Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

THÁI TÚ HẠP

HẠT BỤI NÀO Ở LẠI

 

LÊ MAI LĨNH phóng bút

 

Trên một tạp chí Văn Học Nghệ Thuật nào đó, ở vào một thời điểm nào đó, tại một nơi chốn nào đó, mà ngay bây giờ, ông cố Nội tôi có sống lại cũng không nhớ được, tôi có đọc một bản tin ngắn nội dung như sau: “Nhà thơ THÁI TÚ HẠP, sau khi tổ chức thành công một buổi ra mắt sách tại một NGÔI CHÙA nào đó, anh đã dùng số tiền 3000 đô la để tổ chức TRAI ĐÀN cầu nguyện cho những người vượt biển đã chết ngoài biển Đông”

Trong thơ của anh, tôi đọc được những câu như sau:

 

... Từ trong cõi ưu tư sầu muộn

Thân xác ta rã rời

Qua từng sát na mầu nhiệm

(HBNBQ trang 21)

 

... Với nụ cười em từ ái

Trong tim người nở ngát đóa vô ưu.

(HBNBQ trang 41)

 

... Em có mang về giòng sông tịnh khúc

Mà ta nghe vàng nắng đọng am mây

Gió thổi đầu non cơn sầu chín mũn

Tháp chuông khua động dạ từ bi.

(HBNBQ trang 43)

 

... Ta về phủi bụi trần gian

Nghe kinh bát nhã gõ trăng luân hồi.

(HBNBQ trang 48)

 

... Mỗi vọng niệm an lành trong tâm ý

Đời hư không trên đỉnh nhạt nhòa sương

Dẫu mai kia sầu chia vạn ngã

Tình tháng giêng em nồng thắm cơn say.

(HBNBQ trang 56)

 

... Sát na tưởng chừng dài hơn thế kỷ lo âu

Chỉ còn lại trong tâm lời cầu nguyện

(HBNBQ trang 65)

 

Như thế vẫn chưa hết, ta còn có:

... Đời thắp lại những mầm xanh bát nhã

Tình thương nối nhịp lời kinh.

(HBNBQ trang 113)

 

... Mười năm rời xa mẹ

Lòng con đầy tiếng kinh.

(HBNBQ trang 118)

 

... Dựng lại căn nhà hạnh phúc

Giữa mùa xuân Pháp Hoa

(HBNBQ trang 124)

 

... Một thuở ta về chim hót lá

Niết Bàn cánh mở đón ta theo

(HBNBQ trang 138)

 

... Tâm mai có còn tâm huệ

Đến đi giả tạm phù du

Sao ta giữ hoài vọng ngã

Nghìn năm liễu ngộ Chân Như

(HBNBQ trang 154)

 

Như thế cũng đã hết đâu. Ta còn có:

 

... Ngắm mây biền biệt xứ

Ngàn dặm xa Huệ Năng

Hành trang kinh vô tự

Lòng sao mãi băn khoăn

 

Đông Tây nào đốn ngộ

Người xa cách tâm linh

Đời phù hư trá ngụy

Tìm đâu thấy chân kinh

(HBNBQ trang 159)

 

... Nụ cười tan theo hoa

Sát na rồi vỡ nát

Ý thân tầm gửi ta

Mai trả về lửa đất

(HBNBQ trang 163)

 

... Có phải là sắc hoa

Hay chỉ là giả tướng

Tâm có phải là hoa

Hay mắt nhìn ảo tưởng.

(HBNBQ trang 173)

 

... Vì tâm hoài chưa định

Nên hoa vẫn còn hoa

Những sắc màu giả hợp

Như hạt bụi bay qua

(HBNBQ trang 174)

 

... Em hỏi ta cắt nghĩa tình yêu

Ta mỉm cười chỉ đôi chim hót

Em hỏi ta đời sao bể khổ

Ta lặng thầm ngắm cánh hoa tan

Em hỏi ta phương nào cố quận

Ta ngậm ngùi dõi bóng mây trôi

Em hỏi ta người từ đâu tới,

Ta nói thân tứ đại tạo thành

Em hỏi ta căn nhà vĩnh cửu

Ta soi tâm thấu triệt vô thường.

(HBNBQ trang 176)

 

Cũng đã hết đâu như thế. Ta còn có:

 

... Vầng trăng từ cõi nguyên sơ

Hỏi nhau lá trúc thắm tờ KIM CANG

Bụi nào xóa dấu sắc không

Nghe chuông đại nguyện hóa thân chim trời.

