ sở nầy không phải dễ, nhất là bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt và lương thiện (Cơm áo không đùa với khách thơ). Tâm trạng chung của quần chúng lo chuyện toan tính kiếm sống đã hết thì giờ, hơi đâu theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật. Tôi hoàn toàn  đồng ý với nhận xét của anh  Mai Thảo, đề cập đến sự thực  phũ phàng đó. Mọi sinh hoạt đang  như có vẻ đồng hương chúng ta đứng ngoài bàng quan một cách tàn nhẫn, nên chỉ co cụm quanh quẩn những khuôn mặt quen thuộc trong giới làng văn chúng ta thôi. Có cơ hội anh hỏi  các nhà sách ở Orange County và các nhà phát hành thì biết về hiện tượng  sách báo hiện nay. Có thể tôi quá  chủ quan trong phát biểu của mình chăng?

 

NMT: Anh có nghĩ đến sự giao lưu văn hóa giữa trong và ngoài nước ở bây giờ hoặc trong tương lai? Anh  có nghĩ đến ngày sách của mình  được phát hành ở trong nước không?

 

TTH: Giao lưu thực sự phải là sự  hòa hợp giữa hai chiều, như anh biết cho đến nay chỉ có sách báo trong nước  xuất hiện lai rai ở hải ngoại và chúng ta thỉnh thoảng cũng dễ dãi đón  nhận.... Trái lại trong nước chưa  bao giờ chấp nhận một cuốn sách nào của các nhà văn lưu vong. Cuộc chơi thực sự chưa công bằng. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, giữa chúng ta cũng nên phá chấp, cởi bỏ những thiên kiến chính trị, vượt lên cao với ý niệm tình tự dân  tộc. Lịch sử đã chứng minh bao nhiêu lần dân tộc ta đánh thắng Bắc phương, âm mưu thôn tính cơ  đồ của ta, nhưng thắng rồi ta lại đem lễ vật sang cầu hòa để mưu  cầu cho dân an lạc. Những trí tuệ  đầy sáng tạo và tình cảm thiêng  liêng của những người cầm bút  trong và ngoài nước, hy vọng sẽ gặp nhau ở đỉnh thăng hoa của chân thiện mỹ. Tôi vẫn tin tác phẩm đích thực có giá trị về văn học nghệ thuật mang tư tưởng khai phóng, tự do và nhân bản cho dù trong nước hay hải  ngoại chúng ta cũng nên khuyến khích như công trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Không cần sự  tiếp tay bằng phương tiện quảng cáo, tự nó cũng đủ thẩm định giá trị văn học hữu xạ tự nhiên hương... Không ai có thể khống chế  được tư tưởng.

 

NMT: Anh có ước mơ nhiều không? Và ước mơ ấy thể hiện thế nào  trong thơ anh?

 

TTH: “Con người là cây sậy có tư tưởng” (Pascal). Có tư tưởng  sinh ra vọng ngã, cho dù ước mơ lớn nhỏ nẩy sinh tùy từng thời kỳ theo tuổi đời trôi nổi. Khi mới  biết yêu thì ước mơ có người yêu xinh đẹp và khi yêu thì ước  mơ lấy người mình yêu. Trong thời  kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, thơ tôi đã ươm đầy những ước mơ cho Hòa Bình sớm đến với dân tộc Việt Nam, tôi sẽ đưa vợ con đến cư ngụ tại thành phố Đà  Lạt vì sau thời gian về thụ huấn  tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt tôi đã yêu mê thành phố sương mù thơ mộng nầy. Khi đất nước vãn hồi hòa  bình, tôi ước mơ sẽ đưa vợ  con rong chơi từ Nam ra Bắc. Nhưng sau cơn  biến động lịch sử 30-4-1975, tôi đã  vào tù và sau đó vượt biển rời khỏi quê hương. Những ước  mơ nhỏ bé đó thực tế không  thực hiện được, nên tôi đưa vào thế giới thơ đầy tưởng  nhớ trong những thi tập “Chim Quyên Lạc Ngàn”, “Miền Yêu Dấu Phương Đông” và “Hạt Bụi Nào Bay Qua”.  Ngoài đời cụ thể những ước mơ khác đã đang và sắp thực hiện.  Khi vượt biển tận mắt nhìn  những thuyền nhân chết trên biển đông nên tôi ước mong một ngày nào đó đến xứ sở tự do tôi sẽ cố gắng lập Đàn Tràng  Siêu Độ đến những thuyền nhân bất hạnh nầy, điều mơ ước đó tôi đã thực hiện vào  năm 1995 khi tôi ra mắt thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua thu được một số tài chánh do bằng hữu nồng nhiệt yểm trợ, tôi dành nguyên số tiền tổ  chức Đàn Tràng Siêu Độ Thuyền  Nhân Và Những Chiến Sĩ Quốc Gia Hy Sinh Vì Lý Tưởng Tự Do tổ chức tại công viên Thành phố Monterey Park, California với sự tham dự đông đảo của các chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và đồng  bào. Tôi còn nuôi ước mơ nếu có một số tiền tôi sẽ kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện Tượng Đài Thuyền Nhân tại California để con cháu chúng ta biết đến sự  hy sinh đánh đổi tự do bằng giá quá đắt trong lịch sử hiện đại. Và ước mơ sau cùng Quê hương Việt Nam sớm thanh bình, tự do dân chủ thực sự. Mọi người đều có cơm ăn áo mặc, đất nước phồn vinh.

 

NMT: Anh là một người khá bận rộn, vậy anh thu

xếp thời giờ thế nào để thực hiện những dự trù trong công việc sáng tác?

 

TTH: Như tôi đã trình bày với anh, thơ đối với tôi bây giờ  như hơi thở hay nồng nhiệt hơn như “nha phiến” đối với một người đã nghiện lâu năm. Bằng mọi cách tôi phải cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian nào đó để sống riêng cho mình. Những giây phút cõi riêng đó, tôi mới cảm thấy mình thực sự hạnh phúc. Vì đã bỏ quên tất cả những dị hợm dối trá của đời sống, trở về nơi chốn an bình tĩnh lặng nhất của tâm hồn.

 

NMT: Một ngày của nhà thơ Thái Tú  Hạp?

 

TTH: Buổi sáng dậy lúc 6 giờ nấu  nước pha trà, đọc qua vài trang sách mình thích. Chuẩn bị đưa con đi học và đến tòa báo ghi nhận một  số tin tức mới nhất trên đài truyền hình, đài phát thanh. Chạy đi mua mấy tờ báo Mỹ như New York Times, Los Angeles Times, US Today...Về đón vợ đến  mở cửa tòa báo. Cứ thế  đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu, đặc biệt thứ bảy ngủ trễ hơn một chút đến 9 giờ  mới tà tà đến tòa báo. Chủ  nhật có khi chương trình dành cho gia đình  hoặc bằng hữu họp mặt. Nhưng vất  vả nhất là từ thứ hai đến  thứ tư báo lên khuôn đều phải ở lại thật khuya để theo dõi cập nhật tin tức thời sự. Cứ  thế tôi và nhà tôi - Ái Cầm - điều  hành tờ báo Saigon Times đã hơn 12 năm nay đều đặn như con thoi trong khung  cửi. Những tình cảm mới và  cũ, đến và đi, thương và ghét đã để lại ít nhiều giao động trong lòng chúng tôi.

 

NMT: Anh có muốn nói gì thêm với  độc giả?

 

TTH: Hai mươi năm qua như một thoáng mây trôi vô thường như huyễn. Đã  có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc  sỹ trong nước và hải ngoại đi vào cõi miên viễn không vướng bận hận thù.

Hai mươi năm ta tưởng chừng như  mới hôm qua rời xa quê hương yêu  dấu.

Thân xác như căn nhà cõi tạm sớm  muộn rồi chúng ta cũng trả về đất  nước gió lửa. Hãy theo con đường  từ bi của Đức Phật: Chỉ có  tình thương mới xóa bỏ hận thù. Khi  chúng ta còn nhân duyên đi bên nhau giữa cuộc đời đầy buồn vui nầy, xin  hãy cầu nguyện trong mỗi trái tim là  một đóa Vô Ưu nở thắm tình  người.

 

Los Angeles, tháng 6.1996