(HBNBQ trang 195)

 

Tháng giêng cảm tạ ơn người

Hiên mây đào hé nụ cười an nhiên

Sát na bụi thuở uyên nguyên

Cố hương tỉnh thức trăm miền trăng sao

(HBNBQ trang 196)

 

Nhưng như thế cũng đâu đã hết. Trong MỤC LỤC, ta còn bắt gặp những TỰA ĐỀ cho những bài thơ như sau: CHỢT NGỘ (trang 170), CHÂN KINH (trang 158), DẤU TAN NGOÀI CUỘC HUYỄN (trang 162), THẮM TỜ KINH CANG (trang 185), TÂM ĐỘNG (trang 201), LUÂN HỒI CÓ NHAU (trang 204)...

Cũng để tiện việc sổ sách, đọc ngay trang bìa sau, phần giới thiệu những tác phẩm sẽ xuất bản, ta lại bắt gặp TỰA ĐỀ cho một tập thơ ở tương lai: “GIỞ TRANG VÔ TỰ TRẮNG NHÒA SẮC KHÔNG”.

Như thế là, với những SÁT NA, TỪ ÁI, VÔ ƯU, TỪ BI, LUÂN HỒI, VỌNG NIỆM, HƯ KHÔNG, BÁT NHÃ, KIM CANG, CHUÔNG ĐẠI NGUYỆN...

Với những CHỢT NGỘ, CHÂN KINH, DẤU TAN NGOÀI HUYỄN CUỘC, THẮM TỜ KIM CANG. Và là với một GIỞ TRANG VÔ TỰ TRẮNG NHÒA SẮC KHÔNG.

Ta thấy và cảm nhận ngay, đặc biệt, lồ lộ những tư tưởng Phật, không gian Chùa, phảng phất mùi Thiền, ngát hương Hoa Quả, trong thơ của anh. Như thế Thái Tú Hạp có chủ đích, tư tưởng khi đặt tên cho tập thơ là HẠT BỤI NÀO BAY QUA.

Theo tôi nghĩ, dù không mấy thông minh sáng láng cho lắm, rằng thì là, điểm gặp gỡ giữa Phật và Chúa là cho rằng, CON NGƯỜI LÀ CÁT BỤI và SẼ TRỞ VỀ BỤI CÁT. Vậy thì, hắn, thằng THÁI TÚ HẠP, cũng có ý nghĩ rằng, hắn, ông THÁI TÚ HẠP, thi sĩ THÁI TÚ HẠP, có mặt giữa cuộc đời này như thể là, cũng chỉ là, HẠT BỤI NÀO BAY QUA.

 

Đúng như rứa:

“...Em hỏi ta người từ đâu tới

Ta nói thân tứ đại tạo thành”.

 

Còn nữa. Thêm một chuyện nữa. Đó là, trang bìa sau, phần trên, có một tấm hình màu của nhà thơ họ THÁI. Xem hình ta thấy, một bản mặt rất đàn ông với chiếc kính cận thị, trán rộng và cao (thông minh), tai to (tướng Phật), miệng rộng (đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà) cái đầu còn tóc. Kẹt là cái đầu còn tóc. Chứ nếu là đầu trọc thì ta nghĩ ngay rằng đây là một nhà chân tu, một Hòa Thượng, một Thượng Tọa hay cùng lắm là một Đại Đức. Pháp danh phải là Thích Gì Đó. Chẳng hạn là Thích Đủ Thứ hay Thích Lộn Xộn hay Thích Thi Ca. Sao không?

Đọc thơ của hắn, nhìn bản mặt “con nai già ngơ ngác” của hắn, và nghe nói về Hạnh Phúc của gia đình hắn, tôi không nghĩ anh ta là Thích Đàn Bà.

Vợ anh là người Hoa, một người đàn bà TÀU. Theo tôi đoán, đó là người Tàu theo phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chứ không phải phe Cộng Sản của Mao Trạch Đông khiếp bỏ mẹ.

Lấy được vợ là người HOA, đó là một “thành công vĩ đại” của Thái Tú Hạp. Vì rằng, theo quan niệm của đa số người Hoa, họ không bao giờ gả con gái cho đàn ông ngoại quốc. Hoan hô THÁI TÚ HẠP, kẻ chiến thắng trong tình trường. Người đàn bà Tàu, khi yêu, họ yêu cùng trời cuối đất, một trăm sông cũng lội một ngàn đèo cũng qua, sá gì một đại dương không vượt biên cùng. Họ yêu ngày. Họ yêu đêm. Yêu không mệt mỏi. Thế nhưng, khi họ ghen, họ cũng ghen cuối đất cùng trời. Khi họ ghen, không có cơm mà ăn, không có cháo mà húp, không có nơi mà ngủ, không có chỗ mà rút, thì làm gì có nơi mà ngồi, có nơi mà viết, có thì giờ mà nghĩ mà suy. Nhưng hắn, thằng Thái Tú Hạp thì có đủ thứ trên trời đất.

Bằng chứng là, thời nào, tháng năm nào, ở đâu, hắn cũng có thơ làm ra, có tác phẩm để xuất bản, có không gian để hội họp, có SAIGON TIMES trong tay để tung hoành. Đúng thế không thi sĩ Thái Tú Hạp?

Còn như, HẠT BỤI NÀO BAY QUA. Nhưng có những HẠT BỤI Ở LẠI. Cũng như, con người là phải chết. Nhưng có những con người bất tử. Xa xưa, có Nguyễn Du không chết, Nguyễn Trãi không chết, Cao Bá Quát, Tản Đà không chết...

Sau xưa thì có Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên,... không chết.

Sau xưa xưa nữa thì có Luân Hoán, Hoàng Lộc, Hồ Minh Dũng, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh, Dư Mỹ cũng không chết. Cùng thời điểm này trở đi, thì Thái Tú Hạp (may ra có Lê Mai Lĩnh tôi nữa) cũng không chết. Tôi gọi đó là NHỮNG HẠT BỤI Ở LẠI.

Hẳn nhiên là còn nhiều người nữa, chứ đâu phải chỉ chừng đó ngoe, chừng đó mống, chừng đó gậy, gộc. Làm sao tôi nhớ hết tên, làm sao tôi viết nhiều hơn được.

Một năm trước đây, qua nhà văn Trần Hoài Thư, anh biết địa chỉ tôi và gởi cho tôi tập thơ. Nói về thơ của anh thì khó quá. Tôi chưa đủ tầm.

Thơ của anh không phải đọc bằng miệng. Thơ của anh phải đọc bằng mắt. Thơ của anh không đi trực tiếp vào tim, mà phải qua phần lọc là cái đầu, sau đó mới rơi xuống tim gan, lục phủ ngũ tạng. Thơ anh đọc một lần chưa thấy chi hết. Thơ anh phải đọc nhiều lần mới thấm sâu, vào kỹ. Thơ anh không phải thơ nước đổ lá môn. Thơ anh là thơ gậm nhấm, sói mòn, đục khoét tâm can người đọc. Thêm một lần đọc là thêm một lần khám phá. Những kẻ phàm phu tục tử không nên đọc thơ của Thái Tú Hạp. Hẳn nhiên, không đa sự, phiền toái như người xưa, phải tắm rửa, phải xông trầm, trước khi đọc sách. Nhưng thơ của Hạp cũng cần tĩnh tâm, thanh thản, lắng đọng, trước khi đụng tới ngôn ngữ của anh.

Sau đây là những lý do khác mà tôi khó khăn khi muốn viết về thơ anh, một cái gì đó.

Lý do thứ nhất, từ lâu, tôi vẫn xem anh như “bậc thầy” của tôi. Nhưng ví dụ nói thế mà anh không chịu, tôi sẵn sàng hạ giá, sale off, mà xem anh như “đàn anh” của tôi. mà ví dù nói thế anh cũng chưa chịu, tôi sẵn sàng hạ giá (sale off) thêm một lần nữa, tôi xem anh như người bạn đồng nghiệp với tôi. Mà ví dù là đồng nghiệp đi nữa, thì cũng không thể cá mè bằng lứa, mày bằng tao, tao bằng mày. Anh vẫn hơn tôi. Về “Đảng tịch” cũng như về “vai vế”. Ngay từ những năm đầu của thập niên 60, khi tôi mới tập tễnh làm thơ tán gái, làm thơ dợt le với các em nữ sinh cùng lớp cùng trường, thì tên tuổi của Thái Tú Hạp, thơ văn của Thái Tú Hạp đã chễm chệ trên văn đàn, trên báo chí miền Nam. Thái Tú Hạp nói riêng và nhóm Quảng Đà nói chung với những tên tuổi Nguyễn Nho Sa Mạc, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Đinh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Vũ Hữu Định đã là những tên tuổi lẫy lừng.

Tôi sợ Thái Tú Hạp từ dạo đó. Dễ chừng cách nay đã 37 năm.

Lý do thứ hai, là từ sau khi HẠT BỤI NÀO BAY QUA ra đời, đã có quá nhiều người viết về anh. Nhưng tất cả đều viết CHƯA HAY. Hay nói đúng ra, họ viết chưa đúng với tầm cỡ, kích thước, cái size, của thơ Thái Tú Hạp. Thà rằng, họ viết đúng, viết hay, thì tôi nhờ biết mấy.

Nhưng cũng thông cảm cho họ. Thơ của Hạp sâu như vực trời, mênh mông như Đại Dương, thăm thẳm như đáy lòng người đàn bà, chất ngất hun hút cao với những lời kinh tiếng kệ. Đố ai mà nói hết, viết đủ, đào sâu, tán rộng.  Họ không đủ tài năng và thời gian chăng?

Còn tôi thì sao? Xin thưa, tôi cũng xin đầu hàng. Tôi không đủ tài năng và thời gian. Biết họ nói dở nhưng mình nói hay được, cũng đâu phải dễ. Tôi không biết nấu phở, nhưng tôi vẫn có quyền chê một bát phở ăn không ngon. Ai cấm tôi.

Mỗi người cầm bút hay một người làm thơ nói riêng, thường chỉ chọn cho mình một lãnh vực nào đó để khai thác, xào nấu, chiên kho, hay còn gọi là sở trường. Chẳng hạn như, làm thơ về tình yêu, trước 75 không ai hơn Nguyên Sa, Trần Dạ Từ. Viết về đối kháng Quốc Cộng thời kháng chiến không ai hơn Doãn Quốc Sĩ, Vũ Khắc Hoan. Viết về tâm trạng người Hà Nội di cư năm 1954 không ai hơn tùy bút Mai Thảo.

Viết về tâm trạng người lính trước 75, vừa mang tính ngang tàng bi kịch vừa mang tính hào sảng, không ai diễn tả hay hơn Nguyễn Bắc Sơn. Viết về chiến tranh và nỗi đau của người lính bị ép mình thua cuộc, trong thân phận kẻ lưu vong không ai hay hơn Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Hà Thúc Sinh. Viết về quê hương trong nỗi đau mất nước lưu đày không ai nói rộng và sâu hơn Trần Trung Đạo, Thủy Trang. Nói về tình yêu dành cho người lính Việt Nam Cộng Hòa nồng nàn hơi ấm, đam mê, có thơ La Cẩm Tú.

Thế nhưng, với Thái Tú Hạp, hắn tung hoành trên mọi lãnh vực, Tình Yêu, Quê Hương, Bạn Bè, Chiến Tranh và bây giờ qua HẠT BỤI NÀO BAY QUA, rõ ràng là thơ của hắn đậm nét, khai thác từ triết lý nhà Phật, về con người, về cuộc đời mà tôi đã rút ra, đã gạn lọc ở trên.

Ngay khi ở tù ngoài Vĩnh Phú, tôi ở chung với Thanh Tâm Tuyền. Ngày ra tù, tôi làm phụ thợ mộc chung với tác giả Bếp Lửa, Tôi Không Còn Cô Độc tại đường Lê Văn Duyệt, tôi đọc cho anh nghe những bài thơ tình tôi làm được từ mối tình với một người góa phụ, anh nói với tôi như sau: “Thời buổi này làm được thơ đã là một điều khủng khiếp. Nhưng cậu lại làm được thơ tình, thì đó là điều khủng khiếp hơn cả khủng khiếp”.

Nay tôi mượn lại câu nói của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền để nói lại với Thái Tú Hạp.

Anh, cái tên Thái Tú Hạp, đang làm được những điều khủng khiếp hơn cả khủng khiếp.

Trở lại HẠT BỤI NÀO BAY QUA, anh ta có lý, cực kỳ có lý, khi anh chọn bài thơ Xin Người Hãy Quên làm bài mở đầu cho toàn tập.

Xin Người Hãy Quên, mới đọc một lần, nó mới chạm vào da. Đọc hai lần, nó ngấm xuống lỗ chân lông. Đọc ba lần, nó bắt đầu len qua thớ thịt phía ngoài. Đọc lần nữa, lần nữa, nó sẽ vào tim rồi nằm vùng, đóng chốt ở đó. Đuổi nó cũng không đi. Nạy nó cũng không ra. Nó ưa ăn đời ở kiếp trong trái tim người đọc.

Vâng, bài thơ như sau. Rất Thái Tú Hạp.

 

XIN NGƯỜI HÃY QUÊN

 

Không còn gì trên những hàng ghế trống

khi người đạo diễn bỏ đi

vở kịch đời dang dở

em còn lạ lẫm gì

dấu vết hai bờ sông cát lở

sau mùa nước lũ cuốn trôi đi

ta cũng chỉ cánh chim trời thoáng hiện

bay qua một lần rồi biền biệt hơi tăm

 

đời không biết ta đến

chẳng biết ta đi

không còn ai nhớ trong biển hồ quên lãng

chỉ có hạt bụi chỗ ta ngồi

khoảng trống không gian quen thuộc

mỗi ngày giao động xót xa

em hãy quên ta

như quên những ngày mật đắng

như quên những buổi chiều

trong thư viện xanh xao

những giòng cổ tự hoang vu buồn thảm

những trang sử hoen úa máu đào

 

em hãy quên ta

như quên buổi sáng

giữa phố đông người

bước chân son bên thềm gạch vắng

quê hương nghiệt ngã đau thương

giếng nước tan nụ cười trong vắt

hồn nhiên như cỏ nội hương đồng

như viên sỏi trong khu vườn tình ái

một thuở nào em diễm phúc dạo qua

 

hãy quên ta

trên sân khấu đời vô vị

tàn phai những ảo giác phù sinh

ngày đã trôi sông chết đuối cuộc tình

đêm hãm hiếp ý vui vừa khai nụ

hoàng hôn tan những đốm lửa bình minh

 

ta hẹn về nơi cắt rốn

mai sau phủ dụ một đời chim

tha cọng cỏ khô về nơi mái ấm

nghe rừng xuân chuyển nắng mới qua tim

(HBNBQ trang 11)

 

Đọc bài thơ này tôi thấy nổi da gà, máu chạy rần rần trong từng thớ thịt, tim như muốn lịm, hồn như muốn bay bổng. Sướng ơi là sướng.

Những câu bá cháy, hết sảy, dễ sợ nhất là những câu:

 

Em còn lạ lẫm gì

dấu vết hai bờ sông cát lở

sau mùa nước lũ cuốn trôi đi.

 

Hai chữ “lạ lẫm” ở đây là “thần ngữ”. Hay các câu:

 

Đời không biết ta đến

chẳng biết ta đi

không còn ai nhớ trong biển hồ quên lãng

chỉ có hạt bụi chỗ ta ngồi

khoảng trống không gian quen thuộc

mỗi ngày giao động xót xa.

 

“Biển hồ quên lãng” cũng thần ngữ.

 

giếng nước tan nụ cười trong vắt

hồn nhiên như cỏ nội hương đồng

như viên sỏi trong khu vườn tình ái

một thuở nào em diễm phúc dạo qua

 

Em diễm phúc dạo qua. Không phải là diễm phúc dành cho em. Diễm phúc đó là diễm phúc của chúng tôi. Chúng tôi là những viên sỏi và được các em dạo qua và dẫm lên và chà xát, dí, nghiền, dẫm đạp, càng hay.

Thái Tú Hạp, ngươi hãy chia cho ta niềm DIỄM PHÚC đó, OK.

Hay các câu:

 

Ngày đã trôi sông chết đuối cuộc tình

đêm hãm hiếp ý vui vừa khai nụ

hoàng hôn tan những đốm lửa bình minh

tha cọng cỏ khô về nơi mái ấm

nghe rừng xuân chuyển nắng ấm mới qua tim.

 

Thơ như thế không thể là thơ “bay qua một lần rồi biền biệt hơi tăm”. Hạt cát như thế không thể là hạt cát bay qua. Thơ Thái Tú Hạp ở lại. Hạt cát Thái Tú Hạp ở lại. Tôi cam đoan như thế. Ai đánh cá gì với tôi không.

Ông Thái Tú Hạp,

Như thế là tôi đã xong món nợ hay thực hiện đúng lời hứa với ông. Đúng hay sai, hay hay dở, lời hay lỗ, phải hay trái, với ông, tôi đã sòng phẳng. Tôi can đảm viết như thế mà không sợ người ta cho rằng tôi “nâng bi” ông chủ báo, vì tôi tin tưởng rằng, không ít người đồng ý với tôi về thơ ông như thế.

Mùa hè năm 1997, chúng tôi, “những tên cao bồi hai súng” vùng Đông Bắc Hoa Kỳ gồm Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Dư Mỹ, Trần Trung Đạo, Lê Mai Lĩnh sẽ sang “quậy” ở CALI. Ông “chứa” chúng tôi chứ. Hãy chuẩn bị rượu từ bây giờ cho chúng tôi “tắm”. OK.

 

Hartford (Connecticut) 25-1-1